Quyết định 364/QĐ-VKSTC - Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 464 KB
Lượt tải: 301
Nhà phát hành: Viện KSND tối cao


[Có thể bạn cần] Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Mời các bạn cùng tham khảo.

Nội dung chi tiết:

Ngày 02/10/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Theo đó, đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, người tiến hành tố tụng của Tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo. 

Quyết định 364/QĐ-VKSTC - Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------o0o--------

Số: 364/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

- Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; sau khi đã được Hội đồng thẩm định Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẩm định.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 567/2012/QĐ-VKSTC ngày 08/10/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự năm 2012.

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Lưu: VT, Vụ 9.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

 QUY CHẾ

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02 tháng 10 năm 2017 của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí của công tác

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự) là công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.

Điều 2. Đối tượng của công tác

Đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, người tiến hành tố tụng của Tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Điều 3. Phạm vi của công tác

1. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).

2. Quy chế này được áp dụng trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kể cả vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;

2. Kiểm sát việc thụ lý vụ việc dân sự;

3. Kiểm sát việc Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ; yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc tự mình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện quyền kháng nghị;

4. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án;

5. Kiểm sát kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

6. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;

7. Tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, phiên họp, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc tại phiên tòa, phiên họp;

8. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án;

9. Yêu cầu Tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị;

10. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật;

11. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành bản án, quyết định của Tòa án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

12. Tiếp nhận, giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt;

13. Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (HĐTP TAND) tối cao theo thủ tục đặc biệt;

14. Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị khác theo quy định của pháp luật;

15. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định tại các điều 57, 62 và khoản 3 Điều 368 BLTTDS.

Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp thì Viện trưởng trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký Quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp. Phó Viện trưởng ký quyết định phân công phải ghi rõ là “ký thay Viện trưởng”.

2. Việc gửi quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 24 và Điều 25 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là TTLT số 02/2016) .

Điều 6. Kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, nếu phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND và Điều 21 BLTTDS. Việc kiến nghị có thể đối với từng vi phạm cụ thể hoặc tập hợp nhiều vi phạm nhưng phải kịp thời.

Điều 7. Xử lý việc khiếu nại, tố cáo

Khi nhận được khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì đơn vị tiếp nhận chuyển khiếu nại, tố cáo cho đơn vị có chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết. 

download.com.vn