Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về hiện trạng nhiều học sinh không thích học môn lịch sử - Những bài văn nghị luận lớp 12
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài văn hay lớp 12 nghị luận về hiện trạng nhiều học sinh hiện nay không thích học môn Lịch Sử đã đươc chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.
Lịch sử là một thứ vô cùng quan trọng của một đất nước, vì đó là sự đấu tranh và phát triển của đất nước đó. Nhưng ở Việt Nam hiện nay có nhiều học sinh không thích học môn Lịch Sử, đây là một vấn đề lớn trong nền giáo dục hiện nay. Vì vậy nó đã được đưa vào một số đề thi Ngữ Văn lớp 12, dưới đây là dàn ý cùng vời 3 bài văn mẫu giúp các bạn có thể tham khảo và download tại đây.
Dàn ý nghị luận về hiện trạng học sinh không thích học lịch sử
A. Mở Bài:
- Giới thiệu vấn đề.
- Nêu hiện trạng nhiều học sinh không thích học môn lịch sử.
B. Thân Bài:
* Nêu thực trạng hiện nay.
- Xé đề cương ôn thi môn Lịch sử và rải trắng khắp trường khi nghe tin môn này không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp.
- Mừng rỡ khi Lịch sử không còn là môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn; ít học sinh đăng ký thi môn Lịch sử theo hình thức tự chọn.
- Ít người trả lời thông suốt những câu hỏi về lịch sử trong các kỳ thi trên truyền hình, kể cả những người được xem là học tốt, học giỏi; học sinh gần di tích lịch sử cũng không biết lịch sử di tích gần mình.
- Lúng túng khi được hỏi về các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử nổi bật được lấy tên đặt cho các đường, các phố trong nhiều đô thị, không biệt phân biệt triều đại, các vị vua.
* Nguyên nhân của hiện trạng.
- Phía nhà trường: chương trình, sách giáo khoa Lịch sử khô cứng, không hấp dẫn; nhiều mốc thời gian, sự kiện khó nhớ khó thuộc gây ra sự rối loạn cho HS; thầy, cô dạy không có phương pháp tích cực, hiệu quả và thiếu nhiệt tình, không truyền được niềm đam mê, sự hứng thú lịch sử cho học sinh.
- Phía các kênh tuyên truyền: nặng về cung cấp thông tin một chiều hoặc chưa lưu ý đến hiệu quả xấu của việc cho chiếu quá nhiều phim cổ trang của Trung Quốc, phim Hàn Quốc.
- Phía cá nhân học sinh: bị thu hút quá mạnh vào những trò giải trí hấp dẫn quanh mình, bị chi phối của quan niệm thực dụng về việc học và việc chọn nghề sau này, quá ít đọc các sách, các tài liệu về lịch sử.
* Giải pháp.
- Đó là phải thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, thầy cô giáo đến cha mẹ HS và toàn xã hội về vai trò của môn lịch sử trong giáo dục con người nói chung, giáo dục nhân cách thế hệ trẻ nói riêng.
- Phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm, nhận thức đối với môn lịch sử ở cấp học phổ thông.
- Phải tích lũy kiến thức lịch sử một cách nghiêm túc hơn, tìm thấy hứng thú ở những câu chuyện nói về truyền thống hào hùng của cha ông.
- Phải nuôi dưỡng không ngừng lòng tự hào dân tộc.
- Đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch Sử để gây nên hứng thú, niềm tự hào dân tộc trong HS.
- Đổi mới nội dung chương trình, kiến thức, giảm lược kiến thức không quan trọng…
* Rút ra bài học nhận thức và hành động.
– Cần nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của Môn Lịch Sử để từ đó ra sức tìm tòi, học tập, nghiên cứu về nhưng chiến công hiển hách của cha ông trong lịch sử.
– Bản thân cá nhân bạn đã làm gì đối với việc học tập môn Lịch Sử ở trường học ?
– Phê phán những các nhân đi ngược lại Lịch Sử Đất nước, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
C. Kết Bài.
- Nêu cảm nhận về hiện trạng nhiều học sinh không thích học môn lịch sử.
Nghị luận về hiện trạng học sinh không thích học lịch sử - Mẫu 1
Bác Hồ đã từng dạy:
“ Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”
Lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống giáo dục của bất kỳ quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc học và thi lịch sử luôn trong tình trạng báo động, là vấn đề mà ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.
Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT 2014 với 4 môn thi (2 bắt buộc và 2 tự chọn). Thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ. Qua khảo sát ở một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho chúng ta kết quả rất đáng quan ngại. Cụ thể: Trường THPT Lương Thế Vinh (0% chọn lịch sử); Trường THPT Cầu Giấy (1.7%); Trường THPT Hồ Tùng Mậu (chỉ có 1 em chọn lịch sử)… Và đây cũng là bức tranh chung u ám của nhiều trường trên toàn quốc.
Trong hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào, lịch sử luôn là môn học bắt buộc và có vai trò quan trọng hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người. Học lịch sử là để học tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, với vai trò vô cùng quan trọng như vậy tại sao học sinh ngày nay lại có thể “thờ ơ, lạnh nhạt” với môn học này, có thể xem xét ở một số góc độ sau.
Trong các trường trung học thì việc học sinh không “thiết tha” với các môn học xã hội đã diễn ra từ lâu. Nguyên nhân mà các môn học này rơi vào tình trạng này năm ngay ở bản chất của nó. Khoa học xã hội phát triển từ lâu đời, thành quả của nó không thể hiện hữu ngay lập tức mà nó cần quá trình dài để phát triển và chứng minh. Người ta không nhận thức được vai trò và ý nghĩa của các môn học này, do đó thường không chọn lựa nó trong chương trình học.
Dễ thấy một điều rằng học và thi các môn tự nhiên khả năng được điểm cao hơn các môn xã hội nói chung, lịch sử nói riêng. Ngoài ra thì các môn xã hội khi thi đại học ít có cơ hôi chọn trường, chọn ngành hơn. Do đó sẽ ít học sinh chọn môn học này. Việc định hướng giá trị trong xã hội (vật chất hay tinh thần) ảnh hưởng đến sự lựa chọn môn học của học sinh. Cùng với nó là sự lên ngôi của các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ ở bậc đại học trong những năm qua góp phần làm hạ thấp vai trò của môn lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Ngày càng ít học sinh có năng lực đam mê hoặc có mong muốn theo học môn lịch sử. Nội dung lịch sử hiện nay còn khô khan, khó tiếp thu. Nội dung của lịch sử thiếu sự cập nhật và thiếu thực tiễn khiến người học có tâm lý chán nản. Người học ngại học, không dám học, thường kết quả kiểm tra kém. Cần phải khẳng định rằng học lịch sử không để thỏa mãn kiến thức. Học môn học này cần tiếp nối các vấn đề, lối tư duy của lịch sử để phục vụ trong thời đại hiện nay.
Các bộ môn xã hội hiện nay vẫn thường giảng dạy với phương pháp cũ: “thầy đọc trò ghi, học thuộc lòng” khiến người học không hứng thú học. Cốt yếu là cái tinh thần của sự kiện lịch sử thì chưa truyền thụ được cho học sinh. Điều nghịch lý là bắt học sinh nhớ từng ngày tháng, thuộc lòng; mà đôi khi học sinh lại không cần biết sự kiện đó có ý nghĩa ra sao, tại sao lại xuất hiện? Dạy lịch sử không phải để nhớ sự kiện, biết sự kiện quan trọng là “tư duy lịch sử”. Ví như trong một hoàn cảnh lịch sử đó thì có ý nghĩa gì, dẫn đến sự kiện gì tiếp theo. Điều quan trọng hơn nữa là học lịch sử giải quyết các vấn đề trong tương lại (các bài học của lịch sử). Trong nhiều năm nay, môn lịch sử luôn bị coi là môn phụ, là môn thi của những người không học được khối A, B, D và là môn của những người học “thuộc lòng”. Trong chương trình học thì số tiết cũng ít hơn các môn học khác, dẫn đến tâm lý dạy và học đối phó, học nhồi nhét trước kỳ thi. Chúng ta xem xét một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, không ở đâu xa như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Đó là những nền giáo dục biết coi trọng môn lịch sử thể hiện qua việc sản xuất và xuất khẩu được nhiều bộ phim lịch sử của nước mình. Có được điều đó xuất phát từ việc nhà nước, xã hội và nhà trường nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục lịch sử dân tộc. Một quốc gia hùng mạnh không chỉ ở nền kinh tế phát triển, quân sự tiến tiến mà nó còn ở truyền thống của dân tộc đó (bề dày lịch sử). Đất nước ta đã có 4000 năm lịch sử, với một quá khứ hào hùng. Từ chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, đến Điện Biên Phủ (Chống Pháp), rồi chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (Chống Mỹ)... Với một bề dày lịch sử như vậy, việc giáo dục những truyền thống, giá trị đẹp của dân tộc Việt đến thế hệ mai sau là nhiệm vụ rất quan trọng.
Có rất nhiều ý kiến nhằm đưa lịch sử vào trong lòng các thế hệ trẻ hiện nay: Đổi mới phương pháp dạy và học, thay đổi chương trình học, nâng cao nhận thức xã hội về lịch sử… Tuy nhiên, việc thực hiện và hiệu quả của nó vẫn là dấu hỏi lớn. Đây vẫn là bài toán khó cho ngành giáo dục hiên nay, cần có sự chung tay giúp sức của toàn xã hội. Không phải một sớm một chiều mà có lấy lại sự hứng thú của người học đối với môn lịch sử. Chúng ta vẫn phải chờ đợi lời giải đáp của ngành giáo dục của Việt Nam.
Nghị luận về hiện trạng học sinh không thích học lịch sử - Mẫu 2
Kì thi THPT Quốc gia năm 2015, nhiều điểm thi trên cả nước “nghỉ sớm” vì không có thí sinh dự thi môn lịch sử. Có điểm thi, cả Hội đồng thi chỉ phục vụ một thí sinh. Đây là một biểu hiện của hiện trạng học sinh không thích học môn Lịch sử và hiểu biết hạn chế về lịch sử nước nhà như hiện nay.
Câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm hiểu biết lịch sử của mỗi công dân từ đó khơi gợi vai trò ý nghĩa của lịch sử nói chung và bộ môn lịch sử nói riêng trong giáo dục. Lịch sử chính là điểm tựa của chúng ta, là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc, của các thế hệ cha ông. Lịch sử giúp cho chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào truyền thống anh hùng, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của tổ tiên và hy vọng vào tiền đồ, tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhưng hiện tượng trong kì thi THPT Quốc gia đã cho thấy tình trạng học sinh quay lưng với môn lịch sử, không thích học môn lịch sử từ đó gợi ra vấn đề đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay đó là sự hiểu biết hạn chế về lịch sử nước nhà của thế hệ trẻ.
Việc học sinh không thích học môn lịch sử và ít hiểu biết về truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc là điều có thật và là một thực tế đau lòng cho nền giáo dục đất nước: Học sinh xé đề cương ôn thi môn lịch sử và rải trắng khắp trường khi nghe tin môn này không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp (năm 2013); Học sinh mừng rỡ khi lịch sử không còn là môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn; ít học sinh đăng ký thi môn Lịch sử theo hình thức tự chọn (năm 2014). Hằng năm, kết quả điểm thi môn lịch sử (kể cả thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học) thấp một cách bất thường. Năm 2015, kì thi THPT QG diễn ra nhiều điểm thi trên cả nước “nghỉ sớm” vì không có thí sinh dự thi môn lịch sử.
Có điểm thi, cả Hội đồng thi chỉ phục vụ một thí sinh. Ít người trả lời thông suốt những câu hỏi về lịch sử trong các kỳ thi trên truyền hình, kể cả những người được xem là học tốt, học giỏi; học sinh gần di tích lịch sử cũng không biết lịch sử di tích gần mình. Lúng túng khi được hỏi về các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử nổi bật được lấy tên đặt cho các đường, các phố trong nhiều đô thị, không biệt phân biệt triều đại, các vị vua. Chương trình Chuyển động 24h của VTV thực hiện phóng sự ngắn tại hai tuyến phố lịch sử Tây Sơn và Đặng Tiến Đông với câu hỏi rất đơn giản về vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Câu hỏi về mối quan hệ giữa hai cái tên Quang Trung - Nguyễn Huệ cho các em ở lứa tuổi học sinh. Các em đã khiến hầu hết người nghe phải bàng hoàng khi đưa ra câu trả lời Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai bố con, hai anh em, bạn thân chiến đấu. Thậm chí, trong phóng sự, có một em học sinh còn chắc chắn như đinh đóng cột rằng “Quang Trung là nhà thơ, trường con chính là trường của ông ấy - trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”. Phóng sự ngắn trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động lỗ hổng lớn về kiến thức lịch sử của học sinh Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân đơn cử như: chương trình, sách giáo khoa lịch sử khô cứng, không hấp dẫn; nhiều mốc thời gian, sự kiện khó nhớ khó thuộc gây ra sự rối loạn cho học sinh; thầy, cô dạy không có phương pháp tích cực, hiệu quả và thiếu nhiệt tình, không truyền được niềm đam mê, sự hứng thú lịch sử cho học sinh. Phía các kênh tuyên truyền: nặng về cung cấp thông tin một chiều. Phía cá nhân học sinh: bị thu hút quá mạnh vào những trò giải trí hấp dẫn quanh mình, bị chi phối của quan niệm thực dụng về việc học và việc chọn nghề sau này, quá ít người đọc các sách, các tài liệu về lịch sử. Học sinh không lựa chọn thi lịch sử vì khi thi sử thì các em không có nhiều cơ hội đa dạng về ngành nghề. Tuy nhiên vẫn có học sinh không chọn lịch sử làm môn thi không có nghĩa là các em không hiểu biết về lịch sử.
Phải thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, thầy cô giáo đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội về vai trò của môn lịch sử trong giáo dục con người nói chung, giáo dục nhân cách thế hệ trẻ nói riêng. Phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm, nhận thức đối với môn lịch sử ở cấp học phổ thông. Hiện nay các thầy cô giáo đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử để gây nên hứng thú, niềm tự hào dân tộc trong học sinh. Đề thi lịch sử cũng đã bắt đầu có sự đổi mới...Phải tích lũy kiến thức lịch sử một cách nghiêm túc hơn, tìm thấy hứng thú ở những câu chuyện nói về truyền thống hào hùng của cha ông. Phải nuôi dưỡng không ngừng lòng tự hào dân tộc.
Cần nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của môn lịch sử để từ đó ra sức tìm tòi, học tập, nghiên cứu về nhưng chiến công hiển hách của cha ông trong lịch sử. Lịch sử là điểm tựa của hiện tại và tương lai. Tất cả chúng ta cần phải hăng hái, tự giác học lịch sử nước nhà để có thể đón nhận được những thông tin, tiếp thu được những kinh nghiệm quí báu từ xa xưa. Phê phán những các nhân đi ngược lại lịch sử đất nước, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc
Hơn lúc nào hết trong bối cảnh hội nhập để giữ vững nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, hiểu về lịch sử dân tộc là cần thiết:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
.................
Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!