Nghị định 201/2013/NĐ-CP - Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Nội dung chi tiết:
Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
CHÍNH PHỦ Số: 201/2013/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; cấp phép về tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; tổ chức lưu vực sông và việc điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
Điều 2. Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn theo quy định tại Điều 6 của Luật tài nguyên nước được thực hiện như sau:
1. Các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến bao gồm:
a) Công trình hồ, đập có tổng dung tích từ 500 triệu m3 trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên;
b) Công trình chuyển nước giữa các nguồn nước;
c) Công trình hồ, đập làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông, suối trên một đoạn có chiều dài từ một (01) km trở lên;
d) Công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên;
đ) Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên;
e) Các trường hợp quy định tại Khoản này nếu có yếu tố bí mật quốc gia thì không phải thực hiện việc lấy ý kiến.
2. Thời điểm lấy ý kiến:
a) Trong quá trình lập dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại Điểm a, b, c và Điểm d Khoản 1 Điều này;
b) Trong quá trình thăm dò đối với công trình khai thác nước dưới đất quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này.
3. Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến bao gồm:
a) Thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án;
b) Kế hoạch triển khai xây dựng công trình;
c) Tiến độ xây dựng công trình;
d) Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo nước cho các đối tượng sử dụng ở thượng và hạ lưu công trình trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành;
đ) Các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định này;
e) Các số liệu, tài liệu khác liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
4. Cơ quan tổ chức lấy ý kiến:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi nguồn nước nội tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nguồn nước nội tỉnh, xả nước thải vào nguồn nước nội tỉnh quy định tại Điểm a, c và Điểm d Khoản 1 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi nguồn nước liên tỉnh chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên tỉnh, xả nước thải vào nguồn nước liên tỉnh quy định tại Điểm a, c và Điểm d Khoản 1 Điều này;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi có nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển nước từ nguồn nước nội tỉnh;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước chảy qua, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh;
đ) Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi dự kiến bố trí công trình khai thác nước dưới đất, tổ chức lấy ý kiến đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này.
5. Trình tự lấy ý kiến:
a) Chủ dự án gửi các tài liệu, nội dung quy định tại Khoản 3 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ dự án; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cho chủ dự án;
c) Trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn bốn mươi (40) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp hoặc đối thoại trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng; tổng hợp ý kiến trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cho chủ dự án;
d) Ngoài các nội dung thông tin quy định tại Khoản 3 Điều này, chủ dự án có trách nhiệm cung cấp bổ sung các số liệu, báo cáo, thông tin về dự án nếu các cơ quan quy định tại Khoản 4 Điều này có yêu cầu và trực tiếp báo cáo, thuyết minh, giải trình tại các cuộc họp lấy ý kiến để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án.
6. Chủ dự án có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Văn bản góp ý và tổng hợp tiếp thu, giải trình là thành phần của hồ sơ dự án khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phải được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
7. Việc lấy ý kiến hoặc thông báo trước khi lập dự án đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 của Luật tài nguyên nước được thực hiện như sau:
a) Đối với dự án có chuyển nước từ nguồn nước nội tỉnh:
- Chủ dự án gửi văn bản lấy ý kiến kèm theo quy mô, phương án chuyển nước và các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi nguồn nước nội tỉnh bị chuyển nước và Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Trong thời hạn bốn mươi (40) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về quy mô, phương án chuyển nước đề xuất hoặc đối thoại trực tiếp với chủ dự án; tổng hợp ý kiến và gửi cho chủ dự án.
b) Đối với dự án có chuyển nước từ nguồn nước liên tỉnh, dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng chính thuộc lưu vực sông liên tỉnh:
- Chủ dự án gửi văn bản lấy ý kiến kèm theo quy mô, phương án chuyển nước, phương án xây dựng công trình và các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan tới Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi nguồn nước liên tỉnh bị chuyển nước hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi dòng chính chảy qua, tổ chức lưu vực sông và các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan;
- Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi các tài liệu đến các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh;
- Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị xin ý kiến của chủ dự án:
+ Tổ chức lưu vực sông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ dự án;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức các buổi làm việc, cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan cho ý kiến về công trình dự kiến xây dựng hoặc đối thoại trực tiếp với chủ dự án tổng hợp ý kiến và trình Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi chủ dự án.
c) Đối với dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên dòng nhánh thuộc lưu vực sông liên tỉnh:
Trước khi triển khai lập dự án đầu tư, chủ dự án phải thông báo về quy mô, phương án đề xuất xây dựng công trình cho tổ chức lưu vực sông, Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc lưu vực sông.
d) Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chủ dự án hoàn chỉnh phương án xây dựng công trình gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước xem xét, chấp thuận về quy mô, phương án xây dựng công trình trước khi lập dự án đầu tư.
8. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến do chủ dự án chi trả.
Điều 3. Công khai thông tin
Việc công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện như sau:
1. Chủ dự án quy định tại Điểm a, b, c, d và Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này phải công bố công khai các thông tin sau đây:
a) Đối với công trình quy định tại Điểm a, b và Điểm c Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này:
- Mục đích khai thác, sử dụng nước;
- Nguồn nước khai thác, sử dụng;
- Vị trí công trình khai thác, sử dụng nước;
- Phương thức khai thác, sử dụng nước;
- Lượng nước khai thác, sử dụng;
- Thời gian khai thác, sử dụng;
- Các đặc tính cơ bản của hồ, đập trong trường hợp xây dựng hồ, đập.
b) Đối với công trình quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này:
- Loại nước thải;
- Nguồn nước tiếp nhận nước thải;
- Vị trí xả nước thải;
- Lưu lượng, phương thức xả nước thải;
- Giới hạn thông số và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải.
c) Đối với công trình khai thác nước dưới đất quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này:
- Mục đích khai thác, sử dụng nước;
- Vị trí công trình khai thác nước;
- Tầng chứa nước khai thác, độ sâu khai thác;
- Tổng số giếng khai thác;
- Tổng lượng nước khai thác, sử dụng;
- Chế độ khai thác;
- Thời gian khai thác, sử dụng.
2. Việc công khai thông tin được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ủy ban nhân dân các huyện và trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định tại Khoản 3 Điều 2 của Nghị định này;
b) Ba mươi (30) ngày làm việc trước khi khởi công và trong suốt quá trình xây dựng công trình, chủ dự án phải niêm yết công khai thông tin quy định tại Khoản 1 Điều này tại Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã và tại địa điểm nơi xây dựng công trình.
Download Nghị định này để xem thêm chi tiết