Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP - Về khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Nội dung chi tiết:
Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP - Về khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ: Về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
CHÍNH PHỦ -------------------
Số: 16/2008/NQ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
Về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân ở hai thành phố, đang là vấn đề xã hội hết sức bức xúc.
Để từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi các ngành và chính quyền hai thành phố phải thực hiện đồng bộ các biện pháp trước mắt cũng như lâu dài.
Trên cơ sở Đề án “Từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
1. Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị:
a) Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân hai thành phố công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 và quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2008.
b) Ủy ban nhân dân hai thành phố chủ trì, phối hợp với các Bộ:
- Lập quy hoạch xây dựng các bến, bãi đỗ xe; xúc tiến thực hiện các dự án xây dựng điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; chỉ cho phép xây dựng các khu chung cư cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ nếu đảm bảo được diện tích để môtô, xe gắn máy, ôtô theo quy định;
- Xây dựng, cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm, các đường cao tốc, các đường vành đai, các trục đô thị chính, các nút giao thông, đường sắt đô thị. Khẩn trương xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm cho người đi bộ, thiết kế lại giao thông hợp lý tại các điểm có cầu vượt hoặc hầm cho người đi bộ, nâng cấp, bổ sung thiết bị điều khiển giao thông tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc;
- Hiện đại hóa các Trung tâm điều hành giao thông đô thị;
- Hoàn thành việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện việc tổng kiểm tra, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý hè phố, lòng đường đô thị; dành một phần làm nơi để môtô, xe gắn máy có trật tự trên những hè phố rộng nhưng không được làm cản trở giao thông và phải bảo đảm bề rộng dành cho người đi bộ.
2. Quy hoạch và thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm:
a) Trong năm 2009, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức lập quy hoạch di dời các cơ quan hành chính, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng định mức diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phục vụ cho việc cấp phép xây dựng mới các chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại, siêu thị;
b) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh căn cứ quy hoạch di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn được phê duyệt, lập kế hoạch cụ thể việc di dời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cuộc vận động xây dựng nếp “văn hóa giao thông” và “văn minh đô thị”, tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị:
a) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đoàn thể thực hiện tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về nếp “văn hóa giao thông” và nếp sống “văn minh đô thị” của người dân đô thị thể hiện ở việc tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: đi bộ trên hè phố, điều khiển phương tiện giao thông đi đúng làn đường, phần đường, tạo thói quen đi bộ trên quãng đường ngắn trong sinh hoạt hằng ngày; nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phổ biến phù hợp với từng tầng lớp nhân dân nhằm từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông;
b) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo:
- Lực lượng Công an hai thành phố: áp dụng các hình thức điều khiển giao thông phù hợp, nâng cao năng lực sử dụng Trung tâm điều khiển giao thông thành phố nhằm phát hiện sớm điểm ùn tắc giao thông để có biện pháp giải quyết kịp thời; tập trung xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông như: dừng, đỗ xe, chuyển hướng, tránh, vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, điều khiển xe đi trên hè phố, đi không đúng làn đường quy định, lấn chiếm lòng đường, hè phố, không tuân theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông; kiên quyết kỷ luật những cán bộ, chiến sĩ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc xử lý vi phạm không đúng quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát, lắp đặt camera, nhằm sớm áp dụng rộng rãi hình thức phát hiện vi phạm và tăng cường xử phạt vi phạm qua hình ảnh ghi được từ camera;
- Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an thành phố thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án phân luồng, phân làn lưu thông cho từng loại phương tiện giao thông, hoàn thiện các phương án tổ chức giao thông nội đô; lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách; phân làn cho từng loại phương tiện.
c) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh ngay công tác quản lý và sử dụng hè phố; xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố phục vụ mục đích riêng và chính quyền các cấp cho phép sử dụng lòng đường, hè phố trái với quy định.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết