Quyết định 06/QĐ-UBND-VX - Phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 216 KB
Lượt tải: 78
Nhà phát hành: UBND tỉnh Nghệ An


Hôm nay mình chia sẻ đến các bạn Quyết định 06/QĐ-UBND-VX: Quyết định 06/2013/QĐ-UBND-VX về phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020.

Nội dung chi tiết:

Quyết định 06/QĐ-UBND-VX - Phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020

Quyết định 06/2013/QĐ-UBND-VX về phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-----------
Số: 06/2013/QĐ-UBND.VX
 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------------------------

Nghệ An, ngày 16 tháng 01 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/NĐ-CPngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CPngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 70/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 41/SGD&ĐT-KHTC ngày 7 tháng 1 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020, với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu chung

a) Phát triển giáo dục và đào tạo một cách mạnh mẽ và toàn diện. Xây dựng Nghệ An trở thành Trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Gắn giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước; chủ động hội nhập quốc tế.

b) Phát triển giáo dục miền núi, giảm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân cư và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Tạo mọi điều kiện để huy động được nhiều trẻ khuyết tật nhẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đi học. Giáo dục hoà nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học.

c) Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ và hiện đại. Xây dựng và mở rộng hệ thống trường mầm non, phổ thông trọng điểm, chất lượng cao. Hoàn thiện việc xây dựng, nâng cấp, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Đến năm 2020, 100% số trường có đủ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành; 100% trường học có công trình vệ sinh, nước sạch phù hợp.

d) Mở rộng hợp lý quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giáo dục mầm non:

Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trước năm 2015. Nâng tỷ lệ huy động cháu trong độ tuổi nhà trẻ đến trường lên 25% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Số trẻ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ 95% vào năm 2020, trong đó huy động 100% trẻ 5 tuổi đến trường.

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Phổ biến rộng rãi kiến thức và phương pháp nuôi dạy trẻ cho các gia đình. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong trường mầm non xuống dưới 9% vào năm 2020.

Phấn đấu nâng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia lên 55% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

b) Giáo dục phổ thông:

Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tiến tới phổ cập giáo dục trung học ở khu vực thành phố, thị xã, đồng bằng và núi thấp vào năm 2020. Phấn đến năm 2020 Nghệ An đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương.

Thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, thu hút từ 20% đến 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề.

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được phát triển thể chất, kỹ năng và sở trường của bản thân. Đến năm 2015 có 90% học sinh tiểu học, 30% học sinh trung học cơ sở, 25% học sinh trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày; năm 2020 có 100% học sinh tiểu học, 50% học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi.

Phấn đấu đến năm 2020 có 95% trường tiểu học; 65% trường trung học cơ sở; 50% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

c) Giáo dục thường xuyên:

Tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người, thúc đẩy xã hội học tập. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn định kỳ và thường xuyên theo các chương trình giáo dục cho đội ngũ lao động.

Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành, thị, trong đó có trung tâm thực hiện cả 3 nhóm nhiệm vụ: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.

d) Trung cấp chuyên nghiệp:

Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý để cùng với hệ thống đào tạo trên cả nước đảm bảo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các vùng lân cận và trong nước. Đến năm 2015 Nghệ An có khoảng 350 sinh viên/1 vạn dân, đến năm 2020 có khoảng 400 - 450 sinh viên/vạn dân, trên 75% lao động qua đào tạo.

II. Mạng lưới trường, lớp, quy mô phát triển giáo dục và đào tạo (có phụ lục kèm theo)

1. Giáo dục mầm non

Củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đảm bảo mỗi xã (phường, thị trấn) có một trường mầm non công lập. Khuyến khích đầu tư xây dựng các trường mầm non ngoài công lập ở những vùng có điều kiện thuận tiện. Những xã thuộc vùng khó khăn, nếu số nhóm, lớp vượt quá so với quy mô cho tối đa cho phép, có thể có 2 trường mầm non công lập.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 528 trường mầm non với khoảng 4,6 vạn cháu nhà trẻ và 14 vạn học sinh mẫu giáo.

2. Giáo dục tiểu học

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp theo hướng mỗi xã (phường, thị trấn) có 01 trường tiểu học. Những xã có quy mô quá lớn (trên 30 lớp) hoặc địa hình quá phức tạp, có thể xem xét để 02 trường tiểu học.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 531 trường tiểu học với khoảng 25 vạn học sinh.

3. Giáo dục trung học cơ sở

Tiếp tục thực hiện sáp nhập đối với những trường trung học cơ sở có quy mô quá nhỏ. Giảm sỹ số học sinh/lớp để tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy học.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 384 trường trung học cơ sở với khoảng 18 vạn học sinh, trong đó có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 42 trường phổ thông dân tộc bán trú.

4. Giáo dục trung học phổ thông

Ổn định mạng lưới trường trung học phổ thông. Giảm sỹ số học sinh/lớp để tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy học. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật trường trung học phổ thông dân tộc nội trú số 2 Nghệ An, trường trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 91 trường trung học phổ thông với khoảng 10 vạn học sinh trong đó có 02 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông, 01 trường trung học phổ thông chuyên.

5. Giáo dục thường xuyên

Toàn tỉnh có 21 trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó có 02 trung tâm tỉnh và 19 trung tâm huyện. Mỗi xã, phường, thị trấn có 01 trung tâm học tập cộng đồng.

Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu người học. Khuyến khích hình thức học từ xa, học qua mạng.

6. Trung cấp chuyên nghiệp

Cũng cố mạng lưới các trường Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo trong tỉnh nhằm thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên người Nghệ An vào học tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 03 trường trung cấp chuyên nghiệp. Ngoài ra đào tạo trung cấp chuyên nghiệp còn được thực hiện ở các trường cao đẳng.

7. Các trường Cao đẳng và đại học

Định hướng quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Nghệ An phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gồm 6 trường cao đẳng và 13 trường đại học.

III. Các giải pháp phát triển

1. Nhóm giải pháp về quản lý

a) Đổi mới tư duy quản lý theo hướng quản lý chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Tăng cường công tác xây dựng quy hoạch phát triển đến từng địa phương, từng cơ sở giáo dục; nâng cao tính pháp lý trong xây dựng và thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển đúng hướng và hiệu quả. Coi giáo dục và đào tạo là một ngành không chỉ đóng vai trò công ích mà còn cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.

b) Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, công cụ quản lý giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập phát triển, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục đào tạo, bảo đảm quyền lợi của người học. Xây dựng cơ chế chính sách đối với trường trọng điểm để phát triển các mô hình chất lượng cao mang tính đột phá, trong đó cụ thể hóa chính sách huy động xã hội hóa giáo dục đối với loại hình trường này.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác tuyển dụng cán bộ, giáo viên; công tác quản lý tài chính và xây dựng cơ sở vật chất. Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các chủ thể tham gia quản lý giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

2. Nhóm giải pháp về tổ chức dạy học

a) Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến đặc biệt là công nghệ thông tin trong dạy học. Tích cực xây dựng và củng cố hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia.

b) Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm định; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Kết quả kiểm định phải phản ánh được đúng thực tế.

c) Tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, dân tộc. Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng trường đạt chuẩn chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đưa hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú thành những trường hàng đầu về chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc.

d) Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện, nhất là ở cấp tiểu học. Tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục tin học, ngoại ngữ.

3. Nhóm giải pháp về nhân lực

a) Quy hoạch đội ngũ giáo viên giai đoạn 2012 - 2020 và những năm tiếp theo đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm để đảm bảo 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn đạt chuẩn đào tạo; nâng tỷ lệ giáo viên được đào tạo trên chuẩn lên 65% đối với giáo viên mầm non, 90% đối với giáo viên tiểu học, 90% đối với giáo viên trung học cơ sở, 35% đối với giáo viên trung học phổ thông vào năm 2015 và đến năm 2020 có 75% giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên; 95% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, 95% giáo viên THCS có trình độ đại học, 60% giáo viên trung học có trình độ thạc sỹ trở lên. Bồi dưỡng tăng cường năng lực và tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội tự nghiên cứu và học tập suốt đời.

c) Đào tạo, bồi dưỡng và bố trí giáo viên dạy học các bộ môn khoa học bằng tiếng nước ngoài ở một số trường trọng điểm.

d) Tiếp tục thực hiện các biện pháp giải quyết giáo viên dôi dư. Thực hiện việc tuyển dụng và quản lý viên chức theo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, hợp đồng, quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức. Xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm.

4. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội

a) Thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ và ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và chính sách tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo theo quy định.

b) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất trường trung học phổ thông dân tộc nội trú số 2 Nghệ An, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở thuộc 5 huyện miền núi cao và huyện Quỳ Hợp, hệ thống trườngởphor thông dân tộc bán trú trung học cơ sở thuộc các xã đặc biệt khó khăn nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các vùng miền, các đối tượng.

5. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, tài chính

a) Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, đảm bảo cho các cơ sở giáo dục và đào tạo có đủ diện tích khuôn viên theo quy định, đặc biệt là ở bậc học mầm non, hệ thống trường chuyên biệt và trọng điểm.

b) Trên cơ sở đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo, có chính sách và biện pháp huy động sự đóng góp từ phía người sử dụng lao động thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ Giáo dục do các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp.

c) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp khả năng huy động nguồn lực và cơ chế chính sách phát triển của Trung ương, của tỉnh theo hướng giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2015) ưu tiên đầu tư xây dựng kiên cố hóa và chuẩn hóa; giai đoạn 2 (2016-2020) tiếp tục đầu tư xây dựng chuẩn hóa trên diện rộng và hiện đại hóa ở một số cơ sở trọng điểm, điển hình.

6. Nhóm giải pháp về xã hội hóa giáo dục

a) Tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách về xã hội hoá giáo dục để các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá giáo dục.

b) Phát huy vai trò, tác dụng tích cực của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng giáo dục các cấp; xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, cộng đồng và xã hội trong việc tham gia làm chuyển biến chất lượng, phát triển giáo dục.

c) Đẩy mạnh phong trào tự làm và sử dụng thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

download.com.vn