Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2016 - 2017 - Đề kiểm tra học kì I môn Ngữ văn lớp 11 có đáp án
Nội dung chi tiết:
Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2016 - 2017 - Đề kiểm tra học kì I môn Ngữ văn lớp 11 có đáp án
Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2016 - 2017 được biên soạn tổng hợp giúp các em học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, đạt kết quả cao trong kỳ thi cuối học kì 1. Sau đây mời các em tham khảo và tải trọn bộ đề kiểm tra, đáp án môn Văn 11 về tham khảo và luyện tập.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 - Đề số 1
SỞ GD & ĐT HÀ NỘI | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I |
TRƯỜNG THPT ĐA PHÚC | Môn: Ngữ văn – Lớp: 11 |
Năm học: 2016 -2017 | Thời gian: 90 phút |
I. Phần Đọc hiểu: (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu dưới:
Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng nó hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm ra bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng Đế trên Thiên Đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất.
(Trích Tiếng chim hót trong bụi mận gai-Collen M. Cullough)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích?
Câu 2: Những hình ảnh "chiếc gai nhọn" và "bài ca duy nhất, có một không hai" trong đoạn trích ẩn dụ cho những điều gì trong cuộc sống của mỗi chúng ta?
Câu 3: Câu chuyện trong đoạn trích gửi đến độc giả thông điệp gì?
Câu 4: Anh/chị hãy rút ra 01 bài học sâu sắc cho bản thân từ đoạn trích trên? (không lặp lại thông điệp đã nêu ở câu 3)
II. Phần Làm Văn: (7,0 điểm)
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy màng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:
- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.
......
Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tây nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh."
(Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, NXB Văn học Hà Nội, 1982)
Có ý kiến cho rằng: Cảnh cho chữ khép lại câu chuyện xảy ra nơi ngục tối, khép lại số phận của người nghệ sĩ tài hoa Huấn Cao nhưng lại mở ra biết bao điều sâu sắc.
Bằng việc cảm nhận đoạn văn trên, hãy phát hiện những "điều sâu sắc" ấy.
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
I. ĐỌC HIỂU (3,0đ)
1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự (0,5)
2. (1,0)
- Chiếc gai nhọn: ẩn dụ cho những khó khăn, thử thách mà mỗi người phải vượt qua trong cuộc sống.
- Bài ca duy nhất, có một không hai: ẩn dụ cho những điều tốt đẹp, có giá trị nhất trong cuộc sống mà con người có được nhờ vượt qua khó khăn, thử thách...
3. HS có thể hiểu những thông điệp khác nhau và trình bày được một trong số các ý nghĩa sau: (0,5)
- Những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống (tri thức, tình bạn, tình yêu, hạnh phúc...) chỉ có thể có được khi ta trải qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí phải trả giá bằng chính nỗi đau khổ "vĩ đại", bằng cả sự sống và sinh mạng của mình)
- Mỗi người hãy biết vượt lên trên những gian khổ, bất hạnh bằng nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt để dâng hiến cho cuộc đời những điều đẹp đẽ, quí giá.
- Ý nghĩa của cuộc đời không phải là ta đã tồn tại bao lâu mà là ta đã sống như thế nào và làm được điều gì trong cuộc đời....
4. HS có thể rút ra 01 bài học theo ý kiến riêng, có thể theo định hướng sau: (1,0)
- Bài học về nghị lực sống, dám vượt khó để giành những điều tốt đẹp nhất.
- Bài học về lí tưởng sống đẹp, sẵn sàng trả giá để sống có ý nghĩa, tránh xa cuộc sống tẻ nhạt, trống rống vô nghĩa.
- Bài học về sự biết ơn, trân trọng thành quả lao động và những điều vô giá khác (độc lâp, tự do...) vì để có được những điều qúi giá đó, loài người phải trả giá bằng công sức, thậm chí cả sinh mệnh của chính mình....
II. LÀM VĂN (7,0đ)
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận, có đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài theo đúng chức năng nhiệm vụ mỗi phần. (0,25)
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đoạn văn cảnh cho chữ và ý nghĩa của Cảnh cho chữ. (0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
MB (0,5)
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí của cảnh cho chữ.
- Nêu ý kiến, khẳng định cảnh cho chữ, với nghệ thuật độc đáo, góp phần bộc lộ chủ đề tác phẩm.
TB
- Khung cảnh: (1,0)
- Thời gian, không gian, sự việc.
- Hình ảnh tiêu biểu.
- Đối lập tương phản giữa cái Đep - Xấu, Ác - Thiện, Bóng tối - Ánh Sáng, Cao cả - Thấp hèn...
- Con người: (2,0)
- Người cho chữ (hành động, tư thế, vị thế...)
- Người xin chữ (hành động, thái độ...)
- Mối quan hệ:
- Vị thế xã hội bị đảo lộn: Người tử tù nắm giữ quyền lực, ban phát lời răn dạy, Viên Quản ngục khúm núm nhận lời giáo dục của tử tù...
- Mối quan hệ của những tâm hồn tri âm tri kỉ, cùng hướng đến nghệ thuật, cái Đẹp, Thiên lương...
- Đặc sắc nghệ thuật và ý nghĩa của cảnh cho chữ: (1,0)
- Nghệ thuật tương phản, đối lập: (Giữa các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng; giữa nhân vật với hoàn cảnh.)
- Ngôn ngữ sống động, giàu chất tạo hình, chất điện ảnh, gợi không khí cổ kính, thiêng liêng.
- Ý nghĩa của cảnh cho chữ: Khẳng định sự chiến thắng tuyệt đối của cái Đẹp, cái Thiện, Thiên lương con người trong hoàn cảnh tăm tối, nghiệt ngã.
- Những điều sâu sắc gợi ra từ cảnh cho chữ: (HS có thể trình bày ý kiến của bản thân, khuyến khích những ý kiến mới mẻ, sâu sắc, kiến giải hợp lí). Có thể theo định hướng sau: (1,0)
- Quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân, bác lại ý kiến cho rằng Nguyễn Tuân là nhà văn duy mĩ: Cái Đẹp có thể sinh ra từ môi trường xấu nhưng nhất định không thể ăn đời ở kiếp với cái Xấu. Người nghệ sĩ sáng tạo cái Đẹp và người say mê cái Đẹp, trước tiên phải giữ cho cái Tâm, Thiên lương trong sáng.
- Sức mạnh, sức cảm hóa vô biên của cái Đẹp (cái Đẹp cứu rỗi con người- Đôttôiepxki.)
- Hoặc những điều sâu sắc khác như: Ánh sáng của cái Đẹp, nghị lực, bản lĩnh, tình yêu nghệ thuật chân chính mãi bất tử...
KB (0,5)
- Khẳng định thành công của Chữ người tử tù chính là đã tạo nên cảnh cho chữ "cảnh tượng xưa nay chưa từng có", thể hiện tài năng, tấm lòng Nguyễn Tuân.
- Suy nghĩ, liên hệ của bản thân về lẽ sống đẹp, ý thức gìn giữ nhân phẩm trong mọi hoàn cảnh...
4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận (0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 - Đề số 2
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
| ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016-2017 MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11 Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề |
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:
Điều gì là quan trọng?
Chuyện xảy ra tại một trường trung học.
Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh:
- Các em có thấy gì không?
Cả phòng học vang lên câu trả lời:
- Đó là một vệt đen.
Thầy giáo nhận xét:
- Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?
Và thầy kết luận:
- Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.
(Trích Quà tặng cuộc sống – Dẫn theo http://gacsach.com)
Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Nội dung chính mà văn bản trên muốn đề cập đến là gì? Dựa vào nội dung đó, hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác.
Câu 3. Trong lời khuyên của thầy giáo, hình ảnh "vết đen" tượng trưng cho điều gì?
Câu 4. Theo anh/chị, việc chỉ "chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ" thể hiện một cách đánh giá con người như thế nào?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của thầy giáo trong văn bản ở phần Đọc hiểu: "Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời".
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ sau:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
(Tự tình II – Hồ Xuân Hương, SGK Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr.19)
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Tự sự, nghị luận, miêu tả. (0,5)
2. - Nội dung chính được đề cập đến trong văn bản: Cách nhìn nhận, đánh giá một sự việc, một con người. (0,5)
- Đặt nhan đề khác cho văn bản: Bài học từ người thầy/ Bài học về cách đánh giá con người/ Những vệt đen trên tờ giấy trắng... (0,5)
Lưu ý: HS có thể có những cách trả lời khác nhưng nếu đúng ý, phù hợp vẫn cho điểm tối đa.
3. Ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh "vết đen": chỉ những sai lầm, thiếu sót, hạn chế... mà mỗi chúng ta đều có thể mắc phải. (0,5)
4. Việc chỉ "chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ" thể hiện một cách đánh giá con người chủ quan, phiến diện, thiếu đi sự độ lượng, bao dung cần thiết để nhìn nhận, đánh giá người khác một cách toàn diện. (1,0)
Lưu ý: HS có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng nếu đúng ý vẫn cho điểm tối đa.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận bàn về lời khuyên của người thầy trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.
a. Yêu cầu về hình thức: Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn và đảm bảo dung lượng khoảng 100 chữ, tránh viết quá ngắn hoặc quá dài so với quy định. (0,5)
b. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần bày tỏ được những suy nghĩ đúng đắn, tích cực trên cơ sở hiểu đúng thông điệp từ lời khuyên của thầy giáo. Dưới đây là những gợi ý cơ bản:
- Giải thích: (0,25)
- Thông điệp từ lời khuyên của thầy giáo: Khi đánh giá một con người không nên quá chú ý vào những sai lầm, thiếu sót mà cần biết trân trọng những điều tốt đẹp, biết nhìn thấy trong tâm hồn mỗi người đều còn những khoảng trống để từ đó có thể tạo dựng, vun đắp, hoàn thiện nhân cách.
- Bình luận: (1,0)
- Lời khuyên của thầy giáo đưa ra một bài học đúng đắn và giàu tính nhân văn, bởi:
- Cách đánh giá chỉ "chú trọng vào những vệt đen" mà không biết trân trọng "nhiều mảng sạch" là cách đánh giá quá khắt khe, không toàn diện, thiếu công bằng, không thể có được cái nhìn đầy đủ, đúng đắn về một con người.
- Con người không ai không có những thiếu sót, sai lầm, bởi vậy biết nhìn ra "tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch" để có thể "viết lên đó những điều có ích cho đời" sẽ tạo cơ hội cho mỗi người sửa chữa sai lầm, có động lực, cơ hội hoàn thiện bản thân đồng thời giúp chúng ta biết sống nhân ái, yêu thương, làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.
- Liên hệ bản thân:... (0,25)
Câu 2 (5,0 điểm) Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương.
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học có bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh cần tập trung phân tích để làm rõ những diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình (cũng chính là tác giả) trong bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là những gợi ý cơ bản:
- Giới thiệu khái quát: (0,5)
- Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ Tự tình II.
- Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ:
- Tâm trạng cô đơn, buồn tủi, xót xa vì cuộc đời bất hạnh, duyên phận hẩm hiu. (Bốn câu đầu) (1,5)
- Khi vạn vật đã chìm vào giấc ngủ, cũng là khi tâm tư sâu lắng nhất, nỗi cô đơn hiển hiện rõ ràng nhất. Âm thanh gấp gáp, dồn dập của tiếng trống canh, trạng thái trơ trọi, nhỏ bé của "cái hồng nhan" giữa "nước non" rộng lớn... đã thể hiện sâu sắc tâm trạng của nhân vật trữ tình với bao nỗi xót xa, tủi hổ, bẽ bàng.
- Nhà thơ muốn mượn rượu giải sầu nhưng càng say lại càng tỉnh, nỗi đau không những không thể quên được mà còn thêm đắng chát. Hình tượng vầng trăng chính là sự tương ứng với cảnh tình éo le của tác giả: Trăng sắp tàn mà vẫn "khuyết chưa tròn" cũng như người phụ nữ tuổi xuân sắp trôi qua mà nhân duyên còn dang dở.
- Tâm trạng phẫn uất và thái độ phản kháng, muốn thách thức, vượt lên trên số phận. (Hai câu luận) (1,0)
- Hình ảnh những sự vật nhỏ bé, vô tri (rêu, đá) kết hợp với vệc sử dụng các động từ mạnh (xiên, đâm) và biện pháp đảo ngữ đã diễn tả được tâm trạng phẫn uất đồng thời gợi lên hình ảnh người phụ nữ trong nỗi đau của thân phận hèn mọn vẫn luôn tiềm ẩn một sức sống, một khao khát vươn lên.
- Tâm trạng ngao ngán, chán chường, đầy bi kịch vì tình duyên không như ý nguyện. (Hai câu kết) (1,0)
- Hai câu kết với cách sử dụng từ ngữ đặc sắc (phân tích ý nghĩa biểu cảm của từ "ngán" và các từ đồng âm khác nghĩa "xuân", "lại") kết hợp với thủ pháp nghệ thuật tăng tiến (Mảnh tình - san sẻ - tí - con con) thể hiện sâu sắc tâm trạng buồn nản chán chường vì nỗi tuổi xuân ngày một phôi pha theo năm tháng mà tình duyên cứ mãi chẳng vẹn tròn, thậm chí còn ngày càng ít ỏi hơn.
- Nghệ thuật thể hiện: (0,5)
- Tâm trạng nhân vật trữ tình được khắc họa thành công qua nghệ thuật sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc; hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm, táo bạo mà tinh tế; vận dụng thành công các hình thức đối, đảo ngữ, thủ pháp tăng tiến...
- Nhận xét, đánh giá. (0,5)
- Bài thơ vừa khắc họa tâm trạng nhân vật trữ tình với những nỗi đau buồn, tủi hổ, xót xa vừa gợi lên hình ảnh người phụ nữ dám thách thức duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Đó là lời "tự tình" của riêng tác giả và cũng là tình cảnh, nỗi lòng chung của biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
- Với những nét đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật, Tự tình II vừa là bài thơ có giá trị nhân văn sâu sắc vừa là bài thơ Nôm có giá trị thẩm mĩ cao.
Mời các bạn tải tài liệu về để xem được bản đầy đủ.