Cách làm bài Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống - Kĩ năng làm bài nghị luận về hiện tượng đời sống
Nội dung chi tiết:
Nhằm đem đến cho các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập môn Ngữ văn, Download.com.vn xin giới thiệu tài liệu Cách làm bài Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống.
Dạng đề nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống có lẽ là dạng đề dễ và rất gần gũi đối với các bạn. Tuy nhiên, vì quá gần gũi mà các bạn thường viết lan man, viết theo cảm tính của mình, không chân chia luận điểm rõ ràng, không viết đầy đủ các bước nên không bao giờ có thể đạt được điểm cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn làm tốt hơn dạng đề này.
Cách làm bài Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống
1. Kĩ năng làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
Bước 1: Tìm hiểu đề
Xác định ba yêu cầu:
+ Yêu cầu về nội dung: Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào (hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống hay hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán.)? Có bao nhiêu ý cần triển khai trong bài viết? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
+ Yêu cầu về phương pháp: Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng ? (giải thích, chứng minh, bình luận,…)
+ Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).
Bước 2: Lập dàn ý
a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận
b. Thân bài:
- Khái niệm và bản chất của hiện tượng (giải thích); mô tả được hiện tượng
- Nêu thực trạng và nguyên nhân (khách quan – chủ quan ) của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
- Nêu tác dụng – ý nghĩa (nếu là hiện tượng tích cực; tác hại- hậu quả (nếu là hiện tượng tiêu cực)
- Giải pháp phát huy (nếu là hiện tượng tích cực); biện pháp khắc phục (nếu hiện tượng tiêu cực)
c. Kết bài
- Bày tỏ ý kiến của bản thân về hiện tượng xã hội vừa nghị luận
- Rút ra bài học về nhận thức, hành động cho bản thân
Bước 3: Tiến hành viết bài văn
- Triển khai bài viết theo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng đã xây dựng (theo dàn ý)
- Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.
Bước 4: Đọc lại và sửa chữa để hoàn chỉnh bài viết
Gợi ý một số mở bài:
HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG CÓ TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN CON NGƯỜI
- Nếu vấn đề thuộc mảng trường học thì mở bài như sau:
Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, nói tục chửi thề, bệnh thành tích trong giáo dục… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là (…). Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.
- Nếu vấn đề thuộc mảng ngoài trường học thì mở bài như sau:
Xã hội của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức như: tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng, bệnh vô cảm… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là (…). Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.
HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG CÓ TÁC ĐỘNG TỐT ĐẾN CON NGƯỜI
Việt Nam vốn là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và có nhiều truyền thống nhân văn cao đẹp về lòng yêu thương con người, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng cảm sẻ chia… Một trong những biểu hiện cao đẹp của truyền thống ấy đang được tuổi trẻ ngày nay phát huy. Đó chính là (…). Đây là một hiện tượng tốt có nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
2. Hướng dẫn luyện tập làm bài nghị luận về hiện tượng đời sống
Đề số 1:
Viết bài văn ngắn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng sau:
"Mới đây, dư luận lại xôn xao về một cô thiếu nữ có "khuôn mặt ưa nhìn" đã phô ra trên Facebook cả một loạt ảnh ngồi ghếch chân trên bia mộ liệt sĩ..." (Theo Nỗi sợ hãi không muốn "học làm người" - Mục Góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa-Tuổi trẻ và đời sống, số 152 ngày 14/1/2013)
Phân tích đề
- Yêu cầu về nội dung: Bàn về hiện tượng một thiếu nữ...cho cả thế giới "chiêm ngưỡng" -> Hiện tượng thể hiện hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống đạo lí "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc,...
- Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
- Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng cần bàn.
b. Thân bài:
* Nêu bản chất của hiện tượng - giải thích hiện tượng
Hiện tượng thể hiện hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống đạo lí "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc,...
* Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
- Thực trạng: Hiện nay tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên có suy nghĩ và hành động lệch lạc, có hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống đạo lí… không ít (dẫn chứng cụ thể từ đời sống, lấy thông tin trên các phương tiện truyền thông).
- Nguyên nhân:
+ Khách quan: thiếu vắng mối quan tâm, sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Những ảnh hưởng của phim ảnh, internet, sự tràn lan của lối sống cá nhân thích làm nổi, thích gây sốc để nhiều người biết đến,...
+ Chủ quan: Nhiều thanh thiếu niên tuy được sinh ra và lớn lên ở môi trường giáo dục tốt nhưng lại có suy nghĩ và hành động lệch lạc, bởi họ không có ý thức hoàn thiện mình cũng như tự bồi đắp tâm hồn mình bằng những cách cư xử có văn hóa.
* Hậu quả của hiện tượng:
+ Gây xôn xao, bất bình trong dư luận, làm tổn thương, xúc phạm đến những giá trị đạo đức, đi ngược lại truyền thống đạo lí tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"..., tác động không tốt đến giới trẻ
+ Bản thân người trong cuộc phải gánh chịu những lên án, bất bình của dư luận xã hội...
* Giải pháp khắc phục:
+ Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp và giữ gìn truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
+ Những hình ảnh phản cảm trên cần được dư luận phê phán quyết liệt, gia đình và nhà trường phải nghiêm khác, nhắc nhở,...
(Lưu ý cần đưa dẫn chứng thực tế để chứng minh)
c. Kết bài: Bày tỏ ý kiến riêng về hiện tượng xã hội vừa nghị luận.
- Thấy rõ sự cần thiết phải tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp nững giá trị đạo đức, văn hóa, đặc biệt là đạo lí "Uống nước nhớ nguồn".
- Kiên quyết lên án và ngăn chặn những biểu hiện của lối sống vô cảm, thiếu văn hóa để xã hội lành mạnh, tiến bộ hơn.
Đề số 2:
"Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt" (M.L.King)
Anh/ chị hãy viết bài văn ngắn khoảng 600 từ bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Phân tích đề
- Yêu cầu về nội dung: Bàn về sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu-bệnh cô cảm.
- Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
- Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng cần bàn:
Sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu và căn bệnh cô cảm.
b. Thân bài:
* Nêu bản chất của hiện tượng - giải thích hiện tượng
- Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên luôn luôn tồn tại hai loại người: xấu và tốt. Vì thế, ta thấy đau lòng vì hàng ngày, hàng giờ vẫn có những nhiều đáng tiếc xảy ra, chà đạp lên các giá trị
- Sự im lặng của người tốt là sự im lặng đáng sợ vì đó là phản ứng bất bình thường của người người mà từ trước đến nay ta trân trọng -> bệnh vô cảm
-> Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Ý kiến này khẳng định: sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.
* Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
- Thực trạng: hiện tượng khá phổ biến trong xã hội + lời nói, hành động của những kẻ xấu (d/c)
+ Sự im lặng đáng sợ của những người tốt - bệnh thờ ơ, vô cảm
- Nguyên nhân của hiện tượng:
+ Những kẻ xấu, những kẻ kém đạo đức. Chúng làm nhiều việc trái với chuẩn mực đạo đức xã hội chỉ mong vụ lợi cho bản thân, không nghĩ đến người khác, không quan tâm tới tập thể (d/c)
+ Trước những bất công, vô lí, điều xấu xa đang xảy ra, trước nỗi đau của người khác… người vô cảm không có phản ứng gì bởi vì họ đã không dám lên tiếng, không dám đấu tranh để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Tại sao họ im lặng? Vì họ thấy bất lực. Họ thấy cô độc. Họ mất niềm tin...
* Hậu quả của hiện tượng:
Lời nói, hành dộng của kẻ xấu, sự thờ ơ vô cảm làm cho xã hội trở nên bất ổn, con người mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp (d/c)
* Giải pháp khắc phục:
+ Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên …cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp
+ Cần phê phán quyết liệt và nghiêm khắc nhắc nhở những cá nhân có hành vi xấu, vô cảm
c. Kết bài:
- Phải nhận thức rõ nhưng việc làm tốt – xấu xunh quanh cuộc sống của mình. Không làm ngơ trước cái xấu, cái ác, không có thái độ sống thờ ơ, vô cảm
- Ủng hộ việc làm của những người tốt, có ý thức bảo vệ người khác để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
...........
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết