Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về hiện tượng lãng phí trong cuộc sống hiện nay - Những bài văn hay lớp 12
Download.com.vn xin giới thiệu bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về hiện tượng lãng phí trong cuộc sống hiện nay, đã được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.
Lãng phí là một hiện tượng gây ra sự tiêu hao, tốn kém không cần thiết trong cuộc sống. Chính vì vậy dưới đây là dàn ý chi tiết và một số bài văn nghị luận về hiện tượng lãng phí trong cuộc sống hiện nay, mời các bạn tham khảo và tải tại đây.
Dàn ý nghị luận về hiện tượng lãng phí
I. Mở bài
- Có nhiều hiện tượng đáng phê phán trong cuộc sống đối với một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị tàn phá nặng nề và giờ mới đang phát triển.
- Lãng phí là hiện tượng rất đáng lo ngại trong đời sống.
II. Thân bài
a. Giải thích hiện tượng
- Lãng phí là hiện tượng, tình trạng con người thực hiện, tiến hành, tổ chức một công việc nào đó mà làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích.
b. Phân tích
* Biểu hiện:
- Lãng phí của cải, vật chất, thời gian… trên mọi bình diện của cuộc sống, với nhiều đối tượng khác nhau.
+ Lãng phí ở cấp độ vi mô (cá nhân, gia đình): việc tổ chức cưới hỏi, tang lễ trong mỗi gia đình đều rất lãng phí, không cần thiết…
+ Lãng phí ở cấp độ vĩ mô (các cấp, các ngành, toàn thể xã hội): các cuộc hội nghị, hội thảo, các dịp kỉ niệm, các lễ hội… phung phí rất nhiều tiền của, tốn kém mà chất lượng lại thực sự không cao… Có những dự án kinh tế, nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng mà hiệu quả thu về lại không nhiều.
+ Lãng phí trong giới trẻ:
- Lãng phí không chỉ những thứ hữu hình như tiền bạc, của cải, sức lực. Không ít bạn trẻ sử dụng tiền bạc vào những việc vô bổ như quần áo, xe cộ, điện thoại, giầy dép… đắt tiền, không phù hợp, không cần thiết với HS.
- Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, cơ hội… cho những trò chơi, những thú vui không lành mạnh như game, điện tự, truyện tranh bạo lực…
* Nguyên nhân:
– Sự thiếu ý thức, thói quen phô trương, chạy theo hình thức, đua đòi…
- Không xác định được mục tiêu của bản thân trong cuộc đời mà mải mê chạy theo những thú vui trước mắt.
* Tác hại:
- Trước hết thiệt hại về tiền bạc, công sức…
- Thứ hai, không có điều kiện để đầu tư cho những việc, những lĩnh vực cần thiết, cấp bách cần phải làm.
- Mỗi người chỉ sống một lần trong đời và tuổi trẻ cũng “chẳng hai lần thắm lại”. Thời gian, tuổi trẻ, cơ hội không quay lại bao giờ. Do đó, lãng phí lớn nhất đối với người trẻ tuổi là lãng phí thời gian, tuổi trẻ, cơ hội.
* Biện pháp:
- Biện pháp chống lãng phí:
+ Chung sức cùng xã hội để khắc phục, hạn chế hiện tượng lãng phí.
+ Cần biết đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào những việc có ích như học tập, giúp đỡ gia đình, cộng đồng… Không nên sống hoài, sống phí những năm tháng tuổi trẻ có ý nghĩa.
c. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức: Lãng phí là hiện tượng đáng phê phán vì nó gây hại cho cả cá nhân và xã hội.
- Hành động:
+ Thực hành tiết kiệm.
+ Sử dụng thời gian hợp lí. Xác định mục đích sống, lí tưởng sống của bản thân để chuyên tâm theo đuổi khát vọng của mình.
III. Kết bài:
- Chống lãng phí không là chuyện của một cá nhân, một gia đình, một tập thể nào… mà đã là vấn đề của toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
- Sống giản dị, tiết kiệm cũng là sống đẹp bởi mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Nghị luận về hiện tượng lãng phí - Mẫu 1
Cuộc sống hiện nay đang ngày càng phát triển hơn, vật chất dư thừa dẫn đến việc con người cũng có môi trường sống thoải mái hơn. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo một vài hệ lụy mà tiêu biểu là vấn nạn lãng phí. Người Việt, đặc biệt là người trẻ tuổi đang có hiện tượng lãng phí ngày càng nhiều: lãng phí đồ dùng, vật dụng, lãng phí thực phẩm, lãng phí tiền bạc, lãng phí thời gian.
Khi cuộc sống con người đầy đủ thì người ta thường phí phạm đồ dùng vật chất một cách vô tội vạ. Hiện tượng này thường thấy nhiều nhất là đối với lương thực thực phẩm. Con người có kinh tế dư dả, cuộc sống vật chất được đảm bảo nên đồ ăn thức uống cũng thoải mái không còn phải kiêng khem, hà tiện như trước kia. Thế nhưng điều này cũng dẫn tới tình trạng nhiều bạn trẻ mua quá nhiều đồ ăn thức uống sau đó dùng không hết và bỏ đi. Trong việc sử dụng lương thực thực phẩm nhiều bạn hiện nay cũng quá lạm dụng, hoang phí một cách vô tội vạ. Hễ đi siêu thị, đi chợ là sẽ mua về rất nhiều thực phẩm đồ ăn vặt để rồi sau đó chỉ ăn một chút là vất đi. Đi ăn tại nhà hàng nhóm nào cũng gọi một bàn đầy thức ăn, bừa phứa cả ra sau đó mỗi món chỉ động đũa một vài miếng còn lại đứng lên đi về. Thay vì bỏ đồ ăn thừa lại, thực ra khách vẫn hoàn toàn có thể yêu cầu gói hộp lại đem về ăn hoặc đơn giản là gọi ít đồ ăn thôi. Như vậy sẽ đỡ lãng phí thay vì các bạn cố gắng thể hiện sự sang chảnh, đẳng cấp của bản thân bằng việc gọi một bàn tiệc rồi bỏ thừa.
Trong việc sử dụng và quản lí thời gian, nhiều bạn trẻ ngoài giờ học thì hầu hết chỉ dành thời gian cho việc ngủ. Có những bạn trẻ thường xuyên thức khuya để xem phim, lướt facebook, lên mạng xã hội đến 1,2h đêm sau đó sáng hôm sau lại ngủ nướng đến tận 10h, 11h trưa. Việc lãng phí khoảng thời gian ngủ ngày đó khiến các bạn khi tỉnh dậy vừa mệt mỏi, dễ cáu gắt lại làm mất rất nhiều thời gian để làm những công việc khác. Lãng phí thời gian cũng là một trong những nạn lãng phí tai hại nhất đối với mỗi con người vì thực chất thời gian không chờ đợi ai, cũng không thể lấy lại, nếu bạn lãng phí khoảng thời gian mà bạn có thể dùng để làm rất nhiều việc khác thì có phải bạn đã bỏ lỡ rất nhiều điều.
Ngay cả đồ dùng, quần áo cũng vậy, làm đẹp cho bản thân là một việc làm tốt nhưng lạm dụng và quá chưng diện, lãng phí quần áo thì là không nên. Có những bạn trẻ hiện nay đi làm được bao nhiêu tiền đều dồn hết vào sắm sửa quần áo. Đồ mặc cả tháng không lặp bộ nào, thậm chí mỗi bộ đồ chỉ dùng một lần là bỏ vì không muốn mặc lại. Nhưng các bạn hoàn toàn có thể có những cách thức xử lí khác với chỗ quần áo của mình bằng các cách như tặng lại cho những người cần hơn hay bán đi, cho những người cần.
Việc lãng phí không phải là một cách hay ho để chứng tỏ bạn giàu có, đẳng cấp, phong độ. Lãng phí cũng hoàn toàn có thể được khắc phục, sữa chữa tùy vào ý thức của mỗi người. Chống lãng phí không chỉ giúp mọi người tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc, tài sản mà còn giúp con người rèn giũa các đức tính thói quen tốt đẹp. Như vậy không có nghĩa là con người nên hà tiện, ki bo, kẹt xỉ, đó không phải là việc nên làm nếu như bạn muốn làm giàu hay tiết kiệm điều gì. Hãy hiểu rằng không lãng phí ở đây là vấn đề chúng ta chỉ nên dùng đủ, không nên thừa, vậy thôi.
Tuổi trẻ cần có những nhận thức rõ ràng về việc lãng phí trong cuộc sống, có trách nhiệm phải loại bỏ những tư tưởng và hành động lãng phí. Muốn vậy, mỗi bạn phải có những hành động thiết thực ngay từ hôm nay bằng cách không lãng phí những điều nhỏ nhất quanh mình. Mỗi bạn hãy là một tấm gương để những người xung quanh cũng từ đó mà điều chỉnh hành vi của mình.
Nghị luận về hiện tượng lãng phí - Mẫu 2
Sống trong xã hội hiện đại, con người có nhiều điều kiện để phát triển, chất lượng của cuộc sống nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực vẫn tồn tại không ít những hạn chế, những hiện tượng đáng phê phán, một trong số đó có hiện tượng lãng phí trong cuộc sống.
“Lãng phí” là việc tiêu tốn không có kế hoạch gây tốn kém, hao tổn một cách vô ích. Có một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội có thói quen lãng phí, đó có thể là lãng phí của cả vật chất, thời gian….Ở mỗi cá nhân lại có đối tượng và cách thức lãng phí khác nhau, có người lãng phí thời gian vào những chuyện vô bổ, cũng có người lãng phí trong sử dụng điện, nước, tiền bạc.
Sử dụng lãng phí gây tiêu tốn những thứ tài sản (tiền bạc, thời gian, vật chất” một cách vô ích, thừa thãi mà còn gây nguy cơ thiếu hụt những thứ tài sản ấy, gây khó khăn trực tiếp cho con người trong tương lai. Hành động lãng phí nếu kéo dài có thể trở thành một thói quen khó bỏ, tính cách con người sẽ trở nên dễ dãi, không có kế hoạch, kỉ luật.
Hiện nay, ở một bộ phận giới trẻ đã và đang sử dụng lãng phí tiền bạc, của cải, sức lực vào những mục đích không cụ thể, cần thiết gây lãng phí. Đó là việc sử dụng tiền bạc vào những thứ vô bổ như: ăn chơi, quần áo, điện thoại, giày dép….trong khi điều kiện kinh tế không tương xứng. Hành động lãng phí có thể gây ra những gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Một trong những cách thức lãng phí đáng tiếc nhất mà không nhiều người nhận ra, đó chính là lãng phí thời gian. Thời gian là thứ tài sản to lớn nhưng vô hình nên khó nhận biết, cũng bởi vậy mà nhiều người để thời gian trôi vụt qua tầm tay một cách đáng tiếc mà không biết nắm bắt. Thời gian có thể mang đến những cơ hội to lớn để phát triển và khẳng định bản thân, thế nhưng một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay vì quá sa đà vào những thú vui không lành mạnh hay sống không có mục đích đã gây lãng phí thời gian một cách nghiêm trọng.
Thói quen và hành động lãng phí không phải tính sẵn, nó có thể được hình thành trong quá trình sống, quá trình tiếp xúc với môi trường sống. Thói quen lãng phí xuất phát từ sự thiếu ý thức, thói quen ưa phô trương, chạy theo hình thức một cách mù quáng. Không xác định được mục tiêu sống của bản thân cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng lãng phí.
Mỗi người chỉ có một lần để sống, những cơ hội cũng chỉ đến một lần nên hãy tận dụng những gì ta đang có và sử dụng chúng một cách có hiệu quả, có ý nghĩa nhất.