Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 - 2020 sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc - Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2019

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 138,4 KB
Lượt tải: 695
Nhà phát hành: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc


Lâu mới có thời gian rảnh, nay chia sẻ cùng các bạn: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 - 2020 sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc được Taifull.net sưu tầm và cập nhật nhằm gửi đến các bạn thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Sau đây, mời các bạn cùng thử sức với đề thi nhé!

Nội dung chi tiết:

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 - 2020 sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho những bạn thí sinh chưa bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Mời các bạn cùng tham khảo để làm quen với cấu trúc đề thi và rèn luyện kỹ năng làm bài thi môn Văn nhé!

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2019-2020
Môn: Ngữ Văn
Thời gian làm bài 120 phút
(Không kể thời gian giao đề)

Đề bài

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và viết vào bài làm chữ cái A, B, C hoặc D đứng trước lựa chọn em cho là đúng.

"Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ não vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”

Câu 1. Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào?

A. Những ngôi sao xa xôi.

B. Lặng lẽ Sa Pa.

C. Làng.

D. Chiếc lược ngà

Câu 2. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?

A. Tự sự.

B. Miêu tả.

C. Biểu cảm.

D. Thuyết minh.

Câu 3. Đoạn văn trên có mấy từ láy?

A. 1

B. 3

C. 2

D. 4

Câu 4. Câu văn "Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung” sử dụng những biện pháp tu từ nào?

A. Ẩn dụ, so sánh.

B. Hoán dụ, nhân hóa.

C. Điệp từ, nói quá.

D. So sánh, nhân hóa.

II. PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 5 (3,0 điểm).

Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng một câu hỏi tu từ (gạch chân dưới câu hỏi tu từ đó).

Câu 6 (5,0 điểm). Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

(Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, Tập một, NXB GDVN, 2017).

Đáp án đề thi

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2.0 điểm)

1. B

2. B

3. C

4. D

II. PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 5 (3,0 điểm).

Tham khảo đoạn văn sau đây:

Sáng tạo là yếu tố quyết định trực tiếp tới thành công của con người thời nay. Vậy sáng tạo là gì? Tại sao con người lại cần nó đến vậy? Sáng tạo chính là khả năng tạo ra những điều mới, hiệu quả và tiên tiến hơn những gì đã có. Người mang trong mình khả năng sáng tạo luôn không ngừng nỗ lực, tìm tòi để cải tiến phương thức lao động hay tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu giá trị. Như chúng ta đã biết, cuộc sống hiện đại luôn biến đổi không ngừng, đòi hỏi con người phải thích ứng, thay đổi. Nếu cứ mãi neo mình theo lối mòn đã cũ, chẳng những đánh mất cơ hội của bản thân mà ta còn kéo lùi sự phát triển của văn minh nhân loại. Thử hỏi, không có sáng tạo, liệu những con người như Edison, Picasso, Mark Zukerberg… có ghi được tên tuổi mình vào lịch sử nhân loại; chúng ta có có được những kiệt tác nghệ thuật để chiêm ngưỡng, những đồ vật, ứng dụng tiện ích để sử dụng hay không? Vậy nhưng, hiện nay vẫn còn đâu đó trong xã hội có những kẻ thụ động, lười suy nghĩ, thích hưởng thụ, họ đang dần trở thành gánh nặng cho xã hội. Chính vì vậy, giới trẻ ngày nay cần nghiêm túc học tập và làm việc, đánh thức khả năng sáng tạo bằng những suy nghĩ, hành động cụ thể. Có như vậy, chúng ta mới có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa, phát triển khả năng của chính mình cũng như đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

Câu 6 (5,0 điểm)

I. Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

- Phạm Tiến Duật là nhà thơ được rèn luyện, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ và oanh liệt của dân tộc.

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, khắc họa hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ với tư thế, tinh thần hiên ngang bất khuất.

II. Thân bài:

1. Hình ảnh những chiếc xe không kính

- Hình ảnh những chiếc xe không kính được tác giả miêu tả trần trụi, chân thực

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

-> Đó là những chiếc xe vận tải chở hàng hóa, đạn dược ra mặt trận, bị máy bay Mĩ bắn phá, kính xe vỡ hết.

- Động từ “giật”, “rung” cùng với từ “bom” được nhấn mạnh hai lần càng làm tăng sự khốc liệt của chiến tranh

=> Hai câu thơ đầu giải thích nguyên nhân đồng thời phản ánh mức độ khốc liệt của chiếc tranh.

2. Hình ảnh người lính lái xe

- Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, ngang tàng dù thiếu đi những phương tiện chiến đấu tối thiểu:

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

-> Tính từ ung dung đặt ở đầu câu nhấn mạnh tư thế chủ động, coi thường mọi khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe.

- Người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh lớn lao đặc biệt là sự dũng cảm, hiên ngang của họ.

- Những khó khăn gian khổ như tăng lên gấp bội vì xe không có kính: gió vào xoa mắt đắng, Bụi phun tóc trắng như người già, Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời… nhưng không làm giảm ý chí và quyết tâm của các chiến sĩ lái xe.

a, Tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan tích cực coi thường hiểm nguy

- Hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo là hình ảnh tươi đẹp của người lính lái xe Trường Sơn

+ Họ là chủ nhân của những chiếc xe không kính độc đáo

+ Họ với tư thế hiên ngang “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn về vật chất

+ Họ phải đối mặt với hiểm nguy “gió vào xoa mắt đắng”, “đột ngột cánh chim”...

+ Hiện thực khốc liệt nhưng người lính cảm nhận và thể hiện bằng sự ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn

- Họ tự tin, hiên ngang đối diện với gian khói lửa chiến tranh

- Giọng nói ngang tàng, bất chấp hiểm nguy thể hiện rõ trong cấu trúc” không có... ừ thì”cứng cỏi, biến khó khăn thành điều thú vị

→ Khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn không làm nhụt chí người lính lái xe Trường Sơn. Ngược lại, ở họ là bản lĩnh, nghị lực phi thường hơn.

b, Tâm hồn sôi nổi của tuổi trẻ, của tình đồng chí, đồng đội sâu sắc

- Những người lính lái xe hóm hỉnh, tươi vui "chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”

=> Họ hồn nhiên, tếu táo và ấm áp trong tình đồng đội, đồng chí. Tình đồng đội thắm thiết, thiêng liêng là sợi dây vô hình nối kết mọi người trong hoàn cảnh hiểm nguy, kề cận cái chết

III. Kết bài

- Bài thơ về Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là tác phẩm đậm chất trữ tình cách mạng. Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh các chiến sĩ lái xe Trường Sơn bằng tình cảm mến yêu và cảm phục chân thành.

- Vẻ đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ.

download.com.vn