Công văn 1972/BHXH-KT - Tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 40 KB
Lượt tải: 33


Thông tin về Công văn 1972/BHXH-KT: Công văn 1972/BHXH-KT năm 2013 tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

Nội dung chi tiết:

Công văn 1972/BHXH-KT - Tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công văn 1972/BHXH-KT năm 2013 tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------

Số: 1972/BHXH-KT
V/v tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2013

Kính gửi: Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2012, công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn Ngành đã có chuyển biến tích cực. BHXH một số tỉnh, thành phố đã quan tâm kiểm tra toàn diện các mặt công tác, kiểm tra chuyên sâu về những lĩnh vực công tác trọng yếu; tăng cường bố trí cán bộ có năng lực làm công tác kiểm tra. Vì vậy, chất lượng hoạt động kiểm tra đã được nâng lên, góp phần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của toàn Ngành. Tuy nhiên, công tác kiểm tra của BHXH một số tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Chưa quan tâm kiểm tra nội bộ, đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, viên chức; kiểm tra các đại lý thu, đại diện chi trả; thiếu kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kết luận sau kiểm tra; việc phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành chưa thành nề nếp thường xuyên và số lượng các đơn vị được thanh tra, kiểm tra phối hợp còn ít. Vì vậy, khuyết điểm, yếu kém của một số cán bộ và hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh chưa được xem xét, xử lý kịp thời; đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, còn để tồn đọng, kéo dài.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, đặc biệt là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Về công tác kiểm tra

- Trong chỉ đạo phải chú ý định kỳ chủ trì đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động kiểm tra của đơn vị, thông qua đó kịp thời khắc phục tồn tại, thiếu sót và có giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra. Hoạt động kiểm tra cần chú ý toàn diện các mặt công tác, trong đó tăng cường hơn nữa kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, viên chức và kiểm tra nội bộ, tránh tình trạng để đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm pháp luật hoặc cán bộ có sai sót, khuyết điểm kéo dài nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời làm ảnh hưởng kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín của đơn vị;

- Hàng năm cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành liên quan, đặc biệt là Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Sở Y tế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra về BHXH, BHYT nhằm tăng cường chức năng quản lý nhà nước và hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý;

- Đồng thời với việc tăng số lượng đơn vị được kiểm tra, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, phải có biện pháp theo dõi chặt chẽ việc thực hiện kết luận sau kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác kiểm tra. Tránh tình trạng kiểm tra, phát hiện sai sót nhưng không có kết luận hoặc có kết luận sai phạm sau kiểm tra nhưng đơn vị có sai phạm không thực hiện cũng không có biện pháp xử lý.

2. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Giám đốc BHXH tỉnh, BHXH huyện phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định. Đồng thời thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Khi giải quyết khiếu nại không dùng công văn thay thế quyết định hoặc để tồn đọng kéo dài làm người dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Đối với một số đơn, thư khiếu nại, tố cáo phức tạp gặp khó khăn trong quá trình giải quyết thì thực hiện như sau:

- Đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo phức tạp, có liên quan đến chế độ, chính sách của nhiều thời kỳ hoặc có liên quan đến nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân thì tùy theo từng trường hợp cụ thể BHXH tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về Lao động hoặc Y tế hoặc Công an của địa phương để thanh tra, điều tra xác minh làm căn cứ giải quyết;

- Đơn thư khiếu nại, tố cáo đã giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều Ban, Ngành, nhiều nơi của địa phương và gửi vượt cấp lên các cơ quan Trung ương hoặc các cơ quan của địa phương có ý kiến không thống nhất, Giám đốc BHXH tỉnh phải kịp thời chủ trì hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì họp với các Sở, Ban, Ngành và các tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của địa phương để thống nhất phương án giải quyết. Sau đó căn cứ Biên bản cuộc họp có ý kiến thống nhất của các Ban, Ngành, BHXH tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, công khai, dân chủ với người khiếu nại, tố cáo (nếu người tố cáo đề nghị đối thoại) để trao đổi, kể cả vận động, thuyết phục (nếu cần) người khiếu nại, tố cáo thực hiện phương án giải quyết đã thống nhất.

Thông qua đối thoại mà phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ việc thì phải xem xét giải quyết lại để đảm bảo vụ việc được giải quyết đúng pháp luật, có tình có lý. Nếu không có tình tiết mới thì BHXH tỉnh ra thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, BHXH Việt Nam (thay báo cáo) và các cơ quan có liên quan, đồng thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

3. Về việc phân công chỉ đạo, bố trí lực lượng và thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

- Đối với 39 BHXH tỉnh Giám đốc chưa phụ trách công tác kiểm tra thì phân công lại để Giám đốc trực tiếp phụ trách công tác kiểm tra;

- Tổ chức rà soát, đánh giá đội ngũ viên chức để xem xét, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác kiểm tra. Biên chế viên chức làm công tác kiểm tra phải đảm bảo định biên tối thiểu quy định tại Công văn số 3147/BHXH-KT (03/9/2009) của BHXH Việt Nam và từng bước bổ sung cán bộ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đối với BHXH tỉnh chưa có đủ cán bộ quản lý Phòng Kiểm tra thì khẩn trương kiện toàn để nâng cao năng lực quản lý và hoạt động kiểm tra. Riêng BHXH Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí 3 phó trưởng phòng.

- Để giảm bớt khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ kiểm tra, cán bộ trong và ngoài ngành phối hợp thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, BHXH các tỉnh cần thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ bồi dưỡng, chế độ hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16-3-2012 của Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ và hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Quy chế chi tiêu nội bộ ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-BHXH ngày 26-9-2012.

Yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện./

 Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Phó Tổng Giám đốc (để biết);
- Ban Tổ chức Cán bộ (để phối hợp);
- Lưu: VT, KT(8)

TỔNG GIÁM ĐỐC

(Đã ký)


Lê Bạch Hồng

download.com.vn