Nghị định 33/2017/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước khoáng sản
Nội dung chi tiết:
Ngày 03/04/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó quy định mức xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước được quy định đối với từng hành vi cụ thể như sau:
- Đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép: phạt tiền từ 20.000.000đ đến 250.000.000đ.
- Đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép: phạt tiền từ 10.000.000đ đến 250.000.000đ tùy từng hành vi.
- Đối với hành vi hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép: phạt tiền tối đa 50.000.000đ .
- Đối với hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép: phạt tiền tối đa 50.000.000đ và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác tài nguyên nước đến 12 tháng.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ KHOÁNG SẢN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.
3. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản được quy định cụ thể tại Chương III Nghị định này.
4. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản không quy định tại Nghị định này thì được áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Điều 2. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính:
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng;
b) Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng;
c) Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; khắc phục tình trạng hạn hán, lũ lụt, thiếu nước; buộc thực hiện việc trám lấp giếng, các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các giải pháp phục hồi môi trường khu vực khai thác;
b) Buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác;
c) Buộc thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa; các biện pháp vận hành hồ chứa để đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ; các biện pháp vận hành, cắt giảm lũ cho hạ du; các biện pháp vận hành bảo đảm lưu lượng nước sau công trình trong mùa cạn hàng năm; các biện pháp vận hành đảm bảo mực nước tối thiểu của hồ chứa trong mùa cạn; các biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước ở hạ du hồ chứa;
d) Buộc khắc phục các thiệt hại đối với các hành vi vi phạm gây ra lũ, lụt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa;
đ) Buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường;
e) Buộc san lấp công trình thăm dò; thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phục hồi môi trường và giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản;
g) Buộc san lấp các công trình thăm dò, phục hồi môi trường trong diện tích khu vực đã thăm dò vượt ra ngoài diện tích được phép thăm dò; phục hồi môi trường khu vực đã thăm dò; buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường;
h) Thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn; phục hồi đất đai theo đề án đóng cửa mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
i) Buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác; phương án khai thông, chuẩn bị (đối với khai thác hầm lò), phương án mở vỉa (đối với khai thác lộ thiên); khai thác đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác; sử dụng bãi thải đúng vị trí và diện tích xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt hoặc nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản;
k) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra;
l) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hư hỏng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện việc nâng cấp, duy tu, xây dựng đường giao thông;
m) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra;
n) Buộc giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản;
o) Buộc san lấp, tháo dỡ công trình vi phạm; buộc dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy; buộc di chuyển máy móc, thiết bị, tài sản ra khỏi khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản;
p) Buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm;
q) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ khoản tiền sử dụng thông tin về khoáng sản theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nộp bổ sung phần tiền do chậm nộp.
Điều 3. Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 34 Nghị định này. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại các Điều 59, 60, 61, 62, 63 và Điều 64 Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền mức tối đa áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; đối với tổ chức, thẩm quyền phạt tiền mức tối đa gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.