Chỉ thị 1948/CT-BNN-TCTL - Tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2019
Nội dung chi tiết:
Vào ngày 20/03/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị 1948/CT-BNN-TCTL 2019 về việc tăng cường tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2019. Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày 20/03/2019. Sau đây là nội dung của chỉ thị mời các bạn cùng tham khảo và tải tại đây.
Nội dung Chỉ thị 1948/CT-BNN-TCTL
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1948/CT-BNN-TCTL | Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRONG MÙA MƯA, LŨ NĂM 2019
Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ với cường độ lớn, không theo quy luật thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và đời sống của nhân dân. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ xảy ra trong mùa mưa bão năm 2019 trên phạm vi toàn quốc. Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước;
b) Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn. Phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý an toàn công trình thủy lợi;
c) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, xử lý kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt đối với đập, hồ chứa thủy lợi; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn;
d) Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu và các hồ chứa có vùng hạ du là thành phố, thị xã, khu công nghiệp, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;
đ) Chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi:
- Củng cố lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn về quản lý, vận hành; thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình;
- Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn chuyên dùng và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hồ chứa thủy lợi phục vụ chỉ đạo, vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du;
- Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ: Phải quan trắc 4 lần một ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn)
- Vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ thiết bị dự phòng bảo đảm vận hành công trình trong mọi tình huống; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa. Khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ.
e) Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và đề xuất kinh phí sửa chữa, khắc phục; sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương;
g) Đôn đốc, kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng, đảm bảo hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn; đặc biệt đối với các hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ xử lý cấp bách do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 và các hồ có nguy cơ mất an toàn tại Quyết định số 1207/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 và các hồ chứa thuộc dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8);
h) Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi;
i) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn trước ngày 15/4/2019 đối với các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và trước ngày 15/8/2019 đối với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tổng cục Thủy lợi:
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về thủy lợi, tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Đối với các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của Bộ: Phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác, các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các đập, hồ chứa nước, tham mưu cho Bộ quyết định việc tích nước các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đề xuất các công trình, hạng mục công trình cần sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn vào kế hoạch trung hạn 2021 -2025;
- Tổng hợp kinh phí các công trình đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn của các địa phương; đề xuất, trình Bộ để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương;
b) Cục Quản lý xây dựng công trình: Chỉ đạo các Chủ đầu tư xây dựng phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trong phạm vi quản lý, tổng hợp, báo cáo Bộ theo quy định;
c) Các Tổng cục, Cục, Vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Cục Quản lý xây dựng công trình giúp Bộ chỉ đạo và giải quyết các khó khăn để các địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ./.
| BỘ TRƯỞNG |