Bài tập làm văn mẫu Lớp 7 số 6 (Đề số 1 đến đề số 5) - Những bài văn mẫu lớp 9

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 361 KB
Lượt tải: 35
Nhà phát hành: Sưu tầm


Lâu lâu chia sẻ cùng các bạnBài tập làm văn mẫu Lớp 7 số 6 (Đề số 1 đến đề số 5): Bài tập làm văn mẫu Lớp 7 số 6 (Đề số 1 đến đề số 5) dành cho các bạn học sinh tham khảo để lấy ý tưởng cho bài tập làm văn số 6 lớp 7 của mình. Sau đây, mời quý thầy cô giáo và các em cùng tham khảo.

Nội dung chi tiết:

Để giúp các em học sinh có nhiều ý tưởng hay cho bài viết số 6 lớp 7 môn Tập làm văn. Download.com.vn xin giới thiệu đến các bạn bộ sưu tập Bài tập làm văn mẫu Lớp 7 số 6 (từ đề số 1 đến đề số 5). Hi vọng, những bài văn mẫu hay lớp 7 dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm nhiều ý tưởng hay cho bài viết số 6 lớp 8 một cách tốt nhất. Chúc các em học tốt!

Bài văn mẫu lớp 6 số 7 đề 1: Em hãy tả quang cảnh một phiên chợ theo tưởng tượng của em

Lập dàn ý Em hãy tả quang cảnh một phiên chợ theo tưởng tượng của em

1. Mở bài

Giới thiệu chung về phiên chợ quê em.

2. Thân bài

* Địa điểm họp chợ? Thời gian họp chợ?

* Quang cảnh họp chợ như thế nào: Tả cảnh phiên chợ quê theo một thứ tự nhất định.

- Miêu tả bao quát

- Ồn ào, đông đúc.

- Nhiều màu sắc.

- Miêu tả cụ thể (Chú ý đến những đặc sản của chợ quê em)

- Các dãy hàng bán trong chợ: Các mặt hàng, màu sắc, hình dáng của các loại hàng, các mùi vị đặc biệt của chợ.

- Cảnh mua bán trong chợ: Tả một vài hàng tiêu biểu.

- Các hoạt động khác ngoài hoạt động mua bán: Ăn uống, trò chuyện,...

3. Kết bài

- Cảm nghĩ, tâm trạng của em mỗi lần đến chợ.

- Tình cảm của em với chợ quê, với quê mình.

Bài làm 1

Phiên chợ quê khác hẳn với sự ồn áo náo nhiệt của phiên chợ ở thành phố, và hôm nay tôi được về quê để được tận hưởng cái không khí thanh bình ấy. Vừa vùng ra khỏi chăn, tôi thấy mọi người trong làng đang rủ nhau đi chợ, người đi bộ, người chở hàng hóa, cảnh phiên chợ hiện lên trong mắt tôi sao mà thân thương gần gũi.

Chợ quê tôi nằm ngay đầu làng, bên cạnh dòng sông Hồng với những dòng nước trong xanh. Ngày nào chợ cũng họp từ sớm tinh mơ khi gà chưa gáy đến khi bóng mặt trời đã xế tà, nhưng phiên chợ chính thì chỉ có vào những ngày mồng 6, 10, 16, 20, 26, 30 hàng tháng. Vào phiên chợ chính, hàng hóa được bày bán ở đây rất đa dạng và phong phú.

Từ tinh mơ, những người bán hàng đã mang hàng ra chợ bày biện hàng hóa, ai cũng mong tìm được chỗ ngồi tốt và bán được nhiều hàng. Trời sáng rõ hơn, những người đến mua đã bắt đầu đến chợ, khoảng 6h sáng chợ đã đông vui tấp nập. Từ xa nhìn lại, chúng ta đã cảm nhận được sự vui tươi đang diễn ra ở bên trong.

Ngoài hàng hóa ra, trong chợ còn có những quán bún phở, mùi vị phở thơm phức, bốc khói nghi ngút, mời gọi thực khách rẽ vào quán ăn. Phở quê tôi vừa rẻ vừa ngon khiến ai cũng muốn dừng chân để vào quán thưởng thức món ăn của quê hương. Phiên chợ quê không chỉ xuất hiện những người bán và người mua mà còn xuất hiện những em bé với những bộ quần áo xanh đỏ theo cha mẹ ra chợ. Em nào cũng nở nụ cười tươi trên khuôn mặt. Thấy phiên chợ đông đúc và có nhiều đồ đẹp, các em cứ chạy lung tung, hò hét thích thú.

Các bà, các mẹ, các chị đang lựa chọn để mua những mặt hàng cần thiết cho gia đình như rổ giá, chiếu gối, đồ điện. Hàng thịt cá đông nghịt người mua, những phản thịt tươi ngon, những chậu cá với những con cá to, đang bơi lội. Dạo qua một vòng khu bán hoa quả, tôi lại muốn được ăn những quả lê quả ổi chín mọng... Tôi thấy hiện lên trong tâm trí mình hình ảnh người nông dân phải một nắng hai sương để tạo ra chúng, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đối với những người nông dân. Không chỉ có vậy, chợ quê tôi còn có nhiều loại bánh rất ngon, bánh chưng, bánh rán, bánh nếp,...Khi nào đi chợ tôi cũng phải thưởng thức một trong những loại bánh đó và chúng đã làm tôi nhớ mãi cái đặc trưng của phiên chợ quê tôi.

Tất cả những hàng hóa được bày bán ở đây đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng cỏ nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất. Cũng có những người đi chợ không mua sắm mà họ đi ngắn, đi bình phẩm hoặc đi chơi chợ. Buổi chiều, người đến chợ thưa dần, đến cuối chiều, khi mặt trời khuất sau núi chợ mới tan.

Buổi chợ quê diễn ra thật đông vui tấp nập, nó đã cho thấy sự no ấm đủ đầy của người dân quê tôi. Tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra tại vùng quê này và có cơ hội được tận hưởng cái hay cái đẹp của phiên chợ quê, tôi sẽ thường xuyên về quê hơn để được tận hưởng cảm giác này.

Bài làm 2

Một ngày mới bắt đầu với tiếng gà gáy nhộn nhịp - dấu hiệu cho sự khởi nguồn. Tôi vùng dậy ra sân tập thể dục và bắt gặp đoàn người gánh gồng hàng hóa qua đường. Tôi chợt nhận ra hôm nay là ngày họp chợ - nơi nằm giữa trung tâm thị trấn Lộc Bình. Tôi bất giác liên tưởng đến bầu không khí vui tươi đang diễn ra. Sự sầm uất không thể thiếu trong mỗi phiên chợ. Một thoáng bồi hồi tôi nhận ra: Chợ quê tôi sao mà đẹp quá.

Quả thật nếu ai có dịp đến với Lộc Bình thì như có phép màu làm họ không muốn rời khỏi nơi đây, bởi chợ nằm bên con sông Kì Cùng đã tạo cho khu chợ cảm giác vui tươi qua từng nhịp chảy của nó. Chợ thường họp năm ngày một lần từ sớm tinh mơ khi gà chưa gáy đến khi bóng mặt trời đã xế tà. Tờ mờ sáng những người nông dân đã cần cù mang hàng hóa ra chợ bán, họ mong tìm được chỗ ngồi tốt và bán được nhiều hàng. Khoảng 6h sáng chợ đã đông vui tấp nập. Nào người lái buôn, người bán hàng, người mua, tất cả đang đổ dồn về phía trung tâm thị trấn. Ở ngay đầu chợ cũng có thể cảm thấy được sự vui tươi đang diễn ra ở bên trong. Hương gạo nếp, mùi bánh phở nghi ngút bốc ra như mời gọi thực khách rẽ vào quán ăn. Quả thật phở Lộc Bình vừa rẻ vừa ngon khiến ai cũng muốn dừng chân để vào quán thưởng thức món ăn của quê hương. Mặt trời nhô cao dần rồi nhú lên cho kì hết, chiếu rọi những ánh nắng chói chang, rừng rực xuống nhưng vẫn không ngăn cản được dòng người ở phía dưới. Đối với trẻ thơ, đi chợ cùng cha mẹ như một thú vui, các em được bố mẹ mặc cho những bộ quần áo đẹp, nhiều màu sắc sinh động để cùng hòa mình vào dòng người tấp nập. Tiếng trò truyện hòa vang cùng tiếng rao làm vang động khắp khu chợ. Các bà, các mẹ, các chị đang lựa chọn để mua những hạt gạo thơm ngon nhất về cho gia đình. Các em bé tập chung tại hàng bánh kẹo, lựa chọn cho mình những loại kẹo ngon nhất. Hàng điện dân dụng không ngớt khách. Hàng hoa quả là nơi tôi thích nhất. Khi nhìn những quả mận còn nguyên phấn trắng, sương còn đọng trên những chiếc lá là tôi lại cảm nhận được nỗi thức khuya dậy sớm của người nông dân để có thành quả là những trái mận to tròn, mọng nước như vậy. Những quả táo đỏ hồng, những quả cam sành trĩu nặng được người lái buôn mang về đây để phục vụ cho người dân. Phía dưới nữa là những cửa hàng bán đồ dùng học tập như: Bút, thước, màu... Những quán chè là nơi dừng chân lí tưởng để giảm bớt sự nóng bức của mùa hè. Hàng quần áo phục vụ cho cả người già, người trung niên và người trẻ đủ màu sắc xanh đỏ, tím vàng .. rất ưa nhìn. Chợ càng đông hơn khi xuống đến nơi mua bán gia xúc, gia cầm, những chú lợn con hồng hào đang kêu éc éc như đang nhớ mẹ. Những "bé" gà, "bé" vịt lông ánh vàng trông đáng yêu làm sao. Hàng thịt còn tươi roi rói, màu hồng đào. Tất cả những hàng hóa được bày bán ở đây đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng cỏ nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất rồi như cất lên trời cùng thưởng thức. Cũng có những người đi chợ không mua sắm mà họ đi ngắm, đi bình phẩm hoặc đi chơi chợ. Đến cuối chiều, khi mặt trời khuất sau núi chợ mới tan.

Ai cũng có một miền quê sinh ra do đó ai cũng có hình ảnh của phiên chợ quê trong lòng. Ai cũng có tuổi ấu thơ từng mong bà, mẹ, chị về để có quà, có khi chỉ là một cái kẹo, củ khoai có khi còn ngon hơn cả đặc sản đắt tiền. Tôi sẽ không thể quên được khu chợ quê - nơi tôi sinh ra. Nó đã để lại những ấn tượng không bao giờ phai trong tâm trí tôi.

Bài làm 3

Sáng hai mươi tám tháng chạp, em dọn dẹp và trang trí nhà cửa nên không kịp đi chợ Tết. Đến tối mệt quá vì cả ngày hôm nay phải làm việc, vừa vào giường em đã ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ em mơ thấy mình được đi chợ cùng mẹ.

Tờ mờ sáng, chợ đã nhộn nhịp. Khác hẳn ngày thường. Chợ Tết đông nghìn nghịt, chật cứng cả lối đi. Người người qua lại tấp nập, đông vui như hội. Trong đó không ít người đến chợ chẳng phải mua bán thứ gì mà đơn thuần chỉ là để thưởng ngoạn hương vị ngày Tết.

Ở đây, hàng hóa nhiều vô kể. Hàng đầu tiên là hoa quả. Hoa tràn ngập, hoa muôn hình, muôn vẻ, hoa tầng tầng lớp lớp như một đám lửa rực sáng trong không gian. Từ hoa cúc vàng rực như những ông mặt trời bé nhỏ, hoa hồng kiều diễm như một cô công chúa, đến hoa cẩm chướng rực rỡ màu sắc: Đỏ, cam, vàng... Mỗi loài hoa đều có một hương thơm và màu sắc quyến rũ. Trái cây thì nhiều đến lạ lùng. Dưa hấu được chất thành từng đống lớn. Những quả dưa to và tròn nằm gọn ghẽ trông như đàn heo con. Những quả cam sành mọng nước, những quả quýt nổi bật trên nền đỏ thẫm của những quả táo đỏ vỏ bóng mượt, nhìn đã thấy ngon miệng. Bưởi được bọc trong một lớp giấy bóng đỏ, trên đó vẽ rất nhiều chi tiết tượng trưng cho sự may mắn, bình an.

Vào trong chợ, em bị thu hút bởi hàng quần áo. Cô bán hàng đon đả, khéo léo nên tìm được bộ quần áo ưng ý, mẹ con em đồng ý mua ngay. Bên cạnh đó là những xấp vải mới tinh còn thơm mùi sợi. Rời hàng quần áo là đến hàng bánh, mứt, kẹo. Chỗ này tỏa ra một mùi thơm ngọt ngào, hấp dẫn đối với người mua. Nào là mứt bí, mứt dừa... rồi kẹo dẻo, kẹo mềm. Những hạt sen tròn trĩnh được bao bọc bởi một lớp đường cát trắng tạo nên món mứt sen bùi bùi, thơm thơm. Những viên sô-cô-la hình bông hồng, những viên kẹo với vỏ bọc đủ màu sắc. Cạnh đó là hàng bánh chưng, bánh tét. Bánh được người bán hàng gói rất cẩn thận.

Đi sâu hơn là nơi bán thực phẩm. Thịt lợn, thịt bò, gà, vịt, tôm, cua, cá,... toàn là những thức ăn thơm ngon, bổ dưỡng và còn rất tươi. Người mua ở đây cũng rất đông và tấp nập. Rau cũng rất phong phú. Nào là rau muống, bắp cải, súp lơ, đậu Hà Lan, những củ hành tây, cà rốt, những quả dưa chuột dài và to,... Ra bên ngoài, em mới để ý đến dãy bán tổng hợp là nơi bán chậu hoa, cây kiểng được bày ở một khu đất rộng nhất. Những chậu quất có quả chín vàng ươm. Những chậu mai rực rỡ với những bông hoa năm cánh. Mọi thứ đều hòa quyện vào với nắng ban mai.

Vừa đi em vừa quan sát, trong cảnh mua bán mọi người không hề thấy mệt. Người đi đông như trẩy hội. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng, tíu tít.

Đang mơ màng giữa không khí của chợ Tết, em chợt tỉnh giấc bởi tiếng gọi của mẹ. Mở mắt ra, em đã thấy mẹ đứng ở cửa, hai tay xách hai túi to và nặng. Em chạy vội ra cửa giúp mẹ xách đồ vào nhà. Thật bất ngờ khi mẹ mua cho em quần áo, giày dép mới. Và còn có cả một chậu mai nữa! Em vui vẻ mỉm cười nghĩ về giấc mơ được đi chợ Tết cùng mẹ.

Bài văn mẫu lớp 6 số 7 đề 2: Từ bài Lao Xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời

Dàn ý: Từ bài Lao Xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời

1. Mở bài:Giới thiệu chung về khu vườn.

2. Thân bài: Vừa tả vừa bộc lộ cảm nghĩ, vừa nhận xét đánh giá.

- Tả bao quát: Không khí buổi bình minh (bầu trời, nắng, gió) hình ảnh đầy sức sống của cây cối (màu sắc, âm thanh, hoạt động, ...)

- Tả chi tiết:

- Các loài cây: Lá, cành, quả, ...

- Các loài chim: Màu sắc, tiếng hót, hoạt động, ...

3. Kết bài:Nêu cảm nghĩ của em về khu vườn đã tả

Bài văn mẫu: Từ bài Lao Xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời

Bài làm 1

Ò...Ó...O! Đó là "chiếc đồng hồ" thật quen thuộc của tôi. Sáng nào nó cũng chuyên cần báo thức cho mọi người dậy. Tôi nhanh chóng dậy vào khu vườn để hít thở không khí trong lành vào mỗi buổi sáng, đó là thói quen của tôi.

Khu vườn nhà tôi rộng hơn ba mẫu đất, nằm ở phía sau nhà. Tôi được nghe bố kể rằng: "Trước đây, ông nội có một mảnh vườn để trống, nay ông mất ông để lại khu vườn cho bố".

Từ sáng sớm, tôi đã ra vườn. Tôi trìu mến ngắm nhìn những chiếc lá còn sót lại những hạt sương đêm. Những giọt sương trong suốt như những giọt kim cương nhỏ, ánh lên thật lung linh, óng ánh.

Ông Mặt trời thức dậy, ban phát cho trần gian những dải nắng vàng nhạt. Ngước lên trời, tôi thấy những màn sương tan dần hết, lộ ra bầu trời trong xanh và mênh mông. Cả những bông hoa, những chú chim đã tỉnh giấc, bắt đầu một ngày mới trong khu vườn.

Bao bọc quanh vườn là lũy tre già dày đặc, màu rêu, cành đầy những gai nhọn hoắt, đan xen nhau tạo nên bức tường thành vững chắc, dẻo dai. Sáng sớm mùa hè, đủ các loại âm thanh được tấu lên như một bản nhạc làm rộn rã cả khu vườn. Tiếng gió rì rào trong vòm lá vải thiều xanh bóng. Những quả vải thơm ngọt với những trái chín đỏ tươi. Tiếng tu hú chốc chốc lại vang lên "tu hú". Tiếng tu hú kêu tức là lúc báo hiệu mùa quả chín. Những trái đu đủ vàng đậm, thơm lừng, nhìn trông thật thích mắt. Còn cây mít thì đứng sừng sững, thân cao, tán lá rộng.

Ở góc cuối vườn, khung cảnh thật thoáng đãng. Nhìn kìa, cây nhãn bây giờ đã bắt đầu trổ hoa. Hoa nhãn nhỏ xíu, màu vàng, hương thơm ngọt ngào, dễ chịu. Có lẽ, tôi thích nhất là cây xoài. Hàng chục gốc xoài cát đã chín, chỉ chờ dịp thu hoạch. Những quả xoài chín mọng, mùi thơm hấp dẫn, khó quên, lúc lỉu trên cây.

Những chú ong mật chuyên cần, siêng năng đánh lộn nhau để hút mật. Đàn bướm hiền lành, bỏ chỗ bay lao xao, đôi cánh mỏng, phô ra đủ sắc màu sặc sỡ. Hoa lan nở trắng xóa, thơm đậm. Hoa móng rồng bụ bẫm, mùi hương thoảng qua trong gió, lan ra khắp vườn. Cả hương bưởi dịu nhẹ trong những vòm lá xanh non. Không khí buổi sáng trong vắt, thơm ngát mùi cỏ dịu nhẹ, mùi trái chín nồng nàn và cả mùi của những bông hoa thấm đậm vào sâu trong từng mạch đất.

Dưới gốc cây, mẹ con nhà chị gà đang bắt mồi. Những cái mỏ nhọn hoắt, cứ quặp xuống đất để kiếm mồi ngon. Mấy chú gà con tinh nghịch, chạy lon ton chơi. Bỗng một tên quạ bay vút đến, định bắt những chú gà con thì một đàn chim chèo bẻo lao ra như mũi tên. Cuộc chiến bắt đầu. Chèo bẻo thường trị tội những kẻ ác. Chèo bẻo vây tứ phía, đánh quạ túi bụi. Đàn gà con sợ hãi, rúc vào nách mẹ, thò chiếc đầu nhỏ và đôi mắt tròn xoe ra, mắt trước mắt sau nhìn xem có kẻ thù không. Khi thấy an toàn, nó mới ra ngoài.

Tiếng "gù gù" kêu thật khẽ. Đó là tiếng kêu của chú chim bồ câu – biểu tượng của hòa bình. Những chú chim bồ câu trắng, bay đi bay lại quanh khu vườn. Cả tiếng chích chòe kêu lích rích thật dễ thương.

Buổi sáng trong khu vườn thật trong lành và dễ chịu. Tôi yêu từng gốc cây, ngọn cỏ, yêu từng trái chín, yêu cả những âm thanh rộn rã, nhộn nhịp của những sinh vật nhỏ bé, dễ thương. Ngày ngày, tôi thường cùng bố chăm sóc cho khu vườn thêm xanh, sạch, đẹp. Khu vườn chính là nguồn vui của tuổi thơ tôi.

Bài làm 2

Tôi là người rất yêu cây cối, cứ đi đến đâu, thấy vườn cây um tùm, xanh tốt là tôi thấy hân hoan trong người. Tôi yêu vườn cây vì nhà tôi cũng có một khu vườn nhỏ, khu vườn đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm, giúp tôi khôn lớn trưởng thành.

Buổi sáng hôm nay tiết trời rất mát mẻ và dễ chịu. Cái mát của buổi sáng làm lòng người dễ chịu và khoan khoái vô cùng. Chạy ra vườn, tôi thoáng nhìn những tia nắng nhỏ nhảy múa lăn tăn trên lối đi, trượt xuống những tàu lá, trải dài trên những cánh hoa. Dường như nắng cũng muốn làm nhẹ lòng con người nên không hề gay gắt, nóng nảy mà ấm áp, nhẹ nhàng như những cô bé mến yêu. Dấu hiệu của một ngày bình yên đẹp đẽ!

Vì đêm qua có trận mưa, đất vừa mới tiếp thêm cho chúng nguồn nước mới - nguồn nhựa sống nóng hổi tràn trề đã làm cho hoa lá thêm hăng hái, phô bày hết vẻ đẹp của mình. Tôi ngước nhìn lên những tán dừa đong đưa. Xanh, xanh non, xanh óng ả, xanh đến kì lạ! Nắng mới trong trẻo càng làm cho màu non tươi thêm rực rỡ.

Ở góc vườn nhà tôi là một cây dừa cao chót vót, với chùm dừa trĩu quả trên ngọn. Dừa lớn tuổi hơn tôi nhiều lắm. Mẹ kể, trước khi tôi chào đời, lúc cha mẹ mua mảnh đất này thì ở đây đã sẵn có cái ao và mấy hàng dừa. Bên dưới hàng dừa là cái ao. Ao không lớn nhưng đủ chỗ cho chiếc xuồng nhỏ. Tôi vẫn thường leo lên chiếc xuồng ấy, vớ lấy một khúc sào đủ dài và bắt đầu cuộc thám hiểm quanh... ao của mình. Ao nhà tôi nước không trong mà đục đục màu đất, hắc hắc mùi bùn. Chẳng thấy bóng dừa nào in xuống cả, cũng chẳng thấy được màu xanh ngắt của bầu trời - cái màu mẹ vẫn gọi là màu mắt xa xăm chờ đợi hoàng tử của nàng công chúa trong truyện cổ xưa.

Mặc dù vườn không rộng nhưng mẹ vẫn để một ít đất cho tôi trồng những gì mình thích. Và tôi trồng hoa, rất lạ, tôi chỉ yêu hoa dại. Tôi yêu đến vô cùng cái hoang sơ kì lạ, cái thu hút khó lí giải ở những loài hoa không tên này - những loài hoa mà hầu như con người ít chú ý đến, những loài hoa tưởng như chỉ có thể tìm thấy thi thoảng ở một vài hàng rào nơi nông thôn, hay ở vệ đường từ quê ra tỉnh. Tôi đặt cho chúng cái tên riêng của tôi: Mặt trời và Mặt trăng. Hôm nay, rất nhiều, rất nhiều những bông hoa nhỏ nhắn xinh xinh nở rộ. Có hoa màu vàng, không nhạt nhẽo như cúc, mà vàng rực, đầy nhiệt huyết và sức nóng như mặt trời. Có màu hoa trắng, không quá kiêu sa như hoa li mà dịu dàng thanh khiết như mặt trăng. Hằng trăm Mặt trời, Mặt trăng tí hon nổi bật trên nền lá xanh rậm rì, điểm những giọt nước mắt của trời đêm qua lấp lánh, long lanh... Tấm thảm tuyệt vời của người thợ dệt thiên nhiên. Vẻ đẹp cuốn hút, đem đến cho con người sự say mê bình lặng đến không ngờ.

Khu vườn nhà tôi tuyệt đẹp như vậy đấy. Khi đi đâu một vài ngày tôi đã nhớ khu vườn như nhớ người bạn thân của mình. Khu vườn đã tiếp thêm sức sống cho gia đình tôi, che mát cho chúng tôi vào ngày hè nóng bức, cung cấp những trái quả thơm ngon cho chúng tôi thưởng thức và nó còn chia sẻ những lúc vui buồn cùng tôi. Tôi sẽ nhớ mãi khu vườn nhà mình và sẽ làm khu vườn ngày càng đẹp và phong phú hơn.

Bài làm 3

Thứ bảy tuần trước, tôi cùng bố mẹ về quê thăm ông bà. Tôi rất háo hức vì đã hơn một năm rồi tôi chưa về thăm ông bà. Tôi nhớ ông bà, nhớ căn nhà nhỏ và cả khu vườn thân yêu.

Sáng chủ nhật, tôi chạy ra vườn chơi. Quả là một buổi sáng đẹp trời! Bầu trời trong vắt, không một gợn mây, Mặt Trời uy nghi ngự trị trên cung điện lộng lẫy những tia nắng ngắm nhìn vạn vật.

Bây giờ tôi mới cảm thấy khu vườn này quả là đẹp và có lẽ đẹp nhất vào những buổi ban mai như thế này. Anh Trống Cồ đã cất tiếng gáy, sân nhà rộn rã nhưng trong vườn còn náo nhiệt hơn. Chị Mái mơ dẫn đàn con đi kiếm mồi. Đàn gà con chạy líu ríu quanh chân mẹ, đôi chân phải bước dài ra trông vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Mẹ con chị cặm cụi tìm mồi quanh những đám cỏ còn đẫm sương. Đàn vịt lạch bạch chạy ra ao rỉa lông, rỉa cánh. Tôi ngồi chễm chệ trên đống rơm, ngắm nhìn khu vườn kỳ diệu.

Cây cối lóng lánh sương đêm rạng rỡ tắm ánh nắng thu chan hòa.

- Chào anh ổi! Khỏe chứ?

- Tôi vẫn khỏe! Còn chú thế nào, chú Mít?

Thì ra cây cối trong vườn đang hỏi thăm nhau. Tôi phải công nhận vườn ông bà tôi nhiều cây thật đấy. Tôi thích nhất là cây ổi, thân cây khẳng khiu, nứt nẻ. Tuy hình dáng vậy thôi nhưng đến mùa ổi cây lại cho những trái chín vàng ươm, trái ương phơn phớt xanh rờn và ngọt lịm nữa. Dường như trông thấy tôi, nó xòa cành lá như muốn chào mừng.

Cuối vườn, các luống hoa trao đổi hương thơm và khoe sắc. Giàn thiên lý trổ hoa vàng lốm đốm đang nằm dưới nắng trên chiếc giàn xinh xắn mà ông tôi làm. Hoa lan nở từng chùm trắng xóa. Chùm hoa còn đọng lại những giọt sương long lanh như được một bàn tay khéo léo nào đó chạm trên cánh hoa những hạt châu ngọc. Những ngọn lửa cháy lên hập hùng trong tán lá xanh của hàng râm bụt. Hoa hồng kiêu sa, hoa cẩm chướng mùi thơm nồng nồng. Ảnh sáng mạ vàng những đóa cúc giản dị làm cho nó sáng rực lên như những viên kim cương.

Quanh các luống hoa, bướm bay chập chờn. Ong mật, ong vò vẽ đánh lộn nhau để kiếm mật. Rồi chim chóc bắt đầu huyên náo, vang vang khắp khu vườn là tiếng hót du dương của một cô Họa Mi. "Chích! Chích! Chích!". Chim Chích Bông chăm chỉ bắt sâu trên từng chiếc lá. Bỗng có tiếng cãi nhau chí chóe từ đâu đó:

- Miếng này là của tớ mà! - Một con bồ câu kêu lên.

- Không! Của tớ chứ! Tớ nhìn thấy trước! - Con còn lại nhanh nhảu.

Thì ra chúng đang cãi nhau về chuyện thức ăn! Ông tôi bảo sáng nào chúng cũng cãi cọ om sòm kể từ khi ông làm chiếc chuồng chim xinh xắn bằng gỗ thông này. Ông thường xuyên đặt thức ăn vào chuồng cho những chú chim mỗi buổi sớm. Trên tán lá, những chú gõ kiến leo dọc thân cây bổ mỏ lách cách.

Chà! Bây giờ tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp thật sự của khu vườn này. Một khung cảnh dung hòa nghìn thứ âm nhạc: Tiếng gió thổi vi vu, chim khẽ gù dưới lá, lá rì rào...

Một tuần trôi qua thật là nhanh. Nhưng trong suốt thời gian này tôi đã hiểu biết thêm về thiên nhiên và nhất là tôi lại thêm yêu khu vườn của tôi.

Bài làm 4

Từ ngày ông mất bố mẹ em có nhiệm vụ chăm sóc vườn. Khu vườn không rộng lắm nhưng được trồng nhiều loại cây khác nhau. Theo em có lẽ khu vườn đẹp nhất vào buổi sáng.

Vì em phải bận học nên không theo bố mẹ vào vườn được. Nhưng hôm nay là ngày chủ nhật nên em cùng bố mẹ ra thăm vườn và phụ giúp bố mẹ làm vườn. Người mở cổng vườn đầu tiên là em. Sáng hôm đó không khí trong lành mát mẻ, cảnh vật còn chìm trong màn sương đêm, bầu trời trong xanh cao vời vợi. Pha lẫn là những đám mây trắng đang trôi bồng bềnh. Trên những chiếc lá còn động lại những hạt sương sớm nó lấp lánh như kim cương. Những hàng cây đang đung đưa theo gió như nói chuyện với nhau. Những chú chim ríu rit líu lo gọi bầy. Tất cả làm nên một bức tranh thiên nhiên đẹp sinh động.

Mới bước vào vườn em đã nghe tiếng sủa của chú chó vện lông vàng đang ngoe ngoẩy cái đuôi hít hít cái mũi. Chắc nó mừng vì sau một tuần gặp lại cô chủ xa cách. Bố mẹ trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau nào là: Xoài, ổi, sầu riêng. Cây sầu riêng là loại cây cao nhất không biết nó được trồng từ bao giờ mà nó cao đến thế. Hoa sầu riêng mọc từng chùm nó tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp cả vườn.

Cây sầu riêng đã vào mùa những quả như những chú nhím treo lủng lẳng trên cành. Nó lớn dần theo từng ngày. Dọc theo hàng ranh là những hàng cây mít. Thân nó sù xì to cao khỏe như những chàng vệ sĩ canh giữ khu vườn. Mít đã ra quả non. Nhìn từ xa những quả mít như những chú heo con treo lủng lẳng trên cành rất dễ thương. Ở cuối vườn bố mẹ trồng cây măng cụt. Thân măng cụt không to lắm nhưng cành lá lại xum xuê, những tán lá của nó lớn to khép kín vào nhau còn ủ đầy sương. Quả của nó khi chưa chín thì nó phát lên một màu xanh non. Nhưng khi chín, quả tròn trịa khoác lên màu tím.

Cầm trên tay, ta có thể biết được số múi của nó. Xung quanh nhà là cây đu đủ thân cây không to lắm, nhưng quả xum xuê. Quả đu đủ dài màu vàng nghệ treo lủng lẳng trên cành. Em thích nhất là ăn đu đủ. Mặt trời càng lên cao xua đi màn sương đêm khu vườn càng nhộn nhịp hơn những chú sóc lông vàng mát dịu với những sọc đen dài trên lưng đang chuyền cành từ cành này sang cành nọ như đang tìm trái mít chín cây thơm lừng.

Nó tranh giành một trái mít chín nó kêu chíp chíp khoái chí vì có một bữa sáng ngon lành. Chị chào mào hót líu lo như đón một buổi sáng bình minh. Tất cả đã tạo nên một âm thanh "Lao Xao" của khu vườn nhà em. Khu vườn trong nắng mai của nhà em thật đẹp để lại cho em nhiều ấn tượng không bao giờ phai. Em sẽ chăm sóc khu vườn để nó luôn luôn tươi đẹp.

Bài văn mẫu lớp 6 số 7 đề 3: Em đã từng gặp ông Tiên trong những truyện cổ dân gian, hãy miêu tả lại hình ảnh ông Tiên theo trí tưởng tượng của mình

Dàn ý: Em đã từng gặp ông Tiên trong những truyện cổ dân gian, hãy miêu tả lại hình ảnh ông Tiên theo trí tưởng tượng của mình

1. Mở bài: Giới thiệu nhân vật miêu tả (Ông Tiên) Đặt tình huống cụ thể: Cuộc gặp gỡ trong mơ với ông tiên để qua đối thoại, qua quan sát miêu tả nhân vật.

2. Thân bài: Dựa vào truyện cổ tích để tả:

Ngoại hình:

Xuất hiện toàn thân toả ánh hào quang, huyền ảo.

Dáng vẻ ung dung, mặc bộ quần áo chùng cổ xưa, ống tay rộng.

Tay chống gậy trúc, hoặc cầm cây phất trần, hồ lô,...

Khuôn mặt hiền từ phúc hậu, đôi mắt tinh anh, vầng trán rộng,...

Râu tóc trắng phau, da dẻ hồng hào.

Việc làm và tính cách: Hiền hậu, hay giúp đỡ những người bất hạnh.

Luôn quan tâm theo dõi mọi chuyện trong dân gian.

Xuất hiện kịp thời để giúp đỡ người lương thiện và trừng trị kẻ ác.

Giọng nói ấm áp, ân cần, gần gũi với những người bất hạnh.

Ban phép lạ, gỡ bí cho người lương thiện.

Thường biến mất sau mỗi lần hoàn thành xứ mệnh.

3. Kết bài: Nêu tình cảm, suy nghĩ của em với ông Tiên: Yêu quý, kính trọng,... muốn làm nhiều việc thiện, việc tốt giống ông Tiên trong những câu chuyện dân gian.

Bài văn mẫu: Em đã từng gặp ông Tiên trong những truyện cổ dân gian, hãy miêu tả lại hình ảnh ông Tiên theo trí tưởng tượng của mình

Bài làm 1

Vừa đọc xong tập truyện cổ tích, em ngủ khiếp đi lúc nào không hay. Trong mơ, em thấy mình bồng bềnh rồi lạc vào một sứ sở lạ kì.

Ồ, đẹp chưa kì! Trước mắt em là cảnh vật chưa từng thấy bao giờ. Mây trắng như tuyết sà thấp xuống la đà bên những phiến đá. Cạnh đó là vườn hoa đủ sắc màu rực rỡ. Hương thơm theo gió tỏa lan. Không có nắng những ánh sáng phát ra phiến đá tròn vẫn rực hồng cả khoảng không. Em đi vài bước nữa, một rừng hoa hiện lên cho em một cảm giác thật bất ngờ. Cơn gió thổi nhè nhẹ mang theo hương hoa, cỏ lạ. Chị Hồng, chị Huệ thật xinh xắn đang say sưa ngắm mình trong bầu trong khí yên tĩnh. Một tiếng nổ nhỏ làm em giật mình. Một đám mây nhỏ đang từ từ bay về phía em. Một ông lão phương phi hiện ra. Em chưa kịp cúi chào thì ông đã lên tiếng: "Chú bé đừng sợ! Ta là Bụt đây mà!" Thì ra, đây là vị tiên đã giúp anh Khoai có cây tre trăm đốt.

Trông Bụt thật hiền từ. Dáng ông nhẹ nhàng, thanh thoát. Ông khoác lên mình chiếc áo choàng trắng với những đường viền vàng óng. Tay ông cầm chiếc gậy trúc. Mỗi bước ông đi là mỗi cụm mây nhỏ vươn theo gót chân. Mái tóc ông bạc trắng. Chòm râu dài mềm mại. Em thích được nhìn vào mắt ông. Đôi mắt hiền từ mà sáng như sao. Ông đến sát bên em. Cả người ông toát lên một mùi thơm dịu nhẹ. Ông khẽ nói: "Cháu bé ngoan lắm, làm được nhiều việc tốt ta thưởng cho đóa hoa này!" Ông đưa tay vẫy nhẹ. Lạ thât! Đóa hoa từ từ bay đến bên em. Đóa hoa rực rỡ đủ màu. Ông dặn em cất kỹ đóa hoa này. Mỗi lần em làm được việc tốt hoa sẽ tỏa hương và mọi điều ước của em sẽ thành sự thật. Ông đưa tay vuốt nhẹ lên tóc em rồi theo làn mây biến mất.

Có tiếng gọi mẹ. Em tỉnh dậy. Thì ra, đó chỉ là giấc mơ. Nhưng em cứ nghĩ mãi về đóa hoa của ông Bụt. Làm nhiều việc tốt thì hoa sẽ tỏa hương và mọi điều ước sẽ thành. Em sẽ nghe theo lời Bụt.

Bài làm 2

Kí ức tuổi thơ như dòng thác mạnh mẽ, cuốn tôi về với miền cổ tích. Kỉ niệm tuổi thơ tôi gắn với lời kể của mẹ, của bà, với nàng tiên, ông bụt. Tuổi thơ tôi là những lần vấp ngã ngồi khóc rưng rức, mong chờ ông tiên hiện ra, ban cho một điều ước diệu kì. Và bây giờ, trong mơ tôi đang trôi về cái ngày trẻ con ấy để được gặp ông tiên hiền từ của tôi.

Giấc ngủ bồng bềnh, êm ái đưa tôi bay lên cao, cao hơn cả những nóc nhà, hàng cây im lìm bên dưới, chạm tới một tầng mây mềm và ấm: "Chào mừng con đến với thế giới của những ước mơ". Một giọng trầm ấm vang lên. Tôi ngước mắt nhìn.

Ồ, kia chẳng phải là ông Tiên sao? Làm sao tôi nhầm được hình bóng thân thương mà mẹ và bà vẫn thường hay kể. Ông cao và trông gầy gầy nhưng nước da hồng hào, khoẻ mạnh, gương mặt phúc hậu. Mái tóc trắng như cước được búi cao gần sát đỉnh đầu. Chòm râu cũng trắng hệt như mái tóc, dài tới tận đầu gối, trông xa như một dòng nước bạc. Ông vận một bộ quần áo màu vàng, có những đường vân trắng kéo thành vệt như sương và đi một đôi hài mũi hếch vàng, nhạt hơn bộ quần áo. Một dáng vẻ nhàn nhã, thanh tao.

Ông bước lại gần tôi, dáng đi nhanh nhẹn.

Tôi ngước lên để nhìn ông rõ hơn. Ánh mắt ông ấm áp, trìu mến. Đôi mắt nâu hiền từ. Đôi lông mày trắng và dài rủ xuống. Ông mỉm cười, để lộ hàm răng đen nhánh.

"Ông ơi, sao ông chỉ giúp đỡ người gặp khó khăn, bất hạnh thôi ạ? Sao con ngã đau, khóc mà ông không hiện lên?" – Tôi hỏi. Ông lại cười, nụ cười của ông sao giống nụ cười của ông ngoại tôi đã mất thế cơ chứ? Ông đưa ngón tay dài khẽ gạt sợi tóc con ra khỏi mặt tôi. Bàn tay ấm áp của ông vuốt má tôi "Tại vì ông hay bất cứ thần thánh nào khác cũng đều bước ra từ ước mơ và hi vọng của con người".

Ánh mắt ông ngời sáng, chòm râu bạc khẽ rung rinh. – "Người bất hạnh gặp phải nhiều đau khổ nhưng khát vọng vươn lên tìm hạnh phúc, tìm công lí luôn rực cháy. Vì vậy, ông giúp đỡ để họ có thêm nghị lực. Việc giúp đỡ của ông chỉ như sự khích lệ, cổ vũ họ mà thôi".

À thì ra là như vậy!

Ánh mặt trời rọi qua cửa sổ, chiếu vào mặt làm tôi bừng tỉnh khỏi giấc mộng. Nhưng hình ảnh ông Tiên hiền từ và những lời ông nói vẫn vang vọng trong tôi. Ông ơi, con hiểu rồi ạ. Cổ tích không thể biến những giấc mơ thành sự thật nhưng nó sẽ tạo ra niềm tin, niềm hi vọng để ta cố gắng vươn lên.

Bài làm 3

Thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của trẻ em Việt Nam là một thế giới đầy màu sắc. Ở nơi thiên đường đó có cô Tấm dịu hiền, có anh Khoai chăm chỉ, cần cù và chàng Thạch Sanh khoẻ mạnh, dũng cảm. Nhưng người mà những đứa trẻ chúng tôi thích nhất lại là ông Tiên – cụ già tốt bụng, luôn mang đến những điều ước màu nhiệm.

Trong trí tưởng tượng của tôi, ông tiên chắc cũng chẳng khác gì ông nội là mấy. Ông cũng có mái tóc trắng, búi củ tôi như các cụ ngày xưa. Ông có đôi mắt to, tròn nhìn hết cả thế gian xem ai khó khăn, đau khổ thì giúp đỡ. Đôi mắt ấy rất hiền hậu, nhân từ như chính con người ông. Ông tôi ngày xưa có chùm râu dài đến rốn, bạc trắng nên tôi nghĩ bụt cũng vậy thôi. Da dẻ bụt hồng hào, trắng trẻo vì ăn nhiều đào tiên trên thiên đình. Ông tiên hay đi giúp đỡ người khác. Mỗi lần ông xuất hiện là lại có những đám khói trắng xoá ở đâu hiện ra mà chúng tôi thường gọi là "cân đẩu vân" của ông. Xung quanh ông tiên, những luồng ánh sáng có thể soi sáng cả thế gian. Ông thường mặc bộ quần áo màu vàng, đôi guốc mộc trông giản dị và gần gũi như ông mình. Giọng nói của ông ấm áp và ôn tổn xoa dịu hết mọi nỗi đau. Nhưng điều làm tôi yêu ông nhất chính là tấm lòng của ông. "Ông tiên tốt bụng", "cụ già mang đến nhiều điều ước" là những cái tên mà tôi đặt cho ông. Ông tiên giúp đỡ chị Tấm gặp được nhà Vua. Khi chị Tấm không có quần áo đi dự hội, ông đã hoá phép biến đống xương cá ở bốn chân giường thành bộ quần áo đẹp, thành đôi hài đỏ dễ thương và thành con ngựa hồng để chị Tấm đi dự hội. Ông tiên đã dạy cho anh Khoai hai câu thần chú để trị tội tên địa chủ và cưới được con gái hắn. Trong câu chuyện cổ tích "Bông cúc trắng" ông tiên đã chỉ đường cho cô bé hái được hoa cúc mang về chữa bệnh cho mẹ. Ông còn đến tận nhà khám bệnh, chữa trị cho mẹ cô bé hiếu thảo kia... Vậy đấy! Với cây phất trần trong tay ông đã đi khắp mọi nơi, gặp đủ hạng người, tốt có, xấu có. Nhưng chỉ những người tốt, những đứa bé ngoan ngoãn, học giỏi và hiếu thảo mới gặp được ông tiên, được ông giúp đỡ và cho điều ước. Còn những đứa trẻ hư, những người xấu sẽ phải chịu hình phạt thích đáng.

Tôi yêu ông tiên lắm. Tôi coi ông như ông ruột của mình ấy. Đã mấy nghìn năm nay, ông đi đủ mọi miền, giúp đỡ bao người. Từ hồi còn nằm nôi, tôi đã được các bà các mẹ kể về ông tiên. Đến trong mơ, tôi cũng nhìn thấy những việc mà ông đã làm để giúp đỡ bà con nghèo, người gặp hoạn nạn. Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan. Đôi lúc tôi còn lười biếng và cãi lại mẹ nhưng tôi sẽ sửa chữa, tôi sẽ cố gắng chăm học hơn, ngoan ngoãn hơn để một lần được nhìn thấy ông tiên – cụ già tốt bụng và nhân hậu của tôi.

Bài làm 4

Trong truyện cổ tích dân gian Việt Nam thường hay có sự xuất hiện của những nhân vật được gọi là ông Tiên (Phật, Bụt). Đó là những nhân vật đại diện cho công bằng trong xã hội. Ông Tiên thường là những vị thần đem lại hạnh phúc cho người nghèo khó, tốt bụng và trừng phạt những kẻ độc ác, xấu xa.

Theo trí tưởng tượng của em, Tiên ông là một ông lão quắc thước, râu tóc bạc phơ, trán cao, da dẻ hồng hào, mắt sáng, miệng tươi, dáng điệu khoan thai. Trang phục ông mặc thường mang màu trắng. Chiếc áo tay dài, đôi hài,... tất cả đều trắng tinh một màu. ông thường cầm trên tay một chiếc gậy đầu rồng hoặc đơn giản chỉ là thanh trúc vàng óng ả. Bao quanh người ông là một làn khói mỏng mờ ảo và những làn ánh sáng lấp lánh. Ông còn sở hữu một giọng nói trầm ấm khác thường, giọng nói đó đã an ủi biết bao con người khốn khổ trong bước đường cùng.

Mỗi khi ông Tiên hiện ra là một người tốt được giúp đỡ. Khi thì ông giúp cô Tấm có được quần áo đẹp để đi dự dạ hội, khi lại giúp anh Khoai kiếm được cây tre trăm đốt theo lời phú ông. Tiên ông chính là nơi bám víu cuối cùng của những con người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ. Đau đớn trước số phận của mình, họ thường viện vào thần tiên để thể hiện ước mơ và khát khao hạnh phúc.

Tiên ông không chỉ là nhân vật cứu giúp người nghèo mà còn là nhân vật đại diện cho lẽ công bằng, cho quan niệm: "Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" của nhân dân ta. Trước những kẻ xấu xa, mưu mô và thủ đoạn ông thường thẳng tay trừng trị:

"Tưởng rằng hóa đẹp như tiên
Ngờ đâu bỗng nổi ngứa điên, gãi hoài.
Khắp mình lủng lá mọc dùi,
Thành tiên chẳng thấy, hoá loài đông sơn"

Còn đối với những người hiên lành, tốt bụng thì lại được đền đáp xứng đáng. Có thể là trở nên xinh đẹp, giàu có hay đạt được những ước muốn của mình.

"Ta là Phật Tổ Như Lai,
Trời sai xuống thử lòng người trần gian,
Ai hiền ta sẽ ban ơn
Cho người tích đức tu nhân nức lòng"

Để thử lòng người trần gian, ông Tiên thường biến thành những hình dáng khác nhau. Có khi là trong hình dáng một ông lão ăn mày rách rưới, xác xơ; người cùng đường lỡ bước hay người mẹ bồng con đang trong cơn hoạn nạn bơ vơ xin nương nhờ.

"Một ông cụ già nua tuổi tác,
Râu rườm rà, tóc bạc phất phơ
Nói rằng: Nhỡ bước sa cơ,
Xin ăn một bữa, ngủ nhờ một đêm... "

Hay

"Hoá ra người mẹ tay bồng con thơ.
Gặp cơn hoạn nạn bơ vơ
Đến xin làm giúp ăn nhờ nương thân"
(Người hoá khi)

Ông Tiên trong truyện cổ tích Việt Nam luôn luôn đại diện cho lẽ phải, cho những con người yếu đuối trong xã hội. Chính bởi vậy mà hàng ngàn năm nay trẻ em vẫn mong ước một lần được gặp ông Tiên, được ông Tiên ban cho phép màu. Và em cũng rất mong như thế.

Bài làm 5

Buổi tối hôm đó, nằm thiu thiu ngủ trên đùi của bà. Sau khi nghe kể một câu chuyện cổ tích: Ngày xửa ngày xưa .... cái thuở hồng hoang ấy, cái hồi mà thần tiên sống lẫn lộn giữa loài người. Rồi giấc mơ đến với tôi từ lúc nào và điều kì lạ là trong giấc mơ tôi đã gặp một ông tiên giống hệt ông ngoại tôi đã mất.

Ông tiên này có bộ râu thật đẹp, năm chòm suôn mượt, bạc trắng như râu mấy chú hát tuồng hay đeo. Da dẻ ông hồng hào, tôi quan sát kĩ thấy ông chưa có nếp nhăn nào cả. Không biết ông đã bao nhiêu tuổi rồi mà đôi mắt ông còn tinh anh lắm. Khuôn mặt ông phúc hậu, nhân từ, nhìn tôi như nhìn thấy cháu ruột của mình. Ông mặc bộ đồ trắng, trắng lắm, không phải bằng vải mà hình như bằng mây khói thì phải. Tóc của ông như sương tuyết nửa búi cao nửa xoã xuống hai bên. Trông ông mờ ảo như ngọn núi Sơn Chà khi gió mùa kéo về mây giăng tứ phía. Như có cảm giác gặp lại ông ngoại, tôi vòng tay cúi đầu thật thấp và lí nhí: "Chào ông ạ!" Ông cười thật to, làm tôi giật cả người. Cây phất trần đưa qua đưa lại trên đầu tôi làm cho tôi có cảm giác thật dễ chịu. Giọng ông ôn tồn, tình cảm: "Ta không phải là ông ngoại của con, ta là ông Bụt trong truyện Tấm Cám đây. Ta đã giúp đỡ rất nhiều người bằng phép thuật của mình. Đó là những người đau khổ, chịu nhiều áp bức bất công. Nhiệm vụ của ta đấy con ạ!" Tôi muốn ông giúp đỡ những đứa trẻ nghèo khổ chưa được đến trường, những đứa bé bất hạnh, mồ côi, những mảnh đời tội nghiệp đang cần những bàn tay phù trợ như ông. Và một điều nữa nhờ ông nhắn lại với ông ngoại tôi rằng: Tôi rất nhớ ông ngoại và cố gắng học thật giỏi, sống thật ngoan để ông ngoại dưới suối vàng được yên lòng và vui vẻ. Ông tiên cười thật hiền và nói sẽ làm được những điều tôi mong muốn.

"Chà! Muỗi cắn thế mà con bé ngủ ngon thật". Tiếng bà ngoại tôi kéo tôi trở về với thực tại. Tôi rất tiếc vì chưa được nói chuyện nhiều với ông tiên, nhưng qua giấc mơ này tôi lại thêm qúi mến ông, dù trong tôi vẫn còn lảng vảng một câu hỏi: Có thật là đã có ông tiên không nhỉ?

Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 4: Giá trị của lời nói qua câu: Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Dàn ý: Lời nói gói vàng, Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

1, Mở bài:

Trong cuộc sống, lời nói rất quan trọng, nó diễn tả tình cảm và quan hệ giữa con người với con người. Chính vì vậy, dân gian có câu: "Lời nói gói vàng" nhưng đồng thời cũng có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Ông cha ta đã để lại cả 2 câu tục ngữ trên nhằm răn dạy con cháu giữ gìn lời ăn tiếng nói.

2, Thân bài

  1. Giải thích
  • Lời nói là âm thanh, là ngôn ngữ được phát ra từ cửa miệng mỗi con người. Nó dùng để giao tiếp với mọi người trong cuộc sống.
  • Lời nói gói vàng là sự so sánh khéo léo và tế nhị của ông cha ta. So sánh lời nói với vật quý giá như vàng để khẳng định lời nói mỗi con người trong cuộc sống rất có giá trị và ý nghĩa.
  • Lời nói chẳng mất tiền mua: Câu trên khẳng định lời nói như vàng, bạc nhưng câu dưới "Lời nói chẳng mất tiền mua" mới nghe ta đã tưởng có sự mâu thuẫn giữa cách đánh giá của hai câu nhưng ý nghĩa của chúng không hề mâu thuẫn mà ngược lại, hai câu nói ấy hỗ trợ, bổ sung cho nhau làm cho giá trị lời nói càng được tăng lên.
  • Bởi vì lời nói của mỗi con người quý như vàng, song nó do chính bản thân chúng ta tự nói ra, không mất công tìm kiếm, mua bán, mua các sản phẩm khác. Nó là của quý mà tạo hoá ban tặng con người. Đáng quý hơn, lời nói thì bất tận, tuôn chảy mãi mãi, tồn tại mãi mãi, theo dòng thời gian cũng không bị bào mòn. Đó là điều vô cùng quý giá nên ông cha ta mới căn dặn con cháu: "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nói kĩ hơn là trong khi giao tiếp với mọi người trong xã hội phải chọn từ ngữ để đạt hiệu quả trong việc diễn đạt tình cảm, suy nghĩ để người nghe hài lòng mà người nói đạt được nguyện vọng. Quả thật với những lời phân tích trên ta thấy lời nói rất giá trị và ý nghĩa.

b, Vì sao phải lựa lời để vừa lòng nhau

  • Vì phải lựa lời để nói để trong khi giao tiếp, đối thoại với mọi người xung quanh, người nói mới đạt được hiệu quả, mục đích mà mình định nói. Từ đó người nói mới tạo nên mối quan hệ sâu sắc tốt đẹp với mọi người chung quanh
  • Lựa lời nói sẽ được người nghe và những người xung quanh cảm phục, mến yêu, tin tưởng
  • Lựa những lời hay ý đẹp để giao tiếp đó chính là truyền thống đạo đức, văn hoá của người Việt

c, Ta phải làm gì để trở thành người nói lời hay ý đẹp?

  • Trước khi nói phải suy nghĩ, phải biết được đối tượng giao tiếp là bề trên hay lớp dưới để chọn ngôn ngữ nói cho phù hợp
  • Với bề trên, lời nói mang tính chất trân trọng, lễ phép, thưa gửi đàng hoàng
  • Với bạn bè lời nói phải chân tình, đoàn kết, không được ăn nói trịch thượng, doạ nạt
  • Với bất cứ ai không được nói trống không, không được nói có từ đệm.
  • Trong khi nói phải lưu ý: lời nói chân thành, giọng điệu, ngữ điệu phải thể hiện đúng mực

d, Mở rộng và bình luận:

  • Trong thực tế có nhiều bạn ăn nói cộc lốc, trịch thượng, hay đệm lót. Với những người ấy chúng ta phải khuyên nhủ chân thành để họ sửa đổi.

3, Kết bài

  • Rõ ràng ông cha ta khẳng định trong giao tiếp mà sử dụng lời hay ý đẹp sẽ đạt được mục đích, yêu cầu. Lời nói hay ấy chính là giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
  • Lời dạy của ông cha ta đã để lại cho tuổi thơ chúng ta một bài học vô cùng quý giá. Từ đó mỗi chúng ta sẽ nói lời hay ý đẹp trong giao tiếp.

Bài văn mẫu: Lời nói gói vàng, Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Bài làm 1

Hằng ngày con người quan hệ giao tiếp với nhau bằng lời ăn tiếng nói. Vì vậy, lời nói đóng vai trò quan trọng trong việc khởi tạo những mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng văn hóa giao tiếp của dân tộc. Sớm nhận thức được điều đó, ngay từ xưa ông bà ta đã có câu: "Lời nói gói vàng", đồng thời cũng có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Đó cũng là lời nhắc nhở mọi người về giá trị của lời nói và cũng là lời khuyên về cách sử dụng lời nói làm sao cho ý nghĩa để đẹp lòng nhau.

Lời nói quả thật mang ý nghĩa cực kì to lớn trong cuộc sống. Người ta nói: "Lời nói gói vàng", hiển nhiên không phải lời nói bọc vàng trong đó bởi lời nói là cái vô hình không phải vật thể rõ ràng mà có thể bọc chứa. Tuy nhiên lời nói ra có thể chứa những ý nghĩa quý báu, đáng quý hơn cả vàng bạc, vật chất. Lời nói ra đúng lúc, đúng nơi mang ý nghĩa to lớn. Một lời khuyên ngăn có lí, có tình có thể giúp một con người đang sa vào những con đường lầm lỡ quay đầu lại, giúp họ đi đúng con đường của mình, đưa cuộc đời họ ra ánh sáng mới. Một lời động viên an ủi cho những người không may, vấp phải khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên, thấy mình được quan tâm và hạnh phúc. Chẳng phải như vậy không quý hơn vàng bạc sao? Lời nói cũng gắn kết con người với nhau, nó là biểu hiện của những tâm hồn đẹp. Có những người quý mến nhau, kết bạn chỉ đơn thuần vì lời nói là như thế. Những lời nói ra trở thành những câu nói bất hủ đi vào lịch sử bởi nó mang ý nghĩa sâu sắc, lớn lao tác động đến xã hội. Chẳng hạn như câu nói của Bác Hồ, Lê nin,...Chỉ cần một câu nói ý nghĩa có thể cứu vớt hàng triệu người lâm vào khủng hoảng, đường cùng. Từ đó ta thấy được giá trị to lớn của lời nói.

Lời nói quả thật ý nghĩa như vậy nhưng có phải nó tốn tiền gì để mua đâu. Lời nói xuất phát từ mỗi người, nó ảnh hưởng đến người đó và những người xung quanh họ. Nói sao để người khác nghe cảm thấy hài lòng, dễ chịu mới là cách nói của những người khéo léo. Cũng là lời nói, không phải dùng cái gì để mua nhưng tại sao lại quá nhiều người không biết dùng những từ ngữ đẹp, có giá trị để nói chuyện với nhau mà lại cứ nói chuyện lại làm cho người khác bực mình, khó chịu. Nhiều cuộc nói chuyện nhiều khi trở thành những cuộc đấu khẩu thậm chí là ẩu đả lẫn nhau cũng bởi lẽ đó. Do vậy, qua cách ăn nói với nhau hằng ngày người ta cũng đánh giá được mức độ tri thức văn hóa của con người. Vậy nên ông bà ta khuyên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hiển nhiên nói cho vừa lòng không phải những lời xu nịnh, sai sự thật để nghe cho sướng tai mà dễ chịu. Lời nói có giá trị mà làm vừa lòng nhau phải là những lời nói xuất phát từ tâm, mong muốn góp ý, xây dựng, kết hợp với cách nói năng phù hợp, gây được sự chú ý về tình cảm. Chỉ có những lời nói chân thành cùng nghệ thuật nói chuyện tốt mới đạt được hiệu quả giao tiếp.

Lời nói nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người, muốn nói ra cho vừa lòng nhau thì phải "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" như ông bà đã dạy. Hãy suy nghĩ chín chắn trước mọi lời nói, bởi lời nói ra rồi không rút lại được. Nếu lỡ nói những câu không suy nghĩ có thể gây hại cho người khác hay chính bản thân ta. Phải rèn luyện cách nói chuyện, giao tiếp với mọi người thông qua học hỏi thêm nhiều từ mới, học cách nói chuyện hay của người khác, đồng thời giữ cho lời nói của mình luôn có giá trị. Tức là khi bạn nói ra câu gì người khác thường quan tâm lắng nghe, coi trọng nó. Để có được điều đó phải tạo được niềm tin với mọi người. Không thể nói những câu vô nghĩa, hời hợt suốt ngày, người ta sẽ đâm ra xem thường những gì bạn nói. Một điều quan trọng nữa là khi nói phải ở trong trạng thái tự tin và cảm thông chia sẻ với người khác. Có như vậy bạn mới lấy được lòng của người khác và được mọi người yêu quý.

Vậy nên, đúng như ông bà ta dạy "Lời nói gói vàng" và "Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Hai câu tục ngữ này không hề mâu thuẫn mà ngược lại còn bổ sung ý nghĩa cho nhau. Đó là những kinh nghiệm ứng xử, giao tiếp của ông bà để lại. Chúng ta phải biết học hỏi để lời nói có giá trị và đẹp lòng mọi người.

Bài làm 2

Hằng ngày, trong giao tiếp, ứng xử, ta phải lựa chọn lời nói, cách diễn đạt sao cho vừa đảm bảo mối quan hệ đoàn kết, thân ái vừa đạt được hiệu quả giao tiếp. Điều này được nhân dân ta từ xưa luôn nhắc nhở nhau: "Lời nói gói vàng" và "Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Hai câu trên thể hiện quan niệm của dân gian về giá trị và ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.

Câu đầu là một phép ẩn dụ: lời nói được ngầm so sánh với gói vàng. Điều này đủ cho thấy lời nói, cụ thể là Tiếng Việt, là một thứ của quý lâu đời của nhân dân ta (Bác Hồ). Câu hai mộc mạc đơn sơ nhưng bóng bẩy không kém câu đầu. Lời khuyên của dân gian ở đây thật nhẹ nhàng mà sâu sắc biết bao. Tuy quý giá, nhưng "lời nói không mất tiền mua". Ai cũng có thể nói ra những điều mình nghĩ đâu cần phải có tiền bạc hay có "gói vàng" mới nói được. Có điều biết "lựa lời" biết chọn từ ngữ, câu chữ để diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình cần nói ra thì sẽ khiến người đối thoại được vui lòng "cho vừa lòng nhau" là như vậy. Và cuộc giao tiếp nhờ đó có hiệu quả tốt đẹp.

Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta phải lựa lời mà nói. Vì sao? Bởi vì tuy không phải tốn kém không mất tiền mua, nhưng giá trị của lời nói thật to lớn. Lời nói phản ánh trình độ văn hóa, là thước đo phẩm chất của mỗi người. Vì thế ta phải tự rèn luyện cho mình cách ăn nói lịch sự thể hiện lối sống văn minh, văn hóa.

Thế nào là cách nói văn minh lịch sự? Cách ăn nói văn minh lịch sử được biểu hiện ở nhiều mặt từ cách sử dụng từ ngữ, giọng điệu, dáng vẻ, nội dung vấn đề. Dù hoàn cảnh thế nào ta cũng phải nói năng đúng mực: không sử dụng những từ ngữ thô tục, không có thái độ cáu gắt, hỗn láo, hách dịch và phải luôn tỏ ra tôn trọng người đối thoại.

Tuy nhiên, không phải chỉ vì "để vừa lòng nhau" mà ta không chân thành, thẳng thắn nói thật lời phê bình những sai lầm khuyết điểm của bạn bè, đồng chí. Bởi vì như thế là ta xuề xòa, chín bỏ làm mười, thủ tiêu đấu tranh. Có điều trong những trường hợp này, ta lại càng hơn lúc nào hết phải "lựa lời", lựa lúc tạo được sự đồng tình nơi người nghe. Chọn được những lời nói thích hợp như thế chính là ta đã làm tốt việc lựa lời theo đúng lời dạy của người xưa.

Cùng mang ý nghĩa tương tự còn có những câu tục ngữ ca dao khác: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói; Học ăn, học nói, học gói, học mở; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Những câu ca dao trên rất hay, như một danh ngôn, một lời khuyên quý giá, một kinh nghiệm đặc sắc về nói năng. Hiểu được điều này, chúng ta phải có ý thức rèn luyện lời ăn tiếng nói ngay từ lúc còn nhỏ. Phải học cách ăn nói lịch sự văn minh, tránh cách ăn nói thô tục để làm vừa lòng bạn bè, ông bà, cha mẹ thầy cô và cả những người xung quanh mình.

Bài làm 3

Sở dĩ con người khác với con vật ở chỗ con người biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp với người khác, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đó là những ý nghĩa khái quát chung của câu nói: Lời nói gói vàng hay Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau muốn gửi gắm cho ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn của hai câu nói trên trong cuộc sống. Để hiểu hai câu nói trên, ta phải hiểu được những từ ngữ mà nó chứa đựng.

Thế lời nói là gì? Lời nói là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, một công cụ của loài người giúp cho ta có thể giao tiếp, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin...Mỗi người chúng ta có thể nói ra điều mình muốn, không cần một yếu tố nào tác động, vì thế lời nói chẳng mất tiền mua. Nếu lời nói đã chẳng mất tiền mua thì ta nên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Lựa lời là chọn lọc những từ ngữ diễn đạt thích hợp với vai vế của từng người, từng hoàn cảnh, từng sắc thái hoàn cảnh khác nhau. Chẳng những thế, ở câu nói: Lời nói gói vàng, lời nói được ví như vàng, một vật có giá trị về vật chất, được nâng niu, gìn giữ, nghĩa là lời nói cũng quý giá như thế, cũng cần có sự cẩn thận trong khi sử dụng nó. Như vậy, hai câu nói trên muốn khẳng định nếu biết chỉnh chu lời nói thì ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu mến, xây dựng được các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp và đạt được tình cảm, mục đích giao tiếp khi nói, không làm tổn thương người khác, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau, viết nên những cảm xúc, ấn tượng đẹp trong giao tiếp. Sở dĩ ta phải ăn nói thật cẩn thận như thế là vì lời nói vừa có thể xây dựng các mối quan hệ xã hội và cũng có thể hủy hoại nó. Nhất là trong kinh doanh hay ngoại giao, lời nói còn quyết định sự thành bại của cuộc đời ta và có thể là của cả một quốc gia. Ngoài ra, về giá trị tinh thần, lời nói thể hiện tác phong đạo đức lẫn trình độ văn hóa của từng người. Nếu ta biết lựa chọn đúng những từ ngữ khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ thu được sự đồng tình, tình cảm, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp. Ngược lại, nếu ta ăn nói quá thô lỗ thì có thể gây mất lòng người khác hay gây ra những hiểu lầm khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hay xảy ra thù hận, căm ghét, hậu quả tai hại khó lường!

Tuy thế, trong cuộc sống, có những lời nói có thể làm lắng đọng lòng người, tạo cảm xúc đẹp trong khi giao tiếp, xóa tan khoảng cách giữa hai con người xa lạ với nhau. Giống như ở Quảng trường Ba Đình ngày 02 tháng 09 năm 1945, Bác Hồ đã nói: Tôi nói đồng bào có nghe rõ không? đã làm mọi người xúc động về ngôn từ gần gũi của vị lãnh tụ. Cùng với đó, âm nhạc là một nghệ thuật, sự thăng hoa tuyệt vời từ lời nói, nó tạo cho ta cảm giác tươi đẹp, lâng lâng theo từng nốt nhạc. Và ngược lại, chỉ vì những xích mích trong lời nói mà có thể dẫn tới chiến tranh, lòng thù ghét giữa con người với nhau hay những vụ ẩu đả giữa những đấng trí thức có học.

Mặt khác, ở đời có những lời nói khó nghe, làm mất lòng ta của những người thẳng tính nhưng họ chỉ có ý tốt là muốn ta sửa sai, thấy được lỗi lầm của mình, điều đó chân thành và đáng quý biết bao, đó là những lời thật mất lòng. Tuy thế, có những lời ngọt ngào, êm tai, rất được lòng ta, nhưng đó là những lời dối trá, xu nịnh, không hề tạo cho ta một điều tốt nào cả, đấy là những lời ngọt chết ruồi của những kẻ xảo quyệt, gian ngoa. Thế nên, trong lời nói cần có sự chân thành, không vị kỷ, không vụ lợi thì mới đạt được thành công trong giao tiếp.

Giả sử nếu thế giới không có lời nói, lại càng không có âm nhạc thì đời sống tinh thần của con người sẽ rất nghèo nàn, thế giới sẽ như chìm vào băng giá của sự lạnh lùng, sòng phẳng và khô khốc trong buồn tẻ. Vì thế, mỗi ngày được sống, ta hãy biết chọn những lời hay ý đẹp mà nói, phù hợp với những đạo lý làm người, hướng tới ý nghĩa cao đẹp của lời nói để làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của nhân loại.

Để đạt được những tình cảm trong lời ăn tiếng nói, ta cần phải biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như nóng nảy, giận dữ, quát mắng, nhất là với những người thân yêu đối với ta. Và một điều rất quan trọng nữa là ta nên suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nói ra điều mình nghĩ, xem điều đó có phù hợp với sắc thái hoàn cảnh lúc ấy hay không để tránh làm tổn thương người khác, điều đó có nghĩa là Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".

Cần tránh lối nói thô kệch, cộc lốc, hớ hênh, vô phép bởi những điều đó tạo ra định kiến xấu về phẩm chất của ta. Cũng không nên dùng những từ ngữ quá bóng bẩy, kiêu kỳ bởi mục đích giao tiếp không phải là sự nể nang mà là sự đồng tình quan điểm, tình cảm của đối tượng giao tiếp. Như thế, ta cần phải luyện cho mình một kỹ năng nói đúng cách, giản dị, sáng suốt, bình tĩnh và phù hợp với những đạo đức xã hội. Điều này, ta nên học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người có tác phong sống giản dị trong lời nói, bài viết, đời sống thường ngày và đời sống chính trị. Và trên hết, cần tránh lối nói chen vào ngôn ngữ khác trong khi giao tiếp bằng tiếng Việt, đây là lối sống không tốt đang được giới trẻ phổ biến. Vì thế, nếu biết lựa lời mà nói thì ta sẽ giành được tình cảm của mọi người, khẳng định được giá trị của bản thân. Đồng thời, nói năng bằng tiếng Việt thuần túy cũng là cách giữ gìn những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc.

Nét đẹp ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam là ở dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong câu nói: Lời nói gói vàng hay Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, dân gian muốn khuyên ta rằng: lời nói có giá trị quyết định phẩm chất, đạo đức của con người ta và nhờ thế ta có được những mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp.

Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 5: Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi

Dàn ý: Học, học nữa, học mãi

Cần triển khai các ý:

  • Học, học nữa, học mãi nghĩa là như thế nào? (nghĩa là luôn luôn phải học hỏi trong suốt cuộc đời ngay cả khi mình đã có được một vị trí như thế nào trong xã hội).
  • Tại sao phải Học, học nữa, học mãi? (bởi xã hội luôn vận động, cái mới luôn được sinh ra. Nếu không chịu khó học hỏi, ta sẽ bị lạc hậu về kiến thức một cách nhanh chóng).
  • Học ở đâu? Và học như thế nào? (khi đã không còn ngồi trên ghế nhà trường, ta vẫn có thể học thêm trong sách vở, trong cuộc sống, trong công việc,...học trong lúc làm việc, trong lúc nhàn rỗi,...).
  • Bản thân và các bạn gần gũi với em đã và đang vận dụng câu nói của Lê-nin ra sao?

Bài văn mẫu: Học, học nữa, học mãi

Bài làm 1

Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng mong muốn sau này lớn lên sẽ trở thành một con người có ích trong xã hội, đặc biệt trong thời đại mà xã hội ta đang trên con đường đổi mới theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đất nước có thể theo kịp các nước khác chúng ta phải có nhiều nhân tài. Và đối với thế hệ học sinh, nhiệm vụ học tập là vô cùng quan trọng vì họ chính là người chủ tương lai đất nước, họ phải là những con người có tri thức có trình độ mới có thể làm tốt vai trò quan trọng của mình sau này. Về ý thức học tập Lênin có một câu nói rất nổi tiếng "Học, học nữa, học mãi".

Để hiểu nội dung của lời khuyên này trước hết chúng ta cần hiểu học là gì? Học là một quá trình thu nhận, tích lũy kiến thức, kĩ năng để giúp cho bản thân có thêm hiểu biết về trình độ khoa học, kĩ thuật. Học là một khái niệm rất rộng chứ không phải bó hẹp trong phạm vi ngôi trường mà ngay từ nhỏ khi sống giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà chúng ta đã được dạy dỗ từ cách ăn nói, ứng xử, đi đứng đối xử với người trên với bạn bè. Thế rồi khi đến trường chúng ta lại được các thầy cô dạy kiến thức về khoa học về xã hội, và dưới bàn tay chăm sóc ân cần của các thầy cô giáo ta còn được học và rèn luyện cả về đạo đức. Và khi đi ra ngoài xã hội ta còn được học hỏi qua bạn bè, qua những người xung quanh mình, rồi còn qua các thông tin đại chúng như đài báo sách vở... Song có một điều chúng ta cần chú ý là phải học toàn diện tránh tình trạng hỏi về bất cứ vấn đề về tự nhiên thì đều biết còn hỏi về các vấn đề xã hội thì chẳng biết gì.

"Học nữa" là học hết trình độ này chúng ta phải chuyển sang trình độ khác, từ dễ đến khó, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Việc học không bao giờ được ngừng nghỉ mà là một mạch nối tiếp nhau và không ngừng nâng cao để ta có cơ hội trau dồi tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Mỗi lần nâng lên một mức học con người sẽ trưởng thành và vững chắc thêm một bước về tri thức và trình độ và đó là thứ hành trang quý giá giúp con người tự tin khi bước vào cuộc sống tự lập sau này và quan trọng nhất là có tri thức trí tuệ để có thể vận dụng tốt vào công việc và có thể sáng tạo ra những công trình khoa học, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Còn "học mãi" là học liên tục, học không ngừng nghỉ suốt đời, luôn nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Học mãi để tạo thành thói quen ham học hỏi, say mê với khoa học. Và việc học phải được liên tục không bị hạn chế bởi tuổi tác. Khi ta còn trẻ việc học tập là đương nhiên thế nhưng khi ta càng cao tuổi thì việc học không vì thế mà ngưng trệ, mà ta cũng cần chăm chỉ học hỏi hơn nữa bằng cách tự học, nghiên cứu qua sách vở. Như vậy việc học là vô tận vừa học vừa làm vô cùng có lợi bởi quá trình làm việc sẽ giúp ta hiểu được mình còn thiếu kiến thức gì và việc học sẽ bổ sung cho ta. Như vậy câu nói rất đơn giản của Lênin đã cho ta thấy cần phải học như thế nào mới giúp ta trở thành con người hoàn thiện, một người có tri thức.

Vậy vì sao chúng ta phải hiểu như vậy? Trước hết việc ta học tập tốt sẽ có lợi cho chính bản thân ta, bởi nếu ta không học sau này ta sẽ không thể làm tốt công việc được. Kết quả công việc sẽ không được tốt đẹp như ta mong muốn và chúng ta sẽ không thể nuôi sống bản thân mình, không thể giúp được gia đình cũng như không thực hiện được nghĩa vụ cao cả của đất nước; là người làm chủ tương lai đất nước. Bác Hồ đã từng nói: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần công lao học tập của các cháu". Đúng như vậy nếu chúng ta không học tập thì cả thế hệ trẻ sẽ chẳng có ai tài giỏi để giúp cho đất nước tiến lên, vì thế việc học tập là vô cùng cần thiết và hơn thế còn là trách nhiệm đối với mỗi người học sinh chúng ta để đưa đất nước sánh ngang với các nước khác trên thế giới. Và chúng ta không học tập tốt không nắm được những tri thức khoa học hiện đại chúng ta sẽ trở thành những người lạc hậu trước sự lớn mạnh như vũ bão của khoa học kĩ thuật trong ngày nay. Như vậy học tập tốt là giúp cho ta và cho xã hội hơn nữa là phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta từ xưa cho đến nay.

Ngày xưa ông cha ta đã có một truyền thống hiếu học như Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo nhưng vẫn ham mê học. Đêm đến vì nhà nghèo không có đèn học nên ông phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học và sau thành tài... Ngày xưa chúng ta có biết bao tấm gương chăm học tập và ngày nay chúng ta cũng cần noi gương theo cha ông.

Song việc học như thế nào để đem lại hiệu quả tốt thì chúng ta cần phải học tập thật chăm chỉ, học say mê hứng thú và phải luôn sáng tao, bên cạnh đó chúng ta cũng cần xem xét phương pháp học tập sao cho đạt được kết quả cao. Khi đến lớp cần chăm chú nghe cô giáo giảng bài, ghi chép đầy đủ về nhà học lại và làm bài tập đầy đủ, chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Ngoài ra ta còn phải học hỏi thêm bạn bè thầy cô giáo và quan trọng là chúng ta phải luôn chủ động trong việc học tránh sự sao chép học tủ học lệch để có thể phát huy được tính sáng tạo của mình. Luôn tạo cho mình một thói quen học tập thật nghiêm túc, say mê, sáng tạo. Học phải đi đôi với hành bởi có như vậy chúng ta mới nhớ lâu kiến thức đã được học.

Câu nói trên của Lênin đã khuyên chúng ta phải học tập thật nhiều học không mệt mỏi để tạo thành nguồn kiến thức vô tận trong mỗi người để sau này trưởng thành có thể làm chủ mọi công việc, góp phần xây đựng đất nước, xã hội ngày một giàu đẹp văn minh. Đó là một lời khuyên mà mỗi học sinh chúng ta cần nhớ và làm theo.

Bài làm 2

Con người có thể tìm thấy nguồn tri thức rộng lớn cho mình từ những cái mà họ bắt đầu. Và để phát triển toàn diện hơn nữa. Nguồn tri thức rộng lớn ấy đã khởi nguồn trong tiềm thức con người cái gọi là tri thức sáng tạo và tìm hiểu - cái gọi là học tập. Con người đã định hướng được tầm quan trọng của việc học từ thời xa xưa, những tri thức ấy dần dần được tích lũy và truyền đạt cho thế hệ ngày nay. Và việc học có tầm quan trọng vô cùng lớn lao. Vì ý thức được tầm quan trọng ấy của việc học, Lê-nin đã đưa ra một câu nói: "Học, học nữa, học mãi". Xét cho cùng, cái ý nghĩa nằm trong đó chứa đựng rất nhiều điều.

Câu nói đó chính là một lời khuyên, một quan niệm đúng đắn. Điều quan trọng mà việc học mang lại chính là tri thức, một thứ tri thức lớn lao, thứ tri thức quý giá của nhân loại. Thứ tri thức ấy góp phần định hướng khả năng của mỗi người, đưa con người tới bờ cõi của sáng tạo, tìm tòi và khám phá. Nó là điểm đến có giới hạn đối với sức của mỗi người mà họ tự đặt mục tiêu cho mình, để có sự cố gắng học thật nhiều hơn nữa.

Và đối với con người, sức học của họ luôn luôn có giới hạn, nhưng nguồn tri thức mãi mãi không có dấu chấm hết.

Câu nói của Lê-nin, xét cho cùng thì đó chính là chân lí của học tập, rằng việc học chưa bao giờ là trọn vẹn, chưa bao giờ là có giới hạn. Con người cho dù có học đến mấy đi chăng nữa thì nguồn kiến thức mà họ nhận được mãi mãi không bao giờ đầy, và tất nhiên là cũng không khi nào là đủ cả. Nhưng mỗi người không thể nào không cố gắng tích lũy những kiến thức của mình mà bỏ mặc nó, coi như không màng tới, như vậy là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội được học, được sáng tạo. Câu nói đó muốn khuyên con người phải biết cố gắng học tập, tìm hiểu, dù ít, dù nhiều, cũng là kinh nghiệm sống lớn lao cho đường đời sau này.

Trong câu nói, cái "học" ở đây chứa đựng một hàm ý bao quát của việc học, nhưng cũng không là sự đơn thuần của việc học. "Học" không chỉ đơn thuần là tích lũy thật nhiều kiến thức, mà nó còn là sự trau dồi, học hỏi thêm về lối sống đạo đức, những cái hay, cái đẹp của cuộc sống, con người từ trước đến nay được hình thành qua nhiều thế hệ. Đạo đức và nhân phẩm con người là một điều không thể thiếu, vì thế, cái đó cũng cần phải học, và cái đó cũng được coi là một thứ kiến thức sống tốt đẹp mà ai cũng phải học hỏi. Câu nói của Lê-nin muốn nhấn mạnh về những tri thức trong cuộc sống, nó chưa bao giờ có hạn, con người cũng không thể tự nhận thấy những thứ mình học đã đủ, họ cần phải nhận ra, mọi điều họ biết duy chỉ là một hạt cát nhỏ trong nguồn tri thứ vô tận không điểm dừng của nhân loại, của sự sống. Vì thế, ngày nào còn sống, ngày nào còn thấy mình còn sức thì hãy cứ học, hãy cứ tiếp thu những cái mới trong cuộc sống. Cuộc đời con người là cả một quá trình học tập chưa bao giờ ngừng sáng tạo, ngừng ý tưởng, ngừng đấu tranh, nó là một cuộc đời cần có những việc làm có ý nghĩa, khoan hãy dừng lại và buông xuôi, để thấy chính mình có thể học và làm việc, thấy mình là người không sống một cách vô nghĩa.

Và một người, nếu như không chịu khó học tập, không nhận ra chân lí của việc học, bỏ quên kiến thức và cơ hội được tích lũy kinh nghiệm cho chính họ thì cả cuộc đời chỉ sống trong thế giới kiến thức hạn hẹp, giới hạn trong tâm tưởng, tầm nhìn về xã hội, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản, nghèo nàn và trở nên nhàm chán. Ngược lại, một người, nếu biết cố gắng nắm bắt cơ hội học hỏi thật nhiều, tích lũy kiến thức, mở lối cho tri thức của chính họ, thì họ sẽ luôn nhận thấy sự hứng thú tìm hiểu nhiều hơn, cuộc sống từ đó đối với họ là mỗi một trải nghiệm mới hơn, không bao giờ là cũ.

Con người cần học tập để có thể làm được nhiều việc có ích cho xã hội và cho bản thân, cuộc sống là vô nghĩa nếu như không biết đấu tranh cho việc học tập, ngừng tìm hiểu về cuộc sống, về tri thức tức là tự mình bỏ qua cách sống thật sự ý nghĩa, thật sự trọn vẹn.

Nhận ra được chân lí trong câu nói của Lê-nin, là chúng ta đã phần nào định hình cho mình một cuộc sống mà tự mình nhận ra nó thú vị, luôn luôn mới mẻ. Học nữa, và học mãi chính là chân lí cho việc tìm hiểu nhiều hơn, mỗi chúng ta nếu không cố gắng học tập, thì đã tự giam mình vào một cái lồng của thứ kiến thức nhỏ bé, thứ kiến thức không có giá trị.

Bài làm 3

Mỗi con người muốn thành công thì phải học, việc học không phải chỉ dành cho những người còn ngồi trên ghế nhà trường mà dành cho tất cả mọi người. Bởi tri thức là vô hạn, không bao giờ chúng ta có thể học hết được tri thức. Vì thế mà câu nói của Lê Nin dưới đây thật có ý nghĩa: "Học, học nữa, học mãi".

Nói đến học chúng ta hiểu ngay là quá trình khám phá và tiếp thu những tinh hoa kiến thức của nhân loại. Học theo đó mà hướng đến việc mở rộng khả năng hiểu biết, hướng đến việc rèn luyện kĩ năng. Và từ đó mà tạo dựng nền móng vững chắc cho nghề nghiệp của mình. Học không chỉ ở trường, mà chúng ta còn học ở gia đình, ở ngoài xã hội. Học không chỉ cứ nhằm đến những kiến thức khoa họ lớn lao mà việc học chỉ đơn giản là việc học ăn, học nói, học cách cư xử, đối đãi, giao tiếp hằng ngày. Như vậy học là một quá trình luyện rèn toàn diện và diễn ra ở khắp mọi nơi. Nó hướng đến mục tiêu giúp cho bản thân mỗi chúng ta trở thành những con người hoàn thiện, có đức, có tài và có ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng tương lai.

Vì sao Lê Nin lại dùng từ học nữa và học mãi để răn dạy thế hệ đi sau. Học nữa là học để nâng cao trình độ, để mở mang vốn trí thức cho bản thân mình. Tri thức của con người là vô cùng, vô tận, mà tri thức nào cũng đẹp, cũng hay, cũng cần thiết và hữu ích. Thế nên chúng ta phải rèn luyện thói quen không ngừng học tập. Học tập là sự nghiệp suốt cuộc đời. Vì thế mà Lênin mới gọi đó là học nữa học mãi. Mỗi con người chúng ta có học nữa học mãi suốt cuộc đời cũng không bao giờ là đủ. Làm sao trong đời một con người có thể học hết được vốn tri thức của nhân loại. Điều này lại một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc học cũng như nhiệm vụ của mỗi con người là không ngừng học tập.

Thực tế chỉ ra rằng kho tàng tri thức của nhân loại là mênh mông, chúng ta có dành hết cuộc đời cũng không sao tìm tòi hết được. Nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ không có tri thức để đảm bảo cho cuộc sống. Hơn thế nữa, tri thức của chúng ta lại luôn lạc hậu so với sự phát triển nói chung. Thế nên để có thể tồn tại và trong cuộc sống này một cách vững vàng và hữu ích, chúng ta phải luôn luôn có ý thức bổ sung và tinh lọc ngay chính kho tàng tri thức của bạn thân mình.

Ngày nay trình độ khoa học kĩ thuật cũng ngày một phát triển hiện đại. Vì thế nếu chúng ta không xác định được rõ mục đích và động cơ học tập, chúng ta sẽ bi tụt hậu trước sự phát triển quá nhanh của xã hội. Khi ấy chúng ta sẽ trở thành những người vô dụng. Cuộc sống của chúng ta sẽ nhàm chán và vất vả biết nhường nào nếu không có tri thức.

Lời căn dặn của Lê Nin thật bất hủ, nó có ý nghĩa rất lớn và đặc biệt nó rất phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc chúng ta. Truyền thống ấy trở thành ngọn lửa thắp sáng niềm tin, ước mơ và khát khao cho không biết bao thế hệ. Vì thế để xứng đáng với quá khứ của cha ông, thế hệ trẻ chúng ta ngay từ hôm nay cũng phải ra sức học hành, phải coi việc học là mục tiêu, là đích đến và tương lai bền vững lâu dài.

Ngày nay chúng ta vẫn coi câu nói của Lê Nin như một khẩu hiệu về niềm ham mê học tập mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Rất nhiều trường học để dòng chữ: Học, học nữa, học mãi, ngay trước cổng trường, như một lời nhắc nhở chúng ta không ngừng học tập. Chỉ có học tập con người mới tiếp thu được kiến trức của nhân loại, từ đó giúp ích cho bản thân và cho nước nhà.

 

download.com.vn