Bài thơ Tây tiến - Tây tiến của Quang Dũng
Quang Dũng là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và trở thành nhà thơ chiến đấu. Ông để lại nhiều bài thơ hay có tiếng vang trong nền thơ ca nước ta đặc biệt là tác phẩm “Tây Tiến” - một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ bi tráng, hào hùng của người chiến sĩ trong kháng chiến.
Bài thơ Tây Tiến được sáng tác vào năm 1948 khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, cũng vì thế mà tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng đã viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, sau đổi thành Tây Tiến. Tác phẩm được in trong tập “Mây đầu ô” (1986).
Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là một bài thơ trong đó tác giả đã vẽ lên hình ảnh người lính đậm chất trữ tình, chất nhạc trong thơ của mình, làm cho người đọc người nghe không khỏi rung động trước những người lính vừa anh dũng, kiên cường, vừa giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc, lãng mạn. Bài thơ cũng là kĩ niệm không thể nào quên của tác giả về những năm tháng kháng chiến ác liệt nơi chiến trường xưa.
Bài thơ Tây tiến của Quang Dũng
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.