Quyết định 418/QĐ-TTg - Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 110 KB
Lượt tải: 187
Nhà phát hành: Thủ tướng Chính phủ


Sưu tầm - Quyết định 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 04 năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020.

Nội dung chi tiết:

Quyết định 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 04 năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
Số: 418/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2012

 QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

----------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 (sau đây viết tắt là Chiến lược) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Tập trung thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.

3. Nhà nước tăng mức đầu tư và ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, các sản phẩm quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

4. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích sáng tạo khoa học và công nghệ.

5. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là mục tiêu đồng thời là giải pháp quan trọng để góp phần đưa khoa học và công nghệ Việt Nam sớm đạt trình độ quốc tế. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ phải được thực hiện tích cực, chủ động, sáng tạo, bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm.

b) Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước tăng trung bình 15 - 20%/năm. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đặc biệt tăng nhanh số lượng sáng chế được tạo ra từ các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước.

c) Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm.

d) Đến năm 2015, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 9 - 10 người trên một vạn dân; đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế 5.000 kỹ sư đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.

Đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 11 - 12 người trên một vạn dân; đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế 10.000 kỹ sư đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.

đ) Đến năm 2015, hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học và công nghệ; 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học và công nghệ; 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

III. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ

a) Về tổ chức khoa học và công nghệ

Tái cấu trúc và quy hoạch lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

Tập trung đầu tư phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam trở thành hai tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu quốc gia và ASEAN. Nâng cao năng lực của các trường đại học về nghiên cứu cơ bản. Xây dựng tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm ít nhất một tổ chức khoa học và công nghệ mạnh gắn với tiềm năng, lợi thế của vùng, liên kết chặt chẽ với các trường đại học để đào tạo nhân lực, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chủ yếu từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

b) Về cơ chế quản lý khoa học và công nghệ

Đổi mới cơ bản cơ chế quản lý khoa học và công nghệ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhanh chóng nâng cao hiệu quả đầu tư và đóng góp thiết thực của khoa học và công nghệ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới phương thức xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, bao gồm đề xuất, lựa chọn và xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bảo đảm tính thực tiễn, khoa học và liên ngành. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xác định và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm thuộc phạm vi quản lý. Tăng tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có khả năng thương mại hóa.

Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch và cạnh tranh trong tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ liên kết, phối hợp để thực hiện các nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quốc gia và trình độ quốc tế. Thực hiện thẩm định, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế trong việc giao, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đổi mới cơ chế tài chính thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ ở các Bộ, ngành, địa phương.

Đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ theo hướng tạo động lực và lợi ích thiết thực để giải phóng và phát huy sức sáng tạo của cán bộ khoa học. Áp dụng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Bảo đảm lợi ích chính đáng của các tác giả có phát minh, sáng chế.

Đổi mới hệ thống quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ theo hướng tinh giản, tập trung cho xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách; tăng cường năng lực điều phối liên ngành, liên vùng, bảo đảm phân công, phân cấp; giảm bớt chức năng tác nghiệp cụ thể.

c) Về cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ

Triển khai mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; phát triển các hình thức hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư.

Chuyển cơ chế cấp phát tài chính để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sang cơ chế quỹ. Triển khai nhanh chóng và đồng bộ hệ thống các quỹ khoa học và công nghệ bao gồm các quỹ quốc gia, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ theo đặt hàng của Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương, của các doanh nghiệp và tổ chức khác.

Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.

2. Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ

Tập trung đầu tư phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm; liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ cùng tính chất, lĩnh vực, hoặc liên ngành; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm quốc gia. Nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản của các trường đại học trọng điểm quốc gia. Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trung tâm thông tin khoa học và công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở Trung ương và địa phương.

Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở các ngành, các cấp.

Phát triển hệ thống các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, các chợ công nghệ và thiết bị. Bảo đảm thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các sáng chế. Tổ chức triển lãm giới thiệu các thành tựu đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ.

3. Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên

a) Khoa học xã hội và nhân văn

Nghiên cứu và dự báo các xu thế phát triển của mỗi khu vực và thế giới nửa đầu thế kỷ XXI, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, sự phát triển của nền kinh tế tri thức và tác động đến con đường phát triển của Việt Nam.

Tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nghiên cứu lý luận phát triển trong thời đại mới để cung cấp luận cứ cho việc xác định và làm rõ con đường phát triển của Việt Nam phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước.

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu đổi mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; tăng cường hiệu lực pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.Nghiên cứu, xác định mô hình phát triển và cơ cấu kinh tế, đề xuất các giải pháp phát triển nhanh và bền vững của đất nước, các vùng, địa phương; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ và của nền kinh tế. Nghiên cứu quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, nâng cao vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu.

Nghiên cứu đặc điểm, cơ cấu và xu thế phát triển của xã hội Việt Nam; nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý xã hội; xác định điều kiện, biện pháp, lộ trình xây dựng một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, kỷ cương, dân chủ, văn minh.

Nghiên cứu đặc điểm hình thành và phát triển văn hóa, dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam phục vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nghiên cứu con người Việt Nam với tư cách là chủ thể xã hội, phát triển toàn diện, mang đậm tính nhân văn và các giá trị văn hóa tốt đẹp, có khả năng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng và triển khai chương trình phát triển khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đến năm 2020.

b) Khoa học tự nhiên

Kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.Xây dựng luận chứng khoa học để nắm vững quy luật, điều kiện tự nhiên góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu trước mắt và lâu dài của đất nước như: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020. Triển khai chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 đến 2020.

Chú trọng phát triển một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển bền vững. Nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, quá trình biến đổi khí hậu để làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng.

c) Các hướng công nghệ ưu tiên

- Công nghệ thông tin và truyền thông:

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đạt tiêu chuẩn, trình độ quốc tế trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, bảo đảm thực hiện tăng doanh thu hàng năm đạt 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10%.

Đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm thương hiệu Việt Nam như: Công nghệ phần mềm và nội dung số; công nghệ thiết kế, chế tạo mạch tích hợp, bộ nhớ dung lượng cao; công nghệ đa phương tiện; công nghệ đa truy nhập; trí tuệ nhân tạo; công nghệ an toàn và an ninh mạng; phát triển hệ thống trung tâm tính toán hiệu năng cao.

Nghiên cứu, xây dựng hệ điều hành cho máy tính, máy tính bảng, thiết bị di động trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở. Nghiên cứu và phát triển công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị cho mạng viễn thông và mạng di động thế hệ sau, tiến tới triển phát triển công nghệ mạng hội tụ cố định và di động. Nghiên cứu và phát triển các hệ thống hỗ trợ tìm kiếm ngôn ngữ tiếng Việt, xử lý văn bản tiếng Việt, hỗ trợ dịch thuật, nhận dạng tiếng nói, chữ viết trên cơ sở ngôn ngữ tiếng Việt.

Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng xác thực điện tử trong giao dịch điện tử; phát triển chính phủ điện tử thế hệ mới; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam.

- Công nghệ sinh học:

Nghiên cứu phát triển có trọng điểm trong các công nghệ nền của công nghệ sinh học: Công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzym-protein, công nghệ tin sinh học, nano sinh học… để nâng cao trình độ công nghệ sinh học quốc gia.

Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học vào một số lĩnh vực chủ yếu: Nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, đóng góp ngày càng gia tăng cho nền kinh tế.

Phát triển công nghệ sinh học tập trung vào các công nghệ phục vụ các nhiệm vụ dưới đây:

+ Chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán và điều trị bệnh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ tế bào gốc để chữa trị các loại bệnh nguy hiểm, bệnh mới phát sinh ở người.

+ Sản xuất vắc-xin, dược phẩm, thuốc thú y, sinh phẩm chẩn đoán; các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón chức năng; thuốc sinh học phòng trừ sâu, bệnh; nhiên liệu sinh học; nhân nhanh giống cây trồng sạch bệnh.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

download.com.vn