Quyết định 1904/QĐ-LĐTBXH - Hướng dẫn mới về thủ tục hưởng chế độ thai sản
Nội dung chi tiết:
Ngày 28/12/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 1904/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo hiểm xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung thủ tục Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội như sau:
- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đủ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ cho người nộp hồ sơ. Đối với trường hợp cần xác minh lại thời gian đóng bảo hiểm thì thời hạn này được kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
- Trong trường hợp không cấp lại sổ bảo hiểm cho người đề nghị, cơ quan bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Hồ sơ đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm gồm: Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.
BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1904/QĐ-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH 1904/QĐ-LĐTBXH
VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội và Chánh Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo hiểm xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
THỦ TỤC HÀNH CHÍNHMỚI BAN HÀNH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNGQUẢN LÝNHÀ NƯỚC CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNTG BINH VÀ XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-LĐTBXH ngày 28 tháng 12năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Phần I. DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành
TT | Tên thủ tục hành chính | Lĩnh vực | Cơ quan thực hiện |
1 | Hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam | Bảo hiểm xã hội | Cơ quan bảo hiểm xã hội |
2. Danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung
TT | Số hồ sơ TTHC | Tên TTHC | Tên văn bản QPPL quy định | Lĩnh vực | Cơ quan thực hiện | Ghi chú |
1 | B-BLD-286209-TT | Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lần đầu | Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam | Bảo hiểm xã hội | Cơ quan bảo hiểm xã hội |
|
2 | B-BLD-286211-TT | Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội | Như trên | Như trên | Như trên |
|
3 | B-BLD-286213-TT | Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động | Như trên | Như trên | Như trên |
|
4 | B-BLD-286214-TT | Hưởng chế độ ốm đau | Như trên | Như trên | Như trên |
|
5 | B-BLD-286215-TT | Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai, lao động nữ mang thai hộ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai. | Như trên | Như trên | Như trên |
|
6 | B-BLD-286216-TT | Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con | Như trên | Như trên | Như trên |
|
7 | B-BLD-286217-TT | Hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi | Như trên | Như trên | Như trên |
|
8 | B-BLD-286218-TT | Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con; người chồng khi lao động nữ mang thai hộ sinh con | Như trên | Như trên | Như trên |
|
9 | B-BLD-286219-TT | Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con | Như trên | Như trên | Như trên |
|
10 | B-BLD-286220-TT | Hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ khi lao động nữ mang thai hộ sinh con | Như trên | Như trên | Như trên |
|
11 | B-BLD-286221-TT | Hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản | Như trên | Như trên | Như trên |
|
12 | B-BLD-286222-TT | Hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc | Như trên | Như trên | Như trên |
|
13 | B-BLD-286223-TT | Hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội | Như trên | Như trên | Như trên |
|
14 | B-BLD-286224-TT | Hưởng bảo hiểm xã hội một lần | Như trên | Như trên | Như trên |
|
15 | B-BLD-286226-TT | Hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội và người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết | Như trên | Như trên | Như trên |
|
16 | B-BLD-286227-TT | Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất của người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết | Như trên | Như trên | Như trên |
|
17 | B-BLD-286229-TT | Chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội | Như trên | Như trên | Như trên |
|
PHẦN II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Tên thủ tục hành chính “Hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam”.
a) Trình tự thực hiện:
Bước 1: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần nộp đơn đề nghị cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Cách thức thực hiện:
Nộp hồ sơ thông qua hình thức giao dịch điện tử hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
c) Thành phần và số lượng hồ sơ:01 bộ, bao gồm:Đơn đề nghị.
d) Thời hạn giải quyết:
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
e) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người nước ngoài đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
h) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:Cơ quan bảo hiểm xã hội theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
i) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định về việc chuyển đổi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
k) Lệ phí: Không.
l) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
m) Căn cứ pháp lý:
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
2. Tên thủ tục hành chính “Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lần đầu”.
a) Trình tự thực hiện và thời hạn giải quyết:
Bước 1:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2:
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không cấp thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Cách thức thực hiện:
Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua hình thức giao dịch điện tử theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
c) Thành phần và số lượng hồ sơ:01 bộ, bao gồm:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
d) Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
e) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
* Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018);
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
-Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
* Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
* Đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động là người giúp việc gia đình, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hằng tháng.
- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
+ Thuộc diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
+ Đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
* Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Người sử dụng lao động, người lao động là công dân Việt Nam và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
h) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
Cơ quan bảo hiểm xã hội theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
i) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Sổ bảo hiểm xã hội
k) Lệ phí: Không.
l) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
m) Căn cứ pháp lý:
Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014.
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ghi chú: Thủ tục hành chính này đã bổ sung một số nội dung về: yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC, đối tượng thực hiện TTHC và căn cứ pháp lý.
3. Tên thủ tục hành chính “Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội”.
a) Trình tự thực hiện và thời hạn giải quyết:
Bước 1:Người lao động nộp hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2:Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; Trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày.
Trường hợp không cấp thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Cách thức thực hiện:Nộp hồ sơ trực tiếp.
c) Thành phần và số lượng hồ sơ: 01 bộ, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;
- Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng
d) Thời hạn giải quyết: Trong 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày.
e) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Người lao động bị hỏng hoặc mất sổ bảo hiểm xã hội.
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người lao động là công dân Việt Nam, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
h) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
Cơ quan bảo hiểm xã hội theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
i) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp lại
k) Lệ phí: Không.
l) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
m) Căn cứ pháp lý:
Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014.
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ghi chú: Thủ tục hành chính này đã bổ sung một số nội dung về: đối tượng thực hiện TTHC và căn cứ pháp lý.
4. Tên thủ tục hành chính “Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động”:
a) Trình tự thực hiện và thời hạn giải quyết:
Bước 1:
Người lao động khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội phải nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2:
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định và cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp.
c) Thành phần và số lượng hồ sơ:01 bộ, bao gồm:
- Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.
□ Giấy tờ của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra Tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
d) Thời hạn giải quyết: trong 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
e) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Người lao động có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Người lao động là công dân Việt Nam; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội.
h) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
Cơ quan bảo hiểm xã hội theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
i) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp lại.
k) Lệ phí: Không.
l) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
m) Căn cứ pháp lý:
Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014.
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ghi chú: Thủ tục hành chính này đã bổ sung một số nội dung về: thành phần hồ sơ, đối tượng thực hiện TTHC và căn cứ pháp lý.
.......
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết