Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên - Những bài văn mẫu lớp 8 hay nhất
Nội dung chi tiết:
Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một trong những bài tập làm văn mẫu tiêu biểu về thể loại văn phân tích trong chương trình Ngữ Văn lớp 8.
Các em học sinh có thể lưu lại ngay dàn ý chi tiết cùng những bài văn mẫu phân tích bài thơ Ông đồ hay nhất được Download.com.vn sưu tầm và đăng tải dưới đây, giúp các em nhanh chóng hoàn thiện bài tập làm văn của mình và đạt được điểm số cao. Mời các bạn cùng tham khảo.
Dàn ý phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên
A. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên là bài thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới giai đoạn đầu.
- Khái quát hình ảnh ông đồ: Hình ảnh ông đồ là hình ảnh trung tâm của bài thơ, tuy nhiên, hình ảnh này có sự thay đổi lớn qua 2 giai đoạn: thời kì đắc ý và thời kì suy tàn.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Hình ảnh ông đồ thời kì đắc ý
- Hình ảnh ông đồ xuất hiện trong thời gian “Tết đến xuân về”, khi “hoa đào nở”:
+ Ông đồ và hoa đào như một cặp hình ảnh báo hiệu mùa xuân đến, năm mới bắt đầu.
+ Cặp từ “mỗi năm…lại” như thể hiện sự xuất hiện của ông đồ vào mùa xuân như một việc quen thuộc, một điều đã trở thành thói quen, thường lệ của chính ông đồ và những người xung quanh.
+ Hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ giữa chốn phố sá nhộn nhịp đã trở thành hình ảnh thân thuộc, là một phần không thể thiếu của ngày Tết truyền thống, in sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.
- Ông đồ thời này là trung tâm của mọi sự chú ý bởi những nét “phượng múa rồng bay”, người người đều “tấm tắc ngợi khen tài”.
⇒ Hình ảnh ông đồ tượng trưng cho một nét truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam. Cả người thuê viết và người cho chữ đều đã và đang giữ gìn, phát huy nét truyền thống thanh cao, tao nhã và đầy văn minh ấy.
Luận điểm 2: Hình ảnh ông đồ thời kì suy tàn
- Khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ:
+ Cụm từ “mỗi năm mỗi vắng” thể hiện mức độ, không phải ông đồ và truyền thống cho chữ ngay lập tức bị lãng quên mà điều ấy diễn ra dần dần, theo thời gian mà ngày càng phai nhạt và biến mất.
+ Câu hỏi tu từ như một lời thốt lên đầy xót xa về sự thay đổi của xã hội, của lòng người.
- Hình ảnh ông đồ ngồi đơn độc, lạc lõng giữa đường phố tập nập:
+ Giấy – “không thắm”, “mực” – “đọng trong nghiên sầu”, “lá” – “rơi trên giấy”… Một loạt các hình ảnh được miêu tả đều mang một nỗi buồn chung: nỗi buồn bị lãng quên.
+ Hình ảnh lá vàng rơi và mưa bụi như làm tăng thêm sự ảm đạm, gợi cảm giác úa tàn, lãnh lẽo.
+ Tâm trạng ông đồ: buồn bã, chán nản, u uất, dường như tất cả đang nghẹn ứ lại, dồn nén và kết thành một khối sầu thảm muôn thuở.
+ Hình ảnh ông đồ lạc lõng giữa xã hội tượng trưng cho sự mai một của một nét văn hóa truyền thống, sâu hơn đó là sự xuống dốc của văn hóa xã hội, của lòng người đối với những giá trị truyền thống của dân tộc.
Luận điểm 3: Mở rộng vấn đề
- Sự đối lập của hình ảnh ông đồ trong 2 khoảng thời gian khác nhau đã làm nổi bật lên tình cảnh đáng thương, đáng buồn của ông đồ. Ông bị xã hội bỏ rơi ngay trước mắt, vẫn nhưng “hoa tay”, “nét vẽ” ấy, vẫn ông đồ già ấy, vẫn khung cảnh ấy, nhưng lòng người đã đổi thay.
- Qua đó, ta thấy được tấm lòng đồng cảm, thương xót của tác giả đối với không chỉ ông đồ mà sâu hơn, đó là đối với cả một giá trị truyền thống của dân tộc. Đó chính là cảm hứng nhân đọa và niềm hoài cổ đặc trưng trong thơ của Vũ Đình Liên.
C. Kết bài:
- Khái quát lại hình ảnh ông đồ: Hình ảnh ông đồ là đại diện cho một lớp người đang tàn tạ cũng như những giá trị truyền thống đang bị lãng quên.
- Liên hệ và đánh giá: Qua đó thể hiện niềm cảm thương của tác giả trước sự tha hóa của xã hỗi và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa.
Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên - Mẫu 1
Trước kia trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh cặp bánh chưng, mâm ngũ quả là đôi câu đối tết. Chính vì vậy mà những ông đồ già trên vỉa hè phố xá rất đông khách thuê viết chữ và hình ảnh đầu đội khăn xếp mặc áo the đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam, nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong số đó. Để rồi tác giả viết lên bài thơ Ông đồ với 1 niềm thương cảm sâu sắc cho thân phận 1 lớp người tàn tạ và sự nuối tiếc 1 truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.
Mở đầu bài thơ Ông đồ hình ảnh đã xuất hiện trong dòng suy tưởng, hoài niệm của tác giả:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ|
Bên phố đông người qua
Cấu trúc mỗi.. lại cho ta thấy ông đồ chính là 1 hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cùng với màu thắm của hoa đào, màu đỏ của giấy, màu đen nhánh của mực tàu và sự đông vui, náo nhiệt của ngày tết thì hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu được trong bức tranh mùa xuân. Lời thơ từ tốn mà chứa bao yêu thương. Dẫu chỉ chiếm 1 góc nhỏ trên lề phố nhưng trong bức tranh thơ thì ông đồ lại chính là trung tâm, ông đã hòa hết mình vào cái không khí nhộn nhịp của ngày tết với những tài năng mình có:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Từ bao nhiêu cho người đọc thấy được nghề cho chữ đã từng được mọi người rất yêu mến. Sự có mặt của ông đồ đã thu hút sự chú ý của mọi người, ông chính là trung tâm của sự kính nể và ngưỡng mộ. Hạnh phúc không chỉ là có nhiều người thuê viết mà còn được tấm tắc ngợi khen tài – Bởi ông có tài viết chữ rất đẹp. Ba phụ âm 't' cùng xuất hiện trong 1 câu như 1 tràng pháo tay giòn giã để ca ngợi cái tài năng của ông. Giữa vòng người đón đợi ấy ông hiện lên như 1 người nghệ sĩ đang say mê, sáng tạo, trổ hết tài năng tâm huyết của mình để rồi ông được người đời rất ngưỡng mộ. Với sự ngưỡng mộ đó thì Vũ Đình Liên còn thể hiện 1 lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chơi câu đối chữ. Nhưng liệu có bao nhiêu người thuê viết hiểu được ý nghĩ sâu xa của từng câu, từng chữ để mà chia sẻ cái niềm vui, niềm hạnh phúc với người viết ra những câu chữ ấy?. Ở khổ thơ thứ 3 vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ, nhưng mọi thứ đã khác xưa. Không còn đâu bao nhiêu người thuê viết- Tấm tắc ngợi khen tài mà thay vào đó là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương. Với cảm xúc buồn thương thấp thoáng ở 2 câu thơ trên, giờ đây cái cảm xúc đó được thể hiện trong câu hỏi đầy băn khoăn day dứt:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Cũng là mỗi năm nhưng lại đứng sau từ nhưng - còn chữ thường làm đảo lộn trật tự quen thuộc. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Để rồi 1 chút hy vọng nhỏ nhoi của Ông đồ là góp chút tài nghệ cùng mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân về cũng dần tan biến bởi cuộc sống mưu sinh cũng ngày càng khó khăn. Bằng câu hỏi tu từ hết sức độc đáo, Vũ Đình Liên đã thể hiện 1 nỗi nuối tiếc của 1 thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là 1 thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần 1 chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy - đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, trước khi dùng thì ta phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mãi từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vo tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người. Nỗi buồn đó không chỉ thấm vào những đồ dùng mưu sinh hằng ngày mà cảm xúc đó của ông còn lan ra khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật khiến không gian trở nên thật đìu hiu, xót xa:
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Tuy nghề viết chữ không được người đời yêu mến và kính trọng nữa nhưng ông đã kiên trì, cố gắng ngồi bên lề đường chờ mong sự cưu mang giúp đỡ của người đời. Nhưng đâu có 1 ánh mắt nào để ý đến ông bên lề phố, không một trái tim nào đồng cảm và chia sẻ với ông. Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình nhà thơ Vũ Đình Liên đã cho ta thấy 1 khung cảnh thiên nhiên thật xót xa, đìu hiu trước tâm trạng của ông đồ:
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Nhưng thật băn khoăn tại sao giờ đang là mùa xuân lại có lá vàng rơi? Phải chăng hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về 1 thời kỳ, 1 lớp người trong xã hội và 1 phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối dỏ ngày tết giờ cũng trở thành quá khứ. Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa
Ngoài giời mưa bụi bay
Giời - đó phải chăng là cách nói dân gian của những người tưởng như đã xa xưa lắm nhưng vẫn luôn hiện hữu. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của 1 lớp người. Tuy đã không còn được người đời yêu mến, trọng vọng nữa nhưng đối với nhà thơ thì hình ảnh này vẫn luôn khắc sâu trong trái tim:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Mở đầu bài thơ Ông đồ là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường. Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm tết để chờ mong 1 năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi ngoài 1 thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là 1 nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi 1 cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi 1 thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Câu hỏi tu từ đặt ra như 1 lờ tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của 1 thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn 1 màu sắc nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.
Chỉ với bài thơ Ông đồ ngụ ngôn ngắn gọn, tác giả đã làm sống dậy trong lòng người 1 niềm thương của sự luyến tiếc không nguôi. Đọc bài thơ ta cảm nhận được ở Vũ Đình Liên - một con người có lòng thương người, lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc và luôn ân nghĩa thủy chung.
Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên - Mẫu 2
Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ mở đầu cho phòng trào thơ mới. Tác phẩm của vũ đình liên không nhiều nhưng đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. trong những tác phẩm còn để lại cho đến ngày nay của ông, Ông đồ là tác phẩm nổi bật nhất. Bài thơ ông đồ là niềm hoài cổ của tác giả với một nét đẹp truyền thống xưa đang dần bị mai một.
Bài thơ ra đời khi nho học bị thất sủng, những tinh hoa nho giáo xưa nay chỉ còn là tàn tích, ông đồ và chữ nho cũng trở thành một tàn tích khi người ta vứt bút lông đi dắt bút chì
Hai khổ thơ đầu, vũ đình liên gợi nhắc lại thời huy hoàng của ông đồ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Khổ thơ đầu gợi nên thời gian, địa điểm nơi ông đồ làm việc. Thời gian là vào mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm với hình ảnh hoán dụ là hoa đào nở đã cho ta biết ông đồ làm việc khi trời đất bắt đầu vào độ đẹp nhất của năm Không khí mùa xuân, hình ảnh hoa đào nở đã tươi thắm nay lại thêm “mực tàu giấy đỏ” làm mọi nét vẽ trong bức tranh tả cảnh ông đồ thời kỳ huy hoàng này đậm dần lên, rõ nét, tươi vui, tràn đầy sức sống. đặc biệt là từ lặp lại về thời gian “lại” đã cho thấy sự gắn bó lâu dài giữa ông đồ với mùa xuân, công việc viết chữ của ông đồ không chỉ diễn ra trong một năm mà đã từ mùa xuân năm này qua mùa xuân năm khác. Địa điểm nơi ông đồ viết chữ là “bên phố đông người qua” dòng người đông đúc nơi phố phường mỗi dịp xuân về, quan trọng hơn cả là dòng người đông đúc ấy đều quan tâm đến ông đồ “bao nhiêu người thuê viết” và biết thưởng thức tài năng của ông đồ “tấm tắc ngợi khen tài”. Tác giả tả nét chữ của ông đồ “hoa tay thảo những nét/ như phượng múa rồng bay” Nghệ thuật so sánh của 2 câu thơ này làm toát lên khí chất trong từng nét chữ của ông đồ, đó là nét chữ đẹp, phóng khoáng, cao quý, qua việc ngợi khen nét chữ, tác giả gửi gắm sự kính trọng, ngưỡng mộ, nâng niu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. trong 2 khổ thơ đầu, hình ảnh ông đồ xưa trong thời kì huy hoàng của mình được tác giả kính trọng ngưỡng mộ, qua hình ảnh ông đồ, vũ đình liên cũng thể hiện tình cảm chân quý đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Hai khổ thơ tiếp theo tác giả vẽ lên bức tranh ông đồ thời nay, một kẻ sĩ lạc lõng giữa dòng đời đã không còn phù hợp, dòng đời mà ở đó chữ nho đã trở thành một tàn tích
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
“năm nay đào lại nở” khung cảnh mùa xuân vẫn diễn ra nhưng con người đã thay đổi, “Người thuê viết nay đâu” đây là một câu hỏi tu từ chứa đựng băn khoăn cũng như nỗi buồn của tác giả trước sự thay đổi của con người, mùa xuân vẫn đẹp như thế, nhưng con người nay đã không còn quan tâm đến nét đẹp văn hóa xưa. Đây là câu thơ vẽ lên cảnh lụi tàn của văn hóa chữ nho xưa. “giấy đỏ buồn không thắm/ mực đọng trong nghiên sầu” trước sự hờ hững của con người, đồ vật cũng ám muội muộn phiền, hình ảnh nhân hóa khiến cho giấy đỏ, mực nghiên cũng có cảm xúc như con người, bị lãng quên, giấy đỏ cũng nhạt màu đi, mực đọng lại nơi nghiên hay đọng lại trong nỗi buồn, “nghiên sầu” nghe thật bi ai.
Hình ảnh ông đồ thời nay cũng đã thay đổi, “ông đồ vẫn ngồi đó/ qua đường không ai hay” nếu như trước đây là “bao nhiêu người thuê viết/ tấm tắc ngợi khen tài” thì nay hình ảnh ông đồ âm thầm lặng lẽ, mờ phai dần trong sự lãng quên của mọi người. Vốn dĩ nghề ông đồ là nghề của những nho gia xưa không đạt được ước mơ khoa bảng phải về bốc thuốc, dạy học, hay trải chiếu bán chữ, là việc bất đắc dĩ của một nho gia, chữ nghĩa chỉ để cho chứ ai lại bán, như huấn cao trong chữ người tử tù cả đời chỉ cho chữ 3 lần, vậy mà ở đây ông đồ phải bán chữ để kiếm sống đã đủ thấy bất hạnh của kiếp người nho sĩ. Trước đây, được mọi người đón nhận, ít ra còn kiếm sống được bằng nghề này, đến nay, nho học thất sủng, người ta không còn quan tâm đến ông đồ, đến chữ ông viết, tức là không kiếm sống được bằng chính khả năng của mình nữa, ở đây không chỉ là bất hạnh của tài năng mà còn là bất hạnh cơm áo gạo tiền. khung cảnh quanh ông đồ cũng chứa đựng nỗi buồn “lá vàng rơi trên giấy/ngoài trời mưa bụi bay” nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cảnh vật mùa xuân cũng trở nên tàn tạ, buồn theo nỗi buồn của con người, quả là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (nguyễn du)
Khổ thơ cuối tác giả dùng để bày tỏ nỗi lòng thương xót đối với ông đồ cũng như đối với một nét đẹp văn hóa bị mai một của dân tộc
Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Mở đầu bài thơ tác giả viết “mỗi năm hoa đào nở/ lại thấy ông đồ già” kết thúc bài thơ tác giả viết “năm nay hoa đào nở/ không thấy ông đồ xưa” kết cấu đầu cuối tương ứng của bài thơ giúp cho bài thơ chặt chẽ, có tính liên kết thành một thể thống nhất song cũng khắc sâu nỗi buồn của tác giả trước sự biến mất ngày càng rõ ràng của nét đẹp truyền thống dân tộc. cảnh thiên nhiên vẫn tươi đẹp, hoa đào vẫn nở nhưng ông đồ không còn “bày mực tàu giấy đỏ” ông đồ đã biến mất hoàn toàn trong bức tranh mùa xuân không thay đổi ấy, thời gian cảnh vật đã quên lãng đi người xưa, hay chính là nét đẹp truyền thống đã biến mất? câu hỏi tu từ “những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ?” là sự tiếc thương của tác giả với ông đồ với giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc
Với thể thơ ngũ ngôn gieo vân chân, lời thơ bình dị nhưng sâu lắng, cô đọng, lời thơ giống như một lời kể chuyện thuật lại nét đẹp truyền thống xưa của dân tộc, kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ, bài thơ chứa đựng đủ những yếu tố nghệ thuật đặc sắc nhất. Qua những nét nghệ thuật tiêu biểu đó, tác giả thể hiện nỗi niềm xót thương đối với ông đồ cũng như niềm tiếc nuối cho sự mất đi của một nền văn hóa dân tộc.
Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên - Mẫu 3
Mỗi người đều có một quê hương và một cảm thức khác nhau về quê hương. Trong dòng chảy miên viễn của thời gian. Vũ Đình Liên khắc khoải với nỗi lo về sự tàn phai mai một của bản sắc văn hóa. Và với “Ông đồ”, nhà thơ đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người hiện đại về ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, về những vẻ đẹp, giá trị của một thời vang bóng, để ta cần một phút lắng lại lòng mình mà suy nghĩ về quê hương, về nguồn cội, về trách nhiệm của chính mình.
Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.
Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Đó là khi mà chữ Nho được trọng vọng. Những nét chữ Nho đẹp, vuông vắn, tươi tắn, mang chứa trong nó những giá trị sâu rễ bền gốc của một thời kì văn hóa, và ông Đồ bằng tài hoa của mình được ngợi khen. Với một người nghệ sĩ còn gì chân quý hơn tấm lòng mến mộ của khách tứ phương. Nhưng thời thế đổi thay,bởi chẳng có gì là vĩnh viễn. Và trong dòng chảy ấy của thời gian, rất dễ cuốn đi những chân giá trị. Trong dòng chảy ấy, ông đồ cũng không nằm ngoài số phận:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.
Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kể đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Ông Đồ giữa dòng đời vội vã của những con người hiện đại chỉ như một ốc đảo trơ trọi, cô đơn lạnh giá. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi. biện pháp nhân hóa được sử dụng rất đắt đã khiến những vật dụng vô tri như mang nặng một linh hồn, như càng thêm ám ảnh trong tâm trí người đọc. Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Là mưa của đất trời giăng giăng hay là nỗi giá rét và buốt lặng trong tâm hồn con người. Không biết nữa, chỉ biết rằng có một di tích tiều tụy đáng thương ngồi đấy, trong dáng ngồi bát động, giữa làn mưa bụi bay. Mùa xuân lại có lá vàng, quả là một sự đối nghịch, nhưng cái nghịch lí để lí giải sự có lí của tình cảm. Bởi giờ đây, ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, bởi vậy mà
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bào giờ?”
Người xưa có câu “thi trung hữu họa”, và ở đây với bài thơ này quả là xác đáng.Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. để rồi một thoáng bâng khuâng, ta cũng phải cúi đầu soi lại mình trong câu hỏi đầy da diết và nao lòng của người nghệ sĩ:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Ông đồ đã bị hất tung ra khỏi ngoài rìa xa hội, một mình bôm bút nghiên giấy mực lặng lẽ về với mảnh đất của mình. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi. Hỏi trời, hỏi đất, hỏi người, hỏi cả một xã hội. rằng thế hệ chúng ta đã làm gì với một nét đẹp văn hóa của dân tộc, đã cuốn phăng đi có lẽ nào là cả chính mình trong xã hội nhỡn tiền. Hôm nay ngoảnh đầu nhìn lại, thảng thốt bỗng nhớ cái gọi là “ngày xưa”. Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. đó đâu chỉ là câu hỏi, mà là lời day dứt, là tiếng nấc nghẹn của nhà thơ khi chứng kiến cảnh tượng ấy của văn hóa dân tộc. Hai câu thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đấy số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai thấy cộm: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chỉ là vài ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ.
Bằng một nỗi niềm rất riêng, một lòng yêu văn hóa xứ sở. Vũ Đình Liên đã gọi dậy trong tâm thức bạn đọc một nét đẹp văn hóa của một thời vang bóng. Để một thoáng nhìn lại mình, ta tự vấn lòng, ta đã làm chi cuộc đời ta, ta đã làm gì với sự ơ hờ, vô tâm. Ta vô tư tung thả mình, ta hồn nhiên góp phần chạy đua, đánh mất bản sắc dân tộc để đến với những thú vui thời thượng, trong khi đó mới chính là những chân giá trị vĩnh hằng cho nguồn cội mỗi cá nhân.
............
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết