Đàn hương hình for Android - Tiểu thuyết
Hình ảnh:
Đàn hương hình for Android - Tiểu thuyết
Trong quá trình sáng tác tiểu thuyết này, mỗi khi bạn bè hỏi tôi viết những gì trong đó, tôi ấp úng, cảm thấy khó trả lời. Cho đến khi sửa xong bản thảo nộp ban biên tập, như cất được gánh nặng, nghỉ ngơi hai ngày liền, tôi chợt hiểu ra rằng, cái mà tôi viết trong truyện thực ra là âm thanh.
Mỗi chương của phần đầu phụng và đuôi beo đều dùng phương thức nhân vật tự thuật, như triệu giáp nói ngông, tiền đinh giận đời, tôn bính giảng kịch; phần bụng heo, bề ngoài tưởng như từ một góc độ nào đó nhìn vào mà viết, thực ra là ghi lại phương thức ca vịnh để thuật lại một thời kỳ lịch sử có tính truyền kỳ, suy cho cùng, cũng vẫn là âm thanh. Mà nguyên nhân ban đầu, sớm nhất cho việc cấu tứ, sáng tác bộ tiểu thuyết, cũng là do âm thanh.
Cách đây hai mươi năm, khi tôi mới bước vào con đường sáng tác, có hai loại âm thanh luôn xuất hiện bất chợt trường ý thức tôi. Chúng như hai con hồ ly tinh đẹp mê hồn bám riết tôi, khiến tôi rạo rực không yên.
Loại âm thanh thứ nhất tiết tấu phân minh, đầy sức mạnh, màu sắc nhiêm chỉnh pha trộn giữa đen và xanh lam, có sức nặng của sắt thép, có băng giá của khí hậu. Đó là tiếng tàu hỏa, tiếng tàu hỏa chạy hàng trăm năm trên con đường sắt Giao – Tế cổ lỗ. Kể từ khi tôi biết nhớ, mỗi khi trời u ám là có thể nghe thấy tiếng còi xe lửa như tiếng bò rống, trầm đục, dài lê thê, trườn vào trong thôn, chui vào các căn buồng, lôi chúng tôi ra khỏi giấc ngủ.
Tiếp liền sau đó là tiếng lanh canh như băng vỡ khi xe lửa chạy trên cầu sắt sông Giao. Tiếng còi, tiếng xe lửa chạy trên cầu sắt và bầu trời u ám gắn liền với nhau, gắn liền với tuổi thơ cô đơn và đói rách của tôi. Mỗi khi tôi bị cái âm thanh xình xịch ấy đánh thức trong đêm, truyền thuyết về xe lửa và đường sắt được kể lại từ những cái miệng răng cón tăm tắp hay đã móm, lại sống dậy trong đầu tôi. Chúng xuất hiện dưới hình thức âm thanh rồi mới đến hình ảnh, hình ảnh là bổ sung và chú thích cho âm thanh, hoặc giả là liên tưởng của âm thanh.
Tôi đã nghe thấy, sau đó nhìn thấy trước sau năm 1990, khi ấy ông bà còn đang tuổi bú tí, trên cánh đồng cách thôn xóm chừng hai mươi dặm, kỹ sư đường sắt người Đức vác dụng cụ đo đạc mà nghe nói trên đó gắn rất nhiều gương nhỏ, cùng đám công nhân người Trung Quốc đầu để tóc bím, vai vác cọc bằng gỗ hòe, cắm mốc xây dựng con đường sắt Giao – Tế.
Sau đó lại có nhiều lính Đức cắt hết bím tóc của những thanh niên trai tráng Trung Quốc, lót dưới tà vẹt đường sắt. Người đàn ông mà mất bím tóc liền trở thành tàn phế, chẳng khác pho tượng gỗ! Sau đó, lính Đức lại dùng la chở rất nhiều con trai Trung Quốc đến một bí mật ở Thanh Đảo, dùng kéo sửa lưỡi để học tiếng Đức, nhằm đào tạo nhân tài cho việc quản lý đường sắt sau này.
Phải khẳng rằng, đó là đồn nhảm, vì rằng sau này tôi có hỏi ông Viện trưởng Viện Goethe của Đức: Trẻ con Trung Quốc học tiếng Đức có cần gọt lưỡi không? Ông ta trả lời nghiêm chỉnh: Cần. Rồi ông cười như nắc nẻ, có ý bảo điều tôi hỏi là hoang đường. Nhưng trong những năm tháng dài đặc, tôi đã rất tin vào những truyền thuyết đó. Chúng tôi gọi những kẻ biết ngoại ngữ là “Những kẻ gọt lưỡi”. Trong đầu tôi, đoàn la chở những trẻ em bị bắt đi học tiếng Đức dài dằng dặc trên con đường sống trâu lầy lội, uốn lượn trên sông Giao.
Trên lưng con là thồ hai giỏ, mỗi giỏ một bé trai. Đại đội lính Đức hộ tống đoàn la. Phía sau đoàn la là đội ngũ các bà mẹ nước mắt giàn giụa, tiếng khóc bi thảm vang động cả một vùng. Nghe nói người anh em họ xa của tôi là một trong những đứa trẻ bị bắt đi Thanh Đảo học tiếng Đức, sau này trở thành Kế toán trưởng Đường sắt Giao – Tế, lương năm là ba vạn đồng tiền ngoại.
Ngay anh chàng Trương Tiểu Lục chỉ là chân sai vặt, cũng xây được ở quê một ngôi nhà kiểu đại gia! Trong đầu tôi còn nghe thấy âm thanh, còn nhìn thấy hình ảnh sau: Một con rồng to lớn tiềm ẩn trong lòng đất đang rên rỉ vì đường sắt đè trên lưng. Nó cố gồng mình lên, đường sắt chỗ ấy bị uốn cong, rồi đoàn tàu bị lật.