Công văn 1745/KCB-ĐD - Tăng cường thực hiện kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện
Nội dung chi tiết:
Công văn 1745/KCB-ĐD - Tăng cường thực hiện kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ban hành Công văn 1745/KCB-ĐD ngày 29/11/2017 về việc tăng cường thực hiện kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Theo đó, Cục yêu cầu Giám đốc Sở Y tế cấp tỉnh, Thủ trưởng y tế các ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tiến hành sàng lọc, giám sát phát hiện sớm, cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm, nhiễm vi sinh vật đa kháng kháng sinh kịp thời. Đồng thời, tổ chức đào tạo lại cho nhân viên y tế các nội dung phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm và vi khuẩn đa kháng thuốc có nguy cơ lây dịch....Mời các bạn cùng tham khảo.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1745/KCB-ĐD | Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2017 |
Kính gửi: - Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thủ trưởng Y tế các ngành;
- Giám đốc các bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế.
Nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt là nhiễm vi sinh vật đa kháng kháng sinh đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ trung ương đến các địa phương do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh và tăng chi phí điều trị.
Để ngăn ngừa và kiểm soát việc lây nhiễm cũng như tác động của vi khuẩn đa kháng thuốc trên người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt những nội dung sau đây:
1. Tổ chức rà soát và triển khai thực hiện nghiêm ngặt các hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành.
2. Cung cấp đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.
3. Tiến hành sàng lọc, giám sát, phát hiện sớm, cách ly người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng kháng sinh kịp thời. Đặc biệt lưu ý đến nhóm người bệnh có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao: Người bệnh có can thiệp xâm lấn (thở máy, đặt các dụng cụ vào trong lòng mạch, phẫu thuật...), người bệnh suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh non yếu...
4. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho nhân viên y tế về các nội dung phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm và vi khuẩn đa kháng thuốc có nguy cơ gây dịch.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung cấp nguồn lực, việc tuân thủ thực hiện các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị.
6. Tổ chức đánh giá đúng, thực chất chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị. Tổng hợp, phân tích kết quả đánh giá để có biện pháp cải tiến hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |