Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích tinh thần thơ mới qua bài Một thời đại trong thi ca - Những bài văn mẫu lớp 11 hay nhất
Nội dung chi tiết:
Để bổ sung kiến thức về Ngữ văn và nâng cao kỹ năng viết văn cho các em học sinh lớp 11, Download.com.vn xin giới thiệu đến các bạn tài liệu Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích tinh thần thơ mới qua bài Một thời đại trong thi ca.
Đây là tài liệu vô cùng bổ ích, bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo hữu ích để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.
Dàn ý phân tích tinh thần thơ mới
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
– Hoài Thanh (1909 – 1982) là nhà phê bình văn học xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông họạt động chủ yếu trong ngành văn hoá – nghệ thuật. Ông từng giữ nhiều chức vị quan trọng và là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hội nghệ thuật.
– Thi nhân Việt Nam là công trình được đánh giá là xuất sắc nhất của ông. Một thời đại trong thi ca là tiểu luận mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam. Đó là bản tổng kết một cách sâu sắc phong trào Thơ mới. Đoạn trích thuộc phần cuối của bài tiểu luận.
– Phân tích đoạn trích, chúng ta sẽ hiểu được tinh thần thơ mới trong tiểu luận mà tác giả muốn gửi đến độc giả.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Cái khó trong việc tìm ra tinh thần thơ mới
– Khi nói về cái khó trong việc tìm ra tinh thần thơ mới, tác giả đã viết: “Giá trong thơ cũ chỉ có những trần ngôn sáo ngữ, những bài thơ chúc tụng, những bài thơ vịnh hết cái này đến cái nọ, mà các nhà thơ mới lại chỉ làm những bài kiệt tác thì cũng tiện cho ta biết mấy”. Như vậy, theo tác giả sự xáo trộn làm cho việc lựa chọn bài để so sánh, đề hiểu được tinh thần thơ mới là không phải dễ.
– Tác giả đã đặt thơ mới vào trong dòng chảy của thơ ca dân tộc để thấy hết sự khó khăn để hiểu tinh thần thơ mới: “Trời đất không phải dựng lên cùng một lần với chúng ta, hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ”. Cái cũ, cái mới không thể phân biệt được một cách rạch ròi nên việc hiểu đầy đủ, rạch ròi về thơ mới tất yếu phải gặp khó khăn.
– Tác giả đã chỉ ra cách nhận diện thơ mới và thơ cũ: Tác giả khẳng định phải so sánh những bài thơ hay với những bài thơ hay, so sánh đối chiếu giữa thời đại với thời đại một cách khái quát.
2. Điều cốt lõi làm nên tinh thần thơ mới
– Theo tác giả, điều cốt lõi làm nên tinh thần thơ mới là cái “tôi”: “Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi - “Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể: lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình, còn cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả”. “Cũng có những bậc kì tài xuất đầu lộ diện. Thảng hoặc họ cũng ghi hình ảnh họ trong văn thơ. Và thảng hoặc trong văn thơ họ dùng đến chữ tôi để nói chuyện với người khác. Song dầu táo bạo đến đâu họ cũng không một lần nào dám dùng chữ tôi để nói chuyện với mình. Mỗi khi nhìn vào tâm hồn họ hay đứng trước loài người mênh mông hoặc họ không tự xưng hoặc họ ẩn mình sau chữ ta”.
– Trong thơ mới đã xuất hiện chữ tôi với nghĩa tuyệt đối của nó. “Thi nhân ta cơ hồ đã mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước. Chữ ta với họ to rộng quá. Tâm hồn của họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ tôi. Tác giả cho rằng khi cái tôi xuất hiện thì “người ta lại còn thấy nó đáng thương, mà thật tội nghiệp nó quá”. Tác giả thấy nó tội nghiệp bởi vì khi cái tôi xuất hiện nó lạ lẫm với mọi người vì từ trước người ta chỉ nói đến cái ta, hơn nữa cái tôi lại sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đắm chìm trong bóng đêm của sự xâm lăng, chính vì thế mà nó trở nên tội nghiệp.
– Tác giả khẳng định “Chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước”. Cái tôi bây giờ mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước. “Đời chứng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát, lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, ta đắm say cùng Xuân Diệu..”.
=> Tác giả đã chỉ ra nội dung và tinh thần thơ mới. Tác giả phát hiện ra cốt lõi của thơ mới là chữ tôi và đánh giá cái tôi một cách sâu sắc, hài hoà. “Tất cả cái bi kịch đang diễn ngấm ngầm, dưới những phù hiệu dễ dãi, trong hồn người thanh niên”. Các nhà thơ mới đã mất niềm tin.
3. Cách giải quyết bi kịch của các nhà thơ mới
– Các nhà thơ mới tìm lại niềm tin bằng cách gửi vào tình yêu tiếng Việt. “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt: Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng”.
– “Chưa bao giờ như bây giờ, họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chí biến thiên chứ không sao tiêu diệt”.
– “Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai”.
III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
– Với nghệ thuật lập luận khoa học, chặt chẽ, thấu đáo và một văn phong tài hoa, tinh tế, giàu cảm xúc, Một thời đại trong thi ca đã nêu rõ nội dung cốt yếu của “tinh thần thơ mới” là chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối của nó. Chữ tôi gắn liền với cá nhân, với cái riêng cá thể khác với chữ ta gắn liền với tổng thể, cộng đồng, xã hội.
– Tác giả phát hiện và chỉ rõ cách giải quyết bi kịch của các nhà thơ mới. Họ tìm lại lòng tin bằng cách gửi tâm hồn mình vào lòng yêu tiếng Việt, vào tình yêu quẻ hương, đất nước.
– Những lập luận của bài viết luôn có sức thuyết phục cao vì nó gắn bó chặt chẽ giữa những nhận định, những luận điểm có tính khái quát với những ví dụ có tính minh chứng cụ thể, đa dạng, giàu tính thuyết phục.
Phân tích tinh thần thơ mới - Mẫu 1
Tinh thần thơ mới theo Hoài Thanh biểu hiện rõ nhất ở chữ tôi. Trong thơ cũ là chữ ta, còn trong thơ mới là chữ tôi. Tuy có chỗ giống nhau nhưng vẫn có chỗ khác nhau, đó là điều chúng ta hãy cần tìm hiểu.
Tinh thần thơ mới là một nội dung nổi bật được Hoài Thanh nói lên thật sâu sắc trong phần cuối bài tiểu luận "Một thời đại trong thi ca".
Sau khi chỉ ra hình dáng câu thơ, nhạc điệu câu thơ, sự mềm mại, chỗ ngắt hơi, phép dùng chữ, phép đặt câu,... của thơ mới, ông nói rõ tinh thần thơ mới là điều quan trọng hơn ta hãy đi tìm. Ông đưa ra một tiêu chí là "phải sánh bài hay với bài hay"; ông chỉ ra sự kế thừa của sự vật là "Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ". Vì các thời đại vẫn nối tiếp theo dòng chảy thời gian nên “muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể".
Tinh thần thơ mới theo Hoài Thanh biểu hiện rõ nhất ở chữ tôi. Trong thơ cũ là chữ ta, còn trong thơ mới là chữ tôi. Tuy có chỗ giống nhau nhưng vẫn có chỗ khác nhau, đó là điều chúng ta hãy cần tìm hiểu.
Cái tôi là bản ngã của mỗi con người mà ai cũng có, là sự tự ý thức về mình. Nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy: Quan niệm cá nhân. Lúc đầu chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam "thực bỡ ngỡ", như một kẻ "lạc loài nơi đất khách". "Chữ tôi vài cái nghĩa tuyệt đối của nó" lúc đầu xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó đến một mình, "bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu". Ngày một ngày hai, “mất dần vẻ bở ngỡ rồi được "vô số người quen", cảm thấy "nó đáng thương", "nó tội nghiệp quá!".
Bài "Tình già" của Phan Khôi, bài "Trên đường đời", "Vắng khách thơ" (sau đổi thành "Xuân về") của Lưu Trọng Lư là ba bài thơ mới được giới thiệu trên báo Phụ nữ tân văn vào năm 1932. Sáu năm sau, 1938, tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu ra đời. Ta có thế giới thiệu hai đoạn thơ làm ví dụ để thấy được "hình dáng câu thơ", thấy được cái tôi từ chỗ "bỡ ngỡ" lúc đầu rồi về sau được "vô số người quen" như thế nào?
Năm vừa rồi
Chàng cùng tôi
Nơi vùng giáp Mộ
Trong gian nhà cổ
Tôi quay tơ,
Chàng ngâm thơ.
Vườn sau oanh giục giã,
Nhìn ra hoa đua nở,
Dừng tay tôi kêu chàng:
"Này, này! bạn! xuân sang"
Chàng nhìn xuân mặt hớn hở
Tôi nhìn chàng lòng vồn vã
(“Xuân về' - Lưu Trọng Lư)
Và đây là bốn câu thơ trích trong bài "Vội vàng” của Xuân Diệu Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân...
Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân, chỉ có đoàn thể: lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình. Còn cá nhân, cái bản sắc của cá nhân "chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả". Những bậc kì tài (như Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Tú Xương), "thảng hoặc họ cũng ghi hình ảnh họ trong văn thơ", thẳng hoặc trong thơ văn họ cũng dùng đến chữ tôi để nói chuyện với người khác" (1). Trong thợ cũ thường chỉ có chữ ta, các thi sĩ "ẩn mình sau chữ ta một chữ có thể chí chung nhiều người".
Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Gặp ta nay, xuân chớ lạ lùng
Tóc có khác nhưng lòng chẳng khác
Kế từ thuở biết xuân bốn mươi chín năm về trước
Vẫn rượu thơ non nước thú làm vui
Đến xuân này ta tuổi đã năm mươi
Tính trăm tuổi đời người, ta mới nửa
Rồi sau lại bao nhiêu xuân nữa
Mặc trời cho ta chửa hỏi chi
Sẵn rượu đào xuân uống với ta đi...
(Gặp xuân- Tản Đà)
Cái tôi của thơ mời là cái tôi đầy bi kịch. Cũng muốn nói đến cái khổ sở, thảm hại trước "nỗi đời cay cực” của các nhà thi nhân. Cũng nói đến chuyện lên tiên được sống trong giấc mơ tiên ("Tiếng sáo Thiên Thai" – Thế Lữ). Cũng nói đến say, đến cô đơn ("Say đi em", "Phương xa" - Vũ Hoàng Chương). Hoặc phiêu lưu trong trường tình:
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Nhớ đêm thiếu phụ bên lầu không trăng
(Một mùa đông - Lưu Trọng Lư)
Hoặc điện cuồng, hoặc đắm say, hoặc bơ vơ, hoặc ngơ ngẩn buồn:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo".
(Chế Lan Viên)
Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao,
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó.
(Huy Cận)
Trăng sáng, trăng xa, trông rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ
(Xuân Diệu)
Cái tôi làm cho nền hồn thơ giàu bản sắc của thơ mới, đồng thời cũng chứa đầy bi kịch của thơ mới. Cách phân tích của Hoài Thanh vừa khái quát vừa cụ thể, rất tinh tế và tài hoa. Cách dùng từ chính xác, cách dùng điệp từ, dùng tương phản để tạo giọng điệu và cảm xúc, đọc lên nghe rất lí thú:
"Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Những động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận".
Phải nắm được cái hồn của thơ mới, và phải rất tài hoa mới viết đúng và viết hay như vậy. Hoài Thanh như dẫn hồn độc giả nhập vào hồn của thơ mới:
"Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.
Chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước".
Một điểm nổi bật nữa của thơ mới là đã góp phần hiện đại hoá tiếng Việt. Câu thơ co, duỗi tự nhiên. Lời thơ giản dị, dễ hiểu, giàu cảm xúc và hình ảnh. Các nhà thơ mới đã gửi gắm tấm lòng trân trọng và yêu quý tiếng Việt. Hoài Thanh đã dùng hình ảnh "tấm lụa" và "tấm hồn bạch" để nói lên tình cảm đẹp đẽ đó:
"Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ đã qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng".
Đoạn cuối của bài tiểu luận "Một thời đại thi ca", Hoài Thanh đã trân trọng, quý trọng bày tỏ niềm hi vọng đối với thơ mới và các nhà thơ mới "trong thất vọng sẽ nảy mầm hi vọng". Thơ mới cũng như các nhà thơ mới kế thừa và phát huy truyền thống tinh thần nòi giống, sẽ kế thừa những tinh hoa của thơ cũ, nền thơ cổ điển Việt Nam, “tìm về dĩ vãng để vin về những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai”.
Điệp ngữ "Chưa bao giờ như bây giờ...’! cất lên ba lần làm cho giọng văn vang lên tha thiết, ân tình.
Những năm 1943, 1944, thơ mới như bị "chững lại". Nhưng rồi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt đã thổi lửa cho thơ mới và thế hệ những nhà thơ mới. Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ,... đã trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, đã góp phần xứng đáng xây dựng và phát triển nền thơ ca Việt Nam hiện đại.
Bảy thập niên sau, đọc "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh, ta hiểu thêm thơ mới, ta yêu thêm lớp thi sĩ tiền chiến của "một thời đại thi cu".
Phân tích tinh thần thơ mới - Mẫu 2
Hoài Thanh là một trong những cây bút phê bình van học xuất sắc của văn học Việt Nam: “Hoài Thanh sinh ra dường như là để đọc thơ, bình thơ”. Ông tự nhận lối phê bình của mình là “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Trong đó, cuốn “thi nhân Việt Nam” là bản tổng kết nổi bật cho thời kì thơ Mới sau 10 năm, trong đó đoạn trích “một thời đại trong thi ca” rất tiêu biểu cho phong các phê bình tinh tế, nhẹ nhàng và tài hoa của ông. Đặc biệt, đoạn trích thể hiện rất rõ tinh thần thơ Mới đó là chữ tôi với ý nghĩa tuyệt đối nhất của nó.
Cách giới thiệu tinh thần thơ Mới của Hoài Thanh rất trực tiếp , rõ ràng là chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối nhất của nó. Tại sao lại là tuyệt đối, bởi trong thơ ca trung đại không phải cái tôi chưa xuất hiện, mà ở đó cũng đã nở rộ những cá tính thơ sắc mạnh, độc đáo như Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ...Nhưng điểm khác biệt giữa cái tôi cá nhân của thơ mới và thơ cũ là gì. Nếu như trong thơ cũ, không có cái tôi cá nhân chỉ có toàn thể thì trong thơ Mới cái tôi được đặc biệt đề cao gắn liền với ý thức và khát vọng giải phóng cái tôi cá nhân, bày tỏ chân thực cảm xúc và mong muốn của mình. Cái tôi cá nhân trong thơ xưa nếu có không tự xung hoặc ẩn đi còn cái tôi thơ Mới đi một mình với nghĩa tuyệt đối nhất của nó và đôi khi cũng gây cảm giác khó chịu. Thơ cũ là tiếng nói của cái ta, thơ mới là tiếng nói của cái tôi. Cái tôi được đặt trong mối quan hệ với thời đại, tâm lí của những thanh niên đương thời, trong phát triển lịch sử.
Ban đầu, cái tôi còn bỡ ngỡ thậm chí tội nghiệp. Nhưng ngày một ngày hai nó mất dần vẻ bỡ ngỡ mà dần xuất hiện với cốt cách hiên ngang, nhưng sau đấy cái tôi trở nên thảm hại, b lụy và mất niềm tin vào hiện thực cuộc sống rơi vào bi kịch cái tôi bơ vơ trước thời cuộc. Hoài Thanh đã khát quát điều ấy bằng những dòng văn hết sức thấm thía và tinh tế, thể hiện phong cách phê bình tinh tế và tài hoa của mình: đời chúng ta nằm trong vòng chữ “tôi”, mất bề rộng ta đi tìm bề sâu nhưng càng đi sâu ta càng lạnh, ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, say đắm bơ vơ cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên khép lại, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn hoàn bơ vơ ta trở về ngẩn ngơ hồn ta cùng Huy Cận. vậy là, Hoài Thanh đã khái quát bi kịch muôn thuở và vĩnh cửu của thi nhân muôn thuở, đó là bi kịch cái tôi cô đơn, bơ vơ. Chính vì thế, người nghệ sĩ luôn khát khao sự tri âm đồng cảm từ độc giả.
Như vậy ta thấy rằng, cách trình bày của Hoài Thanh vừa có tính khái quát cao về sự bế tắc của những cái tôi thơ Mới, đồng thời nhận ra rõ các khuynh hướng thơ đào sâu vào cái tôi, bắt chúng diện mạo, phong cách riêng của từng nhà thơ.
Với cách lập luận lô gic, chặt chẽ vừa khoa học vừa nghệ thuật đã giúp cho văn bản hiện lên thật sống động và chân thực. Như thế, đoạn trích của Hoài Thanh là sự khát quát chân thực và cụ thể tinh thần thơ Mới là cái tôi, ngoài ra còn là phát ngôn cho cho bi kịch đương diễn ra trong tam hồn của các thanh niên thơ Mới lúc bấy giờ và cách để họ thể hiện tình cảm của mình đó là gửi tình yêu của mình vào Tiếng Việt-tấm lụa bạch hứng vong hồn của các thế hệ đã qua.