Quyết định 4591/QĐ-BGDĐT - Phấn đấu 100% sinh viên ĐH được đào tạo tăng cường ngoại ngữ
Nội dung chi tiết:
Ngày 02/11/2017, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 4591/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020) của ngành Giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2020 như phấn đấu 100% sinh viên đại học, sinh viên sư phạm được triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ, 100% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông; 80% thanh niên ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt trình độ trung học cơ sở...Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải nội dung tại đây.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4591/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN II (2016-2020) CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020);
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020) của ngành Giáo dục.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN II (2016-2020) CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4591/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trong toàn ngành Giáo dục;
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020) của Thủ tướng Chính phủ.
2. Yêu cầu
- Bám sát nội dung của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhằm thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ/giải pháp cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020) của Thủ tướng Chính phủ theo phân công;
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
II. MỤC TIÊU
1. Giáo dục học sinh, học viên, sinh viên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
2. Nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ và tin học, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho học sinh, học viên, sinh viên.
3. Đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng tài năng trẻ, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế.
4. Giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên.
5. Nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho học sinh, học viên, sinh viên.
III. MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2020
1. 100% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 80% thanh niên ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt trình độ trung học cơ sở; 100% sinh viên đại học, sinh viên sư phạm được triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ.
3. 100% các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Có ít nhất 90% sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Mỗi cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm
4. Có ít nhất 70% học sinh, học viên, sinh viên được trang bị kiến thức về kỹ năng sống, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới.
IV. NHIỆM VỤ/GIẢI PHÁP
1. Giáo dục học sinh, học viên, sinh viên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa ; ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội
a) Tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, học viên, sinh viên, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, có ý thức tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có ước mơ, hoài bão đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
b) Triển khai thực hiện Đề án về ứng xử văn hóa trong trường học sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ và tin học, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho học sinh, học viên, sinh viên
a) Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức để học sinh, học viên, sinh viên thuộc hộ nghèo; học sinh, sinh viên thuộc nhóm yếu thế, là người dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên ở vùng miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không bỏ học;
b) Rà soát số thanh niên chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và báo cáo;
c) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ các nhóm thanh niên yếu thế được đi học;
d) Triển khai các hoạt động về tăng cường dạy học ngoại ngữ trong nhà trường; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, theo nhiều hình thức: Trực tiếp, từ xa, trực tuyến... để nâng cao trình độ cho người học.
3. Đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng tài năng trẻ, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế
a) Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;
b) Tổ chức đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên là học sinh, sinh viên tại các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên.
4. Giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho học sinh, sinh viên
a) Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học;
b) Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hệ thống các câu lạc bộ tài năng, sở thích cho học sinh, sinh viên.
5. Nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên
a) Tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình cho học sinh, sinh viên trong các cấp học phổ thông; cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo sư phạm;
b) Tăng cường tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.