Hướng dẫn 266/HD-TLĐ - Tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức lao động tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
Nội dung chi tiết:
Hướng dẫn 266/HD-TLĐ về tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức lao động tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG Số: 266/HD-TLĐ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2012 |
HƯỚNG DẪN
TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP NĂM 1992
Căn cứ Kế hoạch số 75-KH/BTGTW, ngày 24 tháng 2 năm 2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “công tác tư tưởng thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các cấp Công đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nhằm định hướng tư tưởng cho CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992; tạo sự nhất trí cao trong CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn, góp phần xây dựng Hiến pháp theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 02 (Khóa XI); làm cho CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn hiểu rõ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn và thực sự dân chủ.
2. Phát huy vai trò của các cấp Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn tích cực tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, để Hiến pháp thực sự là kết tinh ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
3. Đấu tranh với các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để tuyên truyền xuyên tạc, bác bỏ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
4. Công tác tuyên truyền việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết TW2 (Khóa XI); Nghị quyết Quốc hội 06/2011/QH13, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.
5. Thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải đáp ứng yêu cầu có tính nguyên tắc là thể chế hóa tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 và các văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt cho CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn về những vấn đề cơ bản của Chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
- Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992: Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng đất nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới.
- Mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: Nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và các Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Ghi nhận những thành quả của cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 25 năm đổi mới đất nước của nhân dân ta. Thể hiện lại một số nội dung và kỹ thuật trình bày, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
- Quan điểm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và đạo luật có liên quan; căn cứ định hướng, nội dung Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp của nước ta trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, thiết thực, phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy Nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng nên phải tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: Về chế độ chính trị: Làm rõ cách thức sử dụng quyền lực Nhà nước của dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực Nhà nước) và cơ chế dân chủ trực tiếp. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Về chế độ kinh tế: Sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm mục tiêu, định hướng, chính sách lớn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Về văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ: Hiến pháp chỉ quy định những chủ trương, chính sách lớn mang tính định hướng, ổn định lâu dài. Về Tổ quốc Việt Nam XHCN: Khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN. Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Xác định rõ phạm vi quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải có tính khả thi và ở tầm hiến định để phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Về tổ chức bộ máy: Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ. Thực hiện phương hướng lấy tòa án làm trung tâm, tổ chức tòa án theo thẩm quyền và cấp xét xử; làm rõ vai trò, trách nhiệm của viện kiểm sát nhân dân; bảo đảm nguyên tắc độc lập của các cơ quan tư pháp. Nghiên cứu cơ chế bảo vệ Hiến pháp, xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm tra, kiểm sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Về kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp: Nghiên cứu, thể hiện lời văn, kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
2. Tuyên truyền cho CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn về những nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
- Ý nghĩa, vai trò của Hiến pháp trong đời sống chính trị và quản lý xã hội. Quyền và nghĩa vụ công dân trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, khẳng định rõ đóng góp của Hiếp pháp năm 1992 trên một số mặt quan trọng, như: Hiến pháp tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Nhà nước Việt Nam XHCN của nhân dân, do dân và vì dân; Hiến pháp là cơ sở pháp lý cho việc xóa bỏ các quan hệ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập quốc tế; Hiến pháp năm 1992 là nền tảng chính trị - pháp lý cho việc đề cao và phát huy nhân tố con người trong đời sống nhà nước và xã hội.
- Kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tập trung vào những nội dung cơ bản sau: Những đánh giá tổng kết sâu sắc, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn việc thi hành Hiến pháp; những tư tưởng, nội dung của Hiến pháp cần được tiếp tục, kế thừa; những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng; làm rõ những thành công và hạn chế trong việc thi hành Hiến pháp năm 1992 ở từng lĩnh vực.
- Phản ánh thành tựu của đất nước, các ngành, địa phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại trong quá trình thực thi các Hiến pháp, nhất là Hiến pháp năm 1992.
- Kế hoạch, lộ trình, hoạt động thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các ngành, các địa phương; Ý kiến đóng góp của các địa biểu Quốc hội, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
3. Đấu tranh làm thất bại những luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch; kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn
- Bảo vệ tính đúng đắn của Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối của Đảng. Bác bỏ những quan điểm sai trái, nhất là những quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận con đường CNXH; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đòi đổi tên Đảng, tên nước; đòi lập các tổ chức nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
- Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, gây rối, phá hoại việc thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; xuyên tạc dân chủ XHCN trong quá trình thực thi Hiến pháp và pháp luật; vu khống, xuyên tạc quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp; thổi phồng sơ hở, yếu kém của hệ thống chính trị để kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
- Uốn nắn, khắc phục những quan điểm, nhận thức lệch lạc không đầy đủ về dân chủ và pháp chế XHCN; phê phán những quan điểm cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 không tạo ra những chuyển biến lớn; quá trình sửa đổi, bổ sung tiến hành hình thức, không bảo đảm dân chủ…
III. THỜI GIAN, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Thời gian tuyên truyền
- Từ nay đến khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 được công bố rộng rãi lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân (tháng 1/2013) tập trung quán triệt, tuyên truyền các nội dung, như: Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; quan điểm và một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiến pháp; quyền, nghĩa vụ công dân trong chấp hành Hiến pháp, pháp luật; kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; thành tựu đạt được trong quá trình thực thi Hiến pháp; kế hoạch, lộ trình, hoạt động thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
- Từ 20/1/2013 đến 20/3/2013, tập trung tuyên truyền các nội dung, như: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn, các tầng lớp nhân dân.
- Từ tháng 11/2013 trở đi, tập trung tuyên truyền vào các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp và giải pháp thực hiện Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung).
- Đấu tranh làm thất bại những luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch; kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn: Thực hiện trong suốt quá trình triển khai sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và khi Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội phê chuẩn và thực hiện trong đời sống xã hội.
2. Hình thức tuyên truyền
- Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; thông qua các phương tiện truyền thanh, bản tin nội bộ; hệ thống báo chí Công đoàn.
- Thông qua Hội nghị triển khai công tác của ngành, địa phương; thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm tại khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân.
- Thông qua các hình thức kẻ vẽ panô, ách phích, khẩu hiệu; thông qua các hoạt động tọa đàm, giao lưu; biên soạn phát hành tờ rơi, tài liệu bỏ túi.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức quán triệt chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tại các Hội nghị báo cáo viên; chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống Công đoàn lập chuyên trang, chuyên mục đăng tải các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, kết quả sửa đổi Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn trình Quốc hội khóa 13 thông qua; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện có hiệu quả các nội dung theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương; nghiên cứu, biên soạn tài liệu học tập, triển khai Hiến pháp (đã được sửa đổi, bổ sung) trong CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua.
2. Các cấp Công đoàn căn cứ vào tình hình thực tế tại các ngành, địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức nhiều hình thức để tuyên truyền, vận động CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn tích cực tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngành và địa phương.
3. Quá trình thực hiện, coi trọng việc tuyên truyền, quán triệt cho CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi đắp ý chí kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh có hiệu quả chống các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là vấn đề trọng đại của đất nước, các cấp Công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH (đã ký) Hoàng Ngọc Thanh
|