Bài văn mẫu lớp 6: Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên - Những bài văn mẫu lớp 6 hay nhất
Nội dung chi tiết:
Bài văn mẫu lớp 6: Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên được chọn lọc từ những bài văn hay của các em học sinh lớp 6 trong cả nước.
Tài liệu bao gồm 4 bài văn mẫu hay sẽ giúp các em biết cách làm văn kể chuyện, rèn luyện khả năng diễn đạt và phát triển ý. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các em cùng tham khảo.
Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên - Mẫu 1
Ngày đó, đất Lạc Việt còn là một miền đất hoang vu, có nhiều yêu quái, nhất là các loài Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, thường quấy nhiễu dân lành.
Cha các con là Lạc Long Quân, con thần Long Nữ, vốn thuộc nòi Rồng. Cha các con sống dưới nước nhưng thỉnh thoảng cũng lên cạn. Người diệt trừ các loài Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, nhờ thế, dân Lạc Việt được yên ổn làm ăn, sinh sống. Cha còn dạy dân chăn nuôi, trồng trọt và cách ăn ở. Xong việc, cha về thủy cung, khi có việc dân cần gọi đến, cha mới lên cạn.
Mẹ đây vốn là dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc, thuộc về dòng Tiên. Một hôm, nghe tin vùng đất Lạc Việt có nhiều phong cảnh kỳ thú, mẹ bèn lên đường đến thăm. Ở đây, mẹ gặp cha các con. Cảm phục tài trí của người, mẹ đem lòng mến cha rồi cha mẹ trở thành vợ chồng, cùng sống ở cung điện Long Trang trên cạn.
Chẳng bao lâu, mẹ có mang. Điều ấy khiến cha các con vô cùng mừng rỡ. Đến kỳ sinh nở, mẹ sinh một bọc trăm trứng, nở thành trăm anh em các con. Lúc mới sinh ra, các con đã hồng hào, xinh đẹp phi thường. Dù không bú mớm, các con cũng lớn nhanh như thổi, thành trăm chàng trai vừa khôi ngô, vừa khỏe mạnh, thật đúng là dòng giống Tiên Rồng.
Vì là giống rồng quen ở nước, không quen ở cạn, cha con thấy vô cùng mệt mỏi. Để gìn giữ long thể, khôi phục thần khí, cha con quyết định trở về với Long Cung một thời gian. Rồi cha mẹ từ biệt nha. Cha các con đã đi rất lâu, mẹ đợi mãi không thấy về. Mẹ một mình thui thủi nuôi các con, rất buồn.
Vào ngày thượng tuần trăng hạ, mẹ đã ra biển kêu gọi cha các con trở về. Hôm qua, cha con đã về. Nhưng vì ngặt nỗi chốn đương gian, nơi biển cả không giống nhau. Cha các con vốn nòi Rồng ở nơi nước thẳm, còn mẹ là dòng Tiên ở chôn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở với nhau lâu dài cùng một nơi được. Cha đã quyết định sẽ đưa năm mươi người anh em các con xuống biển tìm nơi sinh sống, mẹ sẽ đưa năm mươi còn lại lên núi tìm đất lập nghiệp, chia nhau cai quản các phương, khi có việc thì giúp đỡ nhau. Các con thấy như thế có được không?
Trong trăm đứa các con hôm nay, cha mẹ chọn con cả làm vua Lạc Việt. Từ nay, con sẽ lấy hiệu là Hùng Vương, các đời sau cũng giữ nguyên hiệu ấy. Cũng từ đây, đất Lạc Việt này bắt đầu có tên mới là nước Văn Lang. Con hãy chọn đất Phong Châu để đóng đô. Triều đình sẽ có tướng văn, tướng võ. Các con của con, con trai gọi là Quan Lang, con gái là Mị Nương. Hết đời con, con cả của con sẽ thay con làm vua, cứ theo lệ ấy mà truyền ngôi mãi mãi.
Từ nay, gia đình ta sẽ không còn được sum họp như cũ. Nhưng dù các con ơ đâu, miền núi hay miền biển, các con luôn nhớ rằng các con đều từ trong một bọc trứng của mẹ mà ra, cha các con là Rồng, mẹ các con là Tiên. Đến đời con cháu các con, trăm năm, ngàn năm sau này, cũng phải nhắc nhau mà nhớ lấy tình anh em ruột thịt, khi có việc thì phải hết lòng giúp đỡ nhau, cố gắng mở mang đất nước cho rạng mặt con Rồng, cháu Tiên.
Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên - Mẫu 2
Ngày ấy, ở núi rừng phía bắc, trong dòng họ thần Nông, ta được xem là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Cha mẹ đã đặt tên ta là Âu Cơ.
Quanh vùng nhiều chàng trai tài giỏi đã đến cầu hôn, nhưng chưa ai chiếm được tình cảm của ta. Cha mẹ ta ngày đêm khuyên bảo: Con đã đến tuổi phải lấy chồng, cha mẹ không ép nhưng trong số các chàng trai đến cầu hôn, con hãy chọn lấy một người. Vì thương cha mẹ, nhiều đêm ta không thể ngủ được vì chẳng biết chọn ai trong khi mình không yêu chàng nào trong số họ. Cuộc sống trôi đi thật tẻ nhạt, ta nghe người ta đồn rằng, ở vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ, bèn xin cha mẹ đến đó tham quan.
Vào một buổi sáng đẹp trời, ta đang dạo trên bờ biển sạch đẹp vô cùng, từng đợt sóng xô bờ tung lên trắng xoá. Chẳng cần suy nghĩ gì, ta đã chạy xuống biển để đùa cùng sóng. Sóng biển cùng những làn gió mát lạnh đã làm ta quên hết những buồn phiền, lo âu. Ta cùng các hầu nữ cứ thoả thích đẫm mình, giỡn đùa cùng nhau trên biển. Chẳng biết từ lúc nào những đợt sóng đã đưa chúng ta ra quá xa bờ. Đến lúc tất cả đều mệt mỏi thì không có cách nào để vào bờ được, chỉ còn cách kêu cứu, tiếng kêu vang vọng cả một vùng. Thế rồi, trong nháy mắt, xuất hiện một chàng trai mình rồng, sức khoẻ vô địch, thần dùng phép lạ đã nhanh chóng đưa tất cả vào bờ. Sau khi trấn tĩnh lại, ta mới nói với chàng: Chàng ơi! Nhờ ơn chàng cứu nạn. Trước khi báo đáp ơn chàng thiếp muốn chàng cho biết họ tên quê quán. Nghe nói đến ơn huệ, chàng nói với tôi giúp người, cứu nạn, diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, quỷ quái là việc chàng vẫn thường làm. Chàng là một vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ tên là Lạc Long Quân, sống ở dưới nước. Thỉnh thoảng chàng lên cạn diệt trừ yêu quái bảo vệ dân lành, dạy cho dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, cách ăn ở. Xong việc chàng lại về Thuỷ Cung với mẹ.
Thế rồi một ngày không xa, chàng đã tìm đến và cầu hôn với ta. Ta vô cùng vui sướng vì ước mơ của mình đã trở thành hiện thực. Cha mẹ ta cũng rất hài lòng vì Lạc Long Quân là một chàng trai tài giỏi thật xứng đôi với ta. Cha mẹ đã chọn ngày lành tháng tốt tổ chức cho chúng ta một đám cưới linh đình. Sau đó hai vợ chồng ta về sống ở cung điện Long Trang.
Ít lâu sau, ta có mang. Đến kỳ sinh, thật kỳ lạ ta sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm người con hồng hào đẹp đẽ lạ thường. Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khoẻ mạnh như thần.
Thế rồi một hôm, Lạc Long Quân vốn quen ở dưới nước không quen sống mãi ở trên cạn nên đành từ biệt mẹ con ta để trở về thuỷ cung. Ở lại một mình cùng đàn con, tháng ngày chờ mong, buồn tủi. Ta liền gọi chàng lên mà than rằng:
- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?
Chàng nói:
- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình, tập quán khác nhau khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn.
Nghe chàng nói cũng có lí ta cùng các con nghe theo. Thế rồi chúng ta chia tay nhau lên đường.
Người con trưởng theo ta được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình có tướng văn, tướng võ, con trai vua gọi là Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, khi cha chết thì truyền ngôi cho con trưởng, mười mấy đời truyền ngôi vua đều lấy hiệu là Hùng Vương. Không hề thay đổi. Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt Nam ta - con cháu Vua Hùng - khi nhắc đến nguồn gốc của mình, thường xưng là con Rồng Cháu Tiên.
Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên - Mẫu 3
Ngày xửa ngày xưa, cái "ngày xửa ngày xưa" ấy, cách nay khoảng bốn nghìn năm có lẻ. Thuở ấy Trái Đất còn hoang sơ lắm. Trên bờ muông thú chạy tung tăng, chim chóc líu lo ca hát. Dưới nước cá từng đàn bơi lội nhởn nhơ.
Ta tên là Âu Cơ, con gái út Thần Nông - vị thần được giao đảm nhiệm công việc trồng cây trên thiên đình và coi sóc việc nhà nông dưới trần gian. Được cha mẹ cưng chiều, ta thường cùng các chị em tiên nữ xuống trần gian du ngoạn ngắm cảnh đó đây.
Một lần, đang tung tăng bên bờ suối mát, ta bất chợt trông thấy một trang tuấn kiệt. Trông chàng thật khôi ngô, tuấn tú với chiếc vòng ngọc trai lấp loá, răng trắng như ngà voi, thân hình dẻo dai như cá mập đang bơi lội. Giọng chàng âm vang như tiếng chuông, đôi mắt thăm thẳm như sóng nước biển khơi. Khỏi cần nói ta đã bối rối như thế nào. Ta định trốn vào sau lưng mấy cô bạn nhưng chàng đã trông thấy, liền tiến đến bắt chuyện. Tên chàng là Lạc Long Quân, con trai Thần Long Nữ, chủ nhân của biển khơi.
Hôm sau chàng lại đến, không quên mang theo rất nhiều trai ngọc để làm quà. Mấy nàng tiên thoáng cái đã biến đâu mất, để ta ở lại một mình. Muốn chạy trốn mà sao chân bước không nổi. Chúng ta kết hôn rồi cùng nhau sống những ngày tháng hạnh phúc ở cung điện Long Trang.
Chẳng bao lâu ta có mang. Chàng mừng lắm. Chẳng ngờ khi sinh ra lại chỉ thấy một cái bọc, trong bọc có trăm trứng. Một hôm, chúng ta ra ngoài, khi về gần đến nhà bỗng nghe tiếng trẻ nô đùa, cười nói ầm ĩ. Đến nơi thì chao ôi! cả một đàn đúng một trăm đứa trẻ đang chạy nhảy và cười đùa. Bọc trăm trứng của ta đã nở thành trăm con. Có một đứa đã vui, bây giờ niềm vui được nhân lên đúng một trăm lần.
Những đứa trẻ lớn nhanh vùn vụt. Thoáng cái, chúng đã thành những chàng trai dũng mãnh.
Cuộc sống tưởng như hạnh phúc trọn vẹn của ta bắt đầu có nỗi buồn, đó là chồng ta nhớ biển đến bần thần, rồi chàng về lại thủy cung, để ta ở lại với bầy con, ngày đêm trông ngóng. Ta nhắn chàng đến hỏi:
- Tại sao chàng không ở lại cùng thiếp nuôi dạy các con?
Chàng nói hai chúng ta, kẻ giống Rồng, người dòng Tiên tập quán khác nhau, không thể chung sống lâu dài. Nay chàng đưa năm mươi con xuống biển, ta đưa năm mươi con lên rừng. Kẻ miền ngược, người miền xuôi nhưng khi có việc phải giúp đỡ nhau. Ta nghe cũng thấy phải.
Cuộc chia tay đầy lưu luyến và bịn rịn. Ta nhìn theo cha con chàng đi tận phía xa, lòng tràn ngập yêu thương.
Con trai cả ở lại cùng ta, được phong làm vua, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu. Thông lệ cứ đời sau thì con trưởng lại lên nối ngôi, xưng là Hùng Vương thứ hai, thứ ba... Tất thảy trải qua mười tám đời như vậy.
Lại nói về những đứa con. Sau khi chia tay cha mẹ, chúng toả đi khắp nơi, lập thành các bộ tộc, dần dần nói những thứ tiếng khác nhau, phong tục, thói quen cũng khác. Dù không mấy khi gặp được nhau nhưng tất cả vẫn luôn nhớ đều là anh em một nhà. Mỗi khi quân giặc bên ngoài kéo đến xâm lược, chúng lại bảo nhau chung sức lại đánh đuổi kẻ thù.
Bởi thế nên trên đất nước Việt Nam ngày nay có tới trên năm mươi dân tộc nhưng tất cả đều là anh em một nhà, đều là con cháu của ta.
Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên - Mẫu 4
Nhanh quá các cháu ạ! Chỉ một thoáng thôi mà đã 4000 năm rồi. Ngày ấy, nhà ta ở vùng núi cao quanh năm có hoa thơm, suối chảy róc rách, cha mẹ sinh ra ta và đặt tên là Âu Cơ. Khi ta vừa mười sáu tuổi đẹp như trăng rằm, ta rất thích cùng các bạn rong ruổi trên những vùng núi cao tìm hoa thơm, cỏ lạ.
Ngày ngày, ta dạo chơi trong những cánh rừng xinh đẹp, cho đến một hôm mải mê đi tìm những bông hoa đẹp ta đã lạc mất lối về. Giữa lúc đang băn khoăn, lo lắng thì ta bắt gặp một chàng trai cao to, tuấn tú. Chàng tới hỏi han về tình cảnh và vui vẻ đưa ta ra khỏi cánh rừng đó.
Sau nhiều lần gặp gỡ, ta biết được chàng là Lạc Long Quân, mình rồng, thường ở dưới nước, thỉnh thoảng mới lên sống ở cạn, chàng rất khoẻ mạnh và thường giúp đỡ dân làng diệt trừ yêu tinh, dạy dân cách trồng trọt.
Cảm phục trước con người tài đức ấy, chẳng bao lâu sau, ta và Lạc Long Quân đã nên vợ nên chồng. Cuộc sống của ta và chàng vô cùng hạnh phúc, ngày ngày ta cùng chàng dạo chơi khắp nơi, lúc trên rừng lúc xuống biển.
Một thời gian sau, ta có mang cả hai gia đình vô cùng mừng rỡ mong đợi đứa cháu đầu tiên ra đời. Còn Lạc long Quân chàng cũng vô cùng hạnh phúc chờ đợi đến ngày ta sinh nở. Vào một buổi sáng đẹp trời ta trở dạ. Tất cả mọi người hồi hộp, khấp khởi mong đợi. Thế nhưng thật lạ thay, ta lại sinh ra một cái bọc trăm trứng. Một thời gian sau, bọc nở ra một trăm người con trai. Chúng lớn nhanh như thổi, đứa nào cũng đẹp đẽ, khôi ngô khác thường.
Hàng ngày, vợ chồng con cái ta dắt nhau lên rừng ngắm hoa, tìm cỏ và có lẽ cuộc sống sẽ mãi như vậy nếu như ta không nhìn thấy nét mặt phảng phất buồn của Lạc Long Quân. Thỉnh thoảng ta lại thấy chàng đứng trên ngọn núi cao mắt dõi ra phía biển khơi, nơi có gia đình chàng đang mong đợi. Thế rồi một hôm Lạc Long Quân quyết định trở về gia đình của mình, để lại ta vò võ một mình với bầy con nhỏ. Chàng đi rồi ta ngày đêm mong đợi. Và lũ trẻ cũng không ngớt lời hỏi ta:
- Cha đâu hả mẹ? Bao giờ cha trở về chúng con?
Ta chẳng biết trả lời chúng ra sao vì chàng đi mà không hẹn ngày trở về. Hàng ngày mẹ con ta dắt nhau ra bờ biển ngóng về phía biển khơi mong mỏi bóng chàng trở về nhưng càng trông chờ càng chẳng thấy. Cho đến một ngày ta quyết định gọi chàng trở về và than thở:
- Chàng định bỏ thiếp và các con mà đi thật sao? Chàng có biết mẹ con thiếp ngày đêm mong đợi chàng?
Nghe ta hỏi như vậy Lạc Long Quân cũng rất buồn rầu và nói:
- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương.
Nghe chồng nói vậy ta giật mình phản đối:
- Không! Thiếp không muốn gia đình ta mỗi người một ngả. Thiếp không muốn xa các con, xa chàng.
Lạc Long Quân lại nói:
- Chúng ta đã từng sống hạnh phúc yêu thương, gắn bó với nhau, bởi thế ta tin rằng khoảng cách chẳng thế nào chia lìa được chúng ta, và sau này có khó khăn hoạn nạn cùng nhau chia sẻ giúp đỡ là được rồi.
Nghe lời khuyên giải của Lạc Long Quân ta thấy cũng có lí nên đành nghe theo. Ngày chia tay, nhìn chàng và năm mươi đứa con xa dần lòng ta buồn vô hạn, vậy là từ nay ta phải xa chúng thật rồi, biết bao giờ mới gặp lại nhau đây.
Người con trai cả của ta được tôn lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Còn lại, ta chia cho mỗi con một vùng đất để tự lập ra châu huyện, lập nên các dân tộc: Tày, Nùng, H'Mông, Thái, Mèo, Dao,... với những phong tục tập quán riêng, vô cùng phong phú.
Thế là từ bấy giờ, vợ chồng con cái chúng ta xa nhau nhưng ta và Lạc Long Quân vẫn không quên tình cũ, nhất là các con của ta, dù không ở gần nhau nhưng vẫn gắn bó keo sơn. Mỗi khi gặp khó khăn hoạn nạn chúng lại đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua.
Các cháu biết không, chúng ta đều là anh em một nhà, có chung nguồn gốc con lạc cháu hồng, bởi vậy các cháu cần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, các cháu nhé!
Đóng vai Âu Cơ kể lại sự tích Con Rồng cháu Tiên - Mẫu 5
Ta là bà Âu Cơ, vốn thuộc dòng Tiên, là con gái của Thần Nông, vị thần được Ngọc Hoàng giao cho việc đảm nhiệm việc trồng cấy trong trời đất. Hôm nay ta rất mừng được gặp các cháu sau hơn 4000 năm kể từ ngày khai sinh ra nước Việt, chắc các cháu không khỏi băn khoăn khi hàng ngày các thầy cô giáo luôn nhắc nhở: Các thế hệ con cháu người Việt vốn thuộc dòng giống Rồng Tiên. Trên đất nước Việt Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Nam chí Bắc đều là anh em con cháu một nhà. Bây giờ ta sẽ giúp các cháu hiểu điều sâu xa ấy qua một câu chuyện nhé.
Thủa ấy, nước ta còn hoang sơ lắm, dân cư thưa thớt chứ chưa đông đúc như bây giờ. Con người và thiên nhiên sống thật hòa hợp và gần gũi với nhau. Lúc ấy, ta mới độ 18 đôi mươi, ham thích hoa thơm, cỏ lạ. Nghe nói ở vùng Lạc Việt có nhiều cảnh đẹp, ta bèn cùng các tiên nữ giáng trần. Không ngờ hôm đó khi đang hái hoa bên bờ suối, ta bất ngờ gặp một chàng trai. Xem qua vóc dáng và cốt cách, không chừng chàng không phải người thường. Lại thêm vẻ khôi ngô tuấn tú khiến ta cùng các tiên nữ không giấu nổi sự ngượng ngùng. Buổi đầu gặp gỡ ta đã đem lòng cảm mến nhưng chẳng dám làm quen.
Hôm sau ta lại ra hái hoa ở bãi ấy và thật như mong đợi, ta lại được gặp chàng trai hôm trước. Qua trò chuyện, ta được biết, chàng ta là Lạc Long Quân, vốn thuộc giống Rồng, là con của Long Vương.
Sau vài lần trò chuyện, xem chừng chàng cũng thuận lòng. Ta và Lạc Long Quân đem lòng cảm mến và kết thành tình vợ chồng, cha mẹ ta ở thiên đình biết chuyện nhưng vì thấy đôi trẻ hết mực yêu thương nên cũng bằng lòng cho ta sống tại cung điện Long Trang.
Sống cùng Lạc Long Quân một thời gian thì ta có mang, vợ chồng mừng lắm, hồi hộp chờ ngày đứa bé chào đời. Chẳng ngờ lúc ta sinh cho thấy có một cái bọc không hơn, hàng ngày ta ôm cái bọc mà trong lòng buồn rười rượi, nhưng thật may trời cũng chiều lòng. Một hôm, ta vô cùng bất ngờ khi thấy một, rồi hai, rồi mười, rồi cả trăm trứng cứ từ trong bọc lần lượt nở ra trăm người con mà đứa nào trông cũng khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ lạ thường. Long Quân hết sức vui mừng, hai vợ chồng suốt ngày quấn quýt bên đàn con nhỏ. Đang sống yên vui, một hôm, thấy Long Quân vẻ mặt buồn rầu ta bèn hỏi.
Chàng có chuyện gì phiền muộn xin nói cho thiếp nghe để vợ chồng cùng chia sẻ.
Lặng im một lúc, chàng trả lời, ta vốn định kết nghĩa suốt đời cùng nàng với các con ở Long Trang nhưng ngại vì phụ vương ngày một già yếu. Công việc ở Long cung ngoài ta ra không còn ai gánh vác. Hơn thế, ta với nàng, kẻ trên cạn, người quen dưới nước, thật cùng có nhiều cái khác nhau. Ta định đem năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, vợ chồng ta tính kế dài lâu. Nàng thấy sao?.
Ta nghe chàng nói thấy buồn lòng nhưng ngẫm ra cũng phải nên đành nghe theo.
Đưa năm mươi con lên núi, ta cho con cả làm vua đóng đô ở đất Phong Châu, đời đời kế nghiệp đều lấy hiệu Hùng Vương. Còn lại, ta chia cho mỗi con một vùng để tự lập ra châu huyện, lập nên các dân tộc: Tày, Nùng, H’Mông, Thái, Mèo, Dao…với những phong tục tập quán riêng, vô cùng phong phú.
Dù ít gặp nhau, nhưng ta và Long Quân không quên nghĩa cũ, mừng nhất là trăm con luôn nhớ tình huynh đệ. Mỗi khi xảy ra binh lửa chúng lại hợp sức chung nhau đuổi kẻ thù.
Các cháu ạ! Nguồn gốc tổ tiên của các cháu là như vậy đấy! Bởi thế người Việt ta không lúc nào quên dòng giống và nghĩa đồng bào, như một nhà thơ sau này đã viết:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm đâu làm đâu
Cùng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.