Nghị định 04/2018/NĐ-CP - Cơ chế chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Nội dung chi tiết:
Nghị định 04/2018/NĐ-CP - Cơ chế chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Ngày 04/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2018/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nghị định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 20/02/2018. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHỆ CAO ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật thuế xuất nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Chương I
PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Khu công nghệ cao).
Nhà đầu tư được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo Nghị định này hoặc theo các quy định khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Khu công nghệ cao.
2. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Ban Quản lý).
3. Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn có liên quan.
Chương II
CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHỆ CAO
Điều 3. Nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển Khu công nghệ cao
1. Ngân sách trung ương ưu tiên bố trí đủ số vốn bổ sung có mục tiêu (phần vốn ngân sách trung ương cam kết hỗ trợ trong từng giai đoạn) cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình trong Khu công nghệ cao và các chương trình quốc gia phát triển Khu công nghệ cao.
2. Hằng năm, trong trường hợp vượt thu ngân sách trung ương, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ưu tiên hỗ trợ vốn cho Khu công nghệ cao nhằm sớm đưa Khu công nghệ cao hoàn thành đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào năm 2020.
3. Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thành phố Đà Nẵng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các dự án xây dựng công trình tiện ích công cộng cần thiết, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án, công trình này do ngân sách thành phố bảo đảm.
4. Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tập trung bố trí đủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để hoàn thành các dự án, công trình trong Khu công nghệ cao theo kế hoạch được phê duyệt; Ban Quản lý được huy động vốn trong nước theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao.
Điều 4. Dự án, công trình trong Khu công nghệ cao được áp dụng huy động vốn đầu tư
1. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong Khu công nghệ cao bao gồm các hạng mục: San nền, hệ thống kênh dẫn, hệ thống thoát nước, hệ thống thoát nước thải, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống hào và tuynel kỹ thuật, giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cấp điện nguồn, hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè, hàng rào, cổng chào, cây xanh, cảnh quan công cộng.
2. Chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án và các công trình trong Khu công nghệ cao theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đầu tư xây dựng công trình trong Khu công nghệ cao:
a) Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp: Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ trực thuộc Ban Quản lý;
b) Khu quản lý - hành chính;
c) Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối.
Chương III
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
Điều 5. Ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
1. Miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê trong các trường hợp sau:
a) Đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu được phê duyệt;
b) Đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập;
c) Đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao;
d) Đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu công nghệ cao theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (trừ dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghệ cao).
2. Mức ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này cụ thể như sau:
a) Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất (không bao gồm các trường hợp đầu tư xây dựng cải tạo và mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh);
b) Miễn tiền thuê đất sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản 15 năm đối với dự án đầu tư không thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghệ cao;
c) Miễn tiền thuê đất sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản 19 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư;
d) Miễn tiền thuê đất trong thời gian buộc phải ngừng sản xuất, kinh doanh do bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc tai nạn bất khả kháng.
3. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Trường hợp người sử dụng đất thuê đất trong Khu công nghệ cao để thực hiện các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thì áp dụng mức ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
5. Người sử dụng đất được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong toàn bộ thời gian sử dụng đất.
Điều 6. Hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng
1. Người sử dụng đất không phải thực hiện hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trong các trường hợp sau:
a) Được giao đất không thu tiền sử dụng đất, thuê đất miễn toàn bộ tiền thuê đất trong cả thời gian thuê và đã được Ban Quản lý bàn giao đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014;
b) Sử dụng đất và đất có mặt nước để xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu cây xanh, công viên sử dụng công cộng theo quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu chức năng (bao gồm cả trường hợp đã sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành);
c) Ban Quản lý và các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý sử dụng đất để xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình phục vụ quản lý và khai thác hạ tầng (bao gồm cả trường hợp đã sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành);
đ) Thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và thuộc diện được miễn, giảm tiền thuê đất nhưng có nguyện vọng không hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất;
đ) Đối với các dự án quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên, người sử dụng đất không phải thực hiện hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.
2. Các trường hợp sử dụng đất không quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Điều 7. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Ưu đãi về thuế suất
a) Thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu, nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu công nghệ cao.
b) Đối với các dự án đầu tư mới vào Khu công nghệ cao có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm.
c) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% như đối tượng người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp theo khoản 5 Điều 49 Luật nhà ở.
2. Ưu đãi về miễn, giảm thuế
a) Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu công nghệ cao.
b) Các trường hợp miễn, giảm thuế khác được thực hiện theo các quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản có liên quan.
Điều 8. Ưu đãi về thuế nhập khẩu
1. Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án trong Khu công nghệ cao, bao gồm:
a) Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị;
b) Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án;
c) Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại khoản này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
2. Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao.
3. Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong Khu công nghệ cao.
Điều 9. Ưu đãi về tín dụng đầu tư
Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp có thu đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương IV
CÁC ƯU ĐÃI KHÁC
Điều 10. Tiền sử dụng hạ tầng
1. Tiền sử dụng hạ tầng là khoản thu nhằm bù đắp chi phí đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghệ cao có sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu phải trả tiền sử dụng hạ tầng.
3. Đối với các công trình do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội thuộc Khu công nghệ cao đầu tư xây dựng:
a) Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội thuộc Khu công nghệ cao được tổ chức quản lý, khai thác và thu tiền sử dụng hạ tầng của các nhà đầu tư trong Khu công nghệ cao; có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ của các công trình hạ tầng này theo quy định của pháp luật;
b) Mức thu tiền sử dụng hạ tầng kỹ thuật - xã hội do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội thuộc Khu công nghệ cao đầu tư xây dựng quyết định và được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên một trong các chỉ tiêu sau: Tổng doanh thu xuất khẩu; tổng doanh thu hoạt động sản xuất, dịch vụ; tổng số tiền thuê lại đất đã có cơ sở hạ tầng.
4. Đối với các công trình không do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội thuộc Khu công nghệ cao đầu tư xây dựng:
a) Ban Quản lý có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và thu tiền sử dụng hạ tầng của các nhà đầu tư trong khu để đầu tư cho việc duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ của các công trình hạ tầng này và thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật;
b) Mức thu tiền sử dụng hạ tầng kỹ thuật - xã hội chung trong Khu công nghệ cao không do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định theo quy định của Luật giá và pháp luật khác có liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định hình thức định giá bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế xã hội địa phương và chủ trương chính sách của Nhà nước.
5. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và Ban Quản lý được quản lý, sử dụng toàn bộ số tiền thu được để bù đắp chi phí và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Khi thu tiền sử dụng hạ tầng kỹ thuật - xã hội, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và Ban Quản lý phải lập và giao hóa đơn cho người nộp; thực hiện hạch toán riêng và quản lý, sử dụng toàn bộ số tiền thu được theo quy định của pháp luật. Hóa đơn thu tiền sử dụng hạ tầng do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và Ban Quản lý cấp cho người nộp là chứng từ hợp lệ, được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Xuất nhập cảnh
Nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu công nghệ cao và thành viên gia đình (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 02 năm 2018.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |