Công văn 1820/LĐTBXH-TTr - Chấn chỉnh công tác an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Nội dung chi tiết:
Công văn 1820/LĐTBXH-TTr - Chấn chỉnh công tác an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Công văn 1820/LĐTBXH-TTr chấn chỉnh công tác an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
BỘ LAO ĐỘNG -------------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2012 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; |
Trong 05 tháng đầu năm 2012, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm chỉ đạo và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người lao động triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp vẫn còn để xảy ra tình trạng mất an toàn, gây tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người và thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như các vụ tai nạn nổ nồi nấu thép làm chết 02 người và 05 người bị thương tại Công ty cổ phần Tập đoàn Gang thép Hàn Việt, Hà Nội ngày 09 tháng 3 năm 2012; vụ ngạt khí độc dưới hầm lò số 2 làm chết 04 người tại mỏ than thôn Bãi Lóng, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình do Công ty cổ phần Sinh Phát Lộc khai thác ngày 29 tháng 04 năm 2012; vụ tai nạn do sét đánh gây nổ mìn làm 06 người chết và 04 người bị thương và vụ sạt lở đá làm chết 03 người tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trong cùng ngày 21 tháng 5 năm 2012 và nhiều vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng có tính chất lặp lại trên địa bàn, doanh nghiệp khác gần đây.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế các tai nạn, sự cố trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, Ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Các Bộ, Ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như khai thác mỏ, xây dựng, hóa chất và sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn như sau:
2.1. Tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để phân tích các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đề ra các giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu tai nạn lao động.
2.2. Chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp khai thác mỏ, xây dựng, hóa chất... về các quy định của pháp luật lao động, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình và biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2.3. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công an và các ngành liên quan phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo lĩnh vực của ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo nội dung Chỉ thị số 18/2008/CT-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác.
2.4. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương quy hoạch lại các kho vật liệu nổ công nghệp (VLNCN) thành các cụm kho, giảm các kho nhỏ lẻ dưới 5 tấn; dừng cấp mới, cấp tiếp hoặc thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN đối với các đơn vị không thực hiện đúng quy định về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN; khuyến khích các đơn vị thuê dịch vụ nổ mìn với đơn vị có chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.
2.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khai thác khoáng sản, trong xây dựng công trình, sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các chế độ đối với người lao động. Tổ chức thanh tra liên ngành do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các ngành liên quan tiến hành thanh tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, trong đó cần trú trọng tới các ngành, nghề có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao.
2.6. Xem xét xử lý các đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động.
3. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động của các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
4. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức đào tạo, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện các quy định của pháp luật lao động, quy trình và biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động trong doanh nghiệp.
Đề nghị các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện để phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người lao động trong sản xuất.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG (đã ký) Bùi Hồng Lĩnh |