Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về một làng nghề truyền thống - Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 186,4 KB
Lượt tải: 9
Nhà phát hành: Sưu tầm


Bài viết về Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về một làng nghề truyền thống: Mời các bạn cùng tham khảo Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về một làng nghề truyền thống được chúng tôi tổng hợp từ các bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc.

Nội dung chi tiết:

Mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu hay mỗi đặc sản, món ăn... đều mang hơi thở cuộc sống con người, tìm hiểu về nét độc đáo của chúng cũng chính là cơ hội để giúp chúng ta hiểu hơn về con người và mảnh đất nơi đó.

Sau đây mời các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu lớp 9 Thuyết minh về một làng nghề truyền thống mà em biết để thấy truyền thống văn hóa Việt Nam của chúng ta giàu và đẹp như thế nào.

Dàn ý thuyết minh về một làng nghề truyền thống

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về làng nghề truyền thống của quê hương (tên, ở đâu, có thể chọn cách trực tiếp hoặc gián tiếp)

2. Thân bài

- Nêu cụ thể hơn địa chỉ của làng nghề: nằm ở đâu, cách đi đến và nhận dạng như thế nào?

- Nêu nguồn gốc, lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống ấy

+ Làng được hình thành, ra đời từ khi nào?

+ Lịch sử của làng gắn với sự kiện, nhân vật quan trọng nào?

+ Thời gian tồn tại và phát triển dài bao lâu?

- Chi tiết về làng nghề truyền thống ấy

+ Trong làng có bao nhiêu gia đình theo nghề?

+ Khung cảnh làng như thế nào?

+ Sản phẩm truyền thống của làng nghề là gì? Hiện nay, người dân trong làng vẫn duy trì phương pháp thủ công hay hiện đại? Nêu nét thay đổi, tiến bộ trong hoạt động làm nghề của con người nơi đây.

+ Quá trình những người nghệ nhân làm nghề có gì đặc biệt, gây ấn tượng với em?

+ Sản phẩm tạo ra có hình dáng, màu sắc như thế nào? Thể hiện nét đặc trưng chỉ thuộc về làng nghề này...

- Những sự vật, khung cảnh khác xung quanh làng nghề

- Nêu vị trí, giá trị của làng nghề truyền thống ấy trên đất nước, với người dân nơi đây.

3. Kết bài

- Khẳng định lại lịch sử lâu đời của làng nghề

- Tình cảm của bản thân với làng nghề đó.

Thuyết minh về một làng nghề truyền thống - Mẫu 1

"Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu..."
(Thu Bồn)

Ai đã một lần đến Huế, hẳn sẽ không bao giờ quên xứ sở mộng mơ ấy. Trên dòng Hương Giang dùng dằng không chảy, những cánh hoa giấy lặng lẽ trôi theo dòng. Những cánh hoa ấy gợi nhắc cả làng nghề truyền thống của Huế - Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

Hoa giấy là một phần không thể thiếu vào ngày tết, đặc biệt là ở Cố đô Huế - Kinh đô của chế độ phong kiến cuối cùng ở nước ta. Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra đời gần 400 năm trước dưới thời các Chúa Nguyễn. Nhưng mãi cho đến 1802 mới được mọi người biết đến.

Người làng kể lại năm đó, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về Kinh một loài hoa quý để dâng lên vua. Lúc này trong triều đình có một vị quan, người làng Thanh Tiên, làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa độc đáo tượng trưng đầy đủ đạo lý Tam Cương - Ngũ Thường, ông tâu rằng: “Mỗi cành bao giờ cũng có 8 hoa chính. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó luôn luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho Mặt trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”. Nghe xong, nhà vua hiểu được ý nghĩa của loại hoa giấy Thanh Tiên, lấy làm thích thú, và sau đó ban chiếu khuyến khích người dân làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề làm hoa giấy cho mọi người biết. Từ đó, nghề làm hoa giấy của làng nổi tiếng khắp đất nước

Hoa giấy Thanh Tiên tuy đơn giản nhưng làm lại không dễ. Bởi lẽ ngoài sự khéo tay, người thợ còn phải có óc thẩm mỹ cao mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh tế. Đặc biệt, người thợ phải có đức tính kiên trì, cần mẫn. Hoa giấy Tiên đặc biệt và đẹp nổi bật ở sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp. Hoa để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Những bông hoa giấy dưới đôi tay người nghệ nhân làng Thanh Tiên dù bằng giấy nhưng giống y như hoa thật, thậm chí còn sinh động hơn hoa thật.

Hoa giấy đã trở thành một phần của Huế, tạo nên nét đẹp mộng mơ của xứ sở này. Hoa giấy tô điểm thêm cho cảnh sắc thiên nhiên. Hằng năm, đầu tháng Chạp, người dân làng Thanh Tiên đã bận rộn với việc chăm chút từng nhành hoa để kịp đón xuân về, tết đến, tô điểm thêm nét đẹp của tín ngưỡng dân gian Huế, của vùng đất Thần Kinh. Trên bàn thờ của người Huế luôn có một cây hoa giấy với nhiều màu sắc. Người dân xứ Huế đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm Hoa sen giấy của làng Hoa giấy Thanh Tiên. Hoa sen giấy Thanh Tiên còn là món quà mà nhiều du khách quốc tế yêu thích, mang về tận quốc gia của mình như: châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

Hoa sen giấy Thanh Tiên còn được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội – Huế, ở Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang, TT Huế).

Trải qua bao biến động của thời gian, dù nhiều loại hoa nhựa ra đời nhưng làng nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn luôn giữ được vị trí của mình. Không chỉ là một làng nghề truyền thống lâu đời, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên còn là niềm tự hào của người Huế, lưu giữ nét đẹp văn hóa tinh thần mang đậm màu sắc Huế thương.

Thuyết minh về một làng nghề truyền thống - Mẫu 2

“Hỡi cô thắt vải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ.”

Mỗi khi câu thơ ấy vang lên, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về màu tơ vàng óng làng Cổ Chất. Theo dòng chảy vô tình của thời gian, bao năm qua đi, ngôi làng ấy vẫn giữ được truyền thống cổ xưa nhất, tạo nên một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở đất Thành Nam. Người ta gọi là Làng tơ Cổ Chất.

Làng Cổ Chất lặng lẽ đặt mình ở một vùng của xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ trung tâm thành phố Nam Định chạy thẳng theo quốc lộ 21 hoặc xuôi dòng sông Hồng yên ả khoảng 20km về phía Đông Nam, bạn sẽ chợt thấy mình như lạc vào một không gian đậm chất xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Đó là làng tơ Cổ Chất. Làng nghề truyền thống khẽ nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa, thơ mộng.

Từ rất lâu trước kia, ngôi làng này đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Không có ai nhớ rõ nghề này đã theo làng từ lúc nào. Chỉ nghe các vị bô lão kể lại rằng: vào đầu thế kỷ XX, Pháp xây một nhà máy ươm tơ ngay đầu làng Cổ Chất để khai thác sức lao động và lợi thế của vùng dâu tằm sông Ninh. Năm 1942, ông Phạm Ruân làng Cổ Chất đưa tơ lên Hà Nội dự thi và được Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ lúc ấy phong: "Cửu phẩm công nghệ". Tơ làng Cổ Chất nổi danh từ ngày ấy.

Hồi tưởng lại quá khứ, các vị bô lão trong làng vẫn nhớ rõ khung cảnh tấp nập khi xưa của làng. Thương nhân ở khắp mọi nơi tìm về làng thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè - khu cảng sầm uất của Nam Định những năm trước 1945.

Cho tới hôm nay, làng có khoảng 500 hộ theo nghề ươm tơ. Tơ làng Cổ Chất có chất lượng rất tốt, những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng. Người trong làng ươm cả tơ vàng và tơ trắng. Kén tằm được chọn lựa từ các vùng lân cận xa xôi hơn như Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình. Ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân đến ngôi làng cổ này là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những người phụ nữ đang vắt những bó tơ vừa dệt. Tơ vàng, ánh mặt trời vàng hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh sặc sỡ sắc màu. Khoa học công nghệ phát triển, sản phẩm của làng bây giờ được sản xuất bằng cả phương pháp thủ công và máy móc, cho ra nhiều sản phẩm tơ đa dạng, chất lượng hơn.

Đi sâu vào những xưởng kéo tơ, ta lại càng ngỡ ngàng với những làn khói bốc nghi ngút từ nồi luộc kén. Ẩn phía sau những làn khói ấy là bóng dáng các bà, các chị đang miệt mài cho những chiếc kén tằm vào nồi, đôi tay khéo léo khuấy liên tục. Một lúc sau, kén thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi, những sợi tơ chui qua lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng quay đang quay tít. Sau đó, những bó tơ vàng, tơ trắng được ra đời.

Về thăm làng Cổ Chất, bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến các công đoạn ươm tơ dệt lụa mà còn có dịp chiêm ngưỡng một làng quê mang đậm nét truyền thống xứ Bắc. Dạo quanh làng, bạn sẽ nhìn thấy Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang. Đó là quần thể kiến trúc được Bộ văn hóa cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa đền chùa Cổ Chất. Đặc biệt, bạn còn được nghe kể về những câu chuyện xa xưa gắn liền với những công trình này.

Trong làng có Chùa thờ Phật, đền thờ bốn vị Thánh tổ có công khai phá và dựng nên làng Cổ Chất xưa kia. Để nhớ công lao của những vị thành hoàng, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, mồng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm, dân làng lại đón khách thập phương tới dâng hương. Cũng trong dịp đó, người dân nơi đây tổ chức các trò chơi dân gian như khởi đầu cho một mùa tơ vàng, một mùa lúa bội thu và cầu may cho một cuộc sống an khang thịnh vượng.

Làng tơ Cổ Chất từ lâu đã trở thành một làng nghề truyền thống của Nam Định. Nơi đây là quê nhà của những loại tơ tằm đẹp có tiếng đất thành Nam. Những sợi tơ, bó tơ vừa bền vừa đẹp, qua đôi tay những nghệ nhân đi đến mọi miền đất nước, dệt lên những bộ quần áo duyên dánh cho con người. Tơ Cổ Chất là nguồn kinh tế của cả một làng nghề, là lịch sử văn hóa soi chiếu lâu đời. Về làng cổ này, ta được tiếp xúc với những con người chân chất, hiền lành, gắn bó cả đời với nghiệp ươm tơ, dệt lụa và ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt đẹp.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, tới tận hôm nay, Cổ Chất trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Dù cho bao lâu đi nữa, làng nghề truyền thống ấy vẫn sống mãi trong tim những thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Thuyết minh về một làng nghề truyền thống - Mẫu 3

Đến với mỗi vùng miền khác nhau của đất nước, ta lại được thưởng thức những cái riêng mà chỉ có vùng đất ấy mang lại.Ai đã qua miền Tây Nam Bộ, không thể quên những vườn cây trĩu trái, những món cá sông nước đặc sản của vùng miền.Ai đã một lần tới với Hà Nội không thể không thưởng thức món bún chả nổi tiếng nhất nhì cả nước.Còn đến với Thái Bình - một tỉnh đồng bằng nhỏ ở miền nông thôn Bắc Bộ, chúng ta không thể bỏ qua món bánh cáy làng Nguyễn đã sớm vang danh khắp cả nước.

Khi nhắc tới Thái Bình, hẳn ai cũng sẽ nhớ ngay tới chùa Keo, một trong những ngôi chùa với lối kiến trúc đẹp và cổ kính bậc nhất Việt Nam hay vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa rộng bát ngát, thẳng cánh cò bay. Nhưng đến với Thái Bình, người ta không chỉ biết và thương nhớ riêng chùa Keo mà còn thương nhớ cả một món ăn - món đặc sản - nét văn hóa ẩm thực đặc sắc nhất mà người Thái Bình vô cùng tự hào, đó là món bánh cáy làng Nguyễn.

Bánh cáy đã xuất hiện từ lâu đời, khoảng hai trăm tới ba trăm năm trước, từ thời đất nước ta còn trong chế độ phong kiến. Loại bánh này đã trở thành một món ăn truyền thống và trở thành đặc sản vùng miền để dâng lên vua chúa ngày xưa. Chính sự lan tỏa rộng rãi của món bánh này đã giúp hình thành nên một làng nghề làm bánh cáy nổi tiếng ở Thái Bình, đó là làng Nguyễn, Đông Hưng, Thái Bình. Và cũng chỉ ở tại ngôi làng này, người ta mới có thể được thưởng thức hương vị nguyên chất nhất của chiếc bánh cáy từ thời xưa.

Đối với nhiều bạn, có thể món bánh cáy này còn khá lạ lẫm.Món bánh cáy được làm từ những nguyên liệu chính là gạo nếp, nhưng lại tạo nên một nét hương vị riêng không nơi nào có thể làm ra được. Để làm ra một chiếc bánh cáy thơm ngon, người ta cần dùng rất nhiều nguyên liệu, không thể thiếu trong số các nguyên liệu chính là gạo nếp, mỡ lợn, lạc, gấc, vừng, dừa, ... và điều quan trọng không thể thiếu đó là phải chọn lựa nguyên liệu thật cẩn thận. Vậy nên, ngay từ trước khi chuẩn bị làm bánh khoảng nửa tháng, người thợ làm bánh đã phải chọn ra những lạng mỡ lợn tươi ngon nhất để đem muối.Mỡ lợn được cho là ngon phải có độ tươi, dẻo, đàn hồi và có độ trắng nhất định, được lấy từ con lợn ngon nhất.Sau đó, mỡ lợn được đem ướp muối và đường trong vòng nửa tháng để tạo nên thành phần ngon nhất của chiếc bánh cáy.Đến khi mỡ lợn đạt được độ chín nhất định, người ta mới lấy ra mà bắt đầu công đoạn làm một chiếc bánh cáy.Ngoài mỡ lợn, việc chọn các nguyên liệu khác cũng là một công đoạn cực kì quan trọng. Gạo nếp được chọn để làm bánh phải là loại gạo nếp cái hoa vàng - một loại nếp đặc sản của vùng đồng bằng, được xay xát và vo cẩn thận. Người ta sẽ vo gạo nếp từ đêm hôm trước,ngâm trong nước lạnh qua một đêm để gạo có được độ mềm và nở. Sau đó, gạo nếp được vớt lên để ráo nước, một phần được cho lên chảo bung lên thành các hạt bỏng gạo.Trong bước này, người làm bánh sẽ cẩn thận loại bỏ hết các lớp vỏ trấu còn sót lại trên những hạt gạo, để có được những hạt bỏng gạo trắng và sạch sẽ nhất.Phần còn lại của gạo nếp sẽ được nấu thành xôi, gồm xôi gấc và xôi nghệ. Trong lúc nấu xôi, người nghệ nhân làm bánh phải canh giờ để xôi vừa chín tới sẽ được mang ra ngay, sau đó được cho vào cối đá giã đều tay cho thật nhuyễn và mịn. Xôi sau khi được giã sẽ được đem đi cán mỏng thành từng miếng nhỏ rồi đem sấy cho thật khô. Trong thời gian chờ xôi được sấy, người thợ bánh sẽ bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nốt những nguyên liệu còn lại của chiếc bánh cáy. Đó là những thành phần phụ tạo nên mùi thơm cũng như nét đặc trưng của chiếc bánh. Không thể thiếu trong chiếc bánh cáy mà mùi thoang thoảng của vỏ quýt thơm, mùi gừng đậm đà nồng nồng, vị ngọt mát của đường mía, cái giòn giòn của cà rốt. Bởi vì từ gừng, người thợ bánh đã khéo léo giã nát, rồi pha thành một thứ nước gừng, cùng với đó là nước đường pha đặc, được cho lên bếp đảo đều cùng với cà rốt và vỏ quýt. Chắc hẳn ai đã từng được nếm thử bánh cáy sẽ không thể quên được hương vị của những nguyên liệu độc đáo này.

Tiếp theo, khi đã được sấy khô, những lát xôi lại được đem đi nghiền nát thành bột mịn. Còn mỡ lợn được đem ra từ thùng muối, thái thành miếng kiểu hạt lựu rồi cho lên bếp xào cùng đường cho đến khi mỡ chuyển màu và vàng giòn thì người ta sẽ trút hết bột xôi vào đó, khuấy thật đều tay để tạo nên mùi thơm. Tiếp đó, tất cả các nguyên liệu sẽ được trộn đều cùng. Trong bước này, người thợ bánh phải là người có đôi tay thật dẻo, thật khéo léo thì mới có thể tạo nên được một chiếc bánh với màu sắc và độ sánh thật đẹp được.

Cuối cùng trong các công đoạn là rắc vừng và lạc. Lạc và vừng sau khi được người thợ làm bánh khéo léo rang vàng lên, tỏa ra một mùi thơm bùi béo đặc trưng thì được đem rải thật đều vào mặt đáy của khuôn bánh. Người thợ làm bánh cứ vậy mà trút những nguyên liệu đã được làm tỉ mỉ ở trên vào khuôn rồi dùng tay ấn bánh xuống cho thật chặt. Để chờ cho tới khi bánh trong khuôn nguội và kết dính lại với nhau, đem ra ngoài, ta đã có được món bánh cáy truyền thống - đặc sản của người dân Thái Bình.

Ngày xưa, trong lớp nguyên liệu còn có cả trứng của loài cáy biển nữa.Vậy nên, bánh mới có cái tên rất đặc biệt - bánh cáy. Sau này, nguyên liệu này dần không còn phổ biến và không còn được sử dụng nữa, nhưng cái tên bánh cáy đã trở thành một món bánh ngon không thể thiếu của người dân quê hương Năm Tấn.Bánh cáy của Thái Bình chỉ có một loại duy nhất làn nên thương hiệu cho đặc sản của xứ này. Đó là bánh cáy được làm ra từ làng Nguyễn.Loại bánh này đã được phổ biến rộng rãi khắp cả nước, tạo nên một thương hiệu riêng mang tên bánh cáy làng Nguyễn nổi tiếng khắp cả nước ta.

Kì công là vậy để tạo nên một chiếc bánh cáy, nhưng để thưởng thức cho đúng cái vị bánh thì không phải ai cũng rành. Để có thể thưởng thức được trọn vẹn hương vị và độ ngon của bánh, người ta phải cắt thành từng miếng nhỏ, vừa ăn vừa nhâm nhi một chén trà nóng thì quả thực mới nếm hết được cái hồn của bánh cáy Thái Bình. Bánh cáy xưa kia chỉ được làm mỗi dịp tết đến, đón xuân về, người ta mới được dịp ngồi lại cùng nhau thưởng thức nó. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống càng ngày càng đủ đầy, người ta lúc nào cũng có thể thưởng thức được món bánh ngon này.Và không thể thiếu trong túi quà của những ai đã từng tới Thái Bình là món bánh cáy truyền thống này để làm quà cho mọi người. Bánh cáy cũng là món bánh được những người con Thái Bình xa xứ thương nhớ gửi làm quà cho các bạn từ phương xa.

Bánh cáy từ lâu đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người dân Thái Bình. Đi tới đâu, gặp bất cứ ai, khi hỏi về những món ăn ngon của quê hương mình, mỗi người con Thái Bĩnh sẽ tự hào nói tên món bánh cáy. Không chỉ trong đời sống hàng ngày của người dân, bánh cáy đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của những ai đã từng một lần tới thăm mảnh đất này.Bởi vì trong đó chứa đựng tất cả những tinh hoa, những phong tục, và nét văn hóa ẩm thực riêng, không nơi nào có của vùng đất đồng bằng này.

Giờ đây, khi tới với Thái Bình, các bạn sẽ không chỉ thăm quan những cảnh đẹp, những thắng cảnh tuyệt sắc mà chắc chắn sẽ không thể nào quên thưởng thức món bánh cáy truyền thống ở nơi đây. Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố, món bánh này sẽ mãi là một món quà đặc biệt, một nét văn hóa ẩm thực, một đặc sản không thể nào quên của quê hương Thái Bình.

"Gió cầu vương áo nàng thôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ."
(Đông Hồ)

Nghề làm nón ở Huế đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua với nhiều làng nghề thủ công: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây,....Mỗi năm sản xuất hàng triệu chiếc nón đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Những bàn tay nghệ nhân khéo léo đan từng chiếc nón, trải qua nhiều công đoạn khác nhau để hoàn thành sản phâm.

Các công đoạn gồm: chọn khung, uốn vành, lợp lá,cắt hoa văn, chằm và đánh bóng bảo quản, cuối cùng đưa ra thị trường. Vì gồm nhiều công đoạn như thế, nghề làm nón cũng chia ra làm nhiều thợ, mỗi người một việc: Thợ làm khung, thợ chuốt vành, thợ chằm nón,...

Để định hình chiếc nón,người nghệ nhân bắt đầu làm khung. Công đoạn đầu tiên là chuốt vành, công đoạn này yêu cầu người thợ phải khéo léo, chuốt sao cho các vành đều nhau, vừa vặn, không quá to hay quá nhỏ làm mất vẻ đẹp của nón. Vành nón được làm bằng gỗ nhẹ, mảnh, các vành ghép lại tạo cho chiếc nón lá có độ khum, độ tròn và có hình dáng nhất định. Mỗi chiếc nón thường có từ 15-16 vành, đường kính khoảng 50cm, làm từ gỗ cây lồ ô, câu mung có nhiều ở Thừa Thiên - Huế. Vành nón có tuổi thọ khoảng vài chục năm tùy thuộc vào người sử dụng. Có thể xem đây là công đoạn quan trọng nhất, quyết định rõ hình dạng chiếc nón lá, 16 vành nón còn được người dân nơi đây đặt cho cái tên ấn tượng nhưng dễ nhớ: "16 vành trăng".

Tiếp theo là công đoạn lợp lá - một công đoạn quan trọng không kém. Lá dùng để lợp nón là loại lá nón bình thường, nhưng chúng phải trải qua các giai đoạn chọn lọc tỉ mỉ và trải qua nhiều khâu: hấp, sấy, phơi sương, ủi phẳng. Người nghệ nhân phải cân nhắc, cẩn thận sao cho lá nón giữ được màu trắng xanh mới đạt tiêu chuẩn. Những chiếc lá nón được xếp đều lên vành, không bị chồng chéo nhau, tạo nên hình ảnh chiếc nón thanh mảnh, đầy nữ tính. Những người nghệ nhân sẽ đính những chiếc lá này cố định lên vành nón bằng một loại "chỉ" đặc biệt, cốt làm cho chiếc nón đẹp hơn, bền chắc hơn. Bình thường,mỗi vành nón xếp khoảng 24-25 chiếc lá đều nhau. Đến đây, chiếc nón lá đã phần nào được định hình, các bộ phận đều khá đầy đủ.

Sau công đoạn lợp lá là công đoạn đặt hoa văn. Biểu tượng giữ hai lớp nón lá thường là hình ảnh cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, cầu Ngói,.... được đặt hài hòa trong không gian nón, để khi soi dưới ánh nắng mặt trời, ta có thể nhìn thấy những hình ảnh tuyệt đẹp ấy. Chưa hết, những bài thơ nổi tiếng viết về Huế cũng được in cạnh bên, những bài thơ này thường được làm từ giấy bòng bảy màu, in nổi bật trên nền xanh trắng của lá nón. Nón lá với hoa văn đẹp mắt, tinh tế đã cuốn hút không biết bao nhiêu người dân hướng về quê hương Huế mộng mơ đầy yêu thương.

...........

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

 

download.com.vn