Quyết định 2799/QĐ-TCHQ - Quy chế xử lý kỷ luật đối với công chức ngành Hải quan

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 590,1 KB
Lượt tải: 52
Nhà phát hành: Tổng cục Hải quan


Taifull.net giới thiệu:Quyết định 2799/QĐ-TCHQ: Ngày 26/09/2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 2799/QĐ-TCHQ về Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Nội dung chi tiết:

Ngày 26/09/2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 2799/QĐ-TCHQ về Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan. 

Theo đó, ngoài các hình thức chính xử lý hành vi vi phạm của công chức hải quan thì còn áp dụng 05 hình thức xử lý bổ sung như:

  • Công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật từ 03 lần trở lên trong thời hạn 03 năm nhưng chưa đến mức Buộc thôi việc thì đưa vào diện tinh giản biên chế;
  • Không bố trí làm nghiệp vụ hải quan trong thời hạn 01 năm đối với hình thức khiển trách, 02 năm đối với hình thức cảnh cáo, 03 năm đối với hình thức hạ bậc lương trở lên;
  • Đưa ra khỏi quy hoạch;
  • Đánh giá, phân loại, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
  • Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (nếu có) theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các văn bản pháp, luật liên quan và quy định tại Quy chế này.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2799/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH 2799/QĐ-TCHQ

BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA CÔNG VỤ VÀ XỬ LÝ, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008 và Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 ngày 04/8/2007 và Luật số 27/2012/QH12 ngày 23/11/2012;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015;

Căn cứ Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Nghị định 12/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 về việc sửa đổi bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 2435/QĐ-TCHQ ngày 19/8/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy định trách nhiệm của công chức hải quan khi thực hiện nghiệp vụ hải quan và xử lý công chức hải quan có hành vi vi phạm nghiệp vụ hải quan, nhũng nhiễu, tham nhũng.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thứ trưởng BTC Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Thứ trưởng BTC Vũ Thị Mai (để b/c);
- Thanh tra Bộ (để b/c);
- Lãnh đạo Tổng cục (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, TTr (05b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

QUY CHẾ

KIỂM TRA CÔNG VỤ VÀ XỬ LÝ, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về hoạt động kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan (sau đây gọi tắt là công chức Hải quan) có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy chế, quy định của ngành Hải quan nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Người vi phạm là công chức Hải quan có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy chế, quy định của ngành Hải quan, bị phát hiện và phải bị xử lý theo quy định của Quy chế này.

2. Vi phạm nhiều lần là trường hợp người vi phạm thực hiện hành vi vi phạm mà trước đó đã thực hiện nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.

3. Tái phạm là trường hợp người vi phạm mà trước đó đã thực hiện hành , vi vi phạm đã bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý, nay tiếp tục vi phạm.

4. Vi phạm có tổ chức là trường hợp cá nhân này cấu kết với tổ chức, cá nhân khác để cùng thực hiện hành vi vi phạm.

5. Cố ý vi phạm là trường hợp cá nhân nhận thức được hành vi của mình là vi phạm nhưng vẫn thực hiện.

6. Nhũng nhiễu là lời nói, thái độ cử chỉ hách dịch, cửa quyền của công chức Hải quan khi thực thi công vụ gây khó khăn phiền hà, làm tăng thủ tục hành chính, làm phát sinh các chi phí ngoài quy định hoặc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục khác đối với cá nhân, tổ chức.

7. Tham nhũng là hành vi của công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao khi thực hiện công vụ hoặc cố tình làm trái các quy định của pháp luật vì vụ lợi.

8. Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà công chức Hải quan đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng.

9. Lệnh kiểm tra là văn bản của người có thẩm quyền cho phép tiến hành việc kiểm tra đột xuất mang tính cấp thiết để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị của đơn vị tại thời điểm kiểm tra mà không ban hành quyết định.

10. Kiểm tra công khai là cách thức trực tiếp nghe báo cáo tại cơ quan, đơn vị được kiểm tra, kiểm tra hồ sơ, tài liệu, hệ thống thông tin, nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

11. Kiểm tra bí mật là hình thức hóa trang, bí mật sử dụng các phương tiện, kỹ thuật như: Máy ghi hình (camera), máy chụp ảnh, máy ghi âm để ghi lại hình ảnh, âm thanh về hành vi vi phạm của công chức Hải quan.

Điều 3. Thời hiệu, thời hạn, thẩm quyền, trình tự thủ tục xử lý vi phạm.

Thời hiệu, thời hạn xử lý vi phạm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm áp dụng theo quy định hiện hành của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Nguyên tắc kiểm tra: Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Nguyên tắc xử lý vi phạm.

a) Mọi hành vi vi phạm được phát hiện phải ngăn chặn và xử lý kịp thời, khách quan, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; hành vi vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán hoặc được ghi nhận tại biên bản cuộc họp của đơn vị.

b) Công chức Hải quan có trách nhiệm báo cáo, thông tin về các hành vi vi phạm do mình phát hiện đến người có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hoặc lãnh đạo trực tiếp.

c) Việc xử lý người vi phạm phải được tiến hành công khai tại cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm đang công tác.

d) Người vi phạm đã luân chuyển, điều động vẫn bị xem xét xử lý về hành vi vi phạm.

đ) Người vi phạm có hành vi vi phạm chưa tới mức bị xử lý kỷ luật, tùy theo mức độ vi phạm thì nhắc nhở, phê bình hoặc hạ mức xếp loại công chức tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hoặc thời điểm hành vi vi phạm bị phát hiện.

e) Các hành vi vi phạm chưa được quy định tại Quy chế này thì căn cứ vào các văn bản có liên quan để xử lý theo quy định.

Điều 5. Các trường hợp được miễn xử lý, chưa xem xét xử lý

Các trường hợp được miễn xử lý, chưa xem xét xử lý hành vi vi phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Điều 5, Điều 6 Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Điều 6. Các trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng khi xử lý vi phạm

1. Các tình tiết giảm nhẹ

a) Người vi phạm đã chủ động báo cáo hành vi vi phạm, tự giác nhận khuyết điểm.

b) Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm; tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

c) Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo.

2. Các tình tiết tăng nặng

a) Không tự giác nhận khuyết điểm, che dấu hành vi vi phạm do mình gây ra.

b) Cản trở, cố tình hủy tài liệu, chứng cứ gây khó khăn trong công tác kiểm tra.

c) Vi phạm nhiều lần; tái phạm; thực hiện nhiều hành vi vi phạm; vi phạm có tổ chức.

3. Áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

a) Những tình tiết là căn cứ xử lý, kỷ luật thì không áp dụng là tình tiết tăng nặng.

b) Khi có những tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều này nhiều hơn so với các tình tiết tăng nặng tại khoản 2 Điều này từ 02 tình tiết trở lên thì được xử lý, kỷ luật nhẹ hơn một mức. Nếu hình thức xử lý kỷ luật là Khiển trách thì có thể không xử lý kỷ luật mà hạ mức xếp loại công chức của tháng có hành vi vi phạm hoặc tháng phát hiện hành vi vi phạm.

c) Khi có những tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều này bằng hoặc nhiều hơn so với các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều này thì không được giảm nhẹ hình thức xử lý, kỷ luật.

d) Khi có 02 tình tiết tăng nặng trở lên mà không có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét xử lý, kỷ luật nặng hơn một mức.

Điều 7. Xác định lỗi, tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm

1. Việc xác định lỗi, tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người có thẩm quyền quyết định trên cơ sở ý kiến Hội đồng kỷ luật (nếu có) và theo quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành, thiệt hại xảy ra trên thực tế, mức độ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ngành.

2. Việc xác định lỗi, tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật do người đứng đầu đơn vị xem xét, quyết định.

Điều 8. Các hình thức xử lý hành vi vi phạm

1. Người có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, nếu là công chức thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ và theo quy định tại Quy chế này.

2. Người có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, nếu là viên chức thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ và theo quy định tại Quy chế này.

3. Người vi phạm có hành vi vi phạm chưa tới mức bị xử lý kỷ luật, thì tùy theo mức độ vi phạm bị nhắc nhở, phê bình hoặc hạ mức xếp loại công chức.

4. Người có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật còn bị áp dụng bổ sung các hình thức xử lý sau:

a) Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (nếu có) theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các văn bản pháp, luật liên quan và quy định tại Quy chế này.

b) Đánh giá, phân loại: xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ (loại D): 01 tháng kể từ khi quyết định kỷ luật có hiệu lực. Hạ một mức phân loại đánh giá công chức bị kỷ luật ở năm tương ứng.

c) Đưa ra khỏi quy hoạch (nếu công chức trong quy hoạch cán bộ); không giới thiệu vào quy hoạch cán bộ trong thời hạn 01 năm đối với hình thức khiển trách, 02 năm đối với hình thức cảnh cáo, 03 năm đối với hình thức hạ bậc lương trở lên (trừ trường hợp kỷ luật buộc thôi việc), kể từ khi quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành.

d) Không bố trí làm nghiệp vụ hải quan trong thời hạn 01 năm đối với hình thức Khiển trách, 02 năm đối với hình thức Cảnh cáo, 03 năm đối với hình thức Hạ bậc lương trở lên (trừ trường hợp kỷ luật buộc thôi việc), kể từ khi quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành.

đ) Công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật từ 03 lần trở lên trong thời hạn 03 năm nhưng chưa đến mức Buộc thôi việc thì đưa vào diện tinh giản biên chế.

Chương II

QUY TRÌNH KIỂM TRA

Điều 9. Thẩm quyền quyết định kiểm tra

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hành Quyết định kiểm tra hoặc Lệnh kiểm tra và kế hoạch kiểm tra đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố ký ban hành Quyết định kiểm tra hoặc Lệnh kiểm tra và kế hoạch kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp.

..........

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

download.com.vn