Nghị định số 102/2010/NĐ-CP - Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp
Nội dung chi tiết:
Nghị định số 102/2010/NĐ-CP - Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp
Nghị định số 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
CHÍNH PHỦ ----------- Số: 102/2010/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp
-------------------------------
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (sau đây gọi chung là doanh nghiệp);
2. Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không đăng ký lại theo Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 101/2006/NĐ-CP);
3. Hộ kinh doanh;
4. Các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Điều 3. Áp dụng Luật Doanh nghiệp, Điều ước quốc tế và pháp luật liên quan
1. Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp; trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh, cơ cấu sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh thì áp dụng theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật sau đây về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh; về cơ cấu tổ chức quản lý, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp, quyền tự chủ kinh doanh, cơ cấu lại và giải thể doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật đó.
a) Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Luật Dầu khí;
c) Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
d) Luật Xuất bản;
đ) Luật Báo chí;
e) Luật Giáo dục;
g) Luật Chứng khoán;
h) Luật Kinh doanh bảo hiểm;
i) Luật Luật sư;
k) Luật Công chứng;
l) Luật sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại khoản này và các luật đặc thù khác được Quốc hội thông qua sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều 4. Tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp
1. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ tổ chức.
2. Doanh nghiệp tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, kết nạp những người làm việc tại doanh nghiệp vào các tổ chức này.
3. Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thời gian và các điều kiện cần thiết khác để thành viên các tổ chức Đảng, đoàn thể làm việc tại doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt theo Điều lệ và nội quy của tổ chức.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết