Bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận về sức mạnh của tinh thần đoàn kết - Những bài văn hay lớp 9
Download.com.vn xin giới thiệu bài văn lớp 9: Nghị luận về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đã được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.
Để có một cuộc sống độc lập và tự do như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết chiến đấu với giặc ngoại xâm thống nhất đất nước.Vì vậy sức mạnh của đoàn kết vô cùng to lớn, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn điều này. Bài văn nghị luận sức mạnh của tinh thần đoàn kết gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn, mời các bạn cùng tham khảo.
Dàn ý nghị luận về sức mạnh tinh thần đoàn kết
I. Mở bài
– Đôi khi để thành công trong công việc không thể chỉ dựa vào sức mạnh của cá nhân mà phải cần đến sức mạnh của tập thể, của sự đoàn kết.
– Vậy đoàn kết có giá trị, như thế nào trong xã hội của chúng ta?
II. Thân bài
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Đoàn kết là gì? => Nghĩa là những cá nhân riêng lẻ cùng nhau hợp sức lại, tạo nên một sức mạnh vững chắc giải quyết tốt vấn đề mà tập thể đang muốn làm.
b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Như thế nào? Tại sao? Vì sao?)
• Tại sao chúng ta phải có tinh thần đoàn kết trong mọi việc?
+ Là yếu tố đi đầu dẫn đến mọi thành công trong công việc.
+ Tình đoàn kết tạo nên một sức mạnh lớn lao, vĩ đại.
+ Dẫn chứng: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, tinh thần đoàn kết được thể hiện thông qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Một số câu tục ngữ, ca dao tham khảo:
+ Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
+ Vì đồng lòng mà việc nhỏ thành lớn; vì bất hòa mà việc lớn thành tan vỡ.
+ Bẻ đũa chẳng bẻ được cả nắm.
+ Chết cả đổng còn hơn sống một người.
+ Dân ta nhớ lấy chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
+ Chung lưng đấu cật.
+ Nhiều tay vỗ nên kêu.
+ Góp gió thành bão.
+ Một hòn đắp chẳng nên non
Ba hòn đắp lại nên cồn Thái Sơn.
+ Kề vai sát cánh.
+ Đồng tâm hiệp lực.
c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
– Phê phán, lên án những con người đoàn kết lại để làm việc xấu, gây phương hại đến những người khác.
– Trong trường học, nhiều học sinh tự chia nhau thành các nhóm riêng rẽ, gây mất đoàn kết trong lớp. Có học sinh chỉ vì lợi ích cá nhân bàn ra tán vào gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần đoàn kết của cả lớp…
– Dẫn chứng: trong lớp học, trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình…
III. Kết bài
– Tinh thần đoàn kết là đức tính tốt, rất cần thiết cho con người.
– Bản thân luôn gắn kết, hòa hợp với mọi người xung quanh tạo nên tình đoàn kết theo đúng nghĩa của nó.
Nghị luận về sức mạnh của tinh thần đoàn kết - Mẫu 1
Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn đồng lòng cùng nhau bảo vệ và phát triển đất nước, trên dưới như một. Cũng nhờ sự đoàn kết ấy đã làm cho đất nước ta phát triển cường thịnh để có thể sánh với các nước năm châu hùng mạnh. Để nhắc nhở con cháu đời sau, ông cha ta đã lưu truyền nhiều câu tục ngữ, ca dao về lòng đoàn kết.
Lòng đoàn kết là gì? Là sự gắn bó mật thiết với nhau, cùng chung tay làm một việc vì một lợi ích nào đó. Đoàn kết cũng có khi chỉ đơn giản thể hiện ở những việc nhỏ nhặt hằng ngày, như cùng nhau giải một bài toán khó hay cùng nhau làm một bài văn hay. Và dĩ nhiên, kết quả sau khi đoàn kết thường tốt hơn, vì đó là ý kiến của nhiều người, từ đó chính sự đoàn kết là con đường, sức mạnh dẫn đến thành công
Truyền thống vẻ vang đó của dân tộc đã luôn được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chẳng phải chính tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn đã khiến nhân dân ta chiến thắng các cường quốc để dành lại độc lập, tự do. Chính truyền thống quý báu ấy đã khiến hàng triệu con người Việt Nam nhỏ bé vùng lên thoát khỏi vòng nô lệ, khiến anh em từ miền xuôi đến miền ngược cùng nhau đứng lên cầm vũ khí đánh giặc. Làn sóng dữ dội ấy đã lướt qua muôn vàn khổ đau, nhấn chìm lũ cướp nước và bán nước. Chúng ta đã chiến đấu với những thứ ấy, chứ không phải với xe tăng đại bác hiện đại như các đế quốc, khiến những cường quốc vĩ đại phải nể phục, đầu hàng hoàn toàn. Hay là khi người anh em Trường Sa- Hoàng Sa gặp nạn, bị Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Chúng ta đã không e dè, sợ hãi trước một đất nước hùng mạnh mà đã cùng nhau lên tiếng đòi lại lãnh thổ, sử dụng các phương tiện truyền thông để lên tiếng bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai. Đó cũng là đoàn kết, nhưng ở mức độ lớn hơn. Như đã nói, đoàn kết cũng được hiển thị ở những việc làm nhỏ nhặt. Một cậu học sinh nghèo bị khuyết tật thèm muốn được đến trường như bao đứa trẻ khác, ước mong có một tương lai tốt đẹp. Tưởng chừng như điều đó là vô vọng nếu như cuộc sống này không ban cho cậu người bạn không thể nào tuyệt vời hơn. Chính người bạn đó đã cõng cậu đến trường suốt những năm cắp sách, đã cho cậu biết thế nào là tình bạn, đã thắp sáng ước mơ, hoài bão cháy bỏng trong tim cậu và quan trọng hơn hết đã cho cậu nghị lức để sống, để vượt qua sự không công bằng mà tạo hóa đã đối xử với cậu. Suốt những năm tháng đẹp nhất ấy, cậu bạn với dáng người gầy gầy trên lưng lúc nào cũng cõng theo cậu đi học, dù trời mưa hay nắng, dù cho mồ hôi có đầm đìa trên gương mặt, cậu bạn ấy đã là cái chân hoàn hảo nhất mà cậu có thể có. Vâng, cậu bé khiếm khuyết năm nào giờ đây đã trỏ thành một người thành đạt, đã có thể giúp đỡ lại cho biết bao nhiêu người. Phải chăng, sự đoàn kết vẫn luôn hiện diện trong những hành động nhỏ nhặt mà thấm đẫm tình người ấy.
Vậy vì sao lại phải đoàn kết ? Có lẽ vì đoàn kết sẽ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình, tạo nên một sức mạnh tổng hợp không ai địch nổi. Trước hết đoàn kết làm tăng số lượng của cải, vật chất của con người. Có đoàn kết mới có sức lao động, có đủ khả năng để xây dựng được những công trình lớn. Một công ty sẽ đạt được nhiều thành công khi công ty đó có những nhân viên không chỉ có năng lực mà phải có lòng đoàn kết, cùng chi hướng vươn lên. Cũng như một nhà lãnh đạo giỏi là người biết lắng nghe ý kiến của mọi người, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất. Là người mà có thể liên kết các thành viên lại một khối vững chắc. Đoàn kết còn làm tăng sức mạnh trí tuệ. Chính sự đoàn kết trong khoa học đã tạo nên nhiều thành tựu khoa học vĩ đại. Tóm lại, đoàn kết phải xuất phát từ những tổ chức nhỏ nhất, gia đình, xã hôi, cộng đồng rồi đến nhà nước.
Nghị luận về sức mạnh của tinh thần đoàn kết - Mẫu 2
Trong cuộc sống của chúng ta, tinh thần đoàn kết là một trong những đức tính tốt mà chúng ta cần phải trang bị cho mình. Nó giúp cho chúng ta vượt qua bao phong ba bão táp của cuộc đời. Đôi khi trong công việc để thành công chúng ta không thể dựa vào sức mạnh của cá nhân mà phải cần đến sức mạnh của tập thể, của sự đoàn kết. Vậy đoàn kết có giá trị như thế nào trong xã hội của chúng ta ?
Vậy đoàn kết là gì ? Nghĩa là những cá nhân riêng lẻ cùng nhau hợp sức lại, tạo nên một sức mạnh vững chắc giải quyết tốt vấn đề mà tập thể đang muốn thực hiện. Tại sao chúng ta phải có tinh thần đoàn kết trong mọi việc thì sẽ dễ dẫn đến thành công ? Trước hết, tinh thần đoàn kết thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. Đó chính là yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công trong mọi công việc. Ví như khi ta đang cần giải quyết một bài toán, nhưng ta không thể giải quyết được nó vì nó quá khó cho nên nếu họp nhóm lại thì mỗi người thêm một suy nghĩ thì chắc chắn đáp án sẽ được giải quyết nhanh gọn thôi. Đó là thể hiện của sự đoàn kết trong học tập. Trong lịch sử xa xưa, nếu nhân dân ta không trên dưới một lòng, không đoàn kết, nắm tay lại với nhau thì không thể nào đánh đuổi được giặc ngoại xâm hung tàn, ác bá. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ ông bà ta cũng có những câu thể hiện nội dung của sự đoàn kết như “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, “Chung lưng đấu cật”, “Nhiều tay vỗ nên kêu”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Góp gió thành bão”,…
Thế nhưng trong cuộc sống vẫn còn đâu đó những con người đoàn kết lại để làm việc xấu, gây phương hại đến những người khác. Trong trường học, nhiều học sinh tự chia nhau thành các nhóm riêng rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ trong lớp khiến cho tình cảm bạn bè bị sứt mẻ. Có học sinh chỉ vì lợi ích của cá nhân bàn ra tán vào gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần đoàn kết của cả lớp. Những trường hợp như vậy thật đáng bị phê phán.
Tinh thần đoàn kết là một trong những đức tính tốt và quý báu mà ta cần gìn giữ và phát huy, nhân rộng đến mọi người xung quanh. Bản thân em cũng sẽ luôn gắn kết, hòa hợp với mọi người xung quanh tạo nên tính đoàn kết theo đúng nghĩa vốn có của nó.
Nghị luận về sức mạnh của tinh thần đoàn kết - Mẫu 3
Để nói về tinh thần đoàn kết, cha ông ta đã dạy:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Tinh thần đoàn kết có ý nghĩa vô cùng quan trong đối với mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng.
Tinh thần đoàn kết là sự gắn kết, sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể để trải qua hoặc hoàn thành những giai đoạn khác nhau của cuộc sống. tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc long, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn. Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.Tinh thần đoàn kết không chỉ có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong quá khứ mà còn nguyên những giá trị tới hiện tại và tương lai.
Chắc hẳn chúng ta sẽ không thể quên những năm tháng oanh liệt mà hào hùng của dân tộc. Suốt cả thế kỉ với dặng dài những phong ba bão táp từ 1000 năm Bắc thuộc cho đến thực dân đế quốc bủa vây đô hộ, nếu như nhân dân ta không trên dưới một lòng, kề vai sát cánh thì thử hỏi những gì của hiện tại có còn diễn ra hay không. Một dân tộc nhỏ bé, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu thử hỏi lấy gì để chiến thắng được những đế quốc, thực dân hùng mạnh cả về diện tích lẫn kinh tế. Đó không gì khác chính là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Từ người già đến trẻ nhỏ, cả nam cả nữ đồng lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm. Có gậy dùng gậy, có mác dùng mác, không có gì ta dùng tay không đánh giặc là tinh thần mà những người con đất Việt mang theo. Thực tế lịch sử đã chứng minh trong suốt những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta. Những thanh niên xung phong lên đường ra trận mạc. Người già, phụ nữ ở nhà làm hậu phương tiếp viện. Rồi những phong trào toàn dân trong những thời kì khó khăn như “hũ gạo cứu đói” hay “ngày đồng tâm”…. Miền Bắc là hậu phương lớn còn miền Nam là tiền tuyến lớn, cả nước đứng lên đấu tranh đưa non song về một dải.
Trong thời bình, tinh thần đoàn kết vẫn là điểm tựa vững chắc để đưa đất nước cùng phát triển từ một đống đổ nát sau chiến tranh đến một nước xã hội dân chủ vững mạnh cả về chính trị lẫn kinh tế. Hay các phong trào, các chương trình từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khan vẫn luôn được duy trì và phát triển trong cộng đồng như chương trình “Trái tim cho em” dành cho các bệnh nhi bị tim bẩm sinh, chương trình “Lục lạc vàng” trao tặng bò cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên, chương trình “Cặp lá yêu thương” hay các đợt từ thiện giúp cho đỡ đồng bào miền Trung chống lũ…
Ngay cả các em học sinh nhỏ cũng được giáo dục tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách ngay từ khi còn trên ghế nhà trường qua các bài giảng cũng như những phong trào như “kế hoạch nhỏ ủng hộ các bạn học sinh nghèo vượt khó”,…
Tuy nhiên, ở góc khuất nào đó trong xã hội, ta vẫn bắt gặp những con người sống ích kỉ, thiếu tinh thần đoàn kết, giúp đỡ mọi người. Những người như vậy chính là những “vết rạn” của bức tường thành kiên cố là tinh thần đoàn kết. Mất đi tinh thần đoàn kết, sống ích kỉ, con người sẽ tự gói mình lại trong vỏ bọc của sự cô độc, về lâu dài sẽ tự đẩy mình ra khỏi vòng tay xã hội, tự biến mình trở thành kẻ sống thừa. Một xã hội với toàn những con người như vậy thì thử hỏi có thể phát triển bền vững được hay không?
Bản thân mỗi người phải biết phấn đấu, biết nỗ lực để hoàn thiện bản thân, biến bản thân trở thành mảnh ghép, mắt xích trong hệ thống bền chặt của xã hội. Đoàn kết là của tập thể, nhưng bản thân mỗi người phải ý thức được sự đoàn kết thì tinh thần đoàn kết ấy mới được phát huy tối đa.
Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!