Bài văn mẫu lớp 6: Tả cảnh tấp nập ở đường phố lúc tan tầm hoặc lúc đi làm - Những bài văn mẫu lớp 6 hay nhất
Nội dung chi tiết:
Bài văn mẫu lớp 6: Tả cảnh tấp nập ở đường phố lúc tan tầm hoặc lúc đi làm là tài liệu hữu ích, bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 4 bài văn mẫu giúp các em học sinh củng cố kỹ năng cách làm bài văn miêu tả chuẩn bị cho kì thi học kì sắp tới.
Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo hữu ích để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.
Tả cảnh tấp nập ở đường phố lúc tan tầm hoặc lúc đi làm - Mẫu 1
Ngày nào cũng vậy, khi tiếng trống trường báo hiệu giờ tan học, chúng em lại hét hò nhau cùng về nhà. Bạn thì có bố mẹ đến đón tận nơi, bạn thì tự đi xe đi học. Đây là thời gian cao điểm giờ giao thông nên con phố trở về nhà lúc này thực sự thật đông đúc và vội vã. Có nhiều người còn sợ phải ra đường vào thời gian này vì ách tắc giao thông nặng nề.
Vào lúc 5h đến 6h chiều, lúc mặt trời đã bắt đầu đi ngủ, chỉ còn những tia nắng yếu ớt cuối ngày thì con phố đang phải oằn mình vì có quá nhiều xe cộ chạy qua đây.
Tiếng còi xe réo lên liên tục, xe cộ đi lại chật ních, không còn lối đi cho người đi bộ. Thậm chí có nhiều chiếc xe còn lao lên vỉa hè để đi. Ấy vậy mà tình trạng ùn tắc vẫn không thề thuyên giảm. Con phố như đang phải cố gồng mình để có thể vượt qua thời điểm quá chật vật và khó khăn này.
Gương mặt của những người tham gia giao thông dường như rất mong chờ, vội vã vì ai cũng muốn trở về nhà thật nhanh chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Có những em nhỏ ngồi sau xe của bố mẹ mắt cứ nhìn xung quanh, chốc chốc lại hỏi mẹ “Sao xe đông thế mẹ ơi”.
Hình ảnh của những chú cảnh sát giao thông trong giờ cao điểm cũng trở nên vội vàng và bận rộn. Tiếng còi giao thông, những tín hiệu được phép qua được và yêu cầu dừng lại cứ tiếp diễn. Những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt của chú cảnh sát. Có lẽ chú đã làm việc vất vả suốt cả một ngày.
Tín hiệu đèn giao thông chuyển đổi liên tục, khi thì đèn xanh, khi thì đèn đỏ, khi thì đèn vàng khiến cho người tham gia giao thông trở nên chóng mặt. Có những lúc đoạn ùn tắc kéo dài 1 cây số, những chiếc xe cứ bấm còi liên tục nhưng vẫn không thể nhích thêm một tý nào.
Em còn nghe văng vẳng ở đâu đó tiếng quát mắng nhau vì xe sau đâm vào xe trước do không có diện tích để dựng xe. Những người đi bộ qua đường trong thời gian này cũng rất khó khăn, họ phải đứng chờ rất lâu khi có tín hiệu đèn đỏ mới dám qua đường, vì xe cộ quá đông, nhìn mà chóng mặt.
Con phố giờ tan tầm buổi chiều nào cũng đông đúc người qua lại. Vì đây là thời gian mà mọi người đi làm, đi học về. Mọi người thay vì khó chịu thì đành phải chấp nhận vì đây là khung giờ cao điểm.
Em ngồi sau xe của mẹ nhưng cũng cảm thấy được sự lo lắng, vội vã của mẹ vì để về nhà kịp nấu cơm cho gia đình trước khi qua muộn.
Tuy nhiên em cảm nhận được sự háo hức và niềm vui, một chút bình thản của mọi người vì sắp được trở về mái nhà thân yêu của mình sau một ngày học và làm việc vất vả.
Tả cảnh tấp nập ở đường phố lúc tan tầm hoặc lúc đi làm - Mẫu 2
Chiều nào cũng vậy, sau giờ tan học, em cùng các bạn trong lớp hòa vào dòng người xuôi ngược trên đường Cách mạng tháng Tám để về nhà.
Đường phố trong thời điểm này thật tấp nập vì giờ tan học cũng thường là lúc các công sở nghỉ việc. Xe cộ đi lại như mắc cửi và dòng người đi bộ nườm nượp trên các tuyến giao thông. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng động cơ xe máy và vô vàn những tiếng động khác hợp lại tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn huyên náo khắp đường phố.
Trên các vỉa hè, từng đoàn học sinh vai quàng khăn đỏ, tay ôm cặp líu ríu theo nhau chuyện trò rôm rả. Thỉnh thoảng, các bạn dừng lại ở một quầy sách báo, tìm kiếm “Thám tử lừng danh Co Nan” hoặc “Túp lều của chú Tôm”… để về xin tiền mẹ mua, rồi lục đục kéo nhau đi. Hai bên hè phố, nhà cửa san sát. Chỗ thì bán sách báo, dụng cụ văn phòng, chỗ thì bán cát sét, băng nhạc… Giữa lòng đường, xe cộ hai chiều đông nghìn nghịt. Chiếc đổ xuôi Sài Gòn, chiếc ngược Bình Tây. Đến chỗ rẽ, dòng người, xe cộ tách ra nhiều luồng. Lòng đường như được giãn ra, thoáng hơn. Nhưng rồi ít phút sau, không biết xe từ đâu lại bắt đầu ùn ùn đi tới. Những chiếc xe buýt to chở công nhân ra về nhấn còi inh ỏi xin đường nhưng không tài nào vượt lên trước được. Xe gắn máy cố len lỏi thoát ra khỏi dòng xe đang kẹt cứng. Những chiếc xe ba gác, xích lô chở hàng thì thường hay chạy nhanh, như đi cứu hỏa.
Đẹp nhất, thong thả nhất trên đường vẫn là những nữ sinh trong tà áo dài trắng. Dường như các chị không bận tâm gì đến chuyện chạy nhanh hay chậm, ung dung đủng đỉnh như người đi dạo phố. Phía ngã tư, dù có đèn báo hiệu nhưng chú cảnh sát giao thông vẫn đứng ở đấy để xử lí các tình huống bất trắc xảy ra ở giao lộ. Thỉnh thoảng tiếng còi từ miệng chú vang lên: “Tuýt! Tuýt!…” nhắc nhở mọi người dừng lại vạch quy định và tuân thủ đèn tín hiệu. Những cô chú nhân viên đi làm về chở trên xe những đứa con vừa tan học. Chúng ngồi phía sau xe, mắt ngơ ngác ngắm dòng xe xuôi ngược. Những đứa trẻ mẫu giáo thì được ngồi phía trước, hai tay đập lia lịa vào tay lái, miệng ríu rít: “Tránh ra! Tránh ra!” làm ai nấy cũng phải phì cười.
Giữa đường, ngăn cách dòng xe xuôi ngược là một bờ tường cao khoảng năm mươi phân chạy đài theo con đường được tô sơn trắng và đỏ. Một vài khách bộ hành rảo bước trên lề đường nhìn trước ngó sau rồi băng qua dải phân cách mau lẹ. Xa xa phía cửa hàng bán thực phẩm, hoa quả gần nhà em, những cô chú công nhân dừng xe lại mua thức ăn chuẩn bị cho bữa cơm chiều rồi vội vã lên xe, nhấn ga vù đi.
Ánh nắng yếu ớt của buổi chiều dần dần khuất sau dãy nhà cao tầng dọc đường phố. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Đèn hai bên đường và trong các tiệm buôn bán, nhà dân đã sáng tự bao giờ. Đường phố đã bớt ồn ào, nhộn nhịp. Dòng người và xe cộ vẫn xuôi ngược trên đường nhưng đã thưa dần. Một vài cô công nhân về muộn, gò lưng tăng tốc độ để kịp chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình. Em cũng nhanh chân hơn chọ kịp dùng bữa cơm tối cùng bố mẹ và chị Hai. Nắng đã tắt hẳn. Thành phố chuyển mình song những hoạt động mới của một buổi tối.
Thành phố của em thật sôi động nhưng rất trật tự văn minh. Em mong sao mọi người luôn có ý thức tôn trọng luật lệ giao thông đề đường phố không xảy ra những tai nạn đáng tiếc, giao thông thông suốt, mọi người được bình yên.
Tả cảnh tấp nập ở đường phố lúc tan tầm hoặc lúc đi làm - Mẫu 3
Như thường lệ, hàng ngày vào lúc sáu giờ ba mươi, em xách cặp đi bộ đến trường, hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố.
Con đường này vốn khá rộng, thế mà vào giờ này hình như còn quá hẹp không đủ chứa hai luồng xe ngược chiều nhau. Những chiếc ôtô bóp còi inh ỏi, lăn bánh chầm chậm. Thỉnh thoảng một chiếc xe con chừng sốt ruột kéo một hồi còi thật dài muốn vượt lên trước nhưng không tài nào lách lên được phải chịu nối vào dòng xe để tiếp tục lăn bánh. Một chiếc xe màu đỏ cao lớn, đồ sộ, hai bên thành xe nổi bật dòng chữ lớn “Xe đưa rước công nhân” chậm chạp đi theo. Trên xe, qua cửa sổ, các cô công nhân áo xanh, đầu tóc gọn gàng, nét mặt vui vẻ nhìn ngắm phố phường. Tiếp sau đó là một chiếc xe màu xanh đã cũ, từ cửa xe ló ra một khuôn mặt căng thẳng với hai bàn tay gõ liên hồi vào thành xe như những nghệ sĩ đánh trống bất đắc dĩ, miệng hét to: “Dô! Dô!”. Đó là chuyến xe buýt từ thành phố ra ngoại thành.
Xe máy nhanh nhẹn lách đi giữa dòng xe đạp. Trên một chiếc xe, khuôn mặt một em nhỏ ngồi trong lòng mẹ đang cố vươn người khỏi cái lưng to lớn của ông để đưa mắt vẻ thích thú ngắm cành đường phố. Chắc bố mẹ đưa bé đi nhà trẻ trước khi đến công sở. Những em học trò lớp Một, lớp Hai cặp sách đeo sau lưng ngồi ôm chặt lấy lưng bố hoặc mẹ, chân đung đưa có vẻ khoái chí. Những anh chị học sinh lớn tuổi đạp xe trông thật tự tin, vừa đi vừa trò chuyện với bạn bên cạnh.
Kìa! Hai chiếc xe đạp vướng tay lái vào nhau làm cả hai anh học sinh cùng loạng quạng suýt ngã. Một cặp mắt quắc lên nhưng rồi dịu lại ngay khi người kia nhẹ nhàng xin lỗi. Hai bên lề đường là dòng người đi bộ, phần lớn là học sinh đi học. Chúng em đi qua những ngôi nhà mở rộng cửa, những quầy hàng điện tử phô ra những máy mới sáng loáng, bên trong là tiếng nhạc ồn ào. Ở cửa hàng giày dép, những đôi giày mới bóng lộn, nhiều kiểu dáng, màu sắc trưng bày trong tủ kính trông thật đẹp mắt. Đầu hẻm, khói nghi ngút bốc lên từ một hàng phở bình dân. Quanh mấy cái bàn nhỏ, khách hàng áo quần giản dị, nét mặt hiền lành, cắm cúi ăn vội cho kịp giờ đi làm.
Một ngày lao động sôi nổi ở thành phố em bắt đầu như vậy đấy. Không khí tấp nập ở đường phố làm em có cảm giác con đường đến trường như ngắn lại.
Tả cảnh tấp nập ở đường phố lúc tan tầm hoặc lúc đi làm - Mẫu 4
Trời vừa rạng sáng đã nghe tiếng chân người chạy thình thịch, tiếng xe cộ đi lại ngược xuôi bấm còi inh ỏi, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Phố Hàng Thiếc, nơi gia đình em ở là một khu phố cũ, đường hẹp và ngắn. Ngày ở đây bắt đầu rất sớm và kết thúc thì rất muộn. Đường phố trong buổi sáng đủ các từng lớp, già, trẻ, gái, trai không thiếu một lứa tuổi nào. Các cụ già tập những đường quyền nhẹ nhàng, các anh thanh niên thì chạy bộ huỳnh huỵch như các vận động viên, các bạn nhỏ tuổi hơn thì tập bài thể dục buổi sáng. Phía đông mặt trời từ từ lên cao, những sinh hoạt thường ngày bắt đầu. Thoạt tiên là tiếng rao của các bà hàng quà: “Ai xôi đây!”, nhìn “Bánh khúc đây!”… Từ các quầy hàng bên đường, tiếng cửa sắt thu lại roàn roạt. Chỉ một loáng sau, đường phố đã đông vui nhộn nhịp. Đầu phố là các cửa hàng gò hàn tôn thiếc, trước cửa bày la liệt, nào xô nào chậu, nào mâm… Bác thợ cả đeo cặp kính cận có gọng buộc bằng dây đay, bác sửa chìa khóa, đi dọc phố tìm khách… Dưới lòng đường mỗi lúc một nhộn nhịp xe cộ đi lại: xe đạp, ba gác, xích lô, hon đa… Nhiều nhất là tụi học trò chúng em lũ lươt dấn trường đi thành hàng một, hàng hai trên vỉa hè. Còn các chú công nhân, các chị mậu dịch viên thì đạp xe đạp, ai cũng gò lưng đạp vội vàng cho kịp giờ làm việc. Đoạn đường giữa phố bỗng nhiên bị ngăn lại. Thì ra mọi người đang nhường đường cho các cháu mẫu giáo đang được cô giáo dắt tay qua đường để vào trường học. Nắng dần lên, chan hòa khắp phố phường. Những nóc nhà cao cao đổ bóng trên đường phố. Gió xôn xao, hàng cây bàng đứng hai bên đường rung rinh như vẫy chào khách đi đường.
Mỗi buổi sáng như thế em càng thêm yêu cuộc sống bình dị và sôi động ở khu phố em.