Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2017-2018 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2017
Nội dung chi tiết:
Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2017-2018 dành cho các bạn học sinh và quý thầy cô tham khảo, để hệ thống kiến thức học tập cũng như trau dồi kinh nghiệm ra đề thi. Tài liệu tổng hợp nhiều đề khác nhau, nội dung xoay quanh các chủ đề được học trong SGK. Mời các em học sinh cùng tham khảo và chuẩn bị thật tốt cho kì thi giữa học kì 1 lớp 9 nhé!
Đề thi giữa kì 1 lớp 9 môn Văn 2017 - Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường
Câu 1 (2,0 đ): Đọc các tổ hợp từ sau và trả lời theo yêu cầu bên dưới:
- Người sống đống vàng.
- Còn người còn của.
- Gan vàng dạ sắt.
- Quý hơn vàng.
a) Tổ hợp từ nào là thành ngữ?
b) Cho biết nghĩa của thành ngữ đã tìm được?
c) Đặt một câu có sử dụng thành ngữ đó?
Câu 2 (2,0đ):
Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về cái hay của khổ thơ kết thúc bài “Đồng chí” của Chính Hữu:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Câu 3 (6,0đ):
Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều thể hiện qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du).
Đáp án đề kiểm tra giữa học kì 1 lớp 9 môn Văn 2017
Câu 1: (2,0 điểm) Cần trả lời các ý sau:
a) Tổ hợp từ gan vàng dạ sắt là thành ngữ (0.5đ)
b) Nghĩa của thành ngữ này là: Biểu thị tinh thần kiên định, vững vàng (0.5đ).
c) Đặt được câu sử dụng đúng thành ngữ trên, có dấu kết thúc câu (1,0đ).
Ví dụ: Chiến sĩ ta gan vàng dạ sắt.
Câu 2 (2,0 điểm): Yêu cầu:
- Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn cho (0,5đ)
- Về nội dung đảm bảo những ý sau (1,5đ)
+ Đây là đoạn kết bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
+ Trong cảnh “rừng hoang sương muối”, các anh bộ đội “đứng cạnh bên nhau” phục kích, chờ giặc. Trăng như đang treo trên đầu ngọn súng của các anh. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” lung linh trong cảm hứng kết hòa hiện thực và lãng mạn, gợi lên bao liên tưởng và cảm nhận lí thú cho người đọc về: Súng và trăng, gần và xa, thực tại và thơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ… khổ thơ cho thấy bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu, đồng thời cho thấy vẻ đẹp lãng mạn trong tâm hồn anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.
Câu 3 (6 điểm):
- Yêu cầu chung: HS viết bài văn nghị luận đủ 3 phần. Trong khi phân tích phải dẫn thơ và phân tích cả nội dung và nghệ thuật. Nếu không dẫn thơ mà chỉ kể chung chung trừ nửa số điểm của bài. Giáo viên khi chấm chỉ coi đây là định hướng chấm, cần linh hoạt cho điểm hợp lý.
- Yều cầu cụ thể:
a. Mở bài (0,5đ)
- Giới thiệu Nguyễn Du và “Truyện Kiều”.
- Giới thiệu đoạn trích và vấn đề cần nghị luận: Diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích.
b. Thân bài (5,0đ)
* Vị trí đoạn trích (0,5đ): Nằm ở phần 2 của “Truyện Kiều”, Tú Bà đưa Kiều ra sống một mình ở lầu Ngưng Bích thực chất là giam lỏng Kiều, rắp tâm chuẩn bị một âm mưu mới.
* Cửa bể chiều hôm, trước lầu Ngưng Bích, một mình Kiều trơ trọi, cô đơn (1,0đ): HS trích dẫn thơ và phân tích cả nội dung và nghệ thuật.
Không gian mênh mang (bốn bề bát ngát), cảnh tình tan tác, chia lìa (non xa - trăng ngần; cát vàng cồn nọ - dặm hồng bụi kia), lòng người phụ bạc đã đẩy Kiều sa vào cảm xúc bẽ bàng, bơ vơ.
* Nỗi nhớ của Kiều (1,0đ)
- Nàng xót xa, thương nhớ người yêu, thương nhớ cha mẹ.
Nàng xót thương cho người yêu trước (Xót người… đó giờ), xót thương cho cha mẹ sau (Sân Lai… người ôm). Điều đó rất hợp với logic tâm trạng của nàng. Bởi vì để cứu nguy cho gia đình, nàng đã phải lỗi thề với người yêu. Mặc cảm tội lỗi cứ đau đáu, đeo đẳng mãi trong tâm hồn nàng. Với ngôn ngữ độc thoại nội tâm, ta thấu hiểu nỗi nhớ của Kiều và càng trân trọng tấm lòng vị tha, hiếu nghĩa chung tình của nàng.
* Nỗi buồn của Kiều (2,0đ)
- Sau cảm xúc nhớ người yêu, cha mẹ, lòng Kiều lại hụt hẫng và nỗi buồn điệp điệp (Buồn trông… ghế ngồi). Cảnh như khơi như vẽ từng biến thái tinh tế trong điệu buồn riêng của nàng. (HS phân tích từng cặp câu thơ để làm nổi bật diễn biến tâm trạng của Kiều, đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, là nỗi buồn lênh đênh trôi dạt vô định như cánh hoa, là nỗi chán ngán triền miên mịt mờ, là nỗi lo sợ, hãi hùng như báo trước dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy vùi dập cuộc đời Kiều)
* Khái quát (0,5đ)
Với bút phát nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh diệu, Nguyễn Du đã khắc họa thật rõ nét từng biến thái tâm trạng nỗi buồn đau đáu của nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng làm sáng lên tấm lòng thuỷ chung, đức tính hiếu thảo, rất đáng được trân trọng ở Thuý Kiều.
c. Kết bài (0,5đ)
- Suy nghĩ bản thân về tác giả và nhân vật.
- Liên hệ thực tế.
Đề thi giữa học kì 1 lớp 9 môn Văn trường THCS Nguyễn Khuyến
Phần I Tiếng việt: (2,0 điểm)
Khoanh tròn các đáp án em cho là đúng:
Câu 1: Các thành ngữ: “Nửa úp nửa mở, nói nước đôi” liên quan đến phương châm hội thoại nào?
A. Phương châm về chất C. Phương châm quan hệ
B. Phương châm về lượng D. Phương châm cách thức
Câu 2: Khi chuyển đổi lời dẫn trực tiếp sang lời dẫn gián tiếp ta không cần lưu ý điều gì:
A. Bỏ dấu hai chấm và dấu ngoặc kép
B. Có thể thêm “rằng” hoặc ‘là” trước lời dẫn
C. Có thể lược bỏ 1 số từ ngữ không cần thiết
D. Không cần lược bỏ từ ngữ nào
Câu 3: Các cụm từ sau cụm từ nào không phải là điển tích điển cố:
A. Núi Vọng phu. C. Lòng chim dạ cá.
B. Cỏ Ngu mĩ. D. Ngọc Mị Nương.
Câu 4: Khi giao tiếp phải tuân thủ mấy phương châm hội thoại?
A. Một; B. Hai; C. Bốn; D. Năm
Câu 5: Từ 'đầu' trong dòng nào sau đây được dùng theo nghĩa gốc?
A. Đầu bạc răng long. B. Đầu súng trăng treo.
C. Đầu non cuối bể. D. Đầu súng ngọn gió.
Câu 6: Trong các từ sau từ nào là từ láy?
A. Tươi tốt B. Rổ rá C. Lao xao D. Bọt bèo
Câu7: Thành ngữ nào có nội dung được giải thích như sau: Dung túng, che chở cho kẻ xấu, kẻ phản trắc?
A. Mỡ để miệng mèo B. Nuôi ong tay áo
C. Ếch ngồi đáy giếng D. Cháy nhà ra mặt chuột
Câu 8: Thành ngữ “ăn ốc nói mò” mang nét nghĩa nào trong những nét nghĩa sau:
A. Nói nhảm nhí vu vơ B. Nói hồ đồ không có căn cứ
C. Nói bịa đặt vu khống D. Nói ba hoa khoác lác
Phần II: Đọc hiểu văn bản (3đ)
Cho đoạn văn:
“Cần tạo cho trẻ em cơ hội tìm, biết được nguồn gốc lai lịch của mình và nhận thức được giá trị của bản thân trong một môi trường mà các em thấy là nơi nương tựa an toàn thông qua gia đình hoặc những người khác trông nom các em tạo ra. Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do. Cần khuyến khích trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ tham gia vào sinh hoạt văn hóa xã hội”.
(Theo SGK Ngữ văn 9 học kì I -NXB GD Việt Nam)
1/ Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Thuộc phần nào của văn bản?
2/ Đoạn văn có câu “Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do”. Theo em hiểu “một cuộc sống có trách nhiệm” của trẻ em là gì?
3/ Nhận thức được tầm quan trọng của chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đảng, nhà nước ta đó thể hiện sự quan tâm bằng những việc làm nào? (kể 2-3 việc làm cụ thể).
4/Từ những nhiệm vụ đặt ra cho mọi người trong đoạn văn. Liên hệ với bản thân em, nếu chứng kiến ở đâu đó trong cuộc sống những hành vi ngược đãi, bạo hành đối với trẻ em, lúc ấy em sẽ làm gì?
Phần III. Tập làm văn: (5,0 điểm)
Giới thiệu về chiếc quạt giấy- một đồ vật gần gũi trong cuộc sống con người..
Đáp án đề thi giữa kì 1 lớp 9 môn Văn 2017
Phần I Tiếng việt: (2,0đ)
*Yêu cầu: HS chỉ đúng các đáp án sau.
Mỗi đáp án đúng đạt 0,25 điểm sai không cho điểm:
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 5 | Câu 6 | Câu 7 | Câu 8 |
D | D | C | D | A | C | B | A |
II. Đọc – Hiểu văn bản (3đ)
1/ Đoạn văn trích trong văn bản “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.” (0,25 đ)
Đoạn văn thuộc phần cuối của văn bản (phần nhiệm vụ ). (0,25 đ)
2/ Em hiểu “một cuộc sống có trách nhiệm” của trẻ em là:
Trẻ em tự ý thức được các suy nghĩ, hành động, việc làm của mình một cách đúng đắn theo chuẩn mực đạo đức xã hội. Biết tự điều chỉnh bản thân, biết yêu thương chia sẻ… với người khác, không chỉ sống cho riêng mình mà cũng cho gia đình, xã hội. (0,5 đ)
3/Những việc làm của Đảng, nhà nước ta:
Xây dựng những nhà văn hóa thiếu nhi, những làng trẻ S0S, những trường học, bệnh viện nhi, tổ chức cho trẻ vui tết trung thu hàng năm, vui ngày quốc tế 1/6….(0,5 đ)
4/Bản thân em nếu chứng kiến đâu đó trong cuộc sống những hành vi ngược đãi, bạo hành đối với trẻ em, lúc ấy em sẽ:
- Lên tiếng đấu tranh, giải thích cho họ hiểu đó là hành vi vi phạm quyền trẻ em (0,5 đ)
- Gọi những người xung quanh đến can thiệp. (0,5 đ)
- Tìm cách báo cho chính quyền địa phương gần nhất. (0,5 đ)
-> Học sinh có thể có cách xử lí phù hợp vẫn cho điểm.
Phần III. Tập làm văn: (5,0 điểm)
* Yêu cầu chung: (0,5 điểm)
+ Bài văn phải bám sát thể loại thuyết minh.
+ Biết kết hợp sử dụng biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả phù hợp, sinh động.
+ Văn phong diễn đạt trôi chảy, ngạn ngữ trong sóng, giàu cảm xúc.
* Yêu cầu cụ thể: HS cần đảm bảo được các ý sau:
a) Mở bài: Giới thiệu rõ vai trò, ý nghĩa của cái quạt giấy trong đời sống người Việt Nam. (0,25 điểm)
b) Thân bài: Lần lượt giới thiệu các nội dung: Nguồn gốc, họ hàng, đặc điểm cấu tạo, công dụng và giá trị sử dụng của quạt giấy. Cụ thể:
- Nguồn gốc: Có lẽ quạt giấy xuất hiện từ rất xa xưa khi con người không chỉ có nhu cầu làm mát mà còn làm duyên, làm dáng. Nó vừa gọn nhẹ vừa đòi hỏi bàn tay người thợ thủ công khéo léo chứ không quá đơn giản như quạt lá, quạt mo. (0,5 điểm)
- Chủng loại: Quạt giấy cũng có nhiều loại, phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Thông dụng nhất là quạt giấy dành cho các bà các mẹ đi chợ, đi làm, hay lên chùa cúng phật; quạt thóc, quạt lúa cho bà con nông dân mỗi độ mùa màng. Bên cạnh đó còn có cả quạt giấy dành cho công tử cô nương con nhà giàu; quạt dành cho biểu diễn nghệ thuật; quạt dành để trang trí phòng khách... .(0,5 điểm)
- Cấu tạo thông thường quạt giấy gồm hai phần:
+ Phần nan: (Phần khung) Thường làm bằng nứa hoặc tre chẻ mỏng, vót nhẵn. Thông thường mỗi chiếc quạt giấy có 15-> 17 nan quạt (dẻ quạt), hai nan ngoài cùng gọi là nan cái to và chắc chắn hơn. Trung bình nan quạt dài từ 25->30 cm một đầu được gắn với nhau bằng đinh vít giúp quạt xoè ra hình bán nguyệt hoặc gấp lại dễ dàng. (0,5 điểm)
+ Phần giấy: Là phần quan trọng tạo nên giá trị của quạt; gồm hai lớp giấy dính với nhau thông qua lớp hồ dán, đồng thời ôm khít phần nan ở giữa. Người ta thường chọn loại giấy vừa bóng, đẹp vừa bền dai. trên bề mặt in đủ các hình ảnh đẹp mắt như phong cảnh quê hương hay bài thơ trữ tình hoặc những hình rồng phượng... sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngày nay quạt giấy còn được cách tân làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vải lụa, von mềm hoặc làm bằng gỗ ép, nhựa cao cấp với đủ màu sắc sặc sỡ, diêm dúa khác nhau. .(1 điểm)
- Gía trị sử dụng: Quạt sinh ra chủ yếu để làm mát cho con người, thế nhưng giá trị của nó lại rất lớn. Nó được coi là đồ vật vừa tiện ích, vừa gọn nhẹ, đồng hành cùng con người trong những ngày nắng nóng. Con người đi bất cứ nơi đâu quạt cũng đi theo làm bạn, giúp con người vơi đi bao vất vả mệt nhọc, đỡ đần con người quạt thóc rê lúa được sạch hơn. Quạt còn là đồ vật làm duyên cho các cô thôn nữ, tôn thêm vẻ đẹp cao sang quí phái cho các công tử cô nương con nhà quyền quí. Quạt còn giúp cho các điệu múa thêm nhịp nhàng uyển chuyển, tôn thêm vẻ thâm trầm cổ kính cho phòng khách. Quạt còn dùng làm vật lưu niệm làm quà tặng nhau mỗi khi con người đi xa, về gần... . (1điểm)
- Bảo quản quạt dễ dàng, đơn giản. Khi sử dụng cần nhẹ nhàng, tránh làm rách giấy hoặc gãy nan quạt, sử dụng xong gấp lại cẩn thận, cất nơi khô ráo để quạt dùng được bền lâu. .(0,5 điểm)
c) Kết luận: Nhấn mạnh giá trị, sự tiện ích của quạt giấy trong cuộc sống hiện tại.(0,25 điểm)
* Cách cho điểm:
- Điểm 4, đến4,5: Bài văn đảm bảo các yêu cầu trên, rõ bố cục mạch lạc, đủ ý, sâu sắc, có sự kết hợp yếu tố miêu tả và sử dụng các biện pháp nghệ thuật hợp lí, lời văn trong sáng, không mắc lỗi thông thường.
- Điểm 3,0 đến 3,5: Bài văn đảm bảo các yêu cầu trên, rõ bố cục mạch lạc, tương đối đủ ý, đã có sự kết hợp yếu tố miêu tả và các biện pháp nghệ thuật hợp lí, diễn đạt đôi chỗ còn lúng túng.
- Điểm 2,0 đến2,5: Bài văn đảm bảo khá đủ các yêu cầu trên, bố cục khá mạch lạc, tương đối đủ ý, đã sử dụng yếu tố miêu tả và các biện pháp nghệ thuật, diễn đạt còn lủng củng, sai không quá 5 lỗi thông thường
- Điểm 1,0 đến 1,5: Bài viết còn sơ sài, bố cục chưa rõ, các ý tương đối đủ, diễn đạt còn nhiều lủng
- 0,5 đến 1: Bài viết quá sơ sài, thiếu nhiều ý, diễn đạt lủng củng nhiều.
- Điểm 0: Thiếu hoặc sai hoàn toàn.
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp