Quy chế phối hợp 3601/QCPH-TLĐ-BHXH - V/v trao đổi thông tin khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm
Nội dung chi tiết:
Quy chế phối hợp 3601/QCPH-TLĐ-BHXH về việc trao đổi thông tin khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm giữa Tổng Liên đoàn lao động và BHXH Việt Nam được ban hành ngày 20/9/2016.
Nội dung Quy chế phối hợp 3601/QCPH-TLĐ-BHXH
Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13.
Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13.
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13.
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảohiểm y tế số 46/2014/QH13;
Căn cứ Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 29/7/2015 giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2020;
Để tăng cường sự phối hợp trong việc thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp như sau:
Chương 1: Quy định chung
Điều 1. Phạm vi phối hợp
Quy chế phối hợp này quy định về việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu (sau đây gọi chung là thông tin) giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là BHXH) nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tập thể người lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh), BHXH quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (BHXH huyện) và các đơn vị thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (LĐLĐ tỉnh), Liên đoàn Lao động quận, huyện, thành phố, thị xã (LĐLĐ huyện), Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (CĐ KCN).
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Mọi hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật và theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Các quy định trong Quy chế này không thay thế cho các các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị liên quan đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
2. Các bên chủ động, tích cực trong việc phối hợp cũng như đảm bảo vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của từng cơ quan; việc phối hợp phải kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên.
3. Việc trao đổi, cung cấp thông tin phải đảm bảo kịp thời, chính xác theo quy định tại Quy chế này.
Chương 2: Quy định cụ thể
Điều 4. Các thông tin trao đổi, cung cấp giữa hai bên
1. Các thông tin chuẩn bị cho việc khởi kiện và thông tin bổ sung trong quá trình khởi kiện
a) Thông tin do ngành BHXH cung cấp
- Danh sách của các đơn vị nợ tiền BHXH cần phải khởi kiện (bao gồm: số tiền phải đóng, số tiền nợ, thời gian nợ, tiền lãi chậm đóng BHXH);
- Hồ sơ xác định nợ theo quy định tại Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, gồm bản chính các giấy tờ sau:
+ Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu C12-TS);
+ Biên bản đối chiếu thu nộp BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu C05-TS) nếu có.
- Bản cập nhật đến tháng trước thời điểm nộp đơn khởi kiện ra tòa án về tình hình nợ và tình trạng áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với các đơn vị sử dụng lao động mà tổ chức công đoàn đã gửi danh sách thông báo cho cơ quan BHXH trước khi khởi kiện (thông tin cung cấp theo Mẫu B03-TS).
- Danh sách của đơn vị sử dụng lao động mà cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).
- Thông tin khác của đơn vị sử dụng lao động và người lao động do cơ quan BHXH quản lý để phục vụ việc khởi kiện hoặc theo yêu cầu của Tòa án (nếu có).
Trường hợp văn bản quy định về hồ sơ xác định nợ được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b) Thông tin do tổ chức Công đoàn cung cấp
Danh sách đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị bị khởi kiện để cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu, cập nhật tình hình nợ và việc áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với đơn vị sử dụng lao động.
2. Các thông tin về kết quả khởi kiện
Công đoàn các cấp thông báo về tình hình và kết quả khởi kiện các đơn vị nợ BHXH tại địa phương cho cơ quan BHXH cùng cấp theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quy chế này.
3. Danh mục và thời hạn trao đổi, cung cấp thông tin quy định tại Khoản 1, 2 Điều này thực hiện theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quy chế này.
Điều 5. Hình thức, thời hạn trao đổi, cung cấp thông tin
1. Hình thức trao đổi, cung cấp thông tin
a) Trao đổi, cung cấp bằng văn bản
Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin ghi rõ tên nội dung thông tin đề nghị cung cấp, thời điểm cung cấp, địa điểm cung cấp và mục đích đề nghị cung cấp thông tin.
Trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin thì Bên được yêu cầu phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do gửi Bên yêu cầu.
b) Trao đổi, cung cấp thông tin qua mạng internet
Việc trao đổi, cung cấp thông tin quan mạng internet (thư điện tử) được khuyến khích áp dụng nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
2. Thời hạn trao đổi, cung cấp thông tin
a) Đối với thông tin cung cấp định kỳ
Thông tin cung cấp định kỳ hàng quý thực hiện trước ngày 25 tháng đầu quý sau.
b) Đối với thông tin cung cấp không định kỳ
- Bên được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp cho Bên yêu cầu theo đúng thời hạn ghi trong văn bản yêu cầu.
- Đối với yêu cầu cần đọc, nghiên cứu thông tin tại chỗ, thì Bên được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp ngay trong ngày sau khi có sự phê duyệt của người có thẩm quyền. Trường hợp không đáp ứng được ngay thì Bên được yêu cầu nêu rõ lý do.
Điều 6. Đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin
Đơn vị được giao là đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin của mỗi Bên được quyền trực tiếp yêu cầu cung cấp thông tin, tham mưu, chỉ đạo, điều phối việc cung cấp thông tin cho Bên yêu cầu trong phạm vi thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm đảm bảo việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các bên được thông suốt, kịp thời.
BHXH tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh có trách nhiệm cử đơn vị đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin của cơ quan mình ở cấp tỉnh và cấp huyện.
Điều 7. Thẩm quyền, trách nhiệm của người yêu cầu, cung cấp thông tin
1. Người có thẩm quyền yêu cầu và cung cấp thông tin bao gồm:
a) Ngành BHXH
- Giám đốc BHXH tỉnh;
- Giám đốc BHXH huyện.
b) Tổ chức Công đoàn
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn KCN.
2. Người có thẩm quyền yêu cầu, cung cấp thông tin có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin và có trách nhiệm cung cấp thông tin khi có yêu cầu theo quy định tại Quy chế này.
Chương 3: Tổ chức thực hiện
Điều 8. Trách nhiệm của BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam
1. BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động của tổ chức Công đoàn.
2. Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam và Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam chịu trách nhiệm:
a) Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong hệ thống thực hiện Quy chế;
b) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các thông tin cần trao đổi theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quy chế phù hợp với nhu cầu thực tế của từng Bên.
d) Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện theo quy định tại Điều 9, Quy chế này.
3. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện các nội dung trong Quy chế này.
4. BHXH tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh chịu trách nhiệm
a) Căn cứ Quy chế này, xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh để thực hiện trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai bên trên địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH và Liên đoàn lao động huyện triển khai thực hiện Quy chế này.
5. Hàng năm, trước ngày 30/6, BHXH tỉnh và BHXH huyện cung cấp danh sách đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH do đơn vị mình quản lý gồm các thông tin về số người, số tiền đóng BHXH cho tổ chức công đoàn cùng cấp để phục vụ nhu cầu quản lý.
Điều 9. Chế độ giao ban, tổng kết
1. BHXH các cấp và Công đoàn các cấp tổ chức đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, thống nhất kế hoạch phối hợp kỳ tiếp theo theo thời hạn và quy định tại Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH.
2. Trường hợp cần thiết, theo hình thức luân phiên, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức đánh giá riêng tình hình, kết quả thực hiện Quy chế này.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin tại cấp tỉnh của các Bên để được hướng dẫn, giải quyết.
Quy chế phối hợp 3601/QCPH-TLĐ-BHXH có hiệu lực kể từ ngày 20/9/2016.