Nghị định của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư -
Nội dung chi tiết:
Nghị định của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư
Nghị định số 113/2009/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.
CHÍNH PHỦ
Số: 113/2009/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
về giám sát và đánh giá đầu tư
__________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12;
Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Nghị định này quy định về nội dung giám sát, đánh giá và việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn;
b) Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ;
c) Các quy định về theo dõi, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khác với quy định tại Nghị định này, thực hiện theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA. Việc kiểm tra dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được thực hiện theo quy định tại Nghị định này;
d) Việc giám sát cộng đồng được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Giám sát, đánh giá đầu tư” là hoạt động theo dõi, kiểm tra và đánh giá mức độ đạt được của quá trình đầu tư so với yêu cầu và mục tiêu đầu tư. Giám sát, đánh giá đầu tư gồm giám sát, đánh giá dự án đầu tư và giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư.
2. “Giám sát dự án đầu tư” là hoạt động theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất quá trình đầu tư của dự án theo các quy định về quản lý đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của dự án.
3. “Theo dõi dự án đầu tư” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện dự án; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo dự án đầu tư thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.