Nghị định 73/2016/NĐ-CP - Hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm và luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi
Nội dung chi tiết:
Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm về việc thành lập, hoạt động và quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Nghị định 73/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/7/2016.
Quy định chung của nghị định 73/2016/NĐ-CP
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm bao gồm:
- Thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi tắt là chi nhánh nước ngoài), doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài và quỹ bảo vệ người được bảo hiểm;
- Chế độ quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
2. Nghị định này áp dụng đối với:
- Doanh nghiệp bảo hiểm;
- Chi nhánh nước ngoài;
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm;
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm
- Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện, an toàn và lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế và dân cư; bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng những sản phẩm bảo hiểm đạt tiêu chuẩn quốc tế; tạo lập môi trường pháp lý kinh doanh bình đẳng nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bảo hiểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
- Nhà nước tạo điều kiện để Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tăng cường vai trò tự quản trong lĩnh vực bảo hiểm; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh vì quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Điều 3. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm và cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam
- Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động (sau đây gọi tắt là Giấy phép) hoặc đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại khoản 1 Điều 90 và Điều 91 Nghị định này.
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 Nghị định này. Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.
Điều 4. Nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm
- Bảo hiểm nhân thọ gồm các nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật kinh doanh bảo hiểm và khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
- Bảo hiểm phi nhân thọ gồm các nghiệp vụ quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật kinh doanh bảo hiểm, khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Bảo hiểm bảo lãnh là hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo đó doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài chấp nhận rủi ro của người được bảo lãnh, trên cơ sở người được bảo lãnh đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Các bên có thể thỏa thuận về việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài chỉ thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
- Bảo hiểm sức khỏe gồm các nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm quy định trong Giấy phép và phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Điều 5. Bảo hiểm bắt buộc
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp đối tượng bảo hiểm đã đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định pháp luật.
Điểm chính trong nghị định 73/2016/NĐ-CP
1. Cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
Nghị định số 73/2016 quy định điều kiện chung để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn
- Không thuộc đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp;
- Vốn góp phải bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư để tham gia góp vốn;
- Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và không có lỗ lũy kế;
- Đối với ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;
- Tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán phải đảm bảo an toàn tài chính và được chấp thuận theo pháp luật chuyên ngành.
- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến thành lập
- Phải có vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp không thấp hơn vốn pháp định;
- Có loại hình doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp, Quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài;
- Có người quản trị, điều hành dự kiến đủ điều kiện.
Ngoài các điều kiện chung ở trên, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể quy định tại Nghị định 73.
Mức vốn pháp định, hồ sơ, thủ tục cấp, thay đổi Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cũng được quy định tại Nghị định số 73/2016.
2. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
Theo Nghị định số 73/NĐ-CP thì tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm gồm có: Trụ sở chính; chi nhánh, sở giao dịch, hội sở, công ty thành viên hạch toán phụ thuộc; văn phòng đại diện; địa điểm kinh doanh, phòng giao dịch. Đặc biệt, chi nhánh nước ngoài không được phép thành lập chi nhánh trực thuộc tại Việt Nam.
Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được bán sản phẩm dưới các hình thức: Trực tiếp; thông qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; đấu thầu; giao dịch điện tử và các hình thức khác.
Ngoài ra, Nghị định số 73 năm 2016 còn quy định về hoạt động tái bảo hiểm và hoạt động môi giới bảo hiểm; chế độ tài chính; đại lý bảo hiểm và cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm; cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm qua biên giới; Văn phòng đại diện; Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.