Bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2018 - 2019 - 20 đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ văn (Có đáp án)
Nội dung chi tiết:
Bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2018 - 2019 bao gồm 20 đề thi môn Ngữ văn, có đáp án kèm theo của các trường THPT chuyên, không chuyên, Sở GD&Đt trong cả nước. Giúp các em học sinh lớp 9 nắm vững cách ra đề, cũng như luyện giải đề thi vào lớp 10 hiệu quả.
Thông qua bộ đề thi vào lớp 10 này, cũng giúp các em củng cố lại kiến thức đã học. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Toán, môn Tiếng Anh để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Ninh Bình
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NINH BÌNH | ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 CHO HỌC SINH LỚP 9 TRUNG HỌC CƠ SỞ NĂM HỌC 2017-2018 |
(Đề thi có 01 trang) | Môn: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
Phần I. Đọc - hiểu (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau:
… “Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính? Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.”…
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn năm 2012)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định câu chủ đề của đoạn văn?
Câu 2 (0,5 điểm): Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu: “Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti.” thuộc loại câu nào?
Câu 3 (1,0 điểm): Sử dụng cấu trúc “Nếu …thì” trong những câu văn “Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính?” có tác dụng gì?
Câu 4 (2,0 điểm): Theo em, tại sao“Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày”? Để vươn lên từng ngày em cần làm gì?
Phần II. Tạo lập văn bản (6,0 điểm)
Hãy kể một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời học sinh của em. Từ kỷ niệm này, em rút ra bài học bổ ích gì cho bản thân?
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10
Phần/Câu | Đáp án | Điểm | |
Phần I | Câu 1(0,5 điểm) | Câu chủ đề: “Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận.” | 0,5 |
| Câu 2(0,5 điểm) | - Các câu “Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti.” thuộc loại câu rút gọn. | 0,5 |
| Câu 3(1,0 điểm) | Học sinh có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng phải hợp lý; giám khảo tham khảo những gợi ý sau để đánh giá câu trả lời: |
|
|
| Việc sử dụng cấu trúc nhằm nhấn mạnh các ý sau: |
|
|
| - Xã hội phân công nhiệm vụ rất rõ ràng người lao động trí óc – người lao động chân tay; | 0,25 |
|
| - Bất cứ một công việc nào, con người nào cũng đều có những vai trò nhất định để góp phần giúp ích cho cuộc sống và xây dựng xã hội; | 0,25 |
|
| - Thái độ trân trọng nghề nghiệp, trân trọng con người. | 0,5 |
| Câu 4 (2,0 điểm) | Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng cần hợp lí và có sức thuyết phục. Giám khảo tham khảo những gợi ý sau để đánh giá câu trả lời |
|
|
| - Chúng ta cần vươn lên từng ngày vì: |
|
|
| + Cuộc sống luôn vận động và phát triển đòi hỏi con người phải có ý thức sống tích cực; | 0,5 |
|
| + Vươn lên trong cuộc sống để khẳng định giá trị sống của bản thân, hoàn thành vai trò trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và phát triển đất nước. | 0,5 |
|
| - Để vươn lên từng ngày cần phải: |
|
|
| + Có ý thức sống: Tôn trọng bản thân và xã hội; | 0,25 |
|
| + Tích cực học tập, có tinh thần học hỏi, trau dồi các chuẩn mực đạo đức, kỹ năng sống; | 0,25 |
|
| + Có nghị lực, bản lĩnh vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống; | 0,25 |
|
| + Có ước mơ, mục tiêu sống tốt đẹp. | 0,25 |
| II. Yêu cầu chi tiết |
| |
| 1. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu kỷ niệm. | 0,5 | |
| 2. Thân bài | 5,0 | |
| - Kể kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời học sinh: |
| |
| + Kể hoàn cảnh (tình huống) dẫn đến kỷ niệm. | 0,5 | |
| + Kể diễn biến kỷ niệm sâu sắc (kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm để câu chuyện kể sinh động, giàu cảm xúc). | 1,5 | |
| + Kết thúc sự việc (kỷ niệm) | 0,5 | |
| - Rút ra bài học bổ ích: |
| |
| + Bài học nhận thức. | 1,0 | |
| + Bài học hành động. | 1,0 | |
| + Lời nhắn nhủ đến các bạn. | 0,5 | |
| 3. Kết bài: Kết thúc câu chuyện, bộc lộ ấn tượng sâu đậm. | 0,5 |
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Xuân Thọ, Thanh Hóa
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (2 điểm). Cho đoạn văn:
“… Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người càng nổi trội.”
(Ngữ văn 9 – tập 2 NXB Giáo dục – 2006)
a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Của ai?
b. Câu chủ đề của đoạn văn trên nằm ở vị trí nào?
c. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào là chủ yếu?
d. Từ được in đậm trong câu “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.” là thành phần biệt lập gì?
Câu 2 (3,0 điểm).
Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
a. Chép chính xác 6 câu thơ tiếp theo hai câu thơ trên.
b. Những câu thơ vừa chép nằm trong đoạn trích nào của Truyện Kiều? Nêu ngắn gọn giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích đó.
c. Em hiểu từ “chén đồng” trong đoạn thơ trên như thế nào?
Câu 3 (5,0 điểm).
Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật ông Sáu dành cho con trong trích đoạn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI THI
Câu 1 (2,0 điểm).
a. Đoạn văn được trích từ văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của tác giả Vũ Khoan. 0,5 đ
b. Câu chủ đề nằm ở đầu đoạn. 0,5 đ
c. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết chủ yếu là: phép lặp. 0,5 đ
d. Có lẽ là thành phần biệt lập tình thái trong câu.
Câu 2 (3,0 điểm). a. Chép tiếp 6 câu thơ (1,0 điểm):
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
* Cho điểm:
- Chép đúng (không kể dấu câu):
+ Đúng cả 6 câu: 0,75 điểm.
+ Đúng 4 – 5 câu: 0,5 điểm.
+ Đúng 2 – 3 câu: 0,25 điểm.
- Dấu câu:
+ Đúng 4 dấu câu trở lên: 0,25 điểm.
+ Sai hoặc thiếu từ 3 dấu câu trở lên: không cho điểm.
b. (1,5 điểm).
- Những câu thơ trên nằm trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. (0,5 điểm).
- Giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích:
+ Về nội dung (0,5 điểm):
Đoạn trích thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều.
+ Về nghệ thuật (0,5 điểm):
Nghệ thuật khắc hoạ nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.
c. (0,5 điểm).
Chén đồng: Chén rượu thề nguyền cùng lòng cùng dạ (đồng tâm) với nhau.
Lưu ý: Thí sinh có thể diễn đạt theo cách khác nhưng đúng tinh thần thì vẫn cho điểm tối đa.
Câu 3 (5,0 điểm).
* Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tuỳ tiện. Bài viết phải làm nổi bật được tình yêu con sâu nặng của nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Tình cảm của ông Sáu dành cho con trong 3 ngày phép:
+ Tình huống: Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng thật trớ trêu là bé Thu lại không chịu nhận ông là cha. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.
+ Nỗi nhớ cồn cào mãnh liệt thôi thúc ông Sáu về thăm con. Gặp con, cảm xúc hồi hộp, vui sướng trào dâng trong lòng ông. Nhưng vừa gặp, bé Thu đã hoảng sợ bỏ chạy khiến ông hụt hẫng “… mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.
+ Trong 3 ngày ở nhà, ông Sáu dành cho con tình cảm sâu sắc và mong chờ tiếng gọi “ba” của con bé. Nhưng bé Thu bướng bỉnh không chịu nhận ba khiến ông rất đau khổ. “Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.”
+ Trong bữa ăn, ông gắp thức ăn cho Thu “miếng trứng cá to vàng để vào chén nó” thể hiện tình yêu thương, chăm chút, muốn bù đắp cho con. Khi con bé hất bỏ miếng trứng cá, ông Sáu rất tức giận đánh vào mông nó một cái và hét lên: “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”
+ Khi bé Thu nhận ông là ba, ông sung sướng, nghẹn ngào đến trào nước mắt.
- Trong những ngày ở khu căn cứ:
+ Sau buổi chia tay con, ông Sáu luôn nhớ con da diết xen lẫn với sự ân hận vì đã đánh mắng con.
+ Thái độ vui mừng, sung sướng “Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà” khi nhặt được khúc ngà voi, vì ông sẽ thực hiện được tâm nguyện làm cây lược cho con như đã hứa.
+ Ông Sáu làm cây lược với tất cả sự công phu, kĩ lưỡng, khéo léo. Việc làm đó vừa làm dịu đi nỗi nhớ thương, ân hận vì đã đánh con vừa đốt cháy thêm khao khát được gặp con. “Có cây lược, anh càng mong gặp lại con”.
+ Ông Sáu hi sinh khi chưa kịp trao tận tay món quà cho con gái, nhưng ánh mắt ông, cái nhìn “không đủ lời lẽ để tả lại” của ông đã nói lên tất cả tình yêu ông dành cho con.
- Đánh giá:
+ Đó là tình cảm cao đẹp, sâu nặng, cảm động trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Qua đó người đọc thấm thía những mất mát không gì bù đắp được của con người Việt Nam trong chiến tranh vừa trân trọng tình cảm cao đẹp trong tâm hồn họ.
+ Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất, tạo tình huống độc đáo, đặc biệt thành công trong việc miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật góp phần thể hiện chân thực, cảm động tình cảm cao đẹp đó.
* Thang điểm:
Điểm 5: Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt tốt, dẫn chứng chọn lọc, phong phú. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 4: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, diễn đạt lưu loát, bố cục rõ ràng, dẫn chứng hợp lí. Có thể mắc một số lỗi chính tả, dùng từ.
Điểm 3: Đáp ứng được khoảng nửa số ý, diễn đạt được, làm rõ trọng tâm. Có thể mắc một số lỗi.
Điểm 1,2: Nắm chưa chắc tác phẩm, dẫn chứng nghèo nàn. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc cả nội dung và phương pháp.
Các điểm còn lại giám khảo tự cân nhắc.
Lưu ý:
- Phần mở bài và phần kết bài cho điểm tối đa là 1,0 điểm.
- Tổng điểm phần thân bài là 4,0 điểm.
- Việc chi tiết hoá điểm số trong phần thân bài được thống nhất trong hội đồng chấm.
- Điểm của bài thi là tổng điểm các câu cộng lại; cho điểm từ 0 đến 10.
- Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,25 điểm.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.