Quyết định 2413/QĐ-BTC - Thay đổi thời hạn phối hợp kiểm tra vi phạm về Hải quan, Thuế

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 783,7 KB
Lượt tải: 44
Nhà phát hành: Bộ Tài chính


Chia sẻ bởi Taifull.net:Quyết định 2413/QĐ-BTC: Ngày 23/11/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2413/QĐ-BTC về Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế. Quyết định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Nội dung chi tiết:

Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2413/QĐ-BTC ngày 23/11/2017 về Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế. Theo đó, thay đổi thời hạn phối hợp kiểm tra, xác minh vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, Thuế giữa hai cơ quan như sau: 

- Đơn vị phối hợp phải kiểm tra, xác minh và trả lời cho đơn vị đề nghị trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu (quy định cũ không giới hạn thời gian);

Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, phải trả lời và nêu rõ lý do cho đơn vị đề nghị biết trong vòng 03 ngày làm việc, giảm 02 ngày so với quy định cũ

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2413/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TRAO ĐỔI THÔNG TIN VÀ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA CƠ QUAN HẢI QUAN VÀ CƠ QUAN THUẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13;

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:

1. Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế.

2. Các Phụ lục:

a) Phụ lục 1. Danh mục thông tin cơ quan Thuế trao đổi, cung cấp.

b) Phụ lục 2. Danh mục thông tin cơ quan Hải quan trao đổi, cung cấp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 574/QĐ-BTC ngày 30/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các văn bản hành chính có liên quan ban hành trước đây có nội dung khác với quy định trong Quy chế này thì áp dụng theo quy định tại Quy chế này.

Điều 3. Thủ trưởng cơ quan Hải quan, Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Website của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan;
- Lưu: VT, TCHQ (160).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

QUY CHẾ

TRAO ĐỔI THÔNG TIN VÀ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA CƠ QUAN HẢI QUAN VÀ CƠ QUAN THUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2413/QĐ-BTC ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cụ thể việc trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế các cấp (sau đây gọi chung là hai cơ quan), bao gồm:

1. Trao đổi, cung cấp thông tin về người nộp thuế thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi chung là doanh nghiệp);

2. Phối hợp đánh giá và áp dụng kết quả đánh giá tuân thủ, xếp hạng rủi ro doanh nghiệp trong quản lý hải quan, quản lý thuế;

3. Phối hợp đánh giá, công nhận và áp dụng chế độ ưu tiên trong quản lý hải quan, quản lý thuế đối với doanh nghiệp được công nhận theo quy định của pháp luật;

4. Phối hợp thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế, hải quan;

5. Phối hợp xử lý những bất cập, vướng mắc trong quy trình nghiệp vụ và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý hải quan, quản lý thuế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị của hai cơ quan, bao gồm:

1. Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế;

2. Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố và Cục Thuế tỉnh, thành phố;

3. Chi cục Hải quan, đơn vị tương đương và Chi cục Thuế.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Nguyên tắc trao đổi, cung cấp thông tin:

a) Việc trao đổi, cung cấp thông tin phải đảm bảo kịp thời, chính xác và đầy đủ theo quy định tại Quy chế này và các quy định khác của pháp luật;

b) Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin kết nối, chia sẻ, tích hợp thông tin, dữ liệu phù hợp với điều kiện hệ thống thông tin của mỗi cơ quan trong từng thời kỳ;

c) Thông tin, dữ liệu trao đổi giữa hai cơ quan chỉ sử dụng cho mục đích nghiệp vụ của cơ quan được cung cấp. Khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin cho bên thứ ba (không thuộc cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế) phải trao đổi và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cung cấp. Đối với thông tin trao đổi giữa hai cơ quan thuộc danh mục thông tin mật, bên tiếp nhận thông tin có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

d) Thông tin trao đổi giữa hai cơ quan là thông tin chính thức để sử dụng trong công tác nghiệp vụ thuế và hải quan. Bên cung cấp thông tin chịu trách nhiệm về độ tin cậy, chính xác của thông tin đã cung cấp.

2. Nguyên tắc phối hợp công tác:

a) Việc phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện dựa trên chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;

b) Khi phát sinh vướng mắc thì được bàn bạc thống nhất giải quyết kịp thời. Nếu chưa thống nhất thì báo cáo cấp trên của mỗi cơ quan, ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của đơn vị cấp trên là căn cứ để đơn vị cấp dưới thực hiện; nếu còn ý kiến khác thì báo cáo Bộ Tài chính;

c) Việc phối hợp xử lý các vi phạm về hải quan, thuế phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan nào thì chuyển hồ sơ về cơ quan đó xử lý. Kết quả xử lý được thông báo cho cơ quan chuyển giao biết.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TRAO ĐỔI, CUNG CẤP THÔNG TIN

Điều 4. Thông tin trao đổi, cung cấp giữa hai cơ quan

1. Nội dung thông tin chi tiết trao đổi, cung cấp của mỗi cơ quan được chi tiết tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế có trách nhiệm chủ động tổ chức thu thập thông tin, phối hợp rà soát, cập nhật và thống nhất chi tiết các nội dung trao đổi, cung cấp thông tin tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quyết định này để đảm bảo phù hợp với thực tế quản lý hệ thống thông tin và yêu cầu quản lý của từng cơ quan.

Điều 5. Hình thức, cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin

1. Việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa hai cơ quan được thực hiện tại từng cấp, theo ba (03) hình thức dưới đây:

a) Truyền nhận dữ liệu tự động: Kết nối, truyền nhận định kỳ dữ liệu số lượng lớn giữa hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của hai cơ quan;

b) Truy vấn dữ liệu: Khai thác dữ liệu trực tuyến thông qua webservice hoặc ứng dụng tra cứu dữ liệu của từng cơ quan trên cơ sở kết nối hệ thống của hai cơ quan;

c) Trao đổi thông tin trực tiếp giữa hai cơ quan.

2. Truyền nhận dữ liệu tự động:

a) Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu tập trung tại Tổng cục; phối hợp kết nối, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu quản lý của mỗi cơ quan;

b) Việc kết nối hệ thống trao đổi thông tin, dữ liệu được thực hiện hàng ngày giữa hai cơ quan Tổng cục theo Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quyết định này, trên cơ sở phù hợp với thực trạng hệ thống thông tin của từng bên;

c) Hai cơ quan sử dụng chữ ký số theo quy định của Bộ Tài chính trong việc truyền nhận dữ liệu tự động.

3. Truy vấn dữ liệu:

a) Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng, phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu tập trung tại Tổng cục, cho phép cơ quan sử dụng kết nối, truy cập khai thác dữ liệu trực tuyến của cơ quan cung cấp theo yêu cầu nghiệp vụ của mỗi cơ quan;

b) Việc truy vấn dữ liệu được thực hiện trực tuyến (online) giữa hai cơ quan Tổng cục theo Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quyết định này, trên cơ sở phù hợp với thực trạng hệ thống thông tin của từng bên;

c) Hai cơ quan sử dụng chữ ký số theo quy định của Bộ Tài chính trong việc truy vấn, khai thác dữ liệu.

4. Trao đổi thông tin trực tiếp giữa hai cơ quan:

a) Việc trao đổi thông tin trực tiếp được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a.1) Thông tin không đáp ứng yêu cầu cung cấp theo khoản 2 và khoản 3 Điều này;

a.2) Thông tin phục vụ quản lý theo chuyên đề, xử lý các vụ việc hoặc phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ cụ thể;

a.3) Thông tin quản lý chế độ Mật theo quy định của pháp luật;

a.4) Thông tin về phương thức, thủ đoạn, xu hướng trốn thuế, gian lận thuế và các vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế khác trong từng thời kỳ.

b) Hình thức trao đổi thông tin trực tiếp bao gồm:

b.1) Văn bản, tài liệu chứa đựng các nội dung thông tin liên quan;

b.2) Bảng (file) dữ liệu được định dạng theo các biểu mẫu;

b.3) Nội dung trao đổi trực tiếp thông qua các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo giữa đại diện của hai cơ quan.

c) Việc trao đổi thông tin tại điểm a khoản này được thực hiện trên cơ sở văn bản của cơ quan đề nghị. Kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan cung cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan đề nghị trong thời hạn cụ thể như sau:

c1) Thời hạn trao đổi thông tin giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế; giữa các Cục Hải quan với Cục Thuế; giữa Chi cục Hải quan với Chi cục Thuế trên cùng địa bàn tối đa là 03 ngày làm việc, đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 05 ngày làm việc.

c2) Thời hạn trao đổi thông tin giữa hai cơ quan ở khác địa bàn tối đa là 05 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt, đơn vị được đề nghị phải kiểm tra, xác minh hoặc thu thập, tổng hợp từ những nguồn thông tin không có sẵn, thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 07 ngày làm việc.

Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về nội dung thông tin và thời gian cung cấp thông tin, Bên cung cấp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bên đề nghị biết để tiếp tục phối hợp.

Điều 6. Đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin

Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế được thực hiện qua các đầu mối đơn vị tại từng cấp.

1. Các đơn vị đầu mối của cơ quan Hải quan, bao gồm:

a) Cục Quản lý rủi ro, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý, Vụ Thanh tra Kiểm tra, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan.

b) Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (Đơn vị quản lý rủi ro cấp Cục Hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan và Đội Kiểm soát hải quan).

c) Chi cục Hải quan.

2. Các đơn vị đầu mối của cơ quan Thuế, bao gồm:

a) Ban Quản lý rủi ro, Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Vụ Thanh tra, Vụ Kiểm tra nội bộ, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Vụ Dự toán thu thuế, Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Cục Công nghệ thông tin.

b) Cục Thuế tỉnh, thành phố.

c) Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

download.com.vn