Luật Cảnh vệ 2017 - Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14
Nội dung chi tiết:
Luật Cảnh vệ 2017
Luật cảnh vệ 13/2017/QH14 quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cảnh vệ.
Luật cảnh vệ 13/2017/QH14 có một số điểm đáng chú ý như sau:
Các trường hợp chiến sĩ cảnh vệ được quyền nổ súng
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng và chỉ được nổ súng trong các trường hợp sau đây:
- Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ.
- Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả.
- Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.
- Các trường hợp khác theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Nội dung chi tiết Luật cảnh vệ 13/2017/QH14
QUỐC HỘI Luật số: 13/2017/QH14 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2017 |
LUẬT
CẢNH VỆ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Cảnh vệ.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cảnh vệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với đối tượng cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.
2. Công tác cảnh vệ là thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.
3. Biện pháp cảnh vệ là phương pháp, cách thức mà lực lượng Cảnh vệ được áp dụng để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi của con người và các yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.
5. Bảo vệ tiếp cận là biện pháp cảnh vệ do sĩ quan cảnh vệ đảm nhiệm, được tiến hành thường xuyên, trực tiếp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống cho đối tượng cảnh vệ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Luật này.
6. Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Công an; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 4. Vị trí, chức năng của lực lượng Cảnh vệ
Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.
Điều 5. Nguyên tắc công tác cảnh vệ
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
4. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; kết hợp giữa hoạt động công khai và hoạt động bí mật để thực hiện công tác cảnh vệ.
5. Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Điều 6. Chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và công tác cảnh vệ
1. Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
2. Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ.
Điều 7. Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ
1. Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ theo quy định của pháp luật và giữ bí mật thông tin mà họ cung cấp.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ
1. Hoạt động hợp tác giữa lực lượng Cảnh vệ Việt Nam và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và trên lãnh thổ nước ngoài được thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam với quốc gia có liên quan trên nguyên tắc có đi có lại, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
2. Nội dung hợp tác bao gồm:
a) Trao đổi thông tin về công tác cảnh vệ;
b) Phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp, chế độ cảnh vệ;
c) Huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực cảnh vệ, đào tạo kỹ năng về công tác cảnh vệ;
d) Hỗ trợ kỹ thuật, phương tiện chuyên dùng, vũ khí, trang bị phục vụ công tác cảnh vệ;
đ) Thực hiện nội dung hợp tác khác.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác cảnh vệ
1. Sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ, công cụ hỗ trợ hoặc yếu tố khác gây nguy hiểm, đe dọa xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
2. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ.
3. Gây mất an ninh, trật tự; tụ tập đông người trái pháp luật tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ.
4. Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ.
5. Làm giả, chiếm đoạt, mua bán, sử dụng trái phép, hủy hoại, làm sai lệch giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ.
6. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ hoặc lợi dụng việc tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
7. Phân biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ.
8. Hành vi ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của đối tượng cảnh vệ; của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ khi thực hiện nhiệm vụ; của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG CẢNH VỆ, BIỆN PHÁP VÀ CHẾ ĐỘ CẢNH VỆ
Điều 10. Đối tượng cảnh vệ
1. Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:
a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
b) Chủ tịch nước;
c) Chủ tịch Quốc hội;
d) Thủ tướng Chính phủ;
đ) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;
e) Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
g) Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
h) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
2. Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam bao gồm:
a) Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ;
b) Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại;
c) Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
d) Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.
3. Khu vực trọng yếu bao gồm:
a) Khu vực làm việc của Trung ương Đảng;
b) Khu vực làm việc của Chủ tịch nước;
c) Khu vực làm việc của Quốc hội;
d) Khu vực làm việc của Chính phủ;
đ) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
e) Bộ trưởng Bộ Công an quy định phạm vi cảnh vệ khu vực trọng yếu tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này.
4. Sự kiện đặc biệt quan trọng bao gồm:
a) Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng;
b) Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
c) Kỳ họp của Quốc hội;
d) Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị.
5. Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các điều 11, 12, 13 và 14 của Luật này.
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp