Quyết định 634/QĐ-LĐTBXH - Kế hoạch cấp thẻ an sinh xã hội điện tử trên toàn quốc
Nội dung chi tiết:
Quyết định 634/QĐ-LĐTBXH - Kế hoạch cấp thẻ an sinh xã hội điện tử trên toàn quốc
Ngày 29/05/2018, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 634/QĐ-LĐTBXH về Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2020 Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030. Theo đó:
- Thực hiện cấp thẻ an sinh xã hội điện tử nhằm giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý các chính sách trợ giúp xã hội, hộ nghèo, người có công, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Từng bước tích hợp với các loại giấy tờ công dân khác như: Sổ hưởng trợ cấp, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân…
- Giai đoạn 2017 – 2018: Hỗ trợ thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử tại 1 – 3 tỉnh, thành phố, dự kiến là Quảng Ninh, Cần Thơ hoặc Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh.
- Giai đoạn 2019 – 2020: Hỗ trợ cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội.
Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 634/QĐ-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2020 Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.
Điều 2. Các cơ quan, đơn vị liên quan theo nhiệm vụ, trách nhiệm được giao tại Kế hoạch này, phê duyệt Kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện bảo đảm mục tiêu, tiến độ đề ra; gửi Kế hoạch chi tiết về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Giao Cục Bảo trợ xã hội chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai Kế hoạch này và tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Bộ theo quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 634/QĐ-LĐTBXH ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 708 giai đoạn 2018 - 2020 như sau:
Phần I
ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI
I. Tình hình đối tượng an sinh xã hội và dự báo đến năm 2025
1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội
a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo
Theo số liệu thống kê, đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội tăng từ 700 nghìn người (năm 2007) lên gần 2,78 triệu người năm 2017, chiếm 3% dân số, trong đó có: hơn 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; khoảng 96 nghìn người già cô đơn; 913 nghìn người khuyết tật và tâm thần; hơn 60 nghìn trẻ em mồ côi, còn lại là các đối tượng khác. Cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập, công suất nuôi dưỡng trên 42 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội. Hàng triệu lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ đã được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đột xuất kịp thời. Hàng năm, Chính phủ dành ngân sách lớn để chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đến cuối năm 2017 cả nước còn trên 1,6 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 6,72% và 1,3 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,32%. Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hàng năm, có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt; 29 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; người thuộc hộ cận nghèo tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế được ngân sách hỗ trợ bằng 70%-100% mệnh giá; có trên 04 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn; trên 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở...
b) Đối tượng hưởng chính sách người có công
Đến nay cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công; có 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp
Tính đến 31/10/2017, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cả nước đã đạt gần 80 triệu người, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 13,2 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 220 nghìn người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,4 triệu người, bảo hiểm y tế là gần 80 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 85% dân số.
2. Dự báo đối tượng đến năm 2025
a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo
Khoảng 3 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, chiếm 3% dân số (trong đó trên 30% là người cao tuổi).
Giai đoạn 2016-2020, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm, các huyện nghèo giảm bình quân 4%/năm, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giảm bình quân từ 3- 4%/năm.
b) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Ước tính khoảng 29 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; có 20 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
c) Đối tượng hưởng chính sách người có công: Tổng số người có công dự kiến khoảng trên 9,2 triệu người. Tổng số người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng dự kiến khoảng 1,2 triệu người.
II. Khái quát kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về an sinh xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội (ASXH)
1. Công tác chỉ đạo, xây dựng luật pháp, chính sách về hình thành cơ sở dữ liệu an sinh xã hội
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020, trong đó đã xác định rõ quan điểm “Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội với người dân”; và nhiệm vụ “Xây dựng mã số an sinh xã hội để phát triển Hệ thống thông tin chính sách an sinh xã hội; Xây dựng bộ chỉ số về an sinh xã hội quốc gia và bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phát triển hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện chính sách an sinh xã hội hàng năm”.
Quốc hội đã ban hành Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ mục tiêu “Cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi... Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động... Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên quy mô quốc gia, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam”
Ngoài ra, việc xây dựng cơ dữ liệu thành phần được quy định từ các bộ luật, luật quan trọng như: Bộ luật Lao động; Luật Dạy nghề; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Nuôi con nuôi; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Khám chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Giáo dục... Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình mục tiêu đều có quy định xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (HTTT&CSDL) chuyên ngành về các hợp phần của hệ thống an sinh xã hội như: Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi thông tin về bảo vệ trẻ em tích hợp với hệ thống thống kê dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em”; Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 31/10/2014 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”, trong đó có nhiệm vụ “ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học nghề...; tích hợp toàn bộ dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu đào tạo lao động...”; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, trong đó có nhiệm vụ “Điều tra, thu thập thông tin và, xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thông tin liệt sỹ. Đẩy mạnh mô hình trao đổi, thu thập thông tin; phát triển các hệ thống cung cấp thông tin liên quan đến hài cốt liệt sỹ”.
Trên cơ sở đó, các Bộ ngành đã chủ động ban hành các văn bản ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành như:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1663/QĐ-LĐTBXH ngày 02/12/2016 phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng các phần mềm và CSDL chuyên ngành và đưa vào khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành về: Lao động, người có công và các đối tượng chính sách xã hội...; xây dựng các quy định, hướng dẫn thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu, CSDL chuyên ngành nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân; tăng cường kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Bộ, ngành,...”.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 640/QĐ-BHXH ngày 28/4/2016 phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với dữ liệu đầy đủ, được làm sạch và cập nhật của tất cả các đối tượng, đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) theo yêu cầu của Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh Mục Cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử…”.
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 445/QĐ-BYT ngày 5/2/2016 phê duyệt kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế, trong đó nêu rõ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ các nhu cầu thiết yếu của công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý ngành y tế...”; Quyết định số 5004/QĐ-BYT ngày 19/9/2016 về việc phê duyệt mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin khám chữa bệnh BHYT; Kế hoạch số 266/KH-BYT ngày 10/3/2017 về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2017.
Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, nhằm “Hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên cơ sở xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, nhằm thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm việc kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác,…”.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các Bộ, ngành bước đầu triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
2. Hệ thống chỉ tiêu theo dõi, quản lý chính sách an sinh xã hội
a) Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 ban hành hệ thống chỉ tiêu quốc gia, trong đó có các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực an sinh xã hội gồm:
(i) Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) gồm 9 chỉ tiêu:
- Lao động - việc làm (2 chỉ tiêu): Số lao động được tạo việc làm, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm theo hợp đồng,
- Dạy nghề (4 chỉ tiêu): Số cơ sở dạy nghề, số giáo viên dạy nghề, số học sinh học nghề, Chi cho hoạt động dạy nghề,
- Bảo trợ xã hội (3 chỉ tiêu): Số người tàn tật được trợ cấp, số người được hỗ trợ xã hội thường xuyên, Số người được hỗ trợ xã hội đột xuất.
(ii) Lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, gồm 5 chỉ tiêu:
Số người đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Số người được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Số dư cuối kỳ, số tăng trong kỳ của quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
(iii) Lĩnh vực Giáo dục, đào tạo gồm 4 chỉ tiêu:
Số học sinh trung cấp chuyên nghiệp; Số sinh viên cao đẳng; Số sinh viên đại học; Chi cho hoạt động giáo dục và đào tạo.
(iv) Lĩnh vực Y tế gồm 6 chỉ tiêu:
Tỷ lệ mắc, chết mười bệnh cao nhất tính trên 100.000 người dân; Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; Số trẻ em dưới 15 tuổi mắc, chết do các loại bệnh có vắc xin tiêm chủng; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; Số người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS, số người chết do AIDS; Số phụ nữ mang thai từ 15 - 25 tuổi có HIV.
(v) Lĩnh vực ngành Công an gồm 2 chỉ tiêu:
Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; Số xã, phường không có người nghiện ma túy.
(vi) Lĩnh vực Tư pháp gồm 1 chỉ tiêu: Số lượt người được trợ giúp pháp lý.
b) Hệ thống chỉ tiêu cấp Bộ, ngành
Trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu quốc gia, xuất phát từ nhu cầu quản lý một số Bộ, ngành xây dựng hệ thống chỉ tiêu quản lý, chế độ báo cáo thống kê cấp Bộ như:
(i) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành ban hành theo Thông tư số 30/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24/11/2011. Trong đó, có 23 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ASXH với kỳ công bố hàng năm, do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thu thập, tổng hợp cụ thể:
- Lao động - việc làm (3 chỉ tiêu): Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, Số lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam được cấp phép.
- Dạy nghề (3 chỉ tiêu): Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm, Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, Số người được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Người có công (4 chỉ tiêu): Số lượt người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, Số lượt người được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần, Số hộ người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở, Số công trình ghi công liệt sỹ).
- Trợ giúp xã hội - Giảm nghèo (7 chỉ tiêu): Kinh phí trợ giúp xã hội, Số cơ sở bảo trợ xã hội, Số đối tượng hỗ trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế, Số hộ nghèo, Số hộ thoát nghèo, Số hộ nghèo phát sinh, Tổng kinh phí giảm nghèo.
- Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (6 chỉ tiêu): Số trẻ em, Số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, Số xã/phường và tỷ lệ xã/phường phù hợp với trẻ em, Số cơ sở có trợ giúp trẻ em.
Với 23 chỉ tiêu được ban hành nhưng các chỉ tiêu báo cáo vẫn còn chung chung, chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước (chủ yếu là chỉ tiêu đầu vào) nhất là công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách. Trên cơ sở chỉ tiêu do Bộ ban hành, các lĩnh vực sẽ tùy vào nhu cầu quản lý để xây dựng bộ chỉ tiêu báo cáo hàng năm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng bộ chỉ tiêu chưa có văn bản chung dẫn đến thông tin thiếu chính xác, không cập nhật và đa phần bị chồng chéo.
(ii) Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 982/QĐ-BHXH ngày 12/7/2016 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê ngành BHXH.
(iii) Bộ Y tế ban hành Danh mục Hệ thống chỉ số cơ bản ngành Y tế kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BYT ngày 14/02/2014 bao gồm 88 chỉ tiêu cấp bộ, chưa kể rất nhiều chỉ số, chỉ tiêu phục vụ cho quản lý từng lĩnh vực cụ thể tại các đơn vị Cục, Vụ, Viện và các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Y tế quản lý.
(iv) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 39/2011/TT-BGDĐT ngày 15/9/2011 về ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê giáo dục và đào tạo gồm 47 chỉ tiêu, trong đó một số chỉ tiêu có phân tổ theo loại hình; tỉnh/thành phố; khối lớp; giới tính, dân tộc; đối tượng chính sách, khuyết tật; tuyển mới, lưu ban, bỏ học; học 2 buổi/ngày; độ tuổi; trường phổ thông dân tộc bán trú. Tuy nhiên, không thấy có các chỉ tiêu về trợ giúp xã hội cho các đối tượng.
(v) Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03/12/2013 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê ngành tư pháp với 3 chỉ tiêu về trợ giúp pháp lý, gồm: Số lượt người được trợ giúp pháp lý; số vụ việc trợ giúp pháp lý; số kiến nghị trong trợ giúp pháp lý.
............
Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết