Bài văn mẫu lớp 10: Cảm nghĩ khi xa nhà - Bài văn mẫu lớp 10 hay nhất

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 125,4 KB
Nhà phát hành: Sưu tầm


Giới thiệu bạn đọc về Bài văn mẫu lớp 10: Cảm nghĩ khi xa nhà: Cảm nghĩ khi xa nhà là những cảm xúc thật nhất, chân thành nhất của những ai đã và đang sống xa gia đình, xa nơi mình sinh ra. Mời các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu lớp 10: Cảm nghĩ khi xa nhà trong bài viết dưới đây.

Nội dung chi tiết:

Cảm nghĩ khi xa nhà là những cảm xúc thật nhất, chân thành nhất của những ai đã và đang sống xa gia đình, xa nơi mình sinh ra. Hãy cùng Download.com.vn tham khảo bài văn mẫu Cảm nghĩ khi xa nhà được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.

Tài liệu được thể hiện chi tiết và ngắn gọn nhất dành cho bạn học sinh lớp 10. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.

Cảm nghĩ khi xa nhà - Mẫu 1

Mưa! Lại mùa mưa. Tôi lặng lẽ đứng ngoài lan can phòng học buồn bã nhìn những cơn mưa ồn ào đổ xuống... Vậy là tôi đã xa quê thật rồi!

Trường mới, bạn bè mới,, cuộc sống mới... càng làm cho những hình ảnh tuổi thơ lại hiện về trong tôi da diết. Sân trường kia đâu có những hàng cây nở hoa vàng rực rỡ, đâu có những trò chơi dân dã của quê tôi. Chỉ có hàng phượng già và những cây bằng lăng hết mùa hoa nở, xanh nhẫn nại trong chiều. Tất cả lạ lẫm trước tôi, làm cho tôi lẻ loi, lạc lõng. Thầy có cùng khác, giọng giảng bài nghe lạ quá! Tiếng thầy vẫn ấm, nhưng không xua tan được những bỡ ngỡ ban đầu trong tôi. Tôi chỉ thấy nhớ nhà, nhớ lớp, nhớ quê... Tất cả cứ hiện về trong tôi ập ào và da diết!

Tôi nhớ lớp nhớ lũ bạn, cùng bạn thường rủ nhau hái hoa dại ép, màu tím thủy chung của loài hoa trinh nữ khô giòn trong trang sách, có hôm tranh nhau làm từng bông vỡ vụn, tiếc ngẩn ngơ rồi lại cười giòn tan! Nhớ những ngày dong đuổi đạp xe, con đường tới trường thơm mùi cỏ ướt, tôi thường hít và thích thú trước ánh mắt tròn xoe của bọn bạn. Hình như chỉ mình tôi cảm nhận được cái mùi của ban mai ấy. Giờ con đường tôi đi, chỉ toàn bê tông vững chắc đâu còn chỗ cho cỏ nữa đâu. Bạn bè tôi chắc giờ đang nhớ tôi nhiều lắm, có khi còn khóc nữa; chúng nó ép hộ hoa cho tôi không? Có chờ tôi trở về để đi tiếp con đường tuổi nhỏ, để dệt những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ, cỏ may cứa vào chân ran rát. Tan chiều, thường ngồi lại gỡ cỏ cho nhau, rồi chọc nhau cười vang cả đồng quê. Tôi nhớ dòng sông nhỏ cạnh nhà tôi, nơi tôi và em gái thường thả thuyền tre, và tin thuyền sẽ trôi ra biển. Xa tôi rồi, em tôi có còn thả nữa, hay sẽ viết thư vào lá, thả xuống dòng nước trong: Lá thư cầu nguyện! Em cầu nguyện cho tôi bình yên nơi phố phường xa lạ, để sớm trở về thăm em và chơi cùng kể cho em nghe về vùng đất mới, về bạn mới, trường mới...

Những bờ hoa dại trắng nơi tôi và em thường dắt nhau ra hái bây giờ có nờ nữa không? Bây giờ chĩ mình em ngồi bên bàn học, chẳng có ai la rầy em nữa, chẳng có ai giúp em giải những bài tập khó, em có buồn không! Ôi, những buổi chiều, được cùng em mang diều chạy trên bờ đê lộng gió. Sao vui đến thế? Bây giờ ai giúp em thả vầng trăng xanh ấy mỗi chiều? Em có tự làm không?

Bạn bè tôi giờ ra sao? Tôi nhớ tiếng cười, nhớ giọng nói, ánh mắt của từng đứa. Nhớ cả những giờ phút chia tay, bạn bè chúc nhau thi đậu. Vậy mà nay không còn đi chung trên con đường tới lớp, không được học chung dưới một mái trường. Mười lăm tuổi đầu, tôi khăn gói lên đường, xa tất cả để đến một Thành phố lạ. Đã bắt đầu một cuộc sống phải lo toan. Chiều tan học, tôi một mình lang thang đạp xe trên phố. Mưa tầm tã suốt những ngày qua, tiếng ồn ào không đủ làm cho thành phố bớt ưu tư, lòng tôi trĩu nặng. Mưa hắt vào mặt ran rát, buồn đến phát khóc. Nhớ bố mẹ, nhớ bà, và nhớ em quá đỗi! Chiều nay, không có Mai, có Hồng đạp xe bên tôi nữa, không được bỏ áo mưa ra để tắm trọn một đường mưa. Bây giờ, lỡ xe tôi hư hỏng, ai sẽ vác giùm tôi như Hồng? Lỡ tôi khóc, ai dỗ tôi như Mai? Không ai cả, chi mình tôi đi trong chiều giá lạnh. Tôi cũng không được xà vào bếp với bà, để được bà xoa dầu âu yếm, không được mẹ vồn vã, lo lắng đưa cho chiếc khăn lau những giọt nước mưa đọng trên mặt, không được tắm nồi nước lá thơm bà nấu nữa, bữa cơm chiều cũng vắng tôi, cả nhà sẽ nhắc tôi thật nhiều hay mẹ lại khóc? Em chẳng còn ai tranh ti vi nữa, mẹ cũng không phải làm trọng tài phân xử. Tôi đi rồi, mọi thứ cũng đổi thay...

Chiều nay tôi không được trốn mẹ ra bờ sông đứng nhìn cánh đồng quê lênh láng nước; nhưng tôi vẫn biết, lúa quê mình đã chìm dưới biển nước mất rồi. Thương những bác nông dân cần cù, chăm chỉ để đến ngày này lũ lụt ùa về mất trắng một mùa vui. Chiều nay, nước lên đến ngõ nhà tôi chưa? Mẹ có ngồi bần thần bên cửa nữa? Mất mùa rồi... lại tháng ba ám ảnh. Mắt bố đầy âu lo.

Mưa ơi! Chiều nay không được trùm chăn chờ bố đi giăng lưới về nữa. Những con cá vẫn quẫy một vùng ký ức của tôi, ký ức có tiếng cười của bố lẫn vào mưa, có dáng bà lưng còng bên bếp lửa, khói chiều nghiêng trên mái bếp bình yên. Không được hái cho bà những lá trầu vàng rộm nữa, vườn trầu mưa này có run rẩy tàn đi? Thành phố ơi, sao lạ nhiều đến vậy, mưa thật nhiều và chỉ có mình tôi.

Con đường tôi đi, xe cộ tấp nập qua, hối hả quá, và cũng vô tình quá! Tôi chạnh lòng thấy bác xe ôm, lặng lẽ đứng chờ khách dưới mưa. Giờ này ai cũng được trở về sum họp với gia đình, mà bác như cây cột đến nhẫn nại bám trụ các ngả đường dù nắng, dù mưa, dù ngày hay tối. Tôi lại nhớ bố, nhớ những đêm bố đi gác, căn nhà như trống trải hơn, tôi thường nằm thấp thỏm, chỉ chờ tiếng bước chân nặng nề quen thuộc bước vào nhà, tôi mới bình yên chìm vào giấc ngủ. Giờ này, các cô, các bác bán hàng rong cũng vội vã đi về trên những vỉa hè. Nhìn đế dép mòn vẹt tôi tự hỏi những bàn chân này đã đi không biết bao nhiêu nẻo đường, qua bao nhiêu con phố, qua bao nhiêu ngày đòn gánh trên vai? Tôi lại nhớ bờ vai của mẹ, của bà, cái bờ vai suốt một đời gồng gánh, giờ đã thành chai. Bờ vai ấy đã cho tôi những giấc ngủ bình yên, cho tôi sự chở che lúc vui, buồn trẻ dại. Tôi thấy lòng nhẹ hơn, khi bên mình không có người thân bè bạn, nhưng vẫn có những con người tôi rất đỗi tin yêu. Tôi thấy được hình ảnh bố mẹ tôi trong hình dáng những con người lao động nơi này; thấy như được đồng cảm, sẻ chia. Xa nhà rồi, không còn được bà, bố mẹ cưng chiều chăm bẫm mới hiểu được tình yêu thương vô hạn mà mình được đón nhận, mới thấm thìa nỗi vất vả, khó khăn của gia đình. Mới thấy mình còn bé nhỏ biết bao nhiêu.

Mải miên man trong suy nghĩ, chợt thấy tiếng cười quen quen của ai đó cất lên. Tôi giật, mình ngoái lại, các bạn trường tôi đang cười nói vui vẻ, hồn nhiên, tiếng cười sao thân thương quá! Tôi bỗng thèm khát sự vô tư kia, thèm được nô đùa, thèm được cùng nhau đi dạo dưới sân trường, chia sẻ cho nhau nỗi nhớ quê nhà. Tôi nhớ lại lớp mới của tôi, chỉ vẻn vẹn ba mươi đứa con gái, nhiều khi nhìn nhau còn lúng túng. Nhưng có những nhóm bạn đã hòa nhập thân quen, trò chuyện rôm rả làm rộn lớp học buổi chiều. Sao tôi lại chưa làm điều đó, tất cả cũng đều như tôi mới từ giã mái trường cấp hai quê nhà đầy kỉ niệm, sao không cười với nhau và hỏi thăm nhau, tâm sự cùng nhau? Tôi muốn ùa nhanh vào lớp, để hỏi thăm từng bạn, kết thân và góp một tiếng cười vào không khí lớp. Nhưng chiều sắp tàn rồi, tôi phải về, chú dì đang chờ tôi, phố núi đang chờ tôi. Nhất định ngày mai tôi sẽ trò chuyện cùng các bạn, không đứng ngoài lan can một mình nữa! Tôi thấy bà, bố mẹ hình như đang cười với tôi:... xa nhà nhưng tôi vẫn thấy như lúc nào mọi người cũng ở bên tôi, ai cũng muốn tôi vui, tôi hòa nhập nhanh vào cuộc sống mới.

Ùa nhanh ra sân, những giọt mưa vẫn còn nặng, bong bóng vỡ đều trên nền xi măng trắng xóa. Bà ơi, bố mẹ ơi con sẽ tập trưởng thành.

Cảm nghĩ khi xa nhà - Mẫu 2

Những ngày này, đất trời Hà Nội như ngập trong biển nước. Bầu trời xám xịt. Trời mưa! Mưa kéo dài! Mưa như xối xả, như trút nước. Tôi một mình co ro trong chiếc chăn mỏng, thu mình lại trong góc nhà. Trời không lạnh mà lòng tái tê. Căn phòng trống vắng. Cô đơn lạnh lẽo và trong tôi bỗng ùa về hình ảnh cha mẹ, các em. Nhớ gia đình da diết. Lòng thắt lại. Ánh mắt vô định với những ước ao. Ước ao được nghe một tiếng cười, tiếng nói của cha mẹ, của em thơ để lòng vơi đi nỗi nhớ, nỗi cô đơn, để căn phòng bớt lạnh lẽo. Nhưng sao xa vời! Và tiếng khóc nấc lên từng hồi xen lẫn tiếng mưa nhạt nhòa.

Tuổi mười sáu, lần đầu tiên sống xa gia đình, xa cha mẹ và các em, xa quê hương. để nhập học một trường cấp ba ở Hà Nội. Trước ngày nhập học, háo hức về một cuộc sống mới, về một cuộc sống tràn đầy màu hồng với sự tự do, tự lập ở đất Hà Nội nhưng khi đặt chân đến đây mới thấu hết mọi khó khăn vất vả của cuộc sống trọ khi học xa nhà.

Con còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, ngày cùng cha ra Hà Nội làm thủ tục nhập học. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Hà thành, bầu trời xám xịt và mưa y như hôm nay. Sau khi cha lo lắng hết các thủ tục nhập học, phòng trọ cho đứa con nhỏ, cha vội vã về vì còn nhiều công việc đang dở dang ở quê nhà. Giây phút cha bước lên xe bus, tôi chỉ cắn chặt môi mà sao vẫn khóc lên thành tiếng. Lúc cha quệt ngang dòng nước mắt nhìn con với bao sự kỳ vọng mà lòng chợt thắt lại. Khi bóng cha dần khuất, tôi chẳng biết mình đã mười tám tuổi, cứ khóc òa như thuở còn bé thơ.

Những ngày sống một mình mới cảm nếm được tình yêu gia đình. Có những buổi trưa tan học trở về nhà, mở cửa phòng ra, tự an ủi bản thân rằng mẹ luôn kề bên, tôi khẽ cất tiếng gọi âu yếm, nũng nịu "Mẹ ơi". Nhưng đáp trả chỉ là sự im lặng của bốn bức tường trắng xóa. Tôi phải tập chấp nhận rằng chỉ mỗi một mình tôi thôi. Một mình thôi! Lòng chùng xuống và sự trống trải bỗng chốc xâm chiếm cả căn phòng.

Nhớ lúc còn ở quê nhà, khi tôi đi học về "đã sẵn cơm mẹ nấu", chỉ việc tranh giành với em. Còn bây giờ đi học về tôi không muốn đi chợ, nấu nướng. Không phải vì tôi không biết làm nhưng tôi sợ sự cô đơn và cần lắm những bữa cơm gia đình, sự quan tâm của cha mẹ, tiếng nói cười của em thơ. Có khi vừa ăn cơm, trong lòng vừa thổn thức suy nghĩ: "Lúc mình ở nhà, giờ này cha mẹ và em đang đợi mình về ăn cơm". Nụ cười của mẹ, giọng nói của cha và cảnh tượng gia đình quây quần bên nhau cứ hiện lên trong tâm trí. Mỗi khi nhớ gia đình quá, tôi gọi điện về cho mẹ để được nghe giọng nói, những lời an ủi, động viên và giọng mẹ đầy quan tâm: "trưa nay con ăn gì, cả nhà đang ăn cơm, thiếu mình con, em không phải tranh giành với ai nữa cả". Mẹ vừa cúp máy tôi lại ngồi khóc thút thít.

Nỗi nhớ cứ thế cùng những giờ học miệt mài, những bữa cơm, những giấc ngủ với tiếng nấc xen lẫn giọt lệ lăn dài. Và tôi thấy mình như một con chim non lần đầu tập bay, yếu ớt và khập , cảm thấy cuộc sống sao mà khó khăn quá! Vừa thiếu thốn tình cảm vừa khó hòa nhập.

Tôi cảm thấy ngày xưa được thầy cô bạn bè quý mến thương yêu thì giờ đây chỉ thấy sự thờ ơ, không ai biết mình và mình cũng chẳng biết ai. Không còn được thầy cô kèm cặp, bạn bè cùng tỉ tê với nhau. Vì vậy nên tôi như thu mình lại, chỉ một mình đến lớp, nghe giảng rồi lại một mình thui thủi về phòng. Luôn là cái cảm giác thiếu tình người, lạc lõng và tẻ nhạt.

Một năm qua rất nhanh, mới đó thôi nhưng giờ tôi gần được nghỉ hè. Một năm đầy thử thách cùng với bao tâm trạng cảm xúc mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Giờ đây, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, thấm thía cuộc sống hơn và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân hơn. Tôi cũng quen được nhiều bạn mới, những người bạn đích thực, tìm được những tình cảm khác cũng quý trọng và thân thương như tình cảm gia đình.

Cảm nghĩ khi xa nhà - Mẫu 3

Tôi, một cô học sinh mới 16 tuổi, nếu như người ta đi học đại học, học nghề, học cao đẳng phải xa nhà cũng đã chạm ngưỡng 19 - 20 tuổi và cũng đã trưởng thành, chững chạc còn tôi chỉ là chuyển trường cấp ba đã phải đi học xa nhà, còn non nớt và ít va chạm cuộc sống. Tôi không hối hận về lựa chọn và quyết định của mình khi cố gắng thi vào trường cấp ba trên thành phố để có cơ hội học tập, phát triển tốt hơn. Nhưng khi đã bước chân trên lựa chọn ấy, sống tại nơi đất khách quê người tôi mới thấu nhiều điều, biết bao cảm xúc, bao nỗi nhớ cứ quẩn quanh bên tôi.

Suốt những năm tháng trước đây, tôi chưa từng nghĩ đến sẽ có ngày mình sẽ sống tự lập, rời xa gia đình và sống một mình ở một nơi xa lạ, nhưng ngày ấy đã đến và tôi đang sống trong những ngày tháng ấy. Lần đầu sống xa nhà, xa gia đình, xa xóm làng quen thuộc, xa bạn bè thân thương, tôi xa tất cả mọi thứ vốn gắn bó và gần gũi với tôi, buộc phải hòa nhập, làm quen với nơi ở mới, môi trường mới, gặp những con người mới và tập một cuộc sống mới. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi tin rằng tất cả những gì mới lạ lâu rồi cũng thành quen thôi, mới đầu có thể sẽ rất khó khăn nhưng tôi tự nhủ bản thân mình phải mạnh mẽ vượt qua mọi thứ, chủ động và tự lập hơn vì giờ đây chỉ còn mình tôi đương đầu với đoạn đường sinh hoạt và học tập sắp tới. Ngày bố đưa tôi đi tìm phòng trọ, hai bố con cũng tất bật sắm sửa rồi bố cũng chẳng dặn dò được gì nhiều, nhưng trước đó bố mẹ cũng đã ủng hộ quyết định của tôi nên luôn động viên và tiếp thêm sức mạnh cho tôi, tôi lấy đó làm điểm tựa để mình phấn đấu học tập.

Bước vào cuộc sống ở nơi xa lạ, những ngày đầu tôi mới nhớ về quê nhà làm sao, ở thành phố chật chội đông đúc chỉ toàn phố xá, hàng quán ăn sẵn thì đầy rẫy nhưng chợ bán rau tôi phải tìm mãi mới ra. Chẳng giống ở quê, làm gì có quán cơm, quán phở, đâu đâu cũng thấy chợ mua bán rau, đã sạch lại còn rẻ, đâu như trên thành phố trông non xanh mơn mởn nhưng chẳng biết có thuốc sâu hay hóa chất gì không. Người ta nói dân thành phố nhiều tiền quả không sai, cái gì ở đây cũng đắt đỏ, tôi tự nấu cho mình một bữa cơm giản dị cũng bằng hai bữa ở nhà. Mà chợt nhắc đến bữa cơm tôi lại thấy nao nao lòng, tôi sực nhận ra từ giờ chẳng còn bữa cơm mẹ nấu, món thịt mẹ kho hay món cá chép om dưa mà tôi thích nhất. Từ giờ tôi phải tự túc mọi thứ, chỉ chờ đến ngày được về thăm nhà, may ra mới lại được ăn cơm với gia đình, lặng lẽ ăn bữa cơm một mình tuy chẳng ngon miệng được nhưng vẫn phải cố gắng làm quen, bởi tôi biết cảnh này còn tiếp diễn dài dài. Nhớ hồi ở nhà, mỗi khi đi học về dọc theo con xóm nhỏ, gặp ai cũng chào hỏi rồi mọi người lại hỏi han, trêu đùa, thi thoảng còn vẫy vào cho hoa quả cây nhà lá vườn. Mọi người thân thương và trìu mến như vậy nhưng ở nơi đây tôi không thể có được điều đó, toàn người xa lạ, mọi người cũng từ khắp nẻo về chốn phồn hoa làm ăn kiếm sống.

Gia đình tôi chỉ có mỗi một mình tôi, nên tôi vốn chẳng có anh chị em nào cả, nhưng với tôi bạn bè chính là anh chị em của tôi. Tôi nhớ về những người bạn hàng xóm chiều nào cũng rủ nhau đi cắt cỏ, vớt bèo, nhớ những người bạn cùng đi học mỗi ngày. Con đường đi học ngày ấy chỉ là con đường đất đỏ, bụi và toàn ổ gà nhưng lại tràn ngập niềm vui, cùng nhau đạp xe và kể chuyện cho nhau nghe. Giờ đây, tôi đi học bằng xe bus vì chỗ trọ cách trường khá xa, cứ lủi thủi một mình đi ra điểm bus rồi lên xe ngồi vào ghế cứ thế nhìn ra ngoài cửa kính nhìn dòng người đi lại, chẳng nói chuyện với ai cũng chẳng ai muốn nói chuyện. Tôi biết dần dần rồi tôi cũng sẽ có bạn, có người cùng sẻ chia vui buồn nơi đây nhưng có lẽ sẽ không bao giờ được như ở nhà nữa. Có những lần tôi ốm, lúc đó tôi mới thèm được ở nhà làm sao, khi ốm mà ở một mình là lúc người ta tủi thân và cô đơn nhất, nhớ ngày còn ở nhà chỉ mới chớm ốm mẹ đã sốt sắng lo thuốc thang rồi lo ăn uống đầy đủ, còn bây giờ ốm phải tự nấu ăn, tự mua thuốc và tự đi học.

Càng nhớ nhà, nhớ bố mẹ bao nhiêu tôi càng lao đầu vào học hành miệt mài, bởi nếu cứ để thời gian chết đi trong những nỗi nhớ thì tôi có thể ngồi khóc suốt ngày, cũng không thể lãng phí thời gian của tương lai được. Tôi nhắc nhở bản thân phải cố gắng hòa nhập và học tập cho thật tốt, làm quen và bắt nhịp với cuộc sống xa nhà một mình. Phải làm cho bố mẹ yên tâm không lo lắng cho mình, phải cố gắng rèn luyện và trau dồi kiến thức, kỹ năng để đạt thành tích tốt nhất, không phụ lòng mong mỏi và kỳ vọng của bố mẹ.

Thời gian cứ thấm thoát trôi qua, mới đây cũng đã được một năm tôi xa nhà học ở ngôi trường mới, một năm tuy không là nhiều nhưng cũng không phải ít đối với sự bỡ ngỡ lần đầu của tôi. Đây có lẽ là khoảng thời gian ý nghĩa nhất đối với tôi, tôi đã được trải nghiệm một cuộc sống tự lập, được trưởng thành và có cho mình nhiều kinh nghiệm cuộc sống.

download.com.vn