Công văn 727/2013/BHXH-BT - Thu bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp căn cứ mức lương tối thiểu vùng
Nội dung chi tiết:
Công văn 727/2013/BHXH-BT - Thu bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp căn cứ mức lương tối thiểu vùng
Công văn 727/2013/BHXH-BT về thu bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp căn cứ mức lương tối thiểu vùng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ------- Số: 727/BHXH-BT V/v: Thu BHXH, BHYT, BHTN căn cứ mức lương tối thiểu vùng | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2013 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Căn cứ quy định tại Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thuê mướn lao động (Nghị định số 103/2012/NĐ-CP); Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng (Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH), Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về thu bảo hiểm xã hội (BHXH, gồm cả bảo hiểm thất nghiệp), bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người tham gia BHXH, BHYT thuộc đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng như sau:
1. Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng làm cơ sở thỏa thuận mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT:
Doanh nghiệp, người lao động và viên chức quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH, trừ các trường hợp nêu tại Điểm 4 Công văn này.
2. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn: thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH.
3. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng làm cơ sở thỏa thuận mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT kể từ ngày 01/01/2013
3.1. Mức tiền lương, tiền công thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH, BHYT không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH.
Trường hợp người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì mức lương thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường.
3.2. Doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng mức lương tối thiểu vùng nêu tại Điểm 1 Công văn này đang đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng và ban hành thì phải điều chỉnh mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp theo quy định.
4. Các trường hợp không áp dụng mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT đối với người lao động
a) Công ty nhà nước chưa chuyển đổi theo Luật Doanh nghiệp đang thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định;
b) Công ty nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện theo quy định tại các Điểm a, b, c Mục 6 Phần D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ.
Các trường hợp nêu tại Điểm này thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Luật BHXH, Khoản 1 Điều 14 Luật BHYT.
5. Cơ quan BHXH các cấp căn cứ quy định của Luật BHXH, Luật BHYT và hướng dẫn nêu trên để thu BHXH, BHYT theo quy định:
a) Thực hiện kiểm tra, rà soát mức tiền lương, tiền công đóng BHXH, BHYT của người lao động trong doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng. Đối với các trường hợp đóng BHXH, BHYT theo mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu trả cho người lao động theo quy định và các trường hợp doanh nghiệp chưa điều chỉnh lại mức lương trong thang lương, bảng lương trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng mới thì cơ quan BHXH có văn bản đề nghị đơn vị điều chỉnh, đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo đúng quy định từ ngày 01/01/2013.
b) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương thực hiện kiểm tra tại doanh nghiệp việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương và BHXH để kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn này. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |