Nghị định 91/2018/NĐ-CP - Quy định mới về hạn mức bảo lãnh Chính phủ

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 675,4 KB
Lượt tải: 6
Nhà phát hành: Chính phủ


Bạn đã biết về Nghị định 91/2018/NĐ-CP chưa? - Ngày 26/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.

Nội dung chi tiết:

Ngày 26/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Theo đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ được quy định như sau:

  • Đối với doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh trong một giai đoạn 05 năm, hằng năm.
  •  Bộ Tài chính chủ trì xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
  • Đối với hạn mức bảo lãnh 05 năm: doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư được Chính phủ bảo lãnh 05 năm tiếp theo phải đề xuất với Bộ Tài chính trước ngày 30/6 năm thứ năm của giai đoạn trước.
  • Đối với hạn mức bảo lãnh hằng năm: doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có nhu cầu được cấp bảo lãnh trong năm kế hoạch, gửi văn bản đăng ký cho Bộ Tài chính trước ngày 30/6 của năm liền kề trước đó.
CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 91/2018/NĐ-CP Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH 91/2018/NĐ-CP

VỀ CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, bao gồm:

1. Thẩm định, phê duyệt và cấp bảo lãnh Chính phủ.

2. Quản lý bảo lãnh Chính phủ.

3. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm:

1. Đối tượng được bảo lãnh.

2. Người bảo lãnh.

3. Người nhận bảo lãnh.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ đã được quy định trong Luật Quản lý nợ công, trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước là chương trình huy động, cho vay và tái cơ cấu nợ của ngân hàng chính sách bao gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.

2. Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng là tổ chức được ủy quyền để tiếp nhận, xác nhận việc đã nhận được các hồ sơ tố tụng liên quan đến Thư bảo lãnh Chính phủ và chuyển toàn bộ hồ sơ tố tụng cho Bộ Tài chính.

3. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là tổng nợ phải trả (bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn) so với tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

4. Hệ số khả năng thanh toán nhanh là hệ số phản ánh khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, được tính bằng tỷ lệ giữa tổng tài sản ngắn hạn so với tổng nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.

5. Hệ số trả nợ dài hạn là hệ số phản ánh khả năng thanh toán nợ dài hạn, được tính bằng tỷ lệ giữa tổng tài sản dài hạn so với tổng nợ dài hạn của doanh nghiệp.

6. Hệ số trả nợ bình quân 05 năm đầu là bình quân các hệ số trả nợ vay trong 05 năm đầu tiên khi dự án đi vào hoạt động theo Bảng phân tích dòng tiền của dự án.

7. Ngân hàng phục vụ là ngân hàng nơi đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp mở tài khoản dự án, tài khoản vay, trả nợ nước ngoài và thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới việc giám sát rút vốn, trả nợ, tài sản bảo đảm của dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.

8. Nghĩa vụ thanh toán là các khoản phải trả gồm nợ gốc, nợ lãi theo quy định trong thỏa thuận vay cụ thể, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và được nêu trong Thư bảo lãnh.

9. Người bảo lãnh là Chính phủ, do Bộ Tài chính là đại diện chính thức hay còn gọi là cơ quan cấp và quản lý bảo lãnh theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Quản lý nợ công.

10. Người nhận bảo lãnh là người có quyền thụ hưởng Thư bảo lãnh do Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ phát hành. Người nhận bảo lãnh bao gồm người cho vay, người sở hữu trái phiếu và những người nhận chuyển nhượng, những người nhận chuyển giao hợp pháp của người cho vay, người sở hữu trái phiếu và được gọi chung là Bên cho vay trong các thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu.

11. Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao của đối tượng được bảo lãnh là người nhận toàn bộ hoặc một phần các quyền và nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh trong giao dịch chuyển nhượng khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, được người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh chấp thuận.

12. Phát hành trái phiếu là việc phát hành công cụ nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện tại thị trường trong nước bằng đồng nội tệ.

13. Tài khoản dự án là tài khoản bằng đồng Việt Nam do đối tượng được bảo lãnh mở tại Ngân hàng phục vụ và đăng ký bằng văn bản với Bộ Tài chính.

14. Thư bảo lãnh là văn bản về bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới các hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh.

Điều 4. Đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ

Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công, đáp ứng đủ các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Điều 5. Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ

1. Điều kiện được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Quản lý nợ công, cụ thể như sau:

a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, đề nghị cấp bảo lãnh;

b) Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại được quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý nợ công, nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ, nợ quá hạn với bên cho vay đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ quá hạn với các tổ chức tín dụng khác.

d) Có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 20 Nghị định này;

đ) Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu cụ thể theo tiến độ thực hiện dự án;

e) Trong trường hợp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phát hành chứng khoán ra công chứng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Điều kiện được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với ngân hàng chính sách thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý nợ công.

Điều 6. Mức bảo lãnh Chính phủ

1. Đối với dự án do Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền.

2. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.

3. Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu do ngân hàng chính sách phát hành là tối đa 100% hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định này.

Điều 7. Thư bảo lãnh

1. Thư bảo lãnh do Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ cấp và quản lý. Bộ Tài chính chỉ cấp Thư bảo lãnh, không cấp Thư tái bảo lãnh.

2. Thư bảo lãnh được phát hành một lần duy nhất cho từng khoản vay, từng đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và không vượt quá tổng mức dự kiến bảo lãnh cho khoản vay, phát hành trái phiếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho dự án đầu tư. Riêng đối với các ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh hàng quý theo khối lượng trái phiếu thực tế phát hành.

3. Bộ Tài chính phát hành văn bản riêng đối với việc sửa đổi, bổ sung Thư bảo lãnh theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

4. Nội dung bắt buộc có trong Thư bảo lãnh gồm:

a) Người bảo lãnh;

b) Đối tượng được bảo lãnh;

c) Dẫn chiếu các hợp đồng thương mại liên quan, thỏa thuận vay hoặc thông tin về khoản phát hành trái phiếu được bảo lãnh (nếu có);

d) Số tiền vay được bảo lãnh, loại tiền vay được bảo lãnh;

đ) Cam kết của Bộ Tài chính đối với người nhận bảo lãnh về các nghĩa vụ của Đối tượng được bảo lãnh và Bộ Tài chính;

e) Quyền lợi và trách nhiệm của người nhận bảo lãnh;

g) Thời hạn hiệu lực và thu hồi Thư bảo lãnh;

h) Luật điều chỉnh và cơ quan, địa điểm, ngôn ngữ được sử dụng trong giải quyết các tranh chấp;

i) Địa điểm, ngày, tháng, năm ký phát hành Thư bảo lãnh.

5. Những nội dung khác của Thư bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng không trái với các quy định pháp luật của Việt Nam.

6. Thư bảo lãnh có hiệu lực từ ngày phát hành đến ngày đối tượng được bảo lãnh hoặc người bảo lãnh hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán được bảo lãnh đối với người nhận bảo lãnh theo các điều kiện ghi trong thỏa thuận vay hoặc điều khoản, điều kiện của trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Điều 8. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ

1. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ được xác định cụ thể đối với doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh trong một giai đoạn 05 năm, hằng năm.

2. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Điều 9. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm

1. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm là một chỉ tiêu của kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, được Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Luật Quản lý nợ công.

2. Căn cứ nhu cầu vay vốn do các đối tượng được bảo lãnh đề xuất và trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, mục tiêu về vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn trước liền kề và mục tiêu, chỉ tiêu an toàn nợ công, định hướng, giải pháp quản lý nợ công an toàn, bền vững giai đoạn 05 năm tiếp theo, Bộ Tài chính tổng hợp, xây dựng hạn mức bảo lãnh chính phủ 05 năm phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của Chính phủ.

3. Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có nhu cầu vay vốn, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong 05 năm tiếp theo có trách nhiệm đề xuất với Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 năm thứ năm của giai đoạn trước. Nội dung đề xuất gồm:

a) Tên dự án đầu tư;

b) Trị giá vay cho từng dự án (nếu có);

c) Hình thức vay (khoản vay, khoản phát hành trái phiếu);

d) Thời gian dự kiến đề nghị cấp bảo lãnh và thực hiện.

4. Ngân hàng chính sách căn cứ chiến lược hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trong 05 năm giai đoạn trước liền kề, đề xuất kế hoạch phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong 05 năm tiếp theo để thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước gửi Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 năm thứ năm của giai đoạn trước. Nội dung đề xuất bao gồm:

a) Tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong 05 năm giai đoạn trước liền kề, dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu từng năm;

b) Cơ cấu nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có nguồn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; tình hình phát hành và thanh toán trả nợ gốc, lãi trái phiếu Chính phủ bảo lãnh;

c) Dự kiến kế hoạch tăng trưởng tín dụng chính sách, cơ cấu nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, trong đó có nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong 05 năm tiếp theo;

d) Dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, kế hoạch trả nợ gốc lãi trong 05 năm tiếp theo.

5. Việc điều chỉnh hạn mức bảo lãnh chính phủ 05 năm nằm trong phương án điều chỉnh các chỉ tiêu an toàn nợ công do Chính phủ xây dựng trình Quốc hội xem xét, quyết định và thực hiện theo quy định của khoản 6 Điều 22 Luật Quản lý nợ công.

Điều 10. Hạn mức bảo lãnh chính phủ hàng năm

1. Hạn mức bảo lãnh chính phủ hàng năm là một chỉ tiêu trong kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, được Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo Chính phủ quyết định theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Luật Quản lý nợ công.

2. Căn cứ hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm, nhu cầu và khả năng huy động vốn vay, Bộ Tài chính xây dựng hạn mức bảo lãnh chính phủ năm kế hoạch, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 của năm liền kề trước năm kế hoạch và được thực hiện vào năm kế hoạch sau khi được Chính phủ phê duyệt.

3. Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 13 Nghị định này, có nhu cầu đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ trong năm kế hoạch phải gửi văn bản đăng ký cho Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 của năm liền kề trước đó, gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên dự án đầu tư;

b) Trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu dự kiến đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ trong năm kế hoạch và dự kiến hai năm tiếp theo đối với dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh;

c) Số tham chiếu và ngày của văn bản phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ;

d) Số rút vốn, trả nợ dự kiến trong năm kế hoạch và hai năm tiếp theo của các khoản vay, khoản phát hành đã được cấp bảo lãnh và dự kiến được cấp bảo lãnh Chính phủ;

đ) Tên dự án đã được phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh và các thông tin nêu tại điểm b, c và d khoản này dự kiến đề nghị cấp bảo lãnh trong hai năm tiếp theo năm kế hoạch.

4. Ngân hàng chính sách căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước dự kiến, kế hoạch huy động vốn, cho vay, trả nợ, dự toán cấp bù chênh lệch lãi suất gửi văn bản đề xuất cấp bảo lãnh cho Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 10 của năm liền kề năm kế hoạch, gồm các nội dung chính sau đây:

a) Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm kế hoạch;

b) Nhu cầu huy động và sử dụng vốn thực hiện chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng chính sách năm kế hoạch, trong đó bao gồm nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh;

c) Dự kiến nhu cầu phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm kế hoạch.

5. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch cấp bảo lãnh chính phủ đã đăng ký trong năm kế hoạch, đối tượng được bảo lãnh phải có văn bản gửi Bộ Tài chính và nêu rõ lý do của việc điều chỉnh.

............

Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

download.com.vn