Công văn 2030/BTC-QLCS - Hướng dẫn triển khai thi hành Luật Quản lý sử dụng tài sản công
Nội dung chi tiết:
Công văn 2030/BTC-QLCS - Hướng dẫn triển khai thi hành Luật Quản lý sử dụng tài sản công
Ngày 13/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 2030/BTC-QLCS về triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây. Mời các bạn cùng tham khảo.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2030/BTC-QLCS | Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2018 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; |
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 21 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định (Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam; Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ sử dụng tài sản công tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 30/11/2017 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi), Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định (Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị).
Để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Tổ chức quán triệt việc thi hành, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các nội dung mới so với các quy định trước đây.
2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành nhằm đồng bộ thể chế về quản lý, sử dụng tài sản công, tăng cường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
3. Căn cứ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
a) Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản tại cơ quan Đảng ở trung ương; Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản tại cơ quan Đảng ở địa phương;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương bảo đảm thời hạn theo quy định (trước ngày 31/7/2018);
Trong thời gian cơ quan, người có thẩm quyền tại điểm a, điểm b khoản này chưa ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công, thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 136 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
c) Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP và Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg;
d) Căn cứ quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế, Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức; tài sản do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức; tài sản phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới ban hành tiêu chuẩn, định mức); trên cơ sở đó, chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
4. Rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Tổ chức mua sắm tập trung tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương đúng quy định của pháp luật.
5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc mở tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước để quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 165/2017/NĐ-CP và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
6. Xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm thông tin về tài sản được đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ trực tiếp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Bộ Tài chính sẽ chốt số liệu về tài sản công năm 2017 đối với tải sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ trong Cơ sở dữ liệu quốc giao về tài sản công để báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm 17h00 ngày 15/3/2018. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của số liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
7. Tổ chức sắp xếp lại, xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; xử lý tài sản dôi dư tạo nguồn tài chính để bổ sung ngân sách nhà nước phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển và các nhu cầu khác; việc tổ chức xử lý tài sản phải bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản công.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất cách thức phối hợp để thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố.
8. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương xây dựng, chỉnh lý hoặc ban hành mới Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị (hoàn thành trong năm 2018); tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao quản lý, sử dụng đúng quy định của pháp luật.
9. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để thực giao tài sản cho cơ quan, đơn vị để quản lý, khai thác theo quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ; tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác, xử lý, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật.
10. Kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý tài sản công, bảo đảm năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo nguyên tắc không tăng thêm bộ máy và biên chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Bộ Tài chính mong nhận được sự phối hợp của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời có ý kiến gửi về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: | KT BỘ TRƯỞNG |