Quyết định 510/2013/QĐ-TTg - Đề án "Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại"
Nội dung chi tiết:
Quyết định 510/2013/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại" do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 510/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TIẾP TỤC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại" với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
Đề án đưa ra các giải pháp, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại, từ đó có những đánh giá đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc tổng kết, báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định những chủ trương tiếp theo. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại với các nội dung sau:
a) Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh; duy trì hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập và thành lập thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh.
b) Mở rộng việc thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc xác định địa phương thực hiện mở rộng thí điểm phải dựa trên các yêu cầu, tiêu chí sau:
- Đảm bảo tính đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, theo đó địa bàn mở rộng thí điểm phải có các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các vùng, miền khác nhau (miền Bắc, miền Trung, miền Nam).
- Các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khá ổn định.
- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự lớn và dựa trên nhu cầu của người dân, xã hội trong việc thực hiện Thừa phát lại.
- Sự quyết tâm, sẵn sàng của các cơ quan, tổ chức tại địa phương thí điểm.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định lựa chọn địa phương thực hiện thí điểm sau khi thống nhất ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính.
c) Thống nhất chủ trương, kế hoạch thí điểm Thừa phát lại
Đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương có văn bản để quán triệt các cấp ủy Đảng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các địa phương về thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội.
Các Bộ, ngành có liên quan; cấp ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm quán triệt, thống nhất nhận thức về chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước.
Thời gian thực hiện: Trong suốt quá trình thí điểm.
d) Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế phục vụ việc mở rộng thí điểm
Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời rà soát, nghiên cứu, nếu cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành việc thí điểm chế định Thừa phát lại.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện thí điểm ban hành các văn bản theo thẩm quyền tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai tổ chức thực hiện thành công thí điểm Thừa phát lại.
Thời gian thực hiện: Quý I và II năm 2013.
đ) Tập huấn, bổ nhiệm Thừa phát lại; thành lập, đăng ký hoạt động cho các Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương thực hiện thí điểm chế định này.
Thời gian thực hiện: Quý I và II năm 2013.
e) Tuyên truyền về Thừa phát lại
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Thừa phát lại bằng nhiều hình thức khác nhau. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền về Thừa phát lại.
Thời gian thực hiện: Trong suốt thời gian thí điểm.
g) Tăng cường công tác hợp tác quốc tế về Thừa phát lại
Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện Thừa phát lại; tranh thủ các nguồn lực của các tổ chức quốc tế và thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ đó đối với việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại.
Thời gian thực hiện: Trong suốt thời gian thí điểm.
h) Kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại.
Việc kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đề nghị các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại quan tâm giám sát về thực hiện thí điểm.
Thời gian thực hiện: Trong suốt thời gian thí điểm.
i) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan giúp Chính phủ sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội.
2. Tổ chức thực hiện
a) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Đề án
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc thực hiện Đề án; tổ chức việc sơ kết, tổng kết theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội.
- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan cân đối ngân sách bảo đảm đủ, kịp thời kinh phí cho việc thực hiện Đề án.
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Thừa phát lại.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phối hợp, cung cấp thông tin trong việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các nội dung Đề án theo quy định pháp luật và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện Đề án.
- Cấp ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan tại địa phương triển khai hiệu quả việc thí điểm.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các địa phương mở rộng thí điểm xây dựng Đề án thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại địa phương mình trình Bộ Tư pháp phê duyệt; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời báo cáo Tỉnh ủy, Thành ủy quán triệt thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, bảo đảm thực hiện thí điểm thành công; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc sơ kết, tổng kết hoạt động Thừa phát lại.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
b) Kinh phí thực hiện
Kinh phí cho việc xây dựng, thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ nội dung Đề án đã được phê duyệt, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán về thực hiện Đề án. Trong đó, cân đối để bố trí ngay kinh phí cho việc tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình để có biện pháp giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về kinh phí phục vụ cho việc thực hiện thí điểm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thí điểm chế định Thừa phát lại chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |