Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo và Hồn Trương Ba - Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 213,6 KB
Lượt tải: 116
Nhà phát hành: Sưu tầm


Giới thiệu về Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo và Hồn Trương Ba Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo và Hồn Trương Ba là tài liệu rất hay và hữu ích mà Taifull.net muốn giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 12 cùng tham khảo.

Nội dung chi tiết:

Xin chào các bạn và các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo. Trong bài viết hôm nay, Download.com.vn xin giới thiệu tới tất cả mọi người bài văn mẫu Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo và Hồn Trương Ba.

Đây là một trong những đề bài so sánh liên hệ mà các em thường gặp phải trong các bài tập làm văn lớp 12 và đề thi THPT Quốc gia. Hi vọng với bài văn mẫu này sẽ giúp cho các bạn có thêm nhiều tài liệu ôn tập và tham khảo một cách tốt nhất. Chúc các bạn làm bài thật tốt và đạt kết quả cao nhất.

Dàn ý phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo và Hồn Trương Ba

A. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"; giới thiệu ngắn gọn bi lịch của nhân vật Trương Ba; nêu ra được vấn đề của đề yêu cầu là cách giải quyết bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba: kiên quyết từ chối nhập vào xác cu Tị và chọn cái chết để trả lại thân xác cho anh hàng thịt.

- Từ vấn đề trên: gợi cho em liên hệ tới cách giải quyết bi kịch của nhân vật Chí Phèo: đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao để thấy được quan niệm của 2 tác giả về giá trị sống đích thực của con người.

B. Thân Bài: Triển khai vấn đề

1. Yêu cầu cơ bản: cảm nhận về cách giải quyết bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba: kiên quyết từ chối nhập vào xác cu Tị và chọn cái chết để trả lại thân xác cho anh hàng thịt.

a. HS tóm tắt được hoàn cảnh bi kịch Trương Ba từ đầu dẫn đến chọn lựa cuối cùng: kiên quyết nhập vào xác cu Tị và chọn cái chết để trả lại thân xác cho anh hàng thịt.

Đoạn trích có thể gọi là “Thoát ra nghịch cảnh” là cảnh cuối, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm. Sau mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trờ nên xa lạ với bạn bè, người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình.

Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống trong “da” anh hàng thịt, không thế kéo dài “nghịch cảnh” mãi được. Hồn muốn tách ra khỏi cái thân xác kềnh càng, thô lỗ. Trong tình trạng ấy; nhà văn đã sáng tạo khi dựng lên đoạn đối thoại giữa hồn và xác để rồi trước sự giễu cợt, mỉa mai của xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba càng trở nên đau khổ, bế tắc.

Thái độ cư xử của người thân trong gia đình (với người vợ, với cái Gái, với chị con dâu) càng khiến ông tuyệt vọng. Hồn Trương Ba đã châm hương gọi Đế Thích, hai bên đang đối thoại, thì cu Tị nhà hàng xóm chết.

Đế Thích gợi ý để hồn rời xác anh hàng thịt sang xác cu Tị. Nhưng hồn Trương Ba, sau một “quãng đời” vô cùng thấm thía đã qua, hình dung ra những “nghịch cảnh” khác khi phải sống trong thân xác một đứa bé đã quyết định xin cho cu Tị được sống và mình được chết hẳn.

b. HS nêu cảm nhận về hành động này của Trương Ba:

- Đây là hành động tất yếu khi Trương Ba thấm thía vô cùng vì quãng đời “phức tạp” vừa trải qua của mình khi nhập vào xác người khác (anh hàng thịt); và giờ này lại nhập vào xác một đứa trẻ con.

Theo Đế Thích thì ông với anh hàng thịt là hai người xa lạ, còn ông với cu Tị đã từng “quấn quýt mến nhau”, “ông sống trong thân thể thằng bé chắc sẽ ổn...”. Sau khi suy nghĩ một lát Trương Ba nhận thấy: ông già gần 60, cu Tị thì còn chưa bắt đầu cuộc đời, còn đang tuổi ăn tuổi lớn; rồi ông sẽ giải thích sao với chị Lụa rằng ông không phải là con chị ấy; rồi vợ con ông sẽ nghĩ ngợi ra sao khi chồng mình, bố mình mang thân một thằng bé lên 10; rồi cái Gái cháu ông sẽ nghĩ thế nào; rồi còn hàng xóm, lí trưởng, trương tuần....

Cái chết của cu Tị khiến cho những dằn vặt, day dứt trong ông bị dồn nén vào thế phải quyết định càng nhanh càng tốt trong tình trạng bi kịch. Cái chết của cu Tị đẩy nhanh hơn diễn biến của hành động kịch, buộc ông phải lựa chọn; một là nhập vào xác cu Tị ngay khi vừa chết, hai là ông để hồn cu Tị có chỗ trở lại nhập xác.

Không thể làm theo lời đề nghị của Đế Thích vì ông “lường trước bao sự không ổn”; ông không tham lam cuộc sống khi biết rằng tiếp tục vẫn là bi kịch. Trái tim nhân hậu của ông đã cầu xin mong mỏi Đế Thích “Ông hãy cứu nó”; hãy gọi hồn cu Tị nhập vào xác của nó và ông chọn cái chết để trả lại thân xác cho anh hàng thịt.

Ông mong muốn: “Tôi không muốn nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rôi, hãy để tôi chết hẳn!”, để không còn sự tồn tại của “con vật quái gở” mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bi kịch tâm hồn ông đã được giải quyết.

- Xây dựng tình huống và giải quyết xung đột như vậy, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm một triết lí sâu sắc về lẽ sống, lẽ làm người: cuộc sống thật đáng quý, nhưng không phải sống thế nào cũng được.

Nếu sống vay mượn, sống chắp vá, không có sự hài hòa giữa vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và nhu cầu vật chất thì con người chỉ gặp bi kịch mà thôi. Cuộc sống của mỗi con người chỉ thực sự hanh phúc, chỉ có giá trị khi được sống đúng là mình, được sống tự nhiên trong một thể thống nhất. Đó là chủ đề tư tưởng chính của vở kịch.

- Qua đây chúng ta cũng thấy được phẩm chất đáng quý, nhân hậu, trung thực và tình cảm đầy nhân văn của ông Trương Ba. Quả đúng vậy, sau khi hồn Trương Ba thoát khỏi xác anh hàng thịt, ông không vĩnh viễn mất đi như lời của Đế Thích nói. Ông trở lại nguyên vẹn trong tâm trí, tình yêu của vợ con và người thân (đoạn kết).

2. Yêu cầu phân hóa: Từ đó, liên hệ tới cách giải quyết bi kịch của nhân vật Chí Phèo: đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao để thấy được quan niệm của 2 tác giả về giá trị sống đích thực của con người.

a. HS chỉ ra được điểm giống nhau trong cách giải quyết bi kịch của 2 tác giả để thấy được quan niệm của 2 tác giả về giá trị sống đích thực của con người.

- Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ tuy ra đời trong những hoàn cảnh xã hội - lịch sử khác nhau nhưng tất thảy đều đề cập đến những bi kịch của con người, trong đó có bi kịch tha hóa.

Qua 2 bi kịch và cách kết thúc của 2 tác phẩm, ta thấy giá trị phê phán tố cáo xã hội sâu sắc. Nỗi khốn khổ của Trương Ba và Chí Phèo đều do kẻ thống trị gây nên. Bá Kiến nhẫn tâm đẩy Chí Phèo vào tù 7,8 năm.

Tiếp thu sự giáo dục của nhà tù thực dân Chí Phèo đã trở thành kẻ côn đồ hung hãn, hắn vùng lên liều mạng để trả thù. Nhưng hắn đã gặp kẻ thống trị nham hiểm, xảo quyệt và bị biến thành công cụ cho kẻ thù của mình.

Ông Trương Ba từ hiền hậu tử tế, tốt bụng còn đang rất khỏe mạnh, mặc dầu chưa tận số đã phải chết thay cho một tên bạc ác bất nhân, dối trá tham tàn bởi cung cách làm việc luộm thuộm, thiếu trách nhiệm, muốn xong việc nhanh của Nam Tào…

- Cả 2 tác giả đều để nhân vật của mình rơi vào hoàn cảnh bi kịch trớ trêu: nếu Trương Ba là hoàn cảnh bi kịch “không thể bên ngoài một đằng bên trong một nẻo” mãi, còn Chí Phèo lại là bi kịch từ con người lương thiện “bị cự tuyệt quyền làm người”; bi kịch bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa của người nông dân trước cách mạng. Và cả 2 nhân vật đều lựa chọn cái chết để thể hiện phẩm chất đáng quý của mình như:

+ Thoát khỏi nỗi tuyệt vọng, bế tắc của bản thân: Trương Ba nói nếu Đế Thích không giúp ông cũng sẽ “nhẩy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ”; Chí Phèo thì sau khi chứng kiến Thị Nở “bắc lên cây cầu” giúp Chí quay lại với thế giới con người hoàn lương thì giờ thị lại rút cây cầu đó, rồi những ý kiến của bà cô Thị Nở là những định kiến xã hội... thì chỉ có cái chết mới giúp Chí thoát khỏi nghịch cảnh của mình. Bi kịch đau đớn của Chí là hắn chưa được xã hội ấy công nhận, hắn chết “trên ngưỡng của của sự quay lại làm người”.

+ Khát khao được sống trọn vẹn, nhân văn: Cái chết của Trương Ba là sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác, muốn được cu Tị sống lại vì nó còn có cả “một cuộc đời phía trước”, ông hiểu vai trò của “đứa con đối với người mẹ” là như thế nào; còn Chí Phèo là sự khát khao hoàn lương từ con người bị đẩy vào tăm tối, cùng đường, Chí không chịu chấp nhận cuộc sống quỷ dữ nữa...

+ Cùng nhận ra cái chết có thể còn hơn cuộc sống lạc loài, vô nghĩa: Ông Trương Ba nhận thấy nếu mình sống đồng nghĩa mình phải giả tạo trong hình hài người khác, lạc lõng giữa đám hậu sinh thì thà chết còn hơn...; Chí Phèo cũng nhận ra nếu mình sống tiếp sẽ bị cả cái xã hội loài người xa lánh và coi mình là quỷ dữ thì chỉ có cái chết mới kết thúc tất cả. Do vậy giết Bá Kiến – trả thù xong; Chí cũng tự vẫn ngay, vì xã hội ấy không có chỗ cho con người như Chí tồn tại nữa.

=> Qua cái chết của Trương Ba và Chí Phèo, ta thấy được quan niệm của 2 tác giả về giá trị sống đích thực của con người: đó là quan niệm được sống làm người rất quan trọng, nhưng sống đúng là mình, trọn vẹn với những giá trị mình có mình theo đuổi, được sống trong lương thiện, được người khác trân trọng mới quý giá hơn nhiều. Con người phải luôn biết đấu tranh với nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách; vươn tới giá trị làm CON NGƯỜI cao quý theo đúng nghĩa.

b. HS chỉ ra được sự khác giống nhau trong cách giải quyết bi kịch của 2 tác giả:

- Trong tác phẩm “Chí Phèo”, khác với các nhà văn hiện thực phê phán đương thời Nam Cao không đi sâu miêu tả quá trình đói cơm, rách áo bần cùng khốn khổ của người nông dân- dù trong thực tế đó cũng là một hiện thực phổ biến.

Nhà văn trăn trở nhiều hơn về một hiện thực còn thảm khốc hơn đó là sự tha hóa… Cũng như Chí Phèo, Trương Ba trước đây là con người hoàn toàn khác. Trương Ba là người nông dân chăm chỉ, khéo léo,yêu thương vợ con, chiều quý các cháu, tốt bụng với hàng xóm láng giềng, yêu cây cỏ...

Từ khi sống trong xác anh hàng thịt, Trương Ba đã bị xác hàng thịt điều khiển, chi phối: trở nên vụng về, thô tục, thô bạo, vô tình; thích bán thịt, ham uống rượu, những nước cờ không còn phóng khoáng mà tủn mủn, vô hồn… Nếu Chí Phèo tha hóa mà không biết mình tha hóa, thì Trương Ba lại nhận thấy rất rõ tình trạng khốn khổ của mình.

- Hành động cuối cùng Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát nó là hành động manh tính chất manh động và cùng đường tuyệt vọng. Đến cuối cùng Chí mới hiểu bi kịch – tội ác cuộc đời của mình là do đâu.

Nam Cao xây dựng mối quan hệ Bá Kiến - Chí Phèo trở nên hết sức gay gắt, mối tình dang dở với Thị Nở cũng là cách đưa thêm dầu vào lửa, biến cơn say, cơn buồn, cơn thất tình ở Chí Phèo thành lòng căm hận, tức tối, quyết đến nhà Thị Nở để trả thù.

Quy luật lại không phải thế, quy luật đã kéo Chí đi nhưng là đến nhà Bá Kiến, chứ không phải ai khác. Kẻ đáng giết là Bá Kiến. Với cái kết thúc bất ngờ dữ dội của thiên truyện ngắn, Nam Cao đã cho chúng ta thấy kết quả tất yếu sẽ xảy ra, điều đó không thể tránh khỏi. Còn với Trương Ba ông có sự sáng suốt, sâu sắc trong sự lựa chọn cuộc sống – cái chết một cách rõ ràng hơn.

- Nếu bi kịch của Chí Phèo là bi kịch cùng đường, bi kịch bần cùng hóa dẫn đến lưu lanh hóa của người nông dân bị áp bức trước cách mạng, nhưng bi kịch của Trương Ba còn gợi ra những suy tư về mối quan hệ giữa hồn và xác, giữa ý thức và bản năng trong một con người: có ai là toàn vẹn hoàn hảo không? những đòi hỏi của thân xác có phải tội lỗi đáng ghê tởm không…?

Do vậy, cách kết thúc của Vở kịch mà Lưu Quang Vũ xây dựng sẽ vừa có ý nghĩa xã hội vừa mang tính triết lí sâu xa và mang tính thời đại.

=> Qua lựa chọn thể cái chết có phần khác nhau như trên của Trương Ba và Chí Phèo, ta thấy được quan niệm của 2 tác giả về giá trị sống đích thực của con người. Nam Cao với “Chí Phèo” muốn chỉ ra quan niệm về giá trị sống đích thực của con người trong xã hội với mối xung đột, mâu thuẫn giai cấp ở nông dân - địa chủ, nhất là nông dân đã chín muồi, đã đến mức sâu sắc và không gì có thể xoa dịu (trước cách mạng).

Còn hành động kiên quyết từ chối nhập vào xác cu Tị và chọn cái chết để trả lại thân xác cho anh hàng thịt của ông Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” lại đưa đến vẫn đề giá trị sống đích thực của con người hiện đại. Nó cũng gợi mở lối sống đúng đắn để đem lại hạnh phúc và sự thanh thản của tâm hồn con người.

C.Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, liên hệ thực tế.

Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo và Hồn Trương Ba

Nam Cao là nhà văn lớn, có những đóng góp quan trọng cho văn học dân tộc. Nếu chọn ra ba tác giả văn xuôi nổi tiếng nhất thế kỉ XX của người Việt thì chắc chắn không thể vắng ông - nhà văn của những trí thức, những nông dân nghèo khổ, khốn cùng. Và nếu phải chọn ra ba kiệt tác của Nam Cao thì không thể không có “Chí Phèo”. Trong một số câu chữ không quá nhiều, nhà văn đã chuyển tải được những thông điệp có ý nghĩa rất lớn với con người. Còn Lưu Quang Vũ lại được xem như một nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của gần 50 vở kịch trong đó có những vở gây chấn động dư luận như “Lời thề thứ 9”, “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... Kịch của Lưu Quang Vũ đã phản ánh được những vấn đề bức thiết của thời đại, đồng thời mang tính triết lí sâu sắc. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ tuy ra đời trong những hoàn cảnh xã hội - lịch sử khác nhau nhưng tất thảy đều đề cập đến những bi kịch của con người, trong đó có bi kịch tha hóa.

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về bi kịch. Thông thường, người ta cho rằng bi kịch là trạng thái đau khổ về tinh thần khi con người đứng trước những mâu thuẫn không thể hóa giải, khi mong muốn khát vọng và thực tiễn hoàn toàn trái ngược… Còn “tha hóa” theo nhiều nhà nghiên cứu, vốn có xuất xứ từ trong triết học của Hê-ghen. Giờ đây, nó đã biến đổi về nghĩa rất nhiều so với ban đầu. Tha hóa được hiểu là đánh mất giá trị, bản chất thông thường vốn có. Chúng ta vẫn quen dùng hai chữ ấy để chỉ những gì thuộc về con người và các hoạt động của con người, liên quan đến chủ thể con người, theo hướng chẳng tốt đẹp gì. Do những nguyên nhân khác nhau, cả Chí Phèo và Trương Ba, hai nhân vật trung tâm trong hai tác phẩm đều rơi vào bi kịch tha hóa đau đớn.

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, khác với các nhà văn hiện thực phê phán đương thời Nam Cao không đi sâu miêu tả quá trình đói cơm, rách áo bần cùng khốn khổ của người nông dân, mặc dù trong thực tế, đó cũng là một hiện thực phổ biến. Nhà văn trăn trở băn khoăn suy ngẫm nhiều hơn về một hiện thực còn thảm khốc hơn cả đói rét bần cùng. Đó là sự tha hóa…

Tác phẩm được mở đầu bằng tiếng chửi ngoa ngoắt, thách thức của Chí. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn và cuối cùng chửi người đã sinh ra hắn.Đây là tiếng chửi của một tên say rượu, một tiếng chửi vô thức. Nhưng đôi khi trong vô thức, con người lại thể hiện chính mình nhiều hơn khi tỉnh.Qua tiếng chửi của Chí Phèo, người đọc cảm thấy như đang đối diện với một con “người- vật” quái gở, đang ở tận cùng của khổ đau, đang trút lên cuôc đời tiếng nói hằn học, phẫn uất, đầy đau khổ của mình.Cũng qua tiếng chửi của Chí, người đọc nhận ra ba thái độ khác nhau: thái độ hằn học, thù địch đau khổ của Chí, thái độ khinh miệt dửng dưng của người đời, thái độ phẫn uất thương cảm của tác giả. Tiếng nói nhân ái của nhà văn đã đánh thức tấm lòng người đọc. Qua cách dẫn dắt của người kể chuyện, người đọc hiểu rằng trước kia Chí vốn hiền lành lương thiện, tự trọng.Hắn đã từng mơ ước được sống bằng hai bàn tay lao động của mình với “một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải..”. Làm canh điền cho lí Kiến bị bà ba lợi dụng xúc phạm Chí cảm thấy rất nhục. Chỉ sau khi ở tù về, hắn mới hóa thành một kẻ khác hẳn “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn…”. Cái mặt hắn cũng trở nên dị biệt “không trẻ cũng không già, nó không còn phải là mặt người, nó là mặt một con vật lạ..”. Sau khi ở tù về, hắn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Những cơn say triền miên đã cướp đi ngày tháng của hắn “Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu chửi bới rạch mặt ăn vạ trong lúc say..”. Trong cơn say, hắn đã phá nát bao cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhưng hắn chưa bao giờ nhận ra sự thật nghiệt ngã ấy. Thậm chí còn tự đắc “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Sự tha hóa hằn in trong bộ dạng trong ngôn ngữ trong hành động và cả trong những ngộ nhận của nhân vật về mình. Chí đã rơi vào tình trạng đáng lo ngại mà không biết.

Bị đối xử tàn bạo Chí đã phản kháng bằng sự bạo tàn. Đó là sự “phẫn nộ tối tăm” như Lênin đã từng nói. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao đã chỉ ra rằng, Chí Phèo không phải một ngoại lệ. Bên cạnh hắn còn có Binh Chức, Năm Thọ... Đó là kết quả tất yếu của một lô-gic: một khi đã có Bá Kiến, Lí Cường, Đội Tảo... thì tất sẽ có Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức…Đó không chỉ là sản phẩm của sự thống trị mà còn là một phương tiện thống trị “Không có những thằng đầu bò thì lấy ai trị những thằng đầu bò”. Xã hội không chỉ đẻ ra Chí Phèo mà còn tiếp tục nuôi dưỡng Chí Phèo, biến những con người như Chí Phèo thành công cụ thống trị xã hội.

Cũng như Chí Phèo, Trương Ba trước đây là con người hoàn toàn khác. Trương Ba là người nông dân chăm chỉ, khéo léo, yêu thương vợ con, chiều quý các cháu, tốt bụng với hàng xóm láng giềng, yêu cây cỏ... Từ khi sống trong xác anh hàng thịt, Trương Ba trở nên vụng về, thô tục, thô bạo, vô tình… Trương Ba thích bán thịt, ham uống rượu, những nước cờ không còn phóng khoáng mà tủn mủn, vô hồn… Trương Ba đã bị xác hàng thịt điều khiển, chi phối. Nếu Chí Phèo tha hóa mà không biết mình tha hóa, thì Trương Ba lại nhận thấy rất rõ tình trạng khốn khổ của mình. Cho dù không muốn thừa nhận, cho dù muốn bám víu vào trò chơi tâm hồn thì Trương Ba vẫn không thể phủ nhận sự thật là ông đang đánh mất mình “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta a, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta”. Cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt đã đã diễn tả khá sâu sắc nỗi hoang mang hoài nghi, sự bất lực của con người. Mọi lí lẽ của Trương Ba không thể lung lay thứ lập luận lấm láp bụi trần nhưng hùng hồn thuyết phục của xác hàng thịt “Hai ta đã hòa vào nhau làm một rồi”. Dù khinh bỉ xác hàng thịt, Trương Ba vẫn phải quay trở lại xác hàng thịt. Sự thay đổi của hồn Trương Ba trong thời gian trú ngụ ở xác hàng thịt càng ngày càng rõ nét.

Lưu Quang Vũ đã khéo léo mượn lời các nhân vật khác - những người thân trong gia đình Trương Ba để chỉ ra điều ấy. Hồn Trương Ba bây giờ đâu còn là người làm vườn chăm chỉ, hết lòng yêu thương vợ con như trước. Ông cũng chẳng quan tâm dến chuyện của bà con làng xóm. Hồn Trương Ba thô lỗ phũ phàng không còn nhẹ nhàng khéo léo khi chữa diều, chăm sóc cây cối như trước nữa. Ngày cả chị con dâu người thông cảm cho tình cảnh của hồn Trương Ba, cũng xót xa ngỡ ngàng bởi không thấy hình ảnh con người “hiền hậu, vui vẻ tốt lành” của Trương Ba trước đây. Những lời thoại sau đó của hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức sâu sắc, thấm thía về tình cảnh trở trêu của mình: “Ông chĩ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

Nỗi khốn khổ của Trương Ba và Chí Phèo đều do kẻ thống trị gây nên. Bá Kiến nhẫn tâm đẩy Chí Phèo vào tù 7, 8 năm. Tiếp thu sự giáo dục của nhà tù thực dân Chí Phèo đã trở thành kẻ côn đồ hung hãn. Hắn vùng lên liều mạng để trả thù. Nhưng hắn đã gặp kẻ thống trị nham hiểm, xảo quyệt và bị biến thành công cụ cho kẻ thù của mình. Ông Trương Ba hiền hậu tử tế, tốt bụng còn đang rất khỏe mạnh,mặc dầu chưa tận số đã phải chết thay cho một tên bạc ác bất nhân, lừa thầy phản bạn, dối trá tham tàn bởi cung cách làm việc luộm thuộm, thiếu trách nhiệm, muốn xong việc nhanh của Nam Tào. Nếu cứ để Trương Ba chết đi thì tác phẩm chỉ là tiếng nói tố cáo sự cẩu thả vô trách nhiệm của Nam Tào. Nhưng Đế Thích đã sữa chữa sai lầm của Nam Tào bằng cách để cho hồn Trương Ba sống lại trong thân xác hàng thịt. Không chỉ Nam Tào mà Đế Thích cũng mắc phải sai lầm. Đâu phải cứ làm điều tốt cho người khác là mang lại hạnh phúc cho họ. Ở địa vị cao, mà không thận trọng với những quyết định của mình, con người dễ gây ra những sai lầm không thể sửa chữa. Bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba có nguyên nhân trực tiếp từ sự tắc trách, quan liêu của quan nhà trời. Nhưng còn nguyên nhân gián tiếp? Ấy là định kiến của con người về xác hàng thịt. Đối với những người thân của Trương Ba và ngay cả Trương Ba, xác hàng thịt là hiện thân cho những gì tầm thường phàm tục nhất. Song đó lại là những nhu cầu thiết thực cho mọi sự sống: được ăn, được mặc, được thỏa mãn những nhục cảm cá nhân... Phủ nhận những nhu cầu ấy là phủ nhận phần bản năng trong mỗi người. Vậy thì đâu chỉ có Trương Ba bất hạnh. Xác hàng thịt cũng thật đáng thương!

Chí Phèo tha hóa đã gây ra bao thảm cảnh cho dân làng. Còn hồn Trương Ba đã trở thành tâm điểm của sự rối ren. Không chỉ riêng hồn Trương Ba hay gia đình ông khốn đốn mà còn bao gia đình khác, bao nhiêu cuộc sống khác chao đảo, chịu hệ lụy. Lỗi lầm bắt đầu từ tiên thánh, những kẻ nắm vận mệnh con người và sau đó con người với sự vô sỉ, thỏa hiệp cùng cái xấu đã đẩy tất cả đến chỗ rối ren hơn.

Tái hiện sống động và rõ nét bi kịch tha hóa của Chí Phèo, Nam Cao đã bộc lộ một cái nhìn hiện thực sắc sảo đồng thời nói lên sự gắn bó đồng cảm thấu hiểu sâu sắc cuộc sống của người nông dân. Ông đã đem đến cho những trang viết của mình sức mạnh của sự khám phá phát hiện. Trước Nam Cao, các nhà văn hiện thực chỉ mới chú ý tới tình trạng bần cùng hóa. Trước Nam Cao, Nguyên Hồng mới chỉ phản ánh và miêu tả loại nhân vật lưu manh thành thị. Hiện tượng tha hóa, lưu manh ở nông thôn với những đặc điểm riêng, với ý nghĩa quan trọng của nó lần đầu tiên được Nam Cao quan tâm và miêu tả tập trung, rõ nét. Ông đã đem đến cho văn học hiện thực 1930-1945 một điển hình về người nông dân, phơi bày bản chất của nông thôn đen tối trước Cách mạng. Với Lưu Quang Vũ, sự tha hóa của hồn Trương Ba cũng là một hiện thực nhức nhối trong xã hội. Con người “muốn nuôi sống xác thân/ Đem làm thịt linh hồn” (Chế Lan Viên). Nhưng bi kịch của Trương Ba còn gợi ra những suy tư về mối quan hệ giữa hồn và xác, giữa ý thức và bản năng... Có ai là toàn vẹn hoàn hảo không? Những đòi hỏi của thân xác có phải tội lỗi đáng ghê tởm không? Vở kịch do vậy vừa có ý nghĩa xã hội vừa mang tính triết lí sâu xa.

...........

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

download.com.vn