Nghị định số 71/2014/NĐ-CP - Hướng dẫn Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh
Nội dung chi tiết:
CHÍNH PHỦ --------------- Số: 71/2014/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------------------------ Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2014 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT CẠNH TRANH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CẠNH TRANH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
2. Hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Nghị định này bao gồm:
a) Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh;
b) Hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
c) Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sau:
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam (sau đây gọi chung là hiệp hội) được quy định tại Điều 2 của Luật Cạnh tranh.
2. Tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi được quy định tại Mục 5 Chương II của Nghị định này.
Điều 3. Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
3. Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường;
b) Buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua;
c) Buộc cải chính công khai;
d) Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh;
đ) Buộc sử dụng hoặc bán lại các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đã mua nhưng không sử dụng;
e) Buộc loại bỏ những biện pháp ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
g) Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở;
h) Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;
i) Buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng đã thay đổi mà không có lý do chính đáng;
k) Buộc khôi phục lại hợp đồng đã hủy bỏ mà không có lý do chính đáng.
Điều 4. Xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh
1. Tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh được xác định theo tỷ lệ phần trăm doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào của hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp vi phạm.
2. Trong trường hợp không thể xác định được doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào của hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hành vi vi phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tiền phạt được xác định theo tỷ lệ phần trăm tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
3. Khi xác định tiền phạt theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các thông tin, số liệu trong sổ sách tài chính, kế toán do doanh nghiệp cung cấp. Trường hợp doanh nghiệp không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, số liệu không đúng, cơ quan cóthẩm quyền có thể căn cứ vào các thông tin, số liệu tự thu thập hoặc các thông tin, số liệu sẵn có.
4. Tỷ lệ phần trăm theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền xác định căn cứ vào một hoặc một số yếu tố sau đây:
a) Mức độ gây hạn chế cạnh tranh do hành vi vi phạm gây ra;
b) Mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra;
c) Khả năng gây hạn chế cạnh tranh của các đối tượng vi phạm;
d) Thời gian thực hiện hành vi vi phạm;
đ) Phạm vi thực hiện hành vi vi phạm;
e) Khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
g) Các yếu tố cần thiết khác trong từng vụ việc cụ thể.
5. Đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 85 của Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, mức tiền phạt xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều này được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng 15%.
6. Trong mọi trường hợp, mức tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh không được vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với hành vi đó được quy định tại Mục 1, Mục 2 và Mục 3 Chương II của Nghị định này.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết