Chỉ thị 05/2017/CT-CA - Xem xét trách nhiệm của Thẩm phán ra bản án khó thi hành
Nội dung chi tiết:
Ngày 16/10/2017, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị 05/2017/CT-CA về giải quyết bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. Chỉ thị bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 16/10/2017. Theo đó, để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc đảm bảo chất lượng của bản án, quyết định (BA, QĐ) được ban hành, tránh tình trạng tuyên không rõ, khó thi hành, Chánh án TAND phải tuân thủ các quy định sau. Mời các bạn cùng tham khảo.
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2017/CT-CA | Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH TUYÊN KHÔNG RÕ, KHÓ THI HÀNH
Thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc “Phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự” (gọi tắt là Quy chế số 14/2013), Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về “Hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự” (Thông tư liên tịch số 06/2016), Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp xem xét, xác định, xử lý và khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. Các Tòa án nhân dân đã tích cực phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp rà soát và giải quyết kiến nghị của cơ quan thi hành án đối với các bản án, quyết định nêu trên. Số lượng các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian gần đây đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Đặc biệt, đã có nhiều Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố không còn bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xem xét, xác định và xử lý, khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành của các Tòa án vẫn còn nhiều hạn chế; như: số lượng các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành vẫn còn nhiều; trong đó còn nhiều trường hợp cơ quan thi hành án có công văn kiến nghị đã lâu nhưng chưa được giải quyết; việc giải thích, đính chính bản án của Tòa án trong một số vụ án còn chưa phù hợp với nội dung vụ việc; nhiều đơn vị chưa coi việc rà soát kiến nghị của cơ quan thi hành án để xử lý, khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành là nhiệm vụ thường xuyên mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao; chế độ báo cáo thống kê về các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2016; việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân với cơ quan thi hành án tại một số địa phương còn chưa tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao...
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện có hiệu quả Quy chế số 14/2013 và Thông tư liên tịch số 06/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ thị:
1. Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1.1. Mở đợt cao điểm rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cơ quan thi hành án cho rằng bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành đến nay chưa được giải quyết; báo cáo kết quả thực hiện về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổng hợp) trước ngày 15/01/2018.
1.2. Thường xuyên chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc rà soát, xem xét và xử lý, khắc phục đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; đặc biệt là các trường hợp đã hết hoặc sắp hết thời hạn để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm; trong đó:
a) Các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện
- Thực hiện nghiêm túc việc lập báo cáo thống kê theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự.
- Cập nhật trên hệ thống phần mềm của Tòa án nhân dân tối cao Biểu mẫu thống kê thụ lý, giải quyết các vụ việc cơ quan thi hành án yêu cầu sửa chữa, giải thích, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (mẫu 8c) trước ngày 05 hàng tháng (riêng đối với các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện cập nhật hàng tháng trên cơ sở số liệu đã tiếp ký với cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát cùng cấp).
- Đối với các yêu cầu giải thích, sửa chữa về số liệu, lỗi chính tả, các đơn vị cần khẩn trương giải quyết, khắc phục ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án.
b) Các Vụ Giám đốc kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao
- Rà soát, trình lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giải quyết các trường hợp có công văn của cơ quan thi hành án dân sự, của các Tòa án nhân dân cấp cao và các Tòa án nhân dân địa phương đề nghị xem xét, giải quyết đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
- Trên cơ sở danh sách các bản án, quyết định tuyên không rõ do Bộ Tư pháp lập, chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an đánh giá, xem xét đối với các trường hợp chưa giải quyết, báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
c) Các Tòa án nhân dân cấp cao
- Rà soát, giải quyết các trường hợp: có công văn của cơ quan thi hành án dân sự, của các Tòa án nhân dân địa phương đề nghị giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
- Đối với các trường hợp đã có văn bản giải thích, đính chính nhưng cơ quan thi hành án dân sự cho rằng việc giải thích, đính chính bản án là chưa phù hợp với nội dung vụ việc, chưa đúng với bản án; hoặc các trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì phải có văn bản đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (khu vực địa hạt xét xử phúc thẩm theo thẩm quyền) báo cáo Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét, thống nhất hướng giải quyết (những trường hợp này cần lập danh sách riêng để theo dõi và thường xuyên báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua các Vụ Giám đốc kiểm tra) về tiến độ giải quyết).
d) Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm của đơn vị mình và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý chủ động phối hợp thường xuyên với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, đối chiếu các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để sớm xử lý, khắc phục.
- Đối với các trường hợp đã có văn bản giải thích, đính chính nhưng cơ quan thi hành án dân sự cho rằng việc giải thích, đính chính bản án là chưa phù hợp với nội dung vụ việc, chưa đúng với bản án; hoặc các trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì phải có văn bản đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp báo cáo Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét, thống nhất hướng giải quyết (những trường hợp này cần lập danh sách riêng để theo dõi và thường xuyên báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua các Vụ Giám đốc kiểm tra) về tiến độ giải quyết).
1.3. Các Tòa án nhân dân cấp cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các Tòa án nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng xét xử theo Kết luận số 92/KL/TW của Bộ Chính trị để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc bảo đảm chất lượng của bản án, quyết định được ban hành; quy định cụ thể việc xem xét trách nhiệm của Thẩm phán trong việc để xảy ra tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ dẫn đến việc khó thi hành; như: trong việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm...
2. Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm:
2.1. Là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác rà soát các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành của các Tòa án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự.
2.2. Tham mưu giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc chỉ đạo, đôn đốc Tòa án nhân dân các cấp giải quyết dứt điểm đối với những bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
3. Vụ Tổ chức - Cán bộ và Học viện Tòa án chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân về kỹ năng viết bản án, quyết định giám đốc thẩm nhằm khắc phục tình trạng tồn tại các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tuyên không rõ, khó thi hành.
4. Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc quy định cụ thể trách nhiệm của Thẩm phán trong việc để xảy ra tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; chậm trễ trong việc khắc phục, xử lý đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án đối với các trường hợp nêu trên.
5. Vụ Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao theo dõi các đơn vị có bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; chậm trễ trong việc khắc phục, xử lý đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án để tham mưu cho Hội đồng Thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân trong việc xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các đơn vị này.
Chánh án Tòa án nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nội dung Chỉ thị; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao./.
| CHÁNH ÁN |