Nghị định 31/2017/NĐ-CP - Quy chế lập, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 739,8 KB
Lượt tải: 14
Nhà phát hành: Chính phủ


Chia sẻ về Nghị định 31/2017/NĐ-CP: Nghị định 31/2017/NĐ-CP hướng dẫn quy chế lập kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm địa phương, lập dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.

Nội dung chi tiết:

Ngày 23/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2017/NĐ-CP về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương (NSĐP) hằng năm. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2017. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH 31/2017/NĐ-CP

BAN HÀNH QUY CHẾ LẬP, THẨM TRA, QUYẾT ĐỊNH KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 05 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, DỰ TOÁN VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG HẰNG NĂM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm và hệ thống biểu mẫu.

Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với lập, thẩm tra, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương các năm 2015, 2016 áp dụng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 và Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017 đối với việc lập, thẩm tra, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm; từ năm ngân sách 2018 đối với việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương; từ năm ngân sách 2021 đối với việc lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương.

2. Bãi bỏ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

QUY CHẾ

LẬP, THẨM TRA, QUYẾT ĐỊNH KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 05 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, DỰ TOÁN VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG HẰNG NĂM
(Kèm theo Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức lập, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân xem xét, thẩm tra, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo cáo:

1. Trình Hội đồng nhân dân quyết định: Kế hoạch tài chính 05 năm địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương hằng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

2. Trình Hội đồng nhân dân tham khảo về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương khi xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương.

3. Trình Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng nhân dân; Thường trực Hội đồng nhân dân; Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Ban kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

2. Ủy ban nhân dân.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc lập, thẩm tra, xem xét, quyết định

1. Bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.

2. Kế hoạch tài chính ngân sách, dự toán ngân sách địa phương đảm bảo cân đối ngân sách vững chắc, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách; phân bổ ngân sách địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; quyết toán ngân sách địa phương phải chính xác, đầy đủ, hiệu quả, ngân sách cấp huyện, xã không được quyết toán chi ngân sách lớn hơn thu ngân sách.

3. Việc lập, thẩm tra, xem xét, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương phải tuân thủ các quy định về nguyên tắc cân đối, quản lý ngân sách, phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách, nội dung, trình tự, phương thức, thời gian, thẩm quyền của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật tổ chức chính quyền địa phương và quy định của Quy chế này.

Chương II

LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 05 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM ĐỊA PHƯƠNG, DỰ TOÁN VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 4. Lập báo cáo kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương

1. Năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương. Hằng năm, Ủy ban nhân dân lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương trình Hội đồng nhân dân để tham khảo khi xem xét, quyết định dự toán, phân bổ ngân sách địa phương.

2. Căn cứ, yêu cầu, nguyên tắc lập báo cáo:

a) Căn cứ, yêu cầu lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm.

b) Căn cứ, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 50, Điều 51 Luật đầu tư công.

3. Nội dung báo cáo:

a) Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 43 của Luật ngân sách nhà nước.

b) Nội dung kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương theo quy định tại Điều 52 Luật đầu tư công.

(Kèm theo các biểu mẫu từ số 01 đến số 11)

Điều 5. Lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương

1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (cấp huyện và cấp xã lập dự toán thu ngân sách nhà nước đối với những khoản thu được phân cấp quản lý), dự toán thu, chi ngân sách địa phương (đối với cấp tỉnh và cấp huyện gồm ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới).

2. Căn cứ lập dự toán ngân sách địa phương:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bình đẳng giới;

b) Chính sách, chế độ thu ngân sách nhà nước, định mức phân bổ ngân sách và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách;

c) Kế hoạch tài chính 05 năm địa phương và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương (đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương;

d) Tình hình thực hiện ngân sách địa phương năm hiện hành;

đ) Nhiệm vụ thu, chi ngân sách cấp trên giao; nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách được phân cấp; báo cáo dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình, địa phương cấp dưới trực tiếp;

e) Các căn cứ khác theo quy định tại Điều 41 Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

3. Yêu cầu lập dự toán ngân sách địa phương:

a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phải căn cứ vào dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tăng trưởng của địa phương và các chỉ tiêu liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí, chế độ thu ngân sách và tổng hợp theo từng khoản thu.

b) Dự toán chi ngân sách địa phương tổng hợp theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực, chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong đó:

- Dự toán chi đầu tư phát triển được lập trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, khả năng cân đối các nguồn lực trong năm dự toán;

- Dự toán chi thường xuyên được lập trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

- Dự toán chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ bảo đảm không thấp hơn dự toán cấp trên giao;

- Dự toán chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được lập căn cứ vào danh mục, tổng mức kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn do Quốc hội quyết định, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và chi tiết các dự án thành phần đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia;

- Dự toán chi trả nợ lãi vay được lập trên cơ sở bảo đảm trả các khoản lãi vay đến hạn của năm dự toán ngân sách; vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương phải căn cứ vào cân đối ngân sách địa phương, khả năng từng nguồn vay, khả năng trả nợ và trong giới hạn vay nợ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

c) Dự toán ngân sách các cấp được lập theo đúng biểu mẫu, thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Nội dung báo cáo dự toán ngân sách địa phương:

a) Tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm hiện hành:

- Đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương; bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh; tình hình vay, trả nợ của địa phương;

- Tình hình thực hiện các giải pháp tài chính - ngân sách theo Nghị quyết Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cấp trên, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên;

- Những giải pháp bổ sung để tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách.

(Kèm theo các biểu mẫu từ số 12 đến số 14)

b) Dự toán ngân sách địa phương năm sau:

- Các căn cứ xây dựng dự toán ngân sách địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở xây dựng dự toán thu, chi ngân sách theo chế độ quy định;

- Mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách địa phương;

- Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm không thấp hơn dự toán thu ngân sách nhà nước được cấp trên giao;

- Dự toán thu ngân sách địa phương, bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) và thu bổ sung từ ngân sách cấp trên (bao gồm số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu). Đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, phải kèm theo căn cứ xác định số bổ sung cân đối ngân sách;

- Dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm chi ngân sách cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp dưới, chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi vay (nếu có), chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chi chương trình mục tiêu. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ. Trong chi đầu tư phát triển báo cáo rõ việc xử lý nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước;

- Các tài liệu thuyết minh dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương;

- Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh, phương án vay bù đắp bội chi (Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật. Vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài). Báo cáo trả nợ gốc ngân sách địa phương; mức dư nợ vay, nợ đến hạn phải trả, số nợ quá hạn phải trả, số lãi phải trả trong năm, số vay, khả năng trả nợ trong năm và số dư nợ đến cuối năm;

- Các chủ trương, giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm sau.

(Kèm theo các biểu mẫu từ số 15 đến số 18)

Điều 6. Lập báo cáo phân bổ ngân sách địa phương

1. Căn cứ lập báo cáo phân bổ ngân sách địa phương:

a) Dự toán ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân quyết định;

b) Nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình và địa phương cấp dưới trực tiếp;

c) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định;

d) Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và mức bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên. Đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, phải căn cứ vào phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp trên với ngân sách cấp dưới và dự toán thu, chi ngân sách của từng địa phương cấp dưới trực tiếp.

2. Yêu cầu lập báo cáo phân bổ ngân sách địa phương:

a) Đúng với dự toán ngân sách Hội đồng nhân dân thông qua cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ thu, chi được giao;

b) Đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi;

c) Phân bổ đủ vốn, kinh phí để thu hồi các khoản đã ứng trước dự toán đến hạn thu hồi trong năm, vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn ưu đãi khác của các nhà tài trợ nước ngoài theo cam kết;

d) Đối với phân bổ vốn đầu tư phát triển phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Đối với phân bổ các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới phải bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng và thực hiện đúng các cam kết hoặc quy định về bố trí ngân sách địa phương cho mục tiêu đó.

3. Nội dung lập báo cáo phân bổ ngân sách địa phương:

a) Tình hình thực hiện ngân sách cấp mình và cấp dưới năm hiện hành;

b) Các căn cứ xây dựng phương án phân bổ ngân sách địa phương năm sau;

c) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từng địa phương cấp dưới trực tiếp, thu ngân sách địa phương;

d) Dự toán chi ngân sách địa phương; chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên theo từng lĩnh vực; chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương; dự phòng ngân sách;

đ) Dự toán chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình theo từng lĩnh vực;

e) Nhiệm vụ thu, chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương; số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách từng địa phương cấp dưới (bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu). Đối với số bổ sung cân đối ngân sách năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phải kèm theo tài liệu thuyết minh căn cứ xác định;

g) Bổ sung có mục tiêu thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định;

h) Dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia;

i) Bổ sung có mục tiêu thực hiện các chương trình mục tiêu;

k) Danh mục, tổng mức vốn đầu tư, tiến độ thực hiện và kế hoạch vốn đầu tư đối với các dự án, các công trình thuộc nguồn ngân sách nhà nước; trong đó, nêu chi tiết các công trình, dự án theo lĩnh vực, nhóm dự án, đầu tư mới, chuyển tiếp;

l) Báo cáo tình hình thực hiện, dự kiến kế hoạch tài chính năm sau của một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chủ yếu do địa phương quản lý;

m) Các tài liệu thuyết minh phương án phân bổ ngân sách địa phương.

4. Ngoài các nội dung trên, Ủy ban nhân dân lập, trình Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp:

- Năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách: Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngân sách từng xã, phường, thị trấn; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với ngân sách từng xã, phường, thị trấn;

- Phương án thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của Luật phí, lệ phí, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan;

- Các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo khung của Chính phủ và chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương;

b) Ủy ban nhân dân lập, trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp: Phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu (trừ tăng thu của ngân sách địa phương do phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách phải nộp về ngân sách cấp trên) và tiết kiệm chi của ngân sách địa phương đối với từng nhiệm vụ chi, đảm bảo đúng quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước.

(Kèm theo các biểu mẫu từ số 19 đến số 47)

Điều 7. Lập báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

1. Căn cứ, yêu cầu lập quyết toán ngân sách địa phương:

Lập báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phải tuân thủ quy định tại các Điều 64, 65, 66, 67, 68 và 69 của Luật ngân sách nhà nước; căn cứ vào báo cáo quyết toán ngân sách cấp dưới đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn, báo cáo quyết toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình đã được cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương và các khoản chi chuyển nguồn của ngân sách địa phương năm trước được quyết toán vào ngân sách địa phương năm sau theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Nội dung báo cáo quyết toán ngân sách địa phương:

a) Quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương; bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách địa phương và trả nợ gốc của ngân sách địa phương;

b) Quyết toán chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu;

c) Thuyết minh quyết toán ngân sách địa phương;

d) Báo cáo tình hình thực hiện các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách của địa phương, kèm theo thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của quỹ;

đ) Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương (nếu có).

(Kèm theo các biểu mẫu từ số 48 đến số 64)

Điều 8. Trách nhiệm các cơ quan trong lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách địa phương hằng năm

1. Cơ quan thuế, hải quan được giao quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gửi cơ quan thu cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ đầu tư lập dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách trong phạm vi nhiệm vụ được giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp. Các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương phối hợp với cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp lập dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách theo ngành, lĩnh vực được giao phụ trách.

3. Cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan có liên quan tổng hợp, lập, trình Ủy ban nhân dân kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách địa phương, quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương và các báo cáo khác có liên quan; đồng thời gửi các báo cáo trên đến Ban kinh tế - ngân sách (Ban kinh tế - xã hội) của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân.

4. Ban kinh tế - ngân sách (Ban kinh tế - xã hội) của Hội đồng nhân dân phối hợp với cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan có liên quan khác của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong quá trình lập kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán, phân bổ ngân sách địa phương, quyết toán ngân sách địa phương và các báo cáo khác liên quan.

5. Ủy ban nhân dân xem xét, thảo luận kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách địa phương và quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương và các báo cáo khác liên quan có sự tham dự của Ban kinh tế - ngân sách (Ban kinh tế - xã hội) của Hội đồng nhân dân.

............

Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

download.com.vn