Bài phát biểu "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" - Mẫu bài phát biểu về an toàn vệ sinh thực phẩm
Nội dung chi tiết:
Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đắc lực cho việc giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương, quốc gia.
Sau đây, Download.com.vn xin giới thiệu đến các bạn Mẫu bài phát biểu "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" được chúng tôi tổng hợp và đăng tải ngay sau đây. Mời các bạn cùng tham khảo.
Bài phát biểu "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" - Mẫu 1
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa........................................
An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh chính trị và quan hệ quốc tế.
Ngộ độc thực phẩm và các bệnh dịch do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của con người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng lớn cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm đáng kể năng suất lao động.
Bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và bảo đảm cho phát triển giống nòi của mỗi Quốc gia, là nền tảng cho xoá đói giảm nghèo.
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề ATTP, những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính Phủ rất quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đảm bảo chất luợng VSATTP. Công tác quản lý và hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn. Năm 2010, Luật An toàn thực phẩm được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ 1/7/2011 là bước ngoặt mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Cùng với những vấn đề cấp bách đó Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Có thể nói, trong những năm qua hành lang pháp lí về vệ sinh an toàn thực phẩm đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng về yêu cầu quản lí Nhà nước và hội nhập quốc tế. Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lí nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường và có hiệu quả cao hơn. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, huy động được các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được chú ý nâng cao năng lực. Nhiều vụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng đã được các cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn, có những vụ đã được đưa ra xử lý hình sự.
Tất cả những vấn đề trên đã làm giảm dần số vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bức xúc: Chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng một số nơi rau quả bị ô nhiễm hoá chất độc hại; thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản của một số cơ sở sản xuất còn dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép; việc sử dụng các hoá chất, phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm còn khá phổ biến; việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, lễ hội, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp chưa được quản lý tốt. Nhận thức và thực hành của người lãnh đạo, quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Tuy nhiên không phải chỉ có nước ta mà cả thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ rất phức tạp của vấn đề VSATTP. Theo báo cáo của WHO, hơn 1/3 dân số các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm gây ra. Ở các nước đang phát triển tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều, hàng năm gây tử vong gần 2,2 triệu người. Dịch Cúm A(H5N1) đã xuất hiện ở hầu hết các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Trung đông gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế. Những năm gần đây Việt Nam là một trong nhiều nước bị nhiễm virus cúm A/H5N1; H1N1, theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam là nước có số ca mắc và tử vong do cúm A/H5N1; H1N1 cao so với Thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo trong thời gian tới có thể virus cúm gia cầm biến chủng thành chủng mới có động lực cao, lây truyền từ người sang người, ước tính có khoảng từ 1- 40 triệu người sẽ tử vong. Bệnh cúm A/H7N9 đang lây lan nhanh ở Trung Quốc là vấn đề đáng lo ngại với một nước láng giềng như Việt Nam. Trong khi các bệnh dich này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vac xin dự phòng thì một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch, tăng cường giám sát, xử lý triệt ổ dịch.
Ở nước ta, việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, phân tán. Nhận thức về VSATTP của người sản xuất, người tiêu dùng nhất là người dân còn rất hạn chế. Công tác đảm bảo VSATTP ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ô nhiễm thực phẩm vẫn tồn tại ở tất cả các khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm. Hiện nay, các vấn đề bức xúc nhất đã và đang làm cho cả xã hội nhức nhối đó là:
1. Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp.
2. Tình trạng tồn dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong rau quả, dư lượng kim loại nặng, hoóc môn, kháng sinh trong sản phẩm động vật.
3. Vấn đề VSATTP trong giết mổ gia súc gia cầm.
4. Tình trạng thực phẩm nhập lậu qua biên giới.
5. Việc buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên thị trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm chủ yếu vẫn ở trình độ thấp, hệ thống quản lý VSATTP ở các cấp còn chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý VSATTP.
Để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý về chất lượng VSATTP, lập lại trật tự kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” (tức là phải đảm bảo ATTP ngay từ khi nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khi chế biến, phân phối lưu thông và tiêu dùng), từ năm 1999 Thủ tướng chính phủ đã chỉ thị hàng năm tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh thực phẩm” để báo động và thức tỉnh cho toàn xã hội về những nguy cơ mất VSATTP, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, các bộ ngành các cơ quan và cả cộng đồng tham gia vào việc tích cực phòng chống ngộ độc thức ăn, bệnh dịch do ăn uống và lập lại kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Thưa quý vị đại biểu!
Thực tế trên đại bàn ............. những năm gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đã có chiều hướng giảm, nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc tại các lễ hiếu, hỉ vẫn thường xảy ra. Điển hình, trong… tháng đầu năm ............., trên toàn ............. đã xảy ra ……vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số hơn …… người mắc, đưa tổng số ca mắc ngộ độc thực phẩm trong toàn tỉnh lên …… người, trong đó tại huyện …… xảy ra…… vụ ngộ độc với …… người mắc.
Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay với Chủ đề: ‘‘An toàn thực phẩm Bếp ăn tập thể’’, nhằm huy động tất cả các lực lượng trong toàn xã hội tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các đơn vị, các doanh nghiệp, trường học có tổ chức bếp ăn tập thể đông người cần nâng cao trách nhiệm và cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm VSATTP.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, quyền được sử dụng thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của mỗi công dân. Để bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, tôi đề nghị Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm ............. gắn với năm tiêu chí:
+ Tại …… xã, thị trấn tổ chức các đợt sinh hoạt ở bản, tổ dân phố nâng cao kỹ năng cho người dân sản xuất sản phẩm an toàn, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để thay đổi hành vi của người dân gắn tại các cơ sở chế biến thực phẩm. Tại các địa phương việc thực hiện 3 không gồm: không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không sử dụng phụ gia hóa chất cho thực phẩm không có trong danh mục, bị cấm.
+……xe ô-tô, xe máy và phương tiện vận chuyển gia cầm nhập lậu khi bị bắt phải được xử lý đúng pháp luật tạm ngưng, giữ hoặc tịch thu;
+ Đảm bảo các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm;
+ Giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể trong tháng hành động so với cùng kỳ năm…… và duy trì cho đến cuối năm;
+ 100% các cơ sở, chế biến, kinh doanh thực phẩm được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Để tháng hành động đạt kết quả tốt tôi yêu cầu ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn thực phẩm đến tất cả người dân; yêu cầu các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đánh giá thực hiện quy định về an toàn thực phẩm, ký cam kết về an toàn thực phẩm; đẩy nhanh việc phát triển vùng và hộ dân sản xuất, chăn nuôi an toàn bảo đảm vệ sinh thú y, nhất là gia cầm, gia súc, thủy hải sản; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán thực phẩm nhập trái phép không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử lý các chủ phương tiện và phương tiện tham gia vào việc buôn lậu, tiêu thụ gia cầm trái pháp luật. Đồng thời yêu cầu các cơ quan có liên quan cần có giải pháp và quản lý chặt chẽ việc sản xuất; vận chuyển, bảo quản; chế biến và tiêu thụ thực phẩm. Trong đó, đặc biệt chú trọng hai vấn đề nổi cộm là nhập khẩu gia súc, gia cầm trong bối cảnh nguy cơ cúm A/ H5N1 đã xảy ra trong thời gian qua và cúm A/H7N9 trong giai đoạn hiện nay và mất an toàn VSATTP trong các bếp ăn tập thể.
Với mục đích cuối cùng là vì thực phẩm an toàn, vì sức khỏe cộng đồng, tôi xin tuyên bố khai mạc Lễ phát động Tháng hành động vì CLVSATTP năm ..............
Kính chúc quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Chúc Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm ............. thành công tốt đẹp !
Xin trân trọng cảm ơn !
Bài phát biểu "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" - Mẫu 2
Kính thưa quý vị đại biểu!
Hoà chung với không khí sôi nổi, hưởng ứng Lễ phát động “Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm” năm ........... của huyện ................ Thay mặt Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm Thị trấn, tôi xin trân trọng gửi lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc tới quý vị đại biểu về dự lễ phát động hôm nay.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, sự phát triển giống nòi mà còn tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá, du lịch, thương mại và an sinh xã hội. An toàn thực phẩm còn là biểu hiện sự văn minh của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông phân phối, của người sử dụng, của mỗi địa phương và mỗi quốc gia. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người.
Ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của con người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm đáng kể năng suất lao động. Do đó, bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần tích cực vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và bảo đảm cho phát triển giống nòi của mỗi quốc gia, là nền tảng cho xoá đói giảm nghèo.
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề ATTP, những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính Phủ rất quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đảm bảo chất luợng VSATTP. Công tác quản lý và hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn.
Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường và có hiệu quả cao hơn. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, huy động được các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm đúng mức.
Những nỗ lực của Nhà nước và toàn thể cộng đồng trong thời gian qua đã làm giảm dần số vụ ngộ độc thực phẩm. Nhận thức đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đã tăng dần qua các năm.
Nhân dịp này, tôi xin biểu dương những sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ............... nói chung và trên địa bàn thị trấn ............... nói riêng, đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và không thể giải quyết được triệt để trong một tháng hay là cả một năm. Theo báo cáo trong 4 tháng đầu năm ..........., trên toàn tỉnh ............... đã xảy ra …… vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số hơn ….. người mắc, đưa tổng số ca mắc ngộ độc thực phẩm trong toàn tỉnh lên …… người, trên địa bàn Thị trấn ............... chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào nhưng Thị trấn ............... là nơi giao lưu, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của huyện, dân cư đông đúc, nhiều cơ quan, ban ngành của huyện đóng trên địa bàn, với …… cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống trình độ văn hóa, nhận thức của nhân dân và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn không đồng đều nên vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là do ô nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh, do nhiễm lẫn các loại hoá chất độc hại, do quá trình bảo quản, lưu thông hàng hoá; do sử dụng không đúng cách các loại phụ gia, phẩm màu nhằm làm tăng thời gian sử dụng và độ hấp dẫn của thực phẩm; hoặc do bản thân các loại thực vật, động vật có độc như: các loại nấm độc, cóc, một số loại côn trùng.
Ngộ độc thực phẩm thường không gây tử vong cấp ở nhiều người như các loại dịch bệnh khác nhưng sử dụng thực phẩm không an toàn dẫn đến tồn dư các loại hoá chất độc hại trong cơ thể sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho sức khoẻ con người như các bệnh về gan, thận, ung thư… Và cùng với những diễn biến phức tạp của các bệnh dịch lây truyền qua thực phẩm, như: Tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 và cúm A/H7N9… thì cả cộng đồng đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ về sức khoẻ và tính mạng. Điều này cho thấy việc đưa luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống đang trở nên cấp thiết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, bao gồm trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để khẩu hiệu: “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể” của tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm ........... thành hành động thiết thực và được triển khai rộng khắp, tôi đề nghị:
1. Các cơ quan, ban, ngành đóng trên địa bàn thị trấn, cấp uỷ chi bộ các Tổ dân phố hãy chủ động tích cực tham gia tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề “An toàn thực phẩm bếp Ăn tập thể” Chỉ đạo triển khai tốt lễ phát động tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các Tổ dân phố, các cơ sở kinh doanh, chế bến thực phẩm trên địa bàn thị trấn nhằm huy động toàn thể nhân dân tham gia vào các hoạt động bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
2. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là UBND Thị trấn chỉ đạo, xây dựng và triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để các hoạt động này không chỉ diễn ra trong tháng hành động mà còn là hoạt động xuyên suốt trong năm và tập trung cao điểm trong các dịp lễ, tết.
3. Trạm Y tế thị trấn có trách nhiệm kiểm tra giám sát nắm bắt và tham mưu xử lý kịp thời, thu dung và điều trị bệnh nhân khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nhằm hạn chế thấp nhất tác hại của thực phẩm không an toàn, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn, thách thức và là việc làm đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ và lâu dài, Chúng tôi mong muốn rằng các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các trường học, doanh nghiệp và mỗi người dân hãy coi công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mình, vì bản thân mình, vì gia đình mình và vì toàn xã hội. Mỗi chúng ta hãy là một giám sát viên đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thay mặt ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm Thị trấn, chúng tôi nhiệt liệt hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề ‘‘An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”.
Kính chúc sức khoẻ và hạnh phúc tới các quý vị đại biểu!
Xin trân trọng cảm ơn!