Bài văn mẫu Lớp 6: Bài viết số 2 (Đề số 1 đến Đề số 5) - Bài tập làm văn mẫu số 2 lớp 6

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 392,2 KB
Lượt tải: 1,732
Nhà phát hành: Sưu tầm


Bạn có biết Bài văn mẫu Lớp 6: Bài viết số 2 (Đề số 1 đến Đề số 5) không?! Bài Tập làm văn mẫu Lớp 6 số 2 (Từ đề số 1 đến đề số 5) sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích vì nó giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng hay và mới cho bài viết của mình. Sau đây, mời quý thầy cô giáo và các em cùng tham khảo.

Nội dung chi tiết:

Download.com.vn xin giới thiệu một số bài văn mẫu cho bài viết số 2 lớp 6 dành cho các bạn học sinh tham khảo để lấy ý tưởng cho bài tập làm văn số 2 lớp 6 của mình. Tuyển tập những bài văn mẫu số 2 lớp 6 được các em học sinh trình bày rất hay, hầu hết các em đều được những giải thưởng lớn như các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Sau đây, mời quý thầy cô giáo và các em cùng tham khảo.

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 1: Kể về việc tốt em đã làm

Bài văn mẫu số 1

Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.

Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em giẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: Ồ! hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger. Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về nhưng tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng 1, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:

– Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: 25.000đ cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi. – Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít.

Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em. Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người.

Bài văn mẫu số 2

Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao hôm nay vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.

Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nó: Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ 9.000đ để mua bút Nét hoa viết vào vở Toán. Linh sực nhớ ra và reo lên, A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút Nét Hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không? Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cả lớp ngồi vào chỗ hát xong và Linh cắm cúi viết bài ngay để khỏi trễ giờ. Linh thấy thế nài nỉ tôi cho mượn bút. Cuối cùng tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ: Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này. Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói: Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé! Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.

Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói: Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé! Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Bài văn mẫu số 3

Năm lớp Hai, có một chuyện mà đến giờ em vẫn nhớ trong câu chuyện đó em đã đấu tranh với sai lầm của chính mình.

Hôm đó, cô gọi các bạn lên bảng chữa bài tập toán, khi cô gọi bạn Thảo Hương lên chữa bài, em nhìn thấy bạn lúng túng nói gì đó với bạn bên cạnh, lúc bạn lên đến bàn em, bạn nói thầm vào tai em: Phương Anh ơi! Cho tớ mượn vở nhé! Em hơi lưỡng lự rồi đưa cho bạn vở của mình. Các bạn chữa bài xong, cô bảo cả lớp thu vở lúc đó em mới lên nói với cô là Thảo Hương quên vở, cô hỏi: Thế sao lúc này bạn lại có vở và lên chữa bài? Em trả lời là em không biết. Vừa lúc đó, tiếng trống trường từ báo hiệu giờ ra chơi, cô cho các bạn ra chơi, thế là cả lớp ùa ra ngoài như những chú chim non rời tổ, em cũng ra theo. Ra chơi vào, cô trả vở và gọi các bạn đọc điểm, cô gọi đến Thảo Hương thì bạn lí nhí trả lời: Thưa cô, em... em quên vở ạ. Thế là cô cho bạn điểm kém, bạn rất buồn.

Về đến nhà, em kể chuyện của bạn cho mẹ, mẹ bảo em: Con nên đến thú thật với cô thì chắc cô sẽ không nói gì đâu. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ được. Hôm sau, em đến nói thật với cô là chính em đã cho bạn mượn vở. Chẳng ngờ cô đã không mắng em mà còn khen em trong tiết học sinh hoạt lớp. Hôm đó em rất vui, khi vừa đến gặp mẹ ở nhà em đã tíu tít kể chuyện và em thấy mẹ nói rất đúng.

Câu chuyện đó luôn khắc sâu trong tâm trí em em rất tự hào vì mình đã làm một việc tốt.

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 2: Kể về một lần em mắc lỗi (bỏ học, nói dối, không làm bài,... )

Bài văn mẫu số 1

Giờ đây, sau nhiều năm trôi qua, tôi mới có đủ dũng khí để nhớ về trường Marie Curie, nhớ về những năm tháng êm đềm của tuổi học trò qua kỷ niệm về một lần mắc lỗi – lần đầu tiên và cũng là duy nhất nhưng đủ để khiến tôi phải hổ thẹn đến tận bây giờ. Ngày đó, tôi chỉ là một con nhóc lớp 8 ngốc nghếch, dại dột.

Hằng ngày tôi đạp xe tới trường và nhận từ tay chú Thành bảo vệ một tấm vé xe. Tôi rất sợ bị mất vé vì nếu làm mất vé sẽ bị ghi tên vào sổ “đen”. Bây giờ nghĩ lại tôi không khỏi bật cười vì sự ngớ ngẩn của mình. Cuốn sổ bìa da màu đen đó chẳng qua chỉ là sổ ghi công tác của chú bảo vệ nhưng tôi cứ ngỡ đó là sổ đen ghi tên học sinh cá biệt và nếu bị ghi tên nhiều lần thì sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị đuổi khỏi trường. Một buổi chiều, giờ tan học, tôi lục khắp túi áo, túi quần, đổ tung mọi thứ trong cặp sách ra nhưng vẫn không tìm thấy vé xe của ngày hôm ấy. Tôi hoảng hốt thực sự vì đây là lần thứ hai tôi làm mất vé xe mà lại cùng trong một tuần nữa chứ. Tôi lục lại cặp sách một lần nữa nhưng thay vì tìm thấy tấm vé xe hôm đó, tôi lại tìm thấy tấm vé mà tôi ngỡ đã đánh mất buổi trước. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu… tôi có thể dùng tấm vé này để thay thế cho tấm vé hôm nay, chỉ cần sửa ngày tháng là xong.

- Cháu này đứng lại – tiếng chú Thành làm tôi giật nảy mình, mặt cắt không còn hạt máu.

– Cháu đem xe lại kia, lát nữa nói chuyện. Dựng xe trong một góc lán, tôi thấy từng phút trôi qua dài như hàng thế kỷ với bao nỗi sợ hãi, hối hận mỗi lúc một tăng. Người cuối cùng lấy xe ra là tôi. Tôi lếch thếch dắt chiếc xe đạp lại phía chú, không dám ngẩng đầu như mọi ngày nữa. Cô Thơ – Phó trưởng ban quản lý học sinh đi lại hỏi:

- Có chuyện gì thế? - Học sinh này dùng vé giả!

Chú Thành đáp, giọng không giấu nổi bực mình rồi đưa tấm vé cho cô Thơ xem. Tôi muốn khóc nhưng không phải vì sợ nữa mà vì thẹn. Cô Thơ nhìn tôi, tôi không dám ngẩng mặt nhìn cô nhưng tôi biết thế vì tôi cảm thấy ánh mắt cô đốt trên da thịt nóng ran

- Đây là em Phương Thu, lớp 8I của cô Liên. Cô bảo chú Thành, giọng buồn buồn.

– Tôi bảo lãnh cho em ấy.

Rồi cô bảo tôi:

- Em về làm bản tường trình gửi cô chủ nhiệm và đừng bao giờ tái phạm nữa. Dối trá là xấu lắm. Cô nói nhẹ nhàng nhưng từng từ, từng chữ như cứa sâu vào lòng tôi. Tôi lí nhí:

- Vâng ạ.

Chiều hôm đó, tôi không đi chơi như mọi khi mà chui vào phòng trùm chăn kín mít. Tôi nhắm mắt nhưng không thể ngủ được, nỗi sợ hãi lấn át tâm hồn tôi. Chỉ nay mai thôi, chuyện này sẽ được nêu ra trước toàn trường, ai ai cũng sẽ biết tôi là một kẻ dối trá. Bố mẹ tôi sẽ ra sao khi biết mình sinh ra một đứa con dối trá? Và còn lớp tôi nữa, tôi có làm cô chủ nhiệm và bạn bè phải xấu hổ vì “dây dưa” với một đứa hư hỏng như tôi? “Phải cứu vãn cái gì còn có thể cứu vãn! Mình là người bỏ đi rồi nhưng không được làm ảnh hưởng thêm tới ai nữa!”. Tôi vùng dậy, bắt đầu viết ba bản kiểm điểm, một gửi cô Thơ, một gửi cô chủ nhiệm và một gửi chú Thành, trong đó tôi tường trình lại toàn bộ sự việc.

Tôi nhận lỗi nhưng không xin tha thứ vì trong thâm tâm tôi hiểu tội tôi to lắm… Tôi chỉ xin đừng nêu việc này trước toàn trường để cô giáo chủ nhiệm và bạn bè không phải xấu hổ vì tôi, để danh dự của một tập thể lớp đứng đầu khối không bị bôi bẩn. Còn về phần mình, tôi sẵn sàng nhận án kỷ luật cao nhất: buộc thôi học. Những ngày tiếp theo sau đó tôi sống trong sự thấp thỏm chờ đợi cái án kỷ luật nhưng mãi không thấy. Dường như mọi người đã quên hẳn lỗi lầm của tôi. Một ngày cuối năm, khi chia tay với chúng tôi, cô Thơ nói:

- Tập thể lớp của các em tuy rất hiếu động, nghịch ngợm nhưng cô nhận thấy sự đoàn kết yêu thương nhau và sự hết lòng với tập thể lớp của mỗi cá nhân. Cô ngừng lời ở đó và mỉm cười với tôi. Nụ cười kín đáo chứa đựng thông điệp: các thầy cô và chú Thành đã tha thứ cho tôi rồi.

Đã ba năm trôi qua, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn tự hỏi nếu ngày đó không có sự bao dung, rộng lượng của cô Thơ, cô chủ nhiệm và cả chú Thành nữa thì tôi sẽ ra sao? Có thể tôi chỉ phải chịu một án kỷ luật nhẹ, có thể là nêu tên trước toàn trường… chỉ thế thôi cũng quá đủ cho một dấu chấm hết đối với một học sinh ngoan ngoãn. Một ai đó đã nói: “Đình chỉ học, buộc thôi học… án kỷ luật nặng nhẹ khác nhau nhưng đều làm một học sinh tuột dốc nhanh hơn mà thôi”. Sự bao dung của các cô và chú đã ngăn không cho tôi tự coi mình là người bỏ đi để mà tự do tuột dốc, để giờ đây tôi luôn cố gắng phấn đấu trở thành con người trung thực và để câu chuyện này mãi là lần mắc lỗi đầu tiên và duy nhất của tôi.

Bài văn mẫu số 2

Đã có ai phải tự hỏi: "Mình đã làm cho thầy cô vui hay chỉ làm thầy cô thêm mệt mỏi?". Riêng tôi, tôi chỉ là 1 học sinh tầm thường mà tôi đã biết bao lần làm cho cô tôi buồn. Tuy đã bao nhiêu năm, nhưng tôi không thể quên được cái lỗi lầm ấy, cái lỗi lầm tôi gây ra khiến cô buồn...

Đó là 1 buổi sáng đẹp trời, tôi đến lớp sớm như mọi ngày. Nhưng hôm nay, tôi vừa vào lớp thì đã thấy tụi thằng Thuận đợi sẵn. Thấy tôi, nó chạy đến vỗ lên vai tôi, nói: "Ê! Hôm nay đi trễ thế vậy?". "Tao không đi trễ, tại tụi mày đi sớm thôi"- tôi trả lời. Thuận thở dài nói tiếp: "Thôi dù sao cũng vô rồi. Buồn ghê! Hay là chúng ta tổ chức 1 cuộc thi vẽ đi. Và phần thưởng sẽ là 1 chuyến đi tham quan phòng thí nghiệm của cô Bích. Tụi mày đồng ý ko?". "Ok, nhưng tao không cung cấp giấy để thi đâu à nha!" - thằng Tâm tiếp lời. Tôi nói: "Tường trắng, bàn gỗ mới "tin" đây này, cần gì giấy chứ!".

Thế là cuộc thi bắt đầu. Sau vài phút căng thẳng,cả bọn buôn ra xem cái thành quả của mình. Ôi! Cái gì thế này - tôi thốt lên. Những bức hình trong thấy ghê. Thế là chả có thằng nào thắng cuộc. Nhưng bọn tôi vẫn quyết định đi 1 chuyến tham quan trong phòng thí nghiệm của cô Bích. Cả đám hì hục trèo vô phòng. Đi 1 vòng quanh phòng, tôi lấy 1 lọ nước, đổ vào 1cái gì đó. Bổng dưng 1 tiếng nổ phát lên,cả bọn hoảng hốt bỏ chạy. Chạy 1 mạch ra tới bờ sông mới dám dừng lại. Tôi nói:"thôi, quay lại học đi". Thằng Thuận ngắt lời: "Thôi đi mày. Lỡ ra đây rồi, không tắm thì uổng lắm". Thế là cả đám lao xuống sông tắm. Có thằng thì leo lên cầu, ra dáng vận động viên bơi lội rồi nhảy xuống. Tắm sông xong, chúng tôi ra đồng chơi đánh trận giả, sau đó qua nhà Ông Sáu, trốn trong vườn ổng mà ăn ổi. Ôi! Hương ổi chín khiến chúng tôi không thể cưỡng lại. Thấm thoát đã xế chiều, chúng tôi trở về trường lấy cặp vở. Vừa tới trước cổng trường, tôi đã thấy cô Thu - cô chủ nhiệm của tôi, đã đứng đợi sẵn. Nước mắt cô rưng rưng nhìn thẳng vào hướng chúng tôi không nói gì. Tôi bước đến, cô ghì chặt lấy tay tôi thét lên trong tiếng nấc: "Em có biết hôm nay lớp chúng ta dự giờ không? Em có biết lọ chất hoá học mà em là đổ là dùng để cho buổi dự giờ hôm nay không? Chỉ vì việc làm của bọn em mà cả lớp phải bị thiệt vì buổi dự giờ hôm nay". Nói xong cô quay đi, bỏ lại trong tôi nổi nghẹn ngào khôn xiết. Bỗng thằng Thuận nói: "Thằng Minh chứ không ai vào đây. Chắc chắn nó là thằng mách với cô, hồi sáng chạy ra tao thấy nó đây mà. Để ông gặp mày,ông cho mày ốm đòn con à!". "Thôi đi, bây giờ mà mày còn nói thế nữa hả Thuận!"- tôi hét lên.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến gặp cô xin lỗi cô 1 lần nữa. Lúc này cô tôi đã bớt giận rồi. Vì chúng tôi đã biết lỗi, đến xin lỗi cô Bích, lau sạch những hình vẽ ghê tởm. Cô tôi có nói "Siêu nhân vẫn là người, không ai mà không mắc lỗi, không ai là hoàn thiện tất cả. Quan trọng là làm lỗi mà có biết lỗi và sửa lổi hay không!".

Tôi khuyên các bạn, đừng nên làm gì khiến người xung quanh mình phải buồn, nếu ko 1 ngày nào đó, người hối hận sẽ là chúng ta!

Bài văn mẫu số 3

Cuối năm học vừa qua, em được nhận phần thưởng Học sinh xuất sắc. Thầy cô và bạn bè khen ngợi nhưng cũng chính những lời khen ấy lại làm cho em xấu hổ vô cùng. Chuyện là thế này:

Em vốn là học sinh giỏi Toán. Bài kiểm tra nào em cũng đạt điểm 9, điểm 10. Mỗi lần thầy yêu cầu xướng điểm, em trả lời rất rành rọt trước sự thán phục của bạn bè trong lớp. Một hôm, trong giờ ôn tập, em chủ quan không học bài cũ. Theo thường lệ, thầy giáo gọi học sinh lên bảng. Em đã có điểm kiểm tra miệng nên tin chắc là thầy sẽ chẳng gọi đến mình. Vì vậy em ung dung ngồi ngắm trời qua khung cửa sổ và tưởng tượng đến trận đá bóng chiều nay giữa đội lớp em với lớp 6B.

Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra. Thầy giáo yêu cầu cả lớp lấy giấy ra làm bài. Biết làm sao bây giờ? Mọi khi làm bài một tiết, thầy thường báo trước. Còn hôm nay, sao lại thế này? Đây đó trong lớp nổi lên tiếng xì xào thắc mắc của một số bạn. Em ngơ ngác nhìn quanh một lượt. Bạn Hoa ngồi cạnh huých cùi tay vào sườn, nhắc nhở: Kìa, chép đề đi chứ!

Em có cảm giác là tiết kiểm tra như kéo dài vô tận. Em loay hoay viết rồi lại xóa. Vì mất bình tĩnh nên đầu óc cứ rối tinh lên. Thời gian đã hết, em nộp bài mà lòng cứ thắc thỏm, lo âu.

Tuần sau, thầy giáo trả bài. Như mọi lần, em nhận bài từ tay thầy để phát cho các bạn. Liếc qua bài mình, thấy bị điểm 3, tim em thắt lại. Em không để cho ai kịp nhìn thấy và cố giữ nét mặt thản nhiên, vẻ mặt ấy che giấu bao nhiêu bối rối trong lòng. Thật là chuyện chưa từng có. Ăn nói làm sao với thầy, với bạn, với bố mẹ bây giờ? Em quay cuồng lo nghĩ và bất chợt nảy ra một ý...

Thầy giáo gọi điểm vào sổ. Đến tên em, em bình tĩnh xướng to: Tám ạ! Thầy gọi tiếp bạn khác. Em thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ chắc thầy giáo sẽ không để ý vì có gần chục bài bị điểm kém cơ mà!

Để xóa sạch mọi dấu vết, tối hôm ấy em làm lại bài rồi lấy bút đỏ ghi điểm 8 theo nét chữ của thầy. Ngày qua ngày, cứ nghĩ đến lúc thầy giáo yêu cầu xem lại bài mà em lạnh cả người. May sao, mọi chuyện rồi cũng trôi qua và tưởng chừng em đã quên bẵng chuyện ấy.

Cuối năm, em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Những tràng vỗ tay, những lời khen ngợi chân thành, vẻ hài lòng và tự hào của cha mẹ... Tất cả những điều ấy vô tình khơi dậy sự day dứt và xấu hổ trong em. Em không xứng đáng. Em muốn nói lên sự thật xấu xa ấy nhưng không đủ can đảm.

Thời gian đã đẩy lùi mọi chuyện vào dĩ vãng nhưng nỗi ân hận vẫn còn nguyên đó. Giờ em kể lại chuyện này mà lòng chưa hết day dứt. Mong thầy cô, cha mẹ và các bạn tha thứ cho em. Em hứa không bao giờ mắc lỗi lầm đó nữa.

Bài văn mẫu số 4

Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không? Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất – mẹ tôi, buồn lòng...

Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không. Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp"... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! "Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!". Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá.

Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "...Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.

"Từ thuở sinh ra tình mẫu tử

Trao con ấm áp tựa nắng chiều".

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 3: Kể về một thầy giáo/cô giáo mà em quý mến

Bài văn mẫu số 1

Đã lâu rồi từ ngày tôi xa quê hương lên thành phố để tiếp tục việc học của mình tôi mới có dịp gặp lại thầy.

Thầy vẫn vậy, vẫn cái nét đơn sơ giản dị không có gì thay đổi. Nhớ lại lúc trước ở quê tôi, việc có con đậu được vào đại học là niềm vinh hạnh không gì tả nổi đối với người ấy và gia đình họ. Vì vậy ba mẹ luôn khuyên chúng tôi phải cố gắng học tập, cũng chính vì điều đó việc thi đậu vào khối A đối với tôi đã bắt đầu trở thành 1 mơ ước. Nhưng hỡi ôi, để thi được vào khối A thì phải chuyên toán, lý, hoá. Mà môn lý và hoá tôi học rất tốt, chỉ riêng môn toán, do ham chơi mà tôi đã bị mất căn bản từ khi lên lớp 6.

Thật khó để ước mơ đó trở thành sự thật. Bước vào lớp 8, thầy được phân công dạy môn toán cho lớp tôi. Ngay từ buổi đầu nhận lớp, bản thân tôi đã cảm nhận được cái nét giản dị ở nơi thầy. Thầy mặc một cái áo đã bạc cả hai vai, tóc thầy đã ngả dần sang màu trắng, ở cái tuổi người ta có thể gọi là xế chiều của đời người. Nhưng ngày nào cũng vậy, mỗi lần thầy lên lớp, điều đầu tiên chúng tôi thấy được là một nụ cười trên gương mặt thầy, một nụ cười của sự hạnh phúc, thầy không giống như những người khác, không để tuổi già lấy đi cái khuôn mặt tươi trẻ và đầy sức sống ấy. Thầy ân cần dạy bảo chúng tôi một cách tận tình như một người cha đang dạy những đứa con của mình. Chính nhờ những tính cách đó của thầy mà khiến tôi không còn rụt rè và cảm thấy yêu những con số hơn. Tôi mạnh dạn hỏi thầy những kiến thức cũ mà tôi đã quên hết, không còn lưu lại một tí gì trong trí nhớ. Thầy nhìn tôi và mỉm cười, thầy không chỉ giảng riêng cho mình tôi, mà thầy còn giảng cho cả lớp bằng những cách rất hay mà cho mãi đến giờ này chúng tôi không sao quên được. Và thật đáng ngạc nhiên khi điểm tổng kết môn toán của tôi ở những lớp dưới chỉ khoảng 6.4 vậy mà bây giờ tôi đã được 8.5 môn toán. Thật đáng khích lệ đúng không? Khi tôi sắp sửa bước vào kì thi đại học, tôi cảm thấy rất tự tin vì đã có một kiến thức vững vàng, tôi muốn cảm ơn thầy rất nhiều vì chính thầy đã mang lại cho tôi sự tự tin đó.

Giờ đây tuy ở xa quê, nhưng tôi tin chắc một điều rằng ở quê nhà thầy vẫn đang đứng trên bục giảng và dạy tận tình cho những đứa học trò như tôi. Và trên mặt vẫn với một nụ cười giản dị mà đầy sức sống. Thầy ơi! Em xin cảm ơn thầy....

Bài văn mẫu số 2

Những năm học tiểu học vừa qua, em đã học rất nhiều thầy cô giáo. Tuy bài giảng đến từ mỗi thầy, cô đều thật hay và ý nghĩa, nhưng em vẫn nhớ nhất là cô Hà.

Năm cô dạy lớp em, cô cũng không còn trẻ, vì mái tóc cô đã ngả hoa râm. Dáng người cô hơi gầy, tác phong điềm tĩnh và nước da hơi rám nắng của cô khiến bất cứ ai đã nhìn là nhớ mãi. Nhưng điểm nổi bật nhất của cô có lẽ là đôi mắt. Đôi mắt cô hơi trĩu xuống, nhưng khi nhìn lướt qua thì khó có thể thấy, vì nó luôn bị che khuất bởi cặp kích dày của cô. Hàng ngày, cô đến trường, ăn mặc cũng không khác bình thường là mấy, vẫn chỉ là áo sơ mi, quần tây, trên tay xách chiếc cặp đen, trông cô thật giản dị, gần gũi.

Những ngày có tiết trên lớp, thường thì cô không bỏ buổi nào, ngay cả khi có những việc như việc gia đình, sức khoẻ làm cô buồn phiền đi nữa. Những giờ lên lớp của cô, các bạn ai cũng chăm chú nhìn lên bảng, năng phát biểu ý kiến, vì bài giảng của cô không bao giờ thiếu mất sự thú vị, làm chúng em thêm say mê học tập. Những lúc chúng em tiến bộ, cô lại khích lệ làm em thêm vui và cố gắng học tập hơn.

Trong mỗi buổi họp hay sau mỗi tiết dự giờ, các thầy cô thường trao đổi với nhau về cách giảng dạy cho bài học thêm cuốn hút. Rồi trong những ngày tập khai giảng đầu năm học, hay các buổi biểu diễn văn nghệ trường, cô tham gia nhiệt tình lắm... Nhiều lúc có ai gặp chuyện vui buồn, cô đều chia sẻ, cảm thông. Có lẽ cũng vì vậy, mà các thầy cô giáo đều rất quí mến cô, như một người đồng nghiệp tốt, một người bạn thân.

Trong mỗi buổi họp phụ huynh, cô luôn nắm chắc kết quả học tập, sự cố gắng, phấn đấu của từng bạn để thông báo với cha mẹ chúng em. Nhờ sự quan tâm tận tình của cô mà cha mẹ em đã phần nào hiểu được những hoạt động của em ở lớp, ở truờng.

Vậy nên, mẹ em luôn liên lạc với cô mỗi tối thứ bảy, trao đổi với cô về tình hình học tập của em...

Mỗi lần đi qua nhà cô buổi sáng, em đều thấy cô tưới nước cho cây cối, vườn tược. Hình ảnh một cô giáo đứng trên bục giảng không khác nhiều so với cô lúc ấy, vẫn rất giản dị nhưng đầy thân thương.

Bài văn mẫu số 3

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa"

Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, những người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh - cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.

Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. "Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!" Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.

Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.

Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: "Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông". Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: "Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm''.

Bài văn mẫu số 4

Đã qua gần sáu năm cắp sách đến trường, tôi ấn tượng với rất nhiều thầy cô giáo. Thầy cô luôn để lại trong tôi những hình ảnh đẹp và mãi không phai mờ. Nhưng đặc biệt nhất với tôi và cũng là người tôi quí nhất - thầy giáo dạy tôi hồi lớp 5.

Tôi thấy rất ít người lựa chọn nghề làm thầy giáo. Thế mà thầy giáo tôi lại rất say mê với sự nghiệp trồng người này. Thầy tâm sự với chúng tôi, thầy muốn làm thầy giáo từ khi học cấp 2. Mỗi lần ngồi nghe thầy giáo giảng bài thích lắm. Trông thầy đứng trên bục giảng chững chạc, tự tin và được học trò yêu mến, thầy đã nuôi ước mơ từ đó. Về nhà, thầy bắt tụi em nhỏ ngồi sắp hàng ngay ngắn và thầy giả làm thầy giáo. Lạ lùng thay, bọn trẻ lại ngồi nghe đến say mê. Không biết chúng hiểu mấy phần "thầy" giảng nhưng đứa nào mặt mũi cũng ngơ ngẩn, say sưa. Có khi "thầy" nói xong rồi mà chúng vẫn ngồi bần thần, lúc đó phải gọi lớn chúng mới như sực tỉnh. Đó là động lực đầu tiên giúp cho ước mơ của thầy thành hiện thực.

Con đường đến với nghề của thầy cũng lắm gian nan. Vì thế mà bây giờ thầy dành cho nghề một tình yêu thật mãnh liệt. Là con trai cả trong gia đình có truyền thống làm bác sĩ, thầy được bố mẹ định hướng cho thi vào trường đại học Y. Ngay từ nhỏ, gia đình thầy đã mong muốn như thế: Thầy vốn học giỏi lại thông minh, nhanh nhẹn nên cả nhà đặt niềm hi vọng rất lớn.

Nhưng năm lớp 12, bất ngờ thầy thông báo với gia đình sẽ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm, Khoa Tiểu học. Đó là một cú sốc với gia đình, nhất là người cha của thầy. Gia đình kịch liệt phản đối quyết định của thầy, nhiều lúc làm thầy rất khổ sở nhưng chưa có lúc nào thấy dao động. Thấy vững vàng với quyết tâm của mình và kiên trì thuyết phục mọi người. Ngày đi thi cũng là ngày thầy buồn nhất. Không một lời chúc, không một sự động viên, thầy đi thi chỉ có một mình. Nhìn chúng bạn có người thân chăm sóc, thầy cũng thấy tủi thân. Nhưng lúc đó thầy nghĩ mình càng phải cứng rắn và mạnh mẽ. Rồi khi đỗ thủ khoa, niềm vui của thầy cũng không được trọn vẹn. Gia đình thông báo sẽ không trợ cấp cho thầy ăn học trong ba năm. Thế là một mình thầy lại phải chống đỡ, xoay sở với biết bao khó khăn trong những năm học Cao đẳng. Vừa đi làm thêm vừa đi học, thầy bất chấp khó khăn để đạt được ước mơ của mình và để chứng minh cho gia đình sự lựa chọn của thầy không sai.

Nhìn thầy giáo trẻ của chúng tôi lạc quan, hài hước đứng trên bục giảng ít ai có thể nghĩ rằng con đường thầy đã đi thật dài khi phải vượt qua một mình. Nhưng giờ đây thầy là một người thầy rất thành công. Không chỉ là thầy giáo dạy giỏi mà thầy còn được tất cả học trò chúng tôi yêu quí. Chúng tôi yêu quí thầy vì con người thầy tốt bụng. Tuy còn trẻ nhưng trong mắt chúng tôi thầy rất chững chạc, vững vàng. Thầy nghiêm khắc trong giờ học nhưng ngoài giờ thầy như một người khác, gần gũi, thân thiện và hài hước. Thỉnh thoảng, thầy đá bóng với các bạn nam, nhìn lúc đó thầy như trẻ thơ vậy. Đặc biệt, với vẻ ngoài đẹp trai, cao lớn và hát hay nên mỗi khi đứng trên sân khấụ biểu diễn chúng tôi cảm giác đó không còn là thầy nữa mà là một nam ca sĩ có tiếng đang phiêu du cùng tình cảm của mình. Ấn tượng nhất là nụ cười của thầy. Thầy cười thật rạng rỡ, nhìn thầy cười người đang buồn bã cũng thấy vui lây.

Có một lần thầy ốm. Không thấy thầy đến lớp cả lớp nhốn nháo hẳn lên. Cuối giờ học chúng tôi đến nhà tìm thầy. Thấy chúng tôi đến, thầy xúc động lắm. Thầy bắt tay từng đứa một, rồi giữ ở lại ăn cơm. Bữa cơm mẹ thầy nấu hôm đó thật ngon và ấm cúng. Thầy trò vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Dường như cũng nhờ đó mà gia đình hiểu hơn quyết định của thầy.

Bây giờ thật khó để tìm thấy một người con trai Hà thành nào như thầy - thầy giáo dạy Tiểu học của chúng tôi. Với học trò, thầy vừa là thầy giáo nhưng hơn thế - thầy còn là một người bạn lớn.

Bài văn mẫu số 5

Trong suốt những năm tháng học dưới mái trường mến yêu, người mà em kính mến nhất đó là cô Thanh. Đó là người đã mang lại cho em những tình cảm cao quý của một người cô giáo đối với học sinh.

Em còn nhớ rõ, năm em học lớp hai, ngày đầu tiên cô Thanh bước vào lớp với dáng vẻ rất hiền hậu. Cô còn trẻ lắm, dáng cô thanh mảnh, nhỏ nhắn và rất dễ thương. Cô rất thương yêu học sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa bao giờ đi dạy trễ hoặc nghỉ dạy ngày nào. Cô luôn dịu dàng với học sinh nhưng rất nghiêm túc trong giảng dạy. Những giờ ra chơi, nếu có bạn nào không hiểu bài, cô ân cần ở lại lớp giảng cho từng bạn. Những bạn nam hay đùa nghịch, phá phách cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Cô thường lấy những mẩu chuyện vui, có ích để giáo dục chúng em. Bạn nào có lỗi cô chỉ khuyên răn chứ không hề la mắng. Còn bạn nào học yếu cô luôn quan tâm đặc biệt để bạn ấy tiến bộ hơn. Vì thế chúng em ai cũng yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Em còn nhớ có một hôm, khi học xong tiết cuối bỗng nhiên em bị sốt, người nóng ran. Cô đã không ngại đường xa chở em về nhà, báo cho mẹ em biết bệnh tình của em. Sau đó em nghỉ học mấy ngày để bình phục do bị sốt siêu vi. Dù không đi học những bữa nào cô cũng đến thăm em và phân công các bạn thay phiên chép bài cho em. Chỗ nào em không hiểu cô sẽ giảng lại tường tận. Bạn nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn cô cũng giúp đỡ, có khi còn đóng tiền học phí dùm cho một bạn trong lớp có hoàn cảnh mồ côi ba mẹ ở với bà ngoại. Trong lớp ai cũng quý mến cô, ngày Nhà giáo Việt Nam chúng em tặng quà cho cô cô chỉ cười bảo: "Món quà quý nhất với cô đó là kết quả học tập thật giỏi của các em đó!" Ngoài việc dạy kiến thức ở trường, cô còn dạy cho chúng em kĩ năng múa hát.

Giờ đây, tuy đã xa cô nhưng em vẫn nhớ mãi từng nụ cười, ánh mắt, giọng nói dịu dàng của cô. Cô đã truyền cho em một tấm lòng nhân hậu, dạy em biết cách yêu thương và quan tâm đến mọi người, tin yêu cuộc đời. Em tự hứa với lòng sẽ học thật giỏi để cho cô vui lòng, trở thành con ngoan, trò giỏi và một người có ích cho xã hội. Cô là tấm gương sáng để học sinh chúng em noi theo.

Bài văn mẫu số 6

Trường em có rất nhiều thầy cô giáo. Mỗi thầy cô dạy một bộ môn khác nhau. Em yêu quý tất cả các thầy cô nhưng quý nhất là cô Nga - dạy môn Ngữ văn.

Cô Nga năm nay bốn mươi bảy tuổi nhưng trông cô vẫn trẻ trung, xinh đẹp. Tóc cô chỉ dài tới vai nhưng được uốn xoăn, rất phù hợp với khuôn mặt trái xoan và nước da trắng trẻo của cô. Mũi cô cao, và đặc biệt, cô cười rất tươi.

Ai cũng khen cô có mắt thẩm mĩ. Những bộ đồ cô mặc rất trang nhã, lịch sự, phù hợp với thân hình thon thả của cô, trông không yểu điệu mà rất duyên dáng.

Cô Nga rất hiền nhưng đôi lúc, cô cũng rất nghiêm khắc với những bạn có thái độ không tốt trong học tập. Cô giảng bài rất sinh động, dễ hiểu nên hầu như các bạn trong lớp đều học giỏi môn của cô. Ngoài việc là một giáo viên dạy Văn, cô Nga còn là phó hiệu trưởng của trường. Cô chăm sóc cho học sinh từ bữa ăn trưa cho tới chỗ để xe... Ngày nào cũng vậy, cô là người về muộn nhất trường.

Em rất yêu quý cô Nga. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 sắp đến rồi, em cùng các bạn sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để cô vui lòng.

Bài văn mẫu số 7

Ngày ấy tôi mới vào học lớp 1. Cô giáo của tôi cao, gầy, mái tóc không m­ướt xanh mà lốm đốm nhiều sợi bạc, cô ăn mặc giản dị nhưng lịch thiệp. Ấn tượng nhất ở cô là đôi mắt sáng, nghiêm nghị mà dịu dàng. Cái nhìn vừa yêu thương vừa như dò hỏi của cô cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên...

Hôm ấy là ngày thứ 7. Mai có một chiếc bút máy mới màu trắng sọc vàng với hàng chữ "My pen" lấp lánh và những bông hoa nhỏ xíu tinh xảo ẩn nấp kín đáo mà duyên dáng ở cổ bút. Tôi nhìn cây bút một cách thèm thuồng, thầm ao ước được cầm nó trong tay...

Đến giờ ra chơi, tôi một mình coi lớp, không thể cưỡng lại ý thích của mình, tôi mở cặp của Mai, ngắm nghía cây bút, đặt vào chỗ cũ rồi chẳng hiểu vì sao tôi bỗng không muốn trả lại nữa. Tôi muốn được nhìn thấy nó hàng ngày, được tự mình sở hữu nó, được thấy nó trong cặp của chính mình...

Hết giờ ra chơi, các bạn chạy vào lớp, Mai lập tức mở cặp và khóc oà lên khi thấy chiếc bút đã không cánh mà bay! Cả lớp xôn xao, bạn thì lục tung sách vở, bạn lục ngăn bàn, có bạn bò cả xuống gầm bàn ngó nghiêng xem chiếc bút có bị rơi xuống đất không... Đúng lúc đó, cô giáo của chúng tôi vào lớp! Sau khi nghe bạn lớp tr­ưởng báo cáo và nghe Mai kể chi tiết về chiếc bút: nào là nó màu gì, có chữ gì, có điểm gì đặc biệt, ai cho, để ở đâu, mất vào lúc nào... Cô yên lặng ngồi xuống ghế. Lớp trưởng nhanh nhảu đề nghị:

- Cô cho xét cặp lớp mình đi cô ạ!

Cô hình như không nghe thấy lời nó nói, chỉ chậm rãi hỏi:

- Ra chơi hôm nay ai ở lại coi lớp?

Cả lớp nhìn tôi, vài giọng nói đề nghị xét cặp của tôi, những cái nhìn dò hỏi, nghi ngờ, tôi thấy tay mình run bắn, mặt nóng ran như­ có trăm ngàn con kiến đang bò trên má. Cô giáo tôi nổi tiếng là nghiêm khắc nhất trư­ờng, chỉ một cái gật đầu của cô lúc này, cái cặp bé nhỏ của tôi sẽ được mở tung ra...Bạn bè sẽ thấy hết, sẽ chê cười, sẽ chẳng còn ai chơi cùng tôi nữa...Tôi sợ hãi, ân hận, xấu hổ, bẽ bàng...Tôi oà khóc, tôi muốn được xin lỗi cô và các bạn... Bỗng cô giáo của tôi yêu cầu cả lớp im lặng, cô hứa thứ hai sẽ giải quyết tiếp, giờ học lặng lẽ trôi qua...

Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ, cô bước vào lớp, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô nhẹ nhàng đến bên Mai và bảo:

- Hôm thứ bảy bác bảo vệ có đưa cho cô cây bút và nói rằng bác nhặt được khi đi đóng khoá cửa lớp mình, có phải là cây bút của em không?

Mai cầm cây bút, nó sung sướng nhận là của mình, cô dặn dò cả lớp phải giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận, giờ học trôi qua êm ả, nhẹ nhàng...Ra chơi hôm ấy, các bạn lại ríu rít bên tôi như muốn bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Chỉ riêng tôi là biết rõ cây bút thật của Mai hiện ở nơi đâu...

Sau đó vài ngày cô có gặp riêng tôi, cô không trách móc cũng không giảng giải gì nhiều. Cô nhìn tôi bằng cái nhìn bao dung và thông cảm, cô biết lỗi lầm của tôi chỉ là sự dại dột nhất thời nên đã có cách ứng xử riêng để giúp tôi không bị bạn bè khinh thường, coi rẻ...

Năm tháng qua đi, bí mật về cây bút vẫn chỉ có mình tôi và cô biết. Nhưng hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi tự thấy mình đã đủ can đảm kể lại câu chuyện của chính mình như là một cách thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã dạy tôi bài học về sự bao dung và cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống.

Giờ đây tôi đã lớn, đã biết cân nhắc đúng sai trước mỗi việc mình làm, tôi vẫn nhớ về bài học thuở thiếu thời mà cô đã dạy: Bài học về lỗi lầm và sự bao dung! Và có lẽ trong suốt cả cuộc đời mình, tôi sẽ chẳng lúc nào nguôi nỗi nhớ về cô như nhớ về MỘT CON NGƯỜI CÓ TẤM LÒNG CAO CẢ

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 4: Kể về một kỉ niện hồi thơ ấu làm em nhớ mãi

Bài văn mẫu số 1

"Thời thơ ấu", mỗi khi nhắc đến ba từ ấy, trái tim em lại thổn thức. Bao nhiêu kỉ niệm tuôn trào nhưng chỉ có những cách diều là em nhớ mãi. Ôi! "những cánh diều" thuở nào.

Nhớ những buổi trưa hè, lũ trẻ trong làng tụ tập lại thả diều thi. Chúng chạy lấy trớn để những cơn gió nồm nâng cánh diều lên. Ôi! Hạnh phúc biết bao khi thấy con diều của mình từ bay lên, đùa giỡn với cơn gió. Em cùng mấy đứa bạn trong xóm cùng nhau hò hét tranh đua. Có đứa diều tốt, bay cao nhất, nó cứ nổ mãi. Rồi khi có một con diều nào đó vươn lên đứng nhất thì mặt nó tức lắm, có gắng đánh rớt con diều đáng ghét kia. Có anh không may sở hữu một chiếc diều dỏm. Vừa lên trời đã chống mũi xuống đất. Có chiếc chạy hụt hơi mà chỉ quay tròn. À, mà nói vậy chứ không phải thứ hạng cánh diều chỉ dựa vào diều tốt hay dỏm mà một phần còn nhờ tài nghệ của dân thả diều. Trong lúc thả với tay điêu nghệ, em đã được chúng chỉ cho vài chiêu nâng diều. Nào là khi diều rơi thì giựt giựt đôi tay, nào là khi thả diều thì phải cầm theo keo và một ít dây diều. Nếu thấy hôm ấy gió mạnh thì gắn thêm một đoạn dây vào dây diều, còn nếu gió nhẹ diều bay không nổi thì gở một ít dây ra cho nó nhẹ... Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó mà thi thoảng em cũng được biệt hiệu "vua thả diều". À, mà hình như em chưa nói cái chuyện này thì phải, chả là khi cuối buổi thả, diều nào bay cao nhất thì người thả sẽ được cái biệt hiệu quý báu ấy.

Bây giờ, cánh diều thuở nào đã bị xếp xó để nhường thời gian cho những cua kèm liên hồi. Tuy rằng, em không còn được chạy nhảy trên cánh đồng đầy rơm rạ nữa. Những cảm giác bay bổng cùng cánh diều sẽ không bao giờ phai nhạt trong kí ức của em mãi mãi...

Bài văn mẫu số 2

Năm nay, em đã là học sinh lớp 6 nhưng những kỉ niệm hồi còn thơ ấu em không bao giờ quên. Trong những kỉ niệm ấy có chuyện rèn luyện chữ viết hồi em học lớp 3. Em trở thành học sinh giỏi Văn cũng là nhờ một phần vào những ngày rèn luyện gian khổ ấy.

Trong các môn học, em sợ nhất môn chính tả vì chữ em rất xấu. Mỗi khi đến giờ chép chính tả theo lời cô đọc, em thấy khổ sở vô cùng. Chưa bao giờ em đạt điểm cao môn này. Nhiều buổi tối, em giở tập, lặng nhìn những điểm kém và lời phê nghiêm khắc của cô giáo rồi buồn và khóc. Mẹ thường xuyên theo dõi việc học tập của em. Biết chuyện, mẹ không rày la trách mắng mà ân cần khuyên nhủ:

- Con lớn rồi, phải cố tập viết sao cho đẹp. Ông bà mình bảo nét chữ là nết người đấy con ạ!

Em ngẫm nghĩ và thấy lời khuyên của mẹ rất đúng. Vì thế em quyết tâm tập viết hằng ngày, đến bao giờ chữ em trở nên sạch đẹp mới thôi.

Em tự đề ra cho mình kế hoạch mỗi ngày dành ra một tiếng đồng hồ tập chép. Trước hết, em chép lại những bài tập đọc trong sách giáo khoa. Sau đó, tập chép những bài thơ ngắn. Mẹ dạy em cách cầm bút sao cho thoải mái để viết lâu không bị mỏi tay. Em học theo và đã quen dần với cách cầm bút ấy. Mỗi bài, em viết nhiều lần ra giấy nháp, khi nào tự thấy đã tương đối sạch đẹp thì mới chép vào vở. Xong xuôi em nhờ mẹ chấm điểm. Những bài đầu, mẹ chỉ cho điểm 5, điểm 6 vì em viết còn sai Chính tả và nét chữ chưa đều. Em không nản chí, càng cố gắng hơn.

Đến bài thứ chín, thứ mười, em đã có nhiều tiến bộ. Những dòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối hiện dần ra dưới ngòi bút của em. Mẹ không ngừng động viên làm cho em tăng thêm quyết tâm phấn đấu.

Lần đầu tiên được cô giáo cho điểm mười chính tả, em vô cùng sung sướng. Cô giáo khen em trước lớp và khuyên các bạn hãy coi em là gương tốt để học tập.

Em luôn nhớ lời mẹ và thầm cảm ơn mẹ. Em cầm quyển vở có điểm 10 đỏ tươi về khoe với mẹ. Mẹ xoa đầu em nói:

- Thế là con đã chiến thắng được bản thân. Con đã trở thành người học sinh có ý chí và nghị lực trong học tập. Mẹ tự hào về con. Ba con biết tin này chắc là vui lắm!

Từ đó, cái biệt danh Tuấn gà bới mà các bạn tinh nghịch trong lớp đặt cho em không còn nữa. Tuy vậy, em vẫn kiên trì tập viết để nét chữ ngày một đẹp hơn. Sau Tết, em sẽ tham gia hội thi Vở sạch chữ đẹp do trường tổ chức.

Đúng là có chí thì nên, có công mài sắt có ngày nên kim, phải không các bạn?

Bài văn mẫu số 3

Trong mỗi cuộc đời, có biết bao kỉ niệm đẹp về tình cảm gia đình và tình bạn, những kỷ niệm ấy thật thiêng liêng cao đẹp biết bao. Nhưng ấn tượng sâu nặng nhất đối với tôi là những kỷ niệm hồi học ở trường tiểu học.

Ngôi trường của tôi ở nông thôn nên không có nét đẹp gì đặc biệt. Nhưng nó đã mang lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào khi lần đầu bước vào trường: cô giáo dạy tôi nắn nót từng chữ, đôi tay của cô nắm chặt tay tôi để rèn chữ, bàn tay cô ấm áp làm sao và cô lại còn tập cho chúng tôi múa hát, giọng cô trong trẻo làm sao.

Thời gian trôi qua mau, kỷ niệm lại càng có nhiều với mái trường này... Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp lúc ra chơi, cùng các bạn chơi đủ các trò, nào là: chơi đuổi bắt, nhảy dây, chơi cầu nhưng ấn tượng sâu nhất đối với tôi đó là trò chơi bịt mắt bắt dê. Hôm ấy vào giờ ra chơi, Lan rủ các bạn trong lớp cùng nhau chơi. Đông quá các bạn phải oẳn tù tì xem ai bắt, cuối cùng là Nam bắt. Lan dùng khăn quàng của mình để bịt mắt Nam lại, các bạn chạy xoay vòng cậu ta, lúc này bạn ấy không thấy gì cả, chỉ tóm bừa nên chúng tôi chạy tán loạn. Bỗng dưng dính một người, Nam sờ từ đầu cho đến tóc và khẳng định là Nga. Nam bỏ khăn ra nhìn, hóa ra đó là bạn lớp khác. Lúc này hai người đều đỏ mặt còn các bạn cùng chơi thì bật cười.

Bỗng dưng có một tiếng nói to "Cho tôi chơi với!" Đó chính là Thành, người bạn hay đùa nhất của lớp tôi. Bạn ấy từ trong lớp chạy ra và xung phong bắt. Lan dùng khăn bịt mắt Thành lại, các bạn bắt đầu trốn, Thành đứng giữa sân nhìn qua nhìn lại chẳng thấy gì cả, nhưng hình như bạn ấy đang nghe tiếng bước chân của Hiền. Hiền thấy thế liền chạy qua cột cờ và dừng chân lại, đứng né một bên. Thành nhào tới bắt, ai ngờ Thành bắt dính cột cờ, cả lớp cười lăn lộn, Thành cũng ôm mặt cười.

Tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ vào học, thế là giờ ra chơi đã hết, vào lớp các bạn đều dùng tập, sách để quạt cho mát. Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi dưới mái trường này.

Tuy bây giờ đã học cấp II nhưng kỷ niệm trong sáng hồn nhiên ấy tôi vẫn nhớ. Nhớ đến để thấy thời tiểu học đẹp đẽ làm sao và đó sẽ là kỷ niệm theo tôi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

Bài văn mẫu số 4

Mỗi chúng ta khi lớn lên, đều bỏ lại đằng sau mình một thời thơ ấu biết bao kỉ niệm buồn vui lẫn lộn. Tôi vẫn nhớ những lần ham chơi quên cả giờ về, hay những lần mải đi chơi làm mất cả chìa khóa nhà. Nhưng kỉ niệm về người anh họ của em khiến em nhớ mãi không thể nào quên.

Trong những dịp nghỉ hè, tôi thường được bố mẹ cho về quê. Tôi rất thích về quê bởi ở đó tôi có một người anh họ. Anh hơn tôi một tuổi và rất quý tôi. Mỗi lần về quê, anh thường dắt tôi đi chơi khắp nơi. Anh đi đằng trước, tôi lũn cũn chạy theo sau. Những khi tôi mỏi chân, anh thường cõng tôi trên lưng chạy nhong nhong. Ngồi trên lưng anh tôi thích chí cười khanh khách. Quê tôi có bờ lau trắng xóa. Những lúc đang chơi đuổi bắt, không thấy anh đâu, tôi khóc thét lên, anh từ đâu chạy đến, rắc lên đầu tôi những cánh hoa khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đặc biệt, tôi rất thích mỗi khi anh và bạn anh thi thả diều, nhìn cánh diều bay lên bầu trời cao lồng lộng, tôi không bao giờ chán. Anh chiều tôi là thế nhưng tính nhõng nhẽo của tôi đã gây nên một tai nạn. Hôm đó, anh dắt tôi đi đến nhà một người bạn. Trên đường đi, tôi bống nhìn thấy một cây roi quả sai vô cùng.

Những quả roi chín thành từng chùm trông thật thích mắt. Tôi dừng lại và chỉ lên những chùm quả đang lấp ló trong tán lá. Tôi muốn ăn roi. Anh định trèo lên hái cho tôi. Anh đứng ngước mắt lên và lắc đầu: "Cây cao quá, anh không trèo được. Thôi, đi cùng anh ra chợ, anh sẽ mua cho em". Tôi nhất quyết "Không, em thích ăn cả chùm cơ! Ở chợ không có roi giống thế này". Dù anh thuyết phục thế nào, tôi cũng không chịu. Anh càng dỗ, tôi càng bướng và tôi đã ngồi bệt xuống đất, nước mắt bắt đầu chảy dài, tay chân đạp loạn xạ. Tôi biết, anh nhất định sẽ hái cho tôi khi thấy tôi khóc. Và quả thật, tôi đã thắng. Anh kéo tôi đứng dậy, lau nước mắt và nói: "Em nín đi, anh sẽ hái cho em chùm quả đó". Anh dắt tôi đến cổng nhà bác có cây roi, gọi cửa và tôi thấy có một bác chạy ra, anh xin phép bác cho anh được hái một chùm roi. Bác đồng ý nhưng dặn anh tôi phải cẩn thận vì cành roi rất giòn. Anh trèo lên, trèo thật cao để hái được đùng chùm roi tôi thích. Nhưng khi đang hái thì anh trượt chân, ngã nhào từ trên cây xuống. Tôi thấy anh ngã thì chạy đến hỏi: "Anh có đau không?" anh gượng cười, nói: "Anh không sao đâu. Em cứ yên tâm". Nhưng không phải thế, anh bị gãy chân...

Bố về quê, biết anh bị gãy chân vì tôi. Bố đã mắng tôi nhưng anh lại nói với bố: "Tất cả là tại cháu, chú đừng mắng em kẻo nó sợ". Dù tôi có gây ra chuyện gì, anh cũng luôn che chở cho tôi. Anh là người anh tuyệt vời của tôi. Kỷ niệm đó mỗi khi nghĩ lại, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi.

Bài viết số 3 lớp 6 - Đề 5: Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết

Bài văn mẫu số 1

Về trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc phường Hoà Minh – Quận Liên Chiểu, tôi được nghe những câu chuyện cảm động của các em học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn vươn lên học giỏi toàn diện.

Trong đó một em đã để lại ấn tượng cho tôi nhiều nhất là em Lê Hồng Ân, học lớp 6/3. Mặc dù gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn, một mình mẹ em phải bươn chải kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học. Như cô Phan Thị Lệ, mẹ em tâm sự: "Nhà cửa và mọi thứ đồ đạc trong nhà đều do người thân mua cho.Tôi làm công nhân ở khu công nghiệp tiền lương rất ít, phải chi tiêu thật tiết kiệm mới có tiền để hai con ăn học. Nhiều khi em Ân phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua dụng cụ học tập. Nhưng tôi hạnh phúc là có được một đứa con học giỏi và ngoan hiền đến như vậy."

Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy nhưng em Ân trong sáu năm liền là học sinh giỏi toàn diện của trường. Và hằng năm em luôn được thành phố trao học bổng học sinh hiếu học, có tinh thần vượt khó trong học tập. Ngoài ra, em còn được nhận học bổng từ các Hội khuyến học Quận, công ty bia Huế, công ty nhà máy nhựa,...

Em không chỉ là một học sinh ngoan hiền, học giỏi mà còn là một HS tham gia rất năng nổ các hoạt động của trường giao phó. Như cô Tổng phụ trách Hệ Thị Mỹ Đức nhận xét: "Em là một liên đội trưởng xuất sắc nhất của trường Tiểu học Duy Tân. Đến lớp 6 em vừa là một lớp trưởng, vừa là một chi đội trưởng rất năng động, nhiệt tình. Và em là một học sinh có nhiều đóng góp trong những phong trào của đoàn trường".

Ân học giỏi toàn diện các môn, trong đó đáng biểu dương là em thi được giải ba học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 5. Ngoài ra, em còn có tố chất năng khiếu rất nhiều lĩnh vực như vẽ, đàn, sáng tạo dụng cụ học tập, các phong trào thể thao,... . Đặc biệt là phong trào thể thao em đã được giải nhì bóng bàn năm lớp 4, đến lớp 6 em được giải ba cấp quận.

Em đứng đầu trong việc làm báo tường của lớp với những hình vẽ rất đẹp và có ý nghĩa.

Là một học sinh giỏi và có phẩm chất đạo đức tốt nên em rất được các thầy cô giáo và bạn bè trong trường quý mến. Cô Phan Thị Mỹ Vân, chủ nhiệm lớp nhận xét: "Em là một học sinh rất ngoan hiền, học giỏi tất cả các môn. Và là học sinh có kết quả học tập trong học kì I năm học 2008- 2009 cao nhất trường (9,5). Ngoài ra, em còn là một lớp trưởng rất năng động, nhiệt tình vì vậy mà tôi rất yên tâm khi giao cho em công việc điều hành lớp". Mặt khác, em là một học sinh rất giàu lòng tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ những bạn học sinh yếu kém trong lớp vươn lên trong học tập. Như em Nguyễn Quang Đạt, bạn cùng lớp em đã khen ngợi: "Ân là một người bạn rất tốt, nhiệt tình giúp đỡ em trong học tập. Và từ việc học nhóm với Ân mà em đã tiến bộ hơn rất nhiều".

Ân là một học sinh không chỉ giỏi mà còn rất ham học và có tinh thần vượt khó. Ở trường, em là một học sinh giỏi, ngoan hiền được thầy cô bạn bè quý mến. Còn ở nhà em là một đứa con hết mực hiếu thảo, em luôn làm những công việc nhà khi mẹ đi vắng. Dù là còn nhỏ tuổi nhưng em nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của gia đình vì thế mà em đã ra sức nổ lực học tập. Và em đã bộc lộ ước mơ của mình: "Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một kiến trúc sư, đáp ứng được lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô và bạn bè. Và để mẹ em đỡ khổ và vất vả hơn."

Với khả năng học giỏi toàn diện và nổ lực "vượt lên trên hoàn cảnh" cùng với sự dạy bảo của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể ... Tôi tin rằng Ân sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Tinh thần hiếu học và nghị lực vươn lên không ngừng của Ân thật đáng khâm phục. Đó là tấm gương sáng để cho các bạn học sinh noi theo...

Bài văn mẫu số 2

Ở năm học lớp 5, em có một người bạn thân. Bạn đó tên Tuấn. Bạn là một học sinh giỏi, là một tấm gương tốt trong học tập và hay giúp đỡ bạn bè.

Tuấn là người mà cô và các bạn trông cậy nhất. Trong lớp, môn học nào Tuấn cũng phát biểu và đóng góp ý kiến nhiều nhất. Bài làm của bạn ấy lúc nào cũng 9 với 10 điểm. Bài nào các bạn chưa hiểu rõ, Tuấn giảng giải từng li từng tí cho các bạn hiểu. Giờ ra chơi, Tuấn bỏ ra 10 phút để dò lại các kiến thức của những bạn học yếu.

Có một lần, em để quên cả hộp bút ở nhà. Tuấn biết, nhưng bạn ấy không nói cho cô và còn vui vẻ hi sinh cây bút duy nhất của mình để cho em mượn, nên hai đứa đã lén lút thay phiên nhau cầm bút chép bài. Lúc đó, Tuấn làm cho em rất cảm phục và cảm thấy mến bạn hơn.

Một lần khác, em bị sốt cao phải nghỉ học hết hai ngày. Em định gọi điện thoại nhờ Tuấn đến giảng bài. Vừa nhấc máy lên, chưa kịp bấm số, thì em nghe Tuấn gọi: "Duy ơi! Bạn có nhà không? Mình đến thăm bạn đây!". Không ngờ Tuấn đã tranh thủ làm hết bài ở nhà, rồi đem vở đến giảng cho em. Tuấn còn chép phụ bài giúp em nữa. Hôm ấy, em cảm động xuýt rơi nước mắt. Nhờ vậy mà tình bạn giữa em và Tuấn càng thân thiết và gắn bó hơn.

Có một hôm, vào giờ ra chơi, em cùng Tuấn đang ngồi đọc truyện trên ghế đá, thì thấy một người bạn khác lớp bị té trước mặt, ngồi ôm chân đau đớn. Tuấn liền chạy tới đỡ bạn dậy, phủi quần áo cho bạn và hỏi: "Bạn có đau lắm không? Để mình giúp bạn". Thế mà em vẫn ngồi trên ghế đá, cầm cuốn truyện, nhìn Tuấn. Tuấn quay lại chỗ ngồi, vậy mà không hề mở lời trách móc em mà vui vẻ cùng em đọc tiếp cuốn truyện. Có lẽ Tuấn muốn giữ nguyên vẹn tình bạn giữa hai đứa.

Trên lớp, bạn ấy còn hay trực nhật phụ các bạn. Vào những cuộc thi đua của khối năm, lớp em luôn đoạt giải nhất nhì là nhờ bạn. Cả lớp, ai cũng tự hào về Tuấn.

Được cô giáo thương, các bạn trông cậy và tin tưởng như vậy mà Tuấn không tỏ ra tự cao, hống hách, thật đáng khâm phục. Tuấn đúng là cháu ngoan của Bác Hồ.

Em rất tự hào vì có một người bạn thân như Tuấn. Em thấy mình còn phải học hỏi thêm nhiều điều ở Tuấn. Qua những sự việc trên, em sẽ cố gắng phấn đấu để được như Tuấn, luôn có trong mắt của cô và các bạn, để được trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

download.com.vn