Bài văn mẫu lớp 9: Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa - Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
Download.com.vn xin giới thiệu Bài văn mẫu lớp 9: Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa của Bằng Việt được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 2 bài văn mẫu đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa của Bằng Việt. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.
Dàn ý Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa
I - Mở bài:
Giới thiệu về mình (Nhân vật trữ tình trong bài thơ)
II - Thân bài:
Nhân vật trữ tình kể theo mạch kể riêng của mình nhưng đảm bảo được mạch cảm xúc của bài thơ là:
Bài thơ được mở ra với hình ảnh bếp lửa, từ đó gợi về những kỷ niệm tuổi thơ sống bên bà tám năm ròng, làm hiện lên hình ảnh bà với sự chăm sóc, lo toan, vất vả và tình yêu thương trìu mến dành cho đứa cháu.Từ kỷ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm và thấu hiểu về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị mà cao qúy của bà. Cuối cùng người cháu muốn gửi niềm thương, nhớ mong về bà khi ở xa bà.. Ví dụ hình thành mạch kể riêng:
* Cách 1:
1 - Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà.
2 - Hồi tưởng những kỷ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa.
3 - Suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.
4 - Nỗi niềm của cháu khi đã trưởng thành, đi xa về bà
* Cách 2:
1 - Hình ảnh bếp lửa đã gợi lên trong tâm trí tôi, quá khứ hiện về như một cuộn phim quay chậm.
2 - Tuổi thơ của tôi phải sống trong chiến tranh đầy bom đạn dữ dội.
3 - Tuổi thơ của tôi với bao niềm vui sướng, hạnh phúc được ở bên bà.
4 - Đóng vai người cháu, kể lại nội dung bài thơ Bếp Lửa - Bằng Việt. Yêu cầu có sử dụng yếu tố nghị luận, độc thoại nội tâm - Từ kỷ niệm tuổi thơ ở bên bà, tôi lại nhớ về bà và hình ảnh bếp lửa.
5 - Giờ đây tôi đã trưởng thành. ,nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh bà gắn với hình ảnh bếp lửa
III - Kết bài:
Niềm mong ước, suy nghĩ của nhân vật trữ tình từ hình ảnh bà và bếp lửa
Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa - Mẫu 1
Tôi vẫn nhớ nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết:
“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”
Dường như trong kí ức tuổi thơ của bao đứa trẻ, những tháng năm vô lo vô nghĩ bên người bà luôn là quãng thời gian êm đềm và thân thương nhất. Vượt qua bao sự thăng trầm trong cuộc đời và sàng lọc của thời gian, những kỉ niệm mộc mộc ấy về bà vẫn đọng lại trong miền nhớ của biết bao tâm hồn, nó đưa ta về với khoảng trời xưa cũ bình dị mà an nhiên tự tại thuở niên thiếu. Với riêng tôi, có lẽ kỉ niệm về bà bên bếp lửa bập bùng mỗi sớm mai luôn đi về trong cõi nhớ của tôi trên những chặng đường mà tôi trải qua. Nỗi nhớ ấy lại càng cồn cào da diết hơn trong những năm tháng sống xa xứ, đón những đợt gió tuyết nơi xứ sở Bạch Dương. Trong những phút giây tĩnh lặng, mỗi khi nhìn làn khói của những ngôi nhà phía xa kia, cả một trời nhớ thương trong tôi lại ùa về, về bà về bếp lửa hồng sưởi ấm cả tuổi thơ tôi, về hương vị quê nhà…
Theo dòng hoài niệm, kí ức đưa tôi về với những đêm đen của cái đói mòn đói mỏi năm 1945. Ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh sống, nhà nào cũng rơi vào cảnh đói thê thảm. Trong những năm tháng cơ cực ấy, để giành giật lấy sự sống ngày một thoi thóp, bố tôi phải lên phố xe thuê rạc cả người, dẫu vậy cũng chỉ đủ để rau cháo cầm hơi mà sống qua ngày. Cái đói nghèo cùng cực của năm Ất Dậu ấy như một nỗi ám ảnh trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ bốn tuổi lúc đó. Chính mùi khói bếp của bà đã mang đến cho tôi những hơi ấm, sự an lòng và xua đi cái mùi tử khí tràn ngập quanh ngõ xóm thôn nghèo. Thứ hương thơm dung dị như nhen lên từ tình yêu nồng hậu của bà đã sưởi ấm cho tôi trong suốt thuở thiếu thời để rồi sau này trên mỗi hành trình dài và rộng mà tôi qua, mùi khói bếp ấy vẫn làm tôi cay cay sống mũi mỗi khi hồi tưởng lại. Những năm tháng sau đó khi kháng chiến bùng nổ, bố mẹ tôi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, lên đường theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Suốt tám năm trời đằng đẵng tôi sống trong sự đùm bọc chở che của bà, bên bóng dáng tảo tần của bà và bên bếp lửa hồng bà nhen lên mỗi sớm chiều. Những năm tháng thơ bé ấy, bên cạnh bà cháu tôi, bên cạnh bếp lửa vẫn còn một nhân chứng mà tôi chẳng thể nào quên đó là chim tu hú. Tiếng hót của nó nghe sao mà chơ vơ lạc lõng như khao khát được che chở ấp iu đến vậy. Tiếng tu hú khắc khoải như xé tan cả khoảng không gian mênh mông buồn vắng, thương con chim tu hú bất hạnh biết bao nhiêu tôi càng biết ơn và trân trọng những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc được bà chăm chút, bao bọc bấy nhiêu. Bên bếp lửa bập bùng, tôi được nghe bà trải lòng về cuộc đời bà những tháng năm còn ở Huế. Một cuộc đời đầy truân chuyên và cùng cực. Bà gửi những hi vọng, ước mong về một tươi lai tươi sáng hơn trong tôi. Rồi cũng ở bếp lửa nơi góc bếp, bà chăm tôi từng bữa ăn giấc ngủ và là người thầy đầu tiên dạy tôi những bài học quý giá trong cuộc đời. Những bài học làm người cao đẹp ấy đã trở thành một điểm tựa vững chắc chắp cánh cho những giấc mơ cao đẹp trong cuộc đời. Thứ ánh lửa ấm áp nồng nàn ấy mang đến cho tầm hồn tôi một sự an ủi trong những ngày tháng sống thiếu tình cảm của cha mẹ, bà như điểm tựa tinh thần cho tôi vững bước. Cuộc sống vẫn vậy, vẫn khắc nghiệt và luôn muốn thử thách bản lĩnh của con người. Đến một ngày tiếng súng, tiếng bom của cuộc chiến tranh khắc nghiệt dội về làng tôi. Trước họng súng và ngòi nổ hủy diệt của quân địch, ngôi làng tôi lúc đó là một đống tro tàn, nhà cửa của mọi người đều hoàn toàn cháy rụi. Tôi biết lúc đó bà đang nuốt ngược nỗi đau và nước mắt vào trong. Nơi chốn nương thân của hai bà cháu tôi không còn, nhưng nghị lực và ý chí thép được tôi luyện trong những năm tháng bể dâu của cuộc đời không cho phép bà tôi gục ngã buông xuôi. Bà cứng rắn dắt tôi vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Tôi hiểu rằng những thiếu thốn, cơ cực mà tôi mới trải qua không thể nào đong đếm được với những gian khó, nhọc nhằn và nỗi nhớ thương con nơi chiến trường đỏ lửa đều phải nén lại vào trong của bà. Và rồi đâu rồi cũng vào đó, nhờ vào tình làng nghĩa xóm mà bà cháu tôi cũng dựng được căn nhà nhỏ trên nền đất cũ năm nào. Bà đã nhóm lên trong tôi ý chí và nghị lực sống trong cuộc đời này. Thật kì diệu bởi tôi tin rằng những gì bị thiêu cháy trong ngọn lửa hung tàn kia đã được hồi sinh trong bếp lửa của bà. Cứ thế tuổi thơ tôi được bà che chở qua bao tháng năm. Chính ngọn lửa của lòng bà đã nhen lên ngọn lửa bền bỉ, trường tồn theo dọc thời gian của bếp lửa kia.
Tháng năm làm tôi lớn lên và trưởng thành, những hoài bão đưa bước chân tôi đến với những chân trời xa nhưng chẳng thể nào tôi quên được ngọn lửa hồng nơi góc bếp bởi nơi đó có tình yêu thương và đức hi sinh lặng thầm của người bà mà tôi dành cả cuộc đời mình để biết ơn và trân trọng, cũng chính tại nơi đó bà nhen nhóm lên trong tôi những ước mơ về một cuộc đời mới. Nếu những câu chuyện cổ tích là người bạn của bao tâm hồn thơ bé, thì bà chính là người viết lên câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời này cho riêng tôi. Trong câu chuyện ấy là ánh lửa bập bùng sớm tối, là tình yêu nồng hậu của bà, là mùi nếp mùi sắn thơm hương, của quê hương, và luôn là nơi mà tôi thuộc về…
Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa - Mẫu 2
Tôi đang du học ở một nước xa xôi, cách Việt Nam hàng ngàn kilomet, nơi đất nước lạnh giá bỗng thèm hơi ấm từ bếp lửa của người bà thân yêu, ngọn lửa mà bà thắp lên mỗi sáng tinh mơ.
Tuổi thơ tôi gắn bó với bà, ngọn lửa chờn vờn trong sớm mai, ngọn lửa gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó và giàu đức tính hi sinh. Bà tôi là một người phụ nữ như vậy, kí ức về bà gắn với kỉ niệm tuổi thơ nạn đói năm 1945 hoành hành khiến hàng triệu người chết, gia đình tôi cũng vậy phải cố gắng đi tìm miếng ăn để vượt qua thời khắc đen tối đó, giờ nghĩ lại mà sóng mũi còn cay cay.
Tôi có nhiều kỉ niệm nhớ mãi với người bà, thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp mẹ và cha tôi phải đi công tác ở chiến khu, bà ở nhà nuôi nấng, dạy dỗ tôi trưởng thành, bà đun lửa lên sưởi ấm cho tôi mỗi khi trời trở rét. Bà thương yêu bao bọc che chở giúp cha mẹ an lòng công tác xa nhà.
Một kỉ niệm đến tận giờ tôi vẫn không quên đó là lần giặc càn tàn phá xóm làng, ngọn lửa thiêu rụi tài sản mọi người trong làng, khi giặc đi qua tất cả không còn gì. Trong hoàn cảnh như vậy bà vẫn dặn tôi không được nói với cha mẹ để họ yên tâm công tác. Bà không chỉ cần cù, giàu tình yêu thương mà còn giàu đức hi sinh làm hậu phương vững chắc cho cha mẹ yên lòng, với tôi bà là người mẹ Việt Nam trung hậu, đảm đang, bất khuất.
Ngọn lửa của bà không chỉ dùng để sưởi ấm mà chứa đựng niềm yêu thương luôn cháy trong lòng tôi, bà là đại diện thế hệ cha anh giữ lửa truyền lửa đến thế hệ tương lai, hình ảnh bếp lửa giản dị quen thuộc như chứa đựng sự cao quý thiêng liêng đến kỳ lạ.
Trải qua thời gian, tôi đã trưởng thành, tìm đến với những con đường, chân trời mới, cuộc sống mới đã có “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng trong lòng tôi vẫn luôn hiện hữu câu hỏi “sớm mai này bà nhóm lửa lên chưa” ? ngọn lửa của bà chính là kỉ kiệm tuổi thơ, tình bà cháu đã nuôi nấng tôi trưởng thành, hình ảnh đó sẽ cháy mãi trong lòng tôi – ngọn lửa yêu thương của gia đình, yêu quê hương đất nước.